10 công nghệ kỹ thuật hình sự mới nhất

Thứ Sáu, 13/02/2015, 11:00
Nhận dạng từ mẫu thủy tinh, công nghệ chụp ảnh ánh sáng thay thế hay tái tạo hình khuôn mặt bằng công nghệ 3D... là những kỹ thuật mới đang được lực lượng cảnh sát thế giới áp dụng trong phòng chống tội phạm.

1. Công nghệ laze nhận dạng đồng vị nhạy cảm trên mẫu thủy tinh

Việc ghép lại một cách chính xác những mảnh rất nhỏ của tấm kính hay chiếc cốc thủy tinh bị vỡ có liên quan đến tội phạm để tìm những dấu vết như hướng đi của viên đạn, lực tác động, vật tác động… hoặc so sánh mẫu thủy tinh rất nhỏ từ trước đến nay gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, với việc phát triển công nghệ laze nhận dạng đồng vị nhạy cảm trên mẫu thủy tinh (LA-ICP-MS), máy công nghệ có thể phân tích và khớp nối các mảnh thủy tinh thu thập được ở vị trí chính xác cao nhất để tái tạo được hình dạng giống như ban đầu nhất. Đồng thời có thể làm vỡ các mẫu thủy tinh nhỏ tới cấu trúc nguyên tử, sau đó, các nhà khoa học hình sự có thể so sánh mảnh thủy tinh nhỏ thu được trên quần áo nghi phạm với mẫu thủy tinh thu được ở hiện trường.

2. Công nghệ chụp ảnh ánh sáng thay thế

Việc xác định thương tích trên cơ thể người hoặc động vật trong nhiều trường hợp phải sử dụng đến phẫu thuật, mất nhiều thời gian và tác động đến hình dạng ban đầu của thương tích. Sử dụng camera dùng công nghệ chụp ảnh ánh sáng thay thế với ánh sáng xanh và bộ lọc màu da cam, kỹ thuật viên hình sự có thể thu được hình ảnh chính xác về thương tích trên cơ thể ẩn dưới da một cách nhanh và chính xác nhất.

Cũng nhờ công nghệ này, trong nhiều vụ án, cảnh sát có thể xác định nhanh mức độ thương tích của nạn nhân để yêu cầu nhân viên y tế có sự can thiệp kịp thời cứu mạng sống nạn nhân.

3. Công nghệ chụp ảnh đạn tốc độ cao

Công nghệ này cho phép các chuyên gia sử dụng máy ảnh tốc độ cao để chụp lại đường đạn thực nghiệm nhằm xác định đường đạn, vị trí lỗ đạn, vết thương do súng và hướng mảnh vỡ… Máy ảnh sử dụng công nghệ này có thể chụp lại được đường đi của tất cả các loại đạn do súng thông thường bắn ra hiện nay và cho hình ảnh sắc nét thông qua chế độ chụp tự động liên thanh ở tốc độ cực cao.

4. Bộ so sánh quang phổ video 2000

Với máy quay sử dụng quang phổ, các điều tra viên và kỹ thuật viên hình sự có thể soi chiếu các mẫu giấy viết rất nhỏ, xác định được chữ viết bị che giấu hoặc rất mờ, từ đó xác định được chất lượng giấy in và mẫu chữ viết gốc. Trong một số trường hợp, công nghệ này có thể so sánh và đưa ra kết quả phân tích các mẫu giấy đã bị phá hủy bởi cháy hoặc nước mà mắt thường không thể xác định được.

5. Công nghệ truy sâu dữ liệu số (XFT)

Trong nhiều trường hợp, đối tượng phạm tội rất tự tin trong việc che giấu các file dữ liệu ổ cứng máy tính. Công nghệ này cho phép điều tra viên hoặc kỹ thuật viên hình sự truy sâu và tìm ra được các dữ liệu số trên bộ nhớ máy tính dù bị che giấu hoặc phá hoại tinh vi đến đâu. Công nghệ cũng cho phép khôi phục tương đối hoàn hảo dữ liệu, xác định chính xác thời gian dữ liệu này được lập và bị xóa, bị phá hoại.

6. Công nghệ tái tạo hình khuôn mặt công nghệ 3D

Sử dụng ứng dụng công nghệ 3D, các nhà khoa học đã phát triển phần mềm tái tạo hình ảnh khuôn mặt ba chiều chính xác như mặt người nguyên bản với những đặc điểm cơ bản. Dựa trên các hình ảnh này, điều tra viên có thể xác định danh tính và truy nguyên đối tượng. Công nghệ này cũng cho phép ra lệnh tái tạo tượng sáp với kích cỡ và hình ảnh giống hệt người thật.

7. Bộ sắp xếp ADN

Thông thường, kỹ thuật hình sự sử dụng phương pháp so sánh mẫu ADN thu được từ xương, lông, tóc, tinh dịch… để xác định đối tượng. Tuy nhiên, trong trường hợp những mẫu xương, da, thịt… đã quá lâu, bị phân hủy nặng thì cần một công cụ hữu hiệu hơn. Bộ sắp xếp ADN cho phép các kỹ thuật viên hình sự phân tích và sắp xếp lại chuỗi ADN chính xác nhất của mẫu phẩm, từ đó truy nguyên được danh tính nạn nhân hoặc đối tượng của vụ án .

8. Công nghệ các bon 14

Công nghệ này được phát triển trên công nghệ các bon truyền thống vốn được dùng trong ngành khảo cổ, cho phép các kỹ thuật viên hình sự xác định được chính xác hơn thời gian tồn tại của mẫu vật vô danh. Từ đó, có thể xác định được thời gian nạn nhân ra đời, thời gian chết, phục vụ điều tra án.

9. Công nghệ nhận dạng vân tay tự động (AFIS)

Công nghệ này chủ yếu dựa trên một hệ thống cơ sở dữ liệu vân tay thu thập được từ hiện trường vụ án xảy ra trước đó và từ các đối tượng được cập nhật thường xuyên. Khi một vụ án xảy ra, các kỹ thuật viên hình sự thu được mẫu vân tay tại hiện trường hoặc lấy vân tay của nghi phạm rồi sử dụng AFIS để cho kết quả so sánh cực nhanh và chính xác trong cơ sở dữ liệu. Từ đó, có thể xác định nhanh danh tính hoặc truy nguyên đối tượng.

10. Phần mềm kế toán kỹ thuật hình sự

Phần mềm này giúp ích đắc lực các điều tra viên trong điều tra các vụ án liên quan đến tài chính kế toán. Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ, vi phạm các quy định về pháp luật hiện hành, phần mềm sẽ tự động làm sáng các đoạn chữ có dấu hiệu khả nghi đó kèm theo chú thích về việc căn cứ điều nào, khoản nào vi phạm để các điều tra viên có thể kiểm tra nhanh chóng. Phần mềm cũng tự động phát hiện các khoản chuyển tiền đáng ngờ, các thủ tục hải quan sai phép, các dữ liệu được tẩy xóa không chính đáng... 

Hoàng Đoàn
.
.
.