Còn 10 quận, huyện bị tạm dừng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc

Chủ Nhật, 14/06/2020, 17:08
Năm 2020 vẫn còn 10 quận, huyện bị dừng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc vì có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 28% trở lên; và có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 53 người trở lên.


Lao động 10 quận, huyện sẽ không được tham gia kỳ thi tiếng Hàn

Quyết định này được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) căn cứ Bản ghi nhớ về Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc (Chương trình EPS) với mục tiêu, lộ trình giảm lao động cư trú bất hợp pháp giai đoạn 2018 – 2020 và sau khi thống nhất với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc. 

Tuy nhiên 2 đối tượng lao động trên các địa bàn trên vẫn được đăng ký dự thi. Thứ nhất, người lao động đã từng làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS trong ngành ngư nghiệp về nước đúng hạn hợp đồng (bao gồm trường hợp người lao động có hộ khẩu thường trú tại các địa phương không tuyển chọn trong ngành ngư nghiệp hoặc tạm dừng tuyển chọn năm 2020);

Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc.

Thứ hai, người lao động đã từng làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS trong ngành ngư nghiệp và ở lại cư trú bất hợp pháp nhưng đã tự nguyện về nước trong khoảng thời gian Chính phủ Hàn Quốc thực hiện chính sách miễn xử phạt đối với người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện trình diện để về nước trong các giai đoạn: từ ngày 1-4-2016 đến hết ngày 31-12-2016, từ ngày 10-7-2017 đến hết ngày 10-10-2017, từ ngày 1-10-2018 đến hết ngày 31-3-2019 và từ ngày 11-12-2019 đến ngày 30-6-2020.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, ngoài 10 quận, huyện tạm dừng, còn có 21 quận, huyện trong diện cảnh báo có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn từ 28% trở lên.

Ông Liêm cũng cho biết thêm, căn cứ theo thông báo của phía Hàn Quốc về tỷ lệ và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp vào thời điểm cuối năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH cũng  sẽ tiếp tục thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2021 đối với các địa phương không giảm được tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp. Đồng thời gỡ bỏ việc tạm dừng đối với những địa phương giảm được tỷ lệ và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Nỗ lực giảm tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước

Từ tháng 8-2012, Việt Nam đã không ký được Bản ghi nhớ (MOU) bình thường về đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Do tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước cao (lên đến 55% vào cuối năm 2011, đầu năm 2012).

Sau thời gian triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm giảm lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, ngày 17-5-2016, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký bản MOU bình thường, chính thức nối lại việc phái cử và tiếp nhận lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS sau gần 4 năm bị gián đoạn.

Theo thoả thuận MOU về Chương trình EPS ký ngày 23-3-2018, Việt Nam đang thực hiện lộ trình giảm lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và giảm tỉ lệ lao động không về nước khi hết hạn hợp đồng. Ông Liêm cho hay, Việt Nam đã và đang tiếp tục tăng cường tuyển chọn, đào tạo người lao động. Người lao động được bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi lao động tại nước ngoài.

Cục tăng cường quản lý, hỗ trợ lao động tại Hàn Quốc khi gặp vấn đề khúc mắc. Phối hợp với các địa phương có tỉ lệ lao động bỏ trốn không về nước cao thực hiện tuyên truyền, vận động, thông tin cho gia đình, chính quyền địa phương vào cuộc tích cực. Thông qua thân nhân để vận động người lao động khi hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn.

Nhờ các giải pháp giảm tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp, số lượng quận, huyện tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc đã giảm từ 40 quận, huyện năm 2019 xuống còn 10 quận, huyện năm 2020. Hiện tỉ lệ lao động không về nước khi hết hạn hợp đồng đã giảm  xuống còn dưới 20% (năm 2018 là 34%), lao động cư trú hợp pháp từ 14.000 người xuống còn 12.000 người.

Được biết, tỷ lệ lao động bỏ trốn được phía Hàn Quốc theo dõi trên hệ thống và thông báo cho phía Cục Quản lý lao động ngoài nước hàng tháng. Bên cạnh đó, việc người lao động hết hạn hợp đồng nhưng cư trú bất hợp pháp sẽ được Hàn Quốc theo dõi và thông báo. Việc Hàn Quốc phân bổ chỉ tiêu tăng hay giảm là dựa trên cân nhắc tỷ lệ người lao động hết hạn nhưng không về nước.

10 quận, huyện tạm dừng xuất khẩu lao động Hàn Quốc 2020: Nghệ An (huyện Nghi Lộc, TX.Cửa Lò, huyện Nam Đàn); Thanh Hóa (huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, TP.Thanh Hoá); Hà Tĩnh (huyện Nghi Xuân, Kỳ Anh); Thái Bình (huyện Tiền Hải); Quảng Bình (huyện Bố Trạch).
Lý Hà
.
.
.