Khu đô thị… "treo" lâu nhất TP HCM và những hệ lụy đáng buồn

Thứ Bảy, 28/07/2018, 16:02
Suốt 26 năm qua, "siêu dự án" Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP HCM (hơn 426ha) bị quy hoạch "treo". Đã có rất nhiều nhà đầu tư đến đây mang bao niềm hy vọng, nhưng rồi cuối cùng họ "bỏ của chạy lấy người", để lại nỗi đau hơn 3.000 hộ dân với 13.000 nhân khẩu sống lay lắt từng ngày.


Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Sở Kế hoạch - đầu tư tham mưu, đề xuất việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới cho dự án. Như vậy, sau 26 năm, dự án này lại phải quay lại vạch xuất phát và cư dân ở đây lại tiếp tục sống trong thấp thỏm…

Sau 26 năm, dự án quay lại từ đầu

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, đây là dự án có quy mô lớn, phức tạp, nên thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án có thể kéo dài. Để tránh gây bức xúc, ảnh hưởng cuộc sống của các hộ dân trong khu vực dự án, UBND thành phố giao Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất việc cấp phép sửa chữa tạm nhà ở cho các hộ dân trong khu vực quy hoạch, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình ngay trong tháng này (7-2018).

Căn nhà bị xuống cấp và con đường vào nhà ông Đảo ở phường 28, quận Bình Thạnh.

Đặc biệt, chủ trương của thành phố đặt yêu cầu nhà đầu tư được lựa chọn phải có năng lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm thực hiện dự án quy mô lớn để đảm bảo tính khả thi, dự án được triển khai nhanh. Ngoài ra, cần nêu rõ cơ sở pháp lý, yếu tố thuận lợi chọn hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, quy trình cụ thể triển khai lựa chọn nhà đầu tư, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư.

Cụ thể, tiêu chí phải có nội dung ký quỹ với số tiền đảm bảo đủ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, có bảo lãnh hợp pháp của các tổ chức tín dụng, nhằm chọn được nhà đầu tư thực sự có năng lực tài chính và kinh nghiệm. Sau đó, trình Chủ tịch UBND thành phố xin ý kiến của Thường trực UBND Thành phố, trước khi báo cáo Thường trực Thành ủy…

Đây là diễn biến mới nhất tại dự án khu đô thị "treo" có lẽ thuộc dạng lâu nhất TP Hồ Chí Minh từ trước giờ. Trước đó, vào khoảng giữa năm 2017, UBND thành phố đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chỉ định Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco tiếp tục là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.

Mặc dù đối tác nước ngoài trong liên danh với Bitexco được phê duyệt thực hiện dự án năm 2015 là Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai, Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) không tiếp tục tham gia đầu tư dự án.

"Lịch sử" của dự án này kéo dài quá nhiều năm khiến người dân sinh sống trong khu vực phải chịu đựng biết bao cơ cực của một khu quy hoạch "treo" dai dẳng ngay trong trung tâm thành phố. Và quả thật, không phải ai cũng hiểu hết được thực trạng này, dù vẫn biết việc quy hoạch là rất cần thiết đối với một đô thị phát triển.

Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt từ năm 1992. Đến năm 2004, dự án này được giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn, nhưng sau đó đơn vị này không triển khai được. Đến năm 2010, tức là 6 năm sau, chính quyền thành phố đã phải thu hồi quyết định.

Sau đó, một đơn vị trong nước khác được UBND TP Hồ Chí Minh giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án với toàn bộ 426 ha đất, tương đương diện tích toàn phường 28, quận Bình Thạnh.

Đến cuối năm 2015, liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco và Công ty Emaar Properties PJSC được UBND TP Hồ Chí Minh chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Thanh Đa - Bình Quới, với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng.

Nhưng bất ngờ tháng 10-2016, Công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi dự án vì không đủ kiên nhẫn chờ tới lúc được bàn giao đất sạch. Sau đó, Tập đoàn Bitexco vẫn quyết theo đuổi và dự kiến bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng để biến bán đảo Bình Quới - Thanh Đa thành siêu đô thị hiện đại.

Thậm chí, vào khoảng giữa năm 2017, UBND thành phố vẫn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chỉ định Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco tiếp tục là nhà đầu tư thực hiện dự án này.

Theo đề xuất của Tập đoàn Bitexco, dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa sẽ được phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn: Giai đoạn I đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật chính (2017-2021); giai đoạn II hoàn thành các hạng mục đầu tư khác vào năm 2032. Đến nay, ngoài nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, Bitexco cho biết còn có hai ngân hàng đã cam kết tín dụng cho việc giải phóng mặt bằng dự án với số tiền khoảng 2.650 tỷ đồng…

Nỗi niềm của người dân trong khu quy hoạch "treo"

Trong diễn biến mới nhất về dự án kể trên, có thể xem đây là một thông tin đáng mừng với người dân nơi đây. Tuy nhiên, việc 26 năm quy hoạch "treo" với nhiều lần thay đổi chủ đầu tư, thì người dân nơi đây vẫn không khỏi lo lắng mọi chuyện lại tái diễn như bao năm qua vì không biết chủ đầu tư mới có đủ khả năng để thực hiện dự án, hay lại như chủ đầu tư trước nhận rồi lại để đó không làm.

Và hệ lụy ai cũng có thể thấy được, hơn 3.000 hộ dân trong khu vực bán đảo này phải chịu cảnh sống lay lắt, mỏi mòn trông chờ dự án được triển khai. Cũng vì dự án "treo" suốt thời gian dài nên dù cách trung tâm thành phố chỉ chưa đầy 5km, nơi này hiện vẫn như một ốc đảo.

Trên diện tích đất rộng lớn đó là hàng ngàn căn nhà đã cũ kỹ, lụp xụp, xuống cấp nhưng không được phép xây mới; những mảnh đất bỏ hoang, những con đường nhỏ chỉ rải đá dăm, các xe lớn khó có thể lưu thông được và nhiều vùng trũng đã được người dân cải tạo lại làm ao nuôi cá…

Cách đây không lâu, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Đảo, ở phường 28, quận Bình Thạnh, có nhà ngay sát bờ sông Sài Gòn nằm trong dự án này ngao ngán cho biết: "Nhà tôi ở đây từ năm 1976 tới giờ, đã được cơ quan thẩm quyền cấp diện tích đất khoảng 2.000m2 cho bố tôi. Lâu nay tôi biết là khu này được thành phố quy hoạch là khu du lịch hay đô thị gì đó nhưng nó cứ lằng nhằng mãi…

Nhà tôi ở đây có lẽ còn khổ hơn ở nông thôn. Cứ mỗi lần có mưa lớn hay nước triều lên là nước ngập cao tới đầu gối, thậm chí có lúc còn cao hơn. Vì thế, dù diện tích đất rộng nhưng nhà tôi không thể trồng trọt hay làm gì được, muốn đổ đất cát nâng nền đất lên cao hơn cũng không dám làm, muốn bán cũng không bán được.

Cho nên chúng tôi rất muốn thành phố chính thức trả lời có giải tỏa hay không, nếu có thì phải đền bù để cho dân biết đường tính toán cuộc sống, còn nếu không thì cũng thông báo để người dân còn yên tâm nâng nền, xây nhà, cải tạo đất hay ruộng vườn…".

Bà Năm và căn nhà tạm bợ của gia đình bà.

Có nhà thuộc khu phố 2 chạy sâu vào con đường Bình Quới đến gần khu bờ sông Sài Gòn cũng nằm trong dự án "treo" này, bà Năm than thở về nỗi khổ của "phận dân quy hoạch": "Ở đây quy hoạch lâu năm quá rồi, người dân chỉ mong giờ có quy (quy hoạch) thì quy đi còn nếu không thì phải bỏ để cho dân được xây cất, sửa chữa nhà cửa cho cuộc sống đỡ cơ cực hơn".

Vừa nói chuyện, bà Năm vừa chỉ tay bảo nhà bà xây tạm bợ từ năm 2003 nhưng do sát con nước nên gần như ngày nào cũng nếm trải chuyện ngập lụt, căn phòng ngủ của bà hôm nào cũng phải tát nước ra vì triều tràn vào…

Chị Nguyễn Thị Hiền, nhà ở khu phố 2, phường 28 cũng cho biết, miếng đất gia đình chị đang sinh sống là do cha mẹ chị hồi xưa vào hợp tác xã để lại. Mỗi một người trong hợp tác xã khi ấy được hưởng 1.400m2 là lao động chính.

"Nhà tôi trước giờ chăn nuôi bò, heo, cá. Tôi cũng muốn con tôi được cất cái chòi trên phần đất này để nó ở, nhưng ở đây chỉ có thể chăn nuôi được thôi, chứ cất nhà trên đất hợp tác xã không được phép. Chúng tôi rất mong dự án này sớm được triển khai, được đền bù giá đất hợp lý, hoặc tái định cư tại chỗ bằng nhà ở để gia đình ổn định cuộc sống, chứ cứ ''treo'' miết bao nhiêu năm qua, bà con hoang mang lắm", chị Hiền chia sẻ.

Trong khi đó, nhà bà Trần Kim Phúc (khu phố 3, phường 28) có tới 17.000m2 đất và gia đình bà ở đây đã trải qua 7 đời. "Nhà tôi đất nhiều thế nhưng giờ xin Nhà nước được cất nhà cũng vô cùng khó khăn", bà Phúc than thở.

Cũng theo bà Phúc, mấy chục năm qua, nhà cửa dột nát, đường không được sửa, làm thì trên xuống kiểm tra, không có giấy phép xây dựng sẽ đập bỏ hết. Muốn cầm cố nhà cửa, đất đai cho con cái lấy vốn làm ăn cũng không được vì nằm trong khu quy hoạch.

Theo các hộ dân phường 28, kể từ khi dự án được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt, người dân hầu như vẫn chưa lần nào được "nhìn thấy mặt" nhà đầu tư. Và đa số cư dân Thanh Đa bản xứ ở đây, ai cũng sở hữu ít nhất vài ngàn mét vuông đất, thậm chí người nhiều có đến vài ha. Tuy nhiên, lâu nay dính vào khu quy hoạch "treo" này, họ chỉ có thể sử dụng một phần để trồng lúa, sen, rau và thả cá… kiếm chút thu nhập qua ngày.

Trong cuộc họp HĐND TP Hồ Chí Minh vào chiều 11-7-2018, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cam kết, UBND thành phố sẽ triển khai nhanh, dứt điểm, không để dự án đô thị Bình Quới - Thanh Đa kéo dài thêm nữa. Ông Phong cũng nhấn mạnh việc dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa kéo dài có trách nhiệm của chính quyền thành phố.

Phú Lữ
.
.
.