1001 kiểu xử lý "vấn nạn rác"

Thứ Năm, 18/05/2017, 10:32
Nhiều độ thị lớn trên thế giới đang đứng trước "vấn nạn rác" mà chưa tìm được cách giải quyết triệt để.

Sự thừa nhận của Bộ trưởng Môi trường Italia Gian Luca Galletti cho thấy, hệ thống cơ sở hạ tầng hiện tại của vùng Lazio không đủ khả năng giải quyết vấn nạn rác và bộ này cũng chưa có phương án khả thi giải quyết cuộc khủng hoảng, bất chấp việc rác thải ngập phố.

Việc này diễn ra sau khi Thị trưởng Rome Virginia Raggi cho biết, bà đã đề nghị chính quyền Lazio cấp kinh phí và xây dựng thêm các khu xử lý chất thải bên ngoài thành phố.

Nhưng đề nghị này dường như bị rơi vào quên lãng, khiến rác thải tràn ngập đường phố ở Thủ đô, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân và mỹ quan thành phố.

Trong khi đó Thủ hiến vùng Lazio, ông Nicio Zingaretti lại tuyên bố, không nhận được yêu cầu từ Văn phòng Thị trưởng Rome.

Hình ảnh rác thải không được xử lý ở Rome được chia sẻ trên một fanpage trên Facebook.

Cựu Thủ tướng Matteo Renzi đã kêu gọi chấm dứt những cuộc tranh cãi và đổ lỗi cho nhau, để tập trung giải quyết vấn nạn rác. Bởi tình hình càng tồi tệ hơn khi thời tiết nóng bức, nhiệt độ tăng làm mùi xú uế từ rác thải bốc lên nồng nặc.

Theo giới truyền thông, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng rác thải tại Rome, trong đó có việc thiếu nhân viên cùng thiết bị thu gom rác, số lượng bãi chôn lấp rác quá ít và nạn tham nhũng tràn lan.

Theo giới truyền thông, Cộng hòa Czech là một trong những quốc gia Liên minh châu Âu thực hiện nghiêm túc việc phân loại rác trước khi đưa đến nhà máy tái chế hoặc bãi rác tiêu hủy. Bởi tại các thành phố, không kể nhà tư, mỗi tòa chung cư đều có thùng rác riêng.

Và hiện nước này có 270.000 thùng rác các loại dành cho 10,5 triệu dân, trong đó thùng đổ rác hữu cơ có màu đen và rác sẽ bị tiêu hủy tại bãi rác, còn thùng rác vô cơ được chia thành 6 loại theo màu sắc cho từng loại rác tương ứng.

Rác vô cơ sau khi phân loại được chở đến nhà máy để xử lý. 80% lượng giấy và thủy tinh được sử dụng ở nước này là sản phẩm tái chế từ rác thải.

Điều này không những mang lại lợi ích lớn cho quốc gia, mà còn cho cả các công ty xử lý rác. Rác độc hại không thể cho vào thùng rác hỗn hợp lẫn thùng rác phân loại, đó là pin, ắc quy, bóng đèn tiết kiệm điện và bóng đèn lưu huỳnh, các hóa chất và các thiết bị chứa hóa chất, đồ điện cỡ lớn (tivi, tủ lạnh...), lốp ôtô, xe máy.

Người dân có thể giao nộp pin, ắc quy và bóng đèn đã qua sử dụng tại bãi rác thành phố, các cửa hàng đồ điện tử hoặc các siêu thị trên khắp cả nước.

Được biết, trong năm 2016, khoảng 1.600 tấn pin đã được thu gom từ các container chuyên biệt và từ số pin cũ, các nhà máy xử lý rác thu được 270 tấn thép, 344 tấn kẽm, 336 tấn mangan, 25 tấn niken và 25 tấn đồng. Theo giới chuyên môn, việc ra đời của trang web www.jaktridit.cz chuyên về xử lý rác (từ năm 1992) đã giúp gần 7,15 triệu người (khoảng 2/3 dân số) có ý thức phân loại rác tại gia.

Rác thải đầy tràn trên đường phố của Rome.

Trong khi đó, Cơ quan Bảo vệ Môi trường bang New South Wales (EPA) của Australia vừa lắp đặt thiết bị định vị (GPS) đối với các phương tiện bị nghi xả rác bất hợp pháp và các vật liệu nguy hiểm. Và hệ thống GPS cho phép EPA lần theo sự di chuyển của xe, cảnh cáo phương tiện này nếu họ đi đến gần các khu vực là điểm nóng xả rác bừa bãi.

EPA cho hay các xe được chọn lắp đặt hệ thống trên sau khi bị điều tra vì tình nghi thực hiện các hoạt động xả rác bất hợp pháp và quy mô lớn. Nếu địa điểm bị xả rác được tìm thấy, EPA có quyền phạt 11.500 USD đối với các tập đoàn và 5.800 USD đối với các cá nhân. Tòa có thể áp đặt mức phạt tối đa lên tới 777.000 USD cùng mức án 7 năm đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

20,3 triệu bảng Anh là mức phạt lớn nhất liên quan tới thảm họa môi trường tại Anh vừa được tòa đưa ra đối với Công ty Thames Water bởi đã xả gần 1,5 tỉ lít nước cống chưa qua xử lý ra sông Thames.

Thẩm phán Francis Sheridan tuyên bố, quy mô của sai phạm lớn tới mức lãnh đạo Công ty Thames Water không thể không biết. Theo ông Francis Sheridan, việc xả nước thải chưa qua xử lý ra sông trong hai năm 2013 và 2014 của Công ty Thames Water đã khiến hàng loạt cá và chim chết vì ô nhiễm. Và họ cũng đã thừa nhận vi phạm trong việc gây ô nhiễm nguồn nước, cùng các vi phạm khác tại những cơ sở xử lý nước thải ở Buckinghamshire và Oxfordshire.

Theo giới truyền thông, mặc dù mức phạt là kỷ lục nhưng không thấm vào đâu so với doanh thu của Công ty Thames Water - thu khoảng 2 triệu bảng Anh/ngày. Công ty Thames Water quản lý gần 110.000km đường ống cống xả thải ở Thủ đô London và vùng Thames Valley.

Và vi phạm của Công ty Thames Water đã khiến ông Michael Woodford phải xây 3km hàng rào để ngăn không cho đàn gia súc của mình ra uống nước vì sợ chúng chết khi uống phải nước bẩn.

Quốc Dũng
.
.
.