13 phụ nữ không chồng dành tình thương cho trẻ mồ côi

Thứ Hai, 12/12/2016, 16:13
Các mẹ chưa một lần lấy chồng, ở làng trẻ em SOS Quy Nhơn đã vượt qua sự mặc cảm, tự ti đem tình thương của mình chăm sóc, nuôi dạy các em có hoàn cảnh đặc biệt, giúp các em vượt qua mọi nỗi đau, những mất mát trong cuộc sống.


Các mẹ mỗi người một hoàn cảnh, nỗi khổ riêng nhưng có một điểm chung đó là sự đồng cảm, tình yêu thương con trẻ. Những người mẹ chưa một lần lấy chồng nhưng vẫn được gọi bằng tiếng mẹ nghe sao thân thương. Ðó là các mẹ ở làng trẻ em SOS Quy Nhơn (TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh) đã vượt qua sự mặc cảm, tự ti đem tình thương của mình chăm sóc, nuôi dạy các em có hoàn cảnh đặc biệt, giúp các em vượt qua mọi nỗi đau, những mất mát trong cuộc sống.

Ngày 1/6/2011, làng trẻ em SOS Quy Nhơn tiếp nhận nhóm trẻ đầu tiên. Ngày 16/10/2011, làng chính thức được khánh thành. Hiện nay, làng đang chăm sóc và nuôi dạy 133 trẻ ở nhà gia đình SOS và 14 trẻ sống ở nhà thanh niên.

“Xuất phát từ tình yêu thương con trẻ”

Con đường dẫn vào làng trẻ em SOS Quy Nhơn vắng người qua lại, chỉ đến khi bước vào làng mới thấy không khí vui nhộn bởi tiếng trẻ thơ đang ê a tập đọc. Các em là những đứa trẻ có hoàn cảnh khác nhau, em thì mồ côi cha, em mồ côi mẹ, có em mồ côi cả cha lẫn mẹ, nghèo khổ nên mới phải nương tựa vào làng.

Ngôi nhà đặc biệt đầu tiên chúng tôi ghé thăm là nhà số 11 với cái tên của một loài hoa, đó là hoa tường vi. Mẹ Nguyễn Thị Tám (43 tuổi) đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho các con mình, còn những đứa trẻ đang chăm chú ngồi học bài. Thấy có khách, chưa kịp hỏi thì giọng của những đứa trẻ cất lên nghe thật ấm lòng: “Cháu chào chú ạ”, còn mẹ Tám nhanh miệng nói các con lấy nước mời chú, mẹ rửa tay vô liền.

Câu chuyện trần tình giữa chúng tôi với mẹ Tám trong ngôi nhà đặc biệt bắt đầu như thế. Ban đầu mẹ Tám còn e ngại vì mặc cảm và nghĩ chưa làm được nhiều cho các con nên mẹ không muốn nói gì thêm, đến tên mẹ còn giấu. Trò chuyện hồi lâu rồi mẹ Tám cũng thổ lộ, quê ở phường Nhơn Thành (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). 

Mẹ Tám tâm sự: “Xuất phát từ tình yêu thương con trẻ, đồng cảm với số phận của những bà mẹ sinh con ra mà không có điều kiện để chăm sóc buộc phải gửi con vào đây. Phải sống xa con họ cũng rất buồn, đau lòng vì thương, nhớ con nên mình cố gắng bù đắp cho các con”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong ngôi nhà hoa tường vi, cháu nhỏ nhất mới hơn 2 tuổi, cháu lớn năm nay 11 tuổi. Nhưng đa số các cháu ở đây đều là con của những gia đình đặc biệt khó khăn, có cháu mồ côi cha hoặc mẹ, có cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, có cháu còn cha mẹ nhưng ốm đau không nuôi nỗi đành gửi con vào làng. 

Cháu Đoàn Thị Cúc (8 tuổi, quê ở huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) nói: “Nhà cháu có 3 anh chị em nhưng bố cháu chết rồi, mẹ làm rẫy không có thể nuôi 3 chị em nên phải gửi cháu vào đây. Phải xa mẹ cháu rất buồn nhưng khi về làng cháu được mẹ Tám thương, chăm sóc như mẹ đẻ. Giờ cháu cảm thấy vui vì có thêm bạn bè, được ăn uống sinh hoạt tốt hơn khi ở nhà”.

Theo mẹ Tám, thường các cháu đang sống ở gia đình không được chăm sóc đầy đủ, quen với lối sống tự do. Vì vậy khi về đây phải mất cả tháng các cháu mới quen được sinh hoạt theo nền nếp. “Lúc các cháu mới về những thói quen như trước khi ăn cơm không rửa tay, đi ngủ không rửa chân tay, đến việc đi vệ sinh cũng không biết. Tất cả mình phải chỉ từng li, từng tí”, mẹ Tám chia sẻ.

Để có thể chăm lo chu toàn cho hơn 10 đứa con, mỗi bà mẹ được nhận về làng đều phải qua một lớp đào tạo tại Hà Nội. Những người phụ nữ quen lam lũ, trình độ văn hóa chỉ đến cấp 2 không tránh khỏi những lúng túng với việc học hành. 

“Cầm cây bút viết bài, học bài, rồi thi cử... Tất cả đều khiến chúng tôi bối rối. Thà bảo chúng tôi cuốc cỏ, dọn dẹp, giặt giũ còn thấy dễ dàng hơn. Nhiều lúc học bài không kịp, vào phòng thi, không ít người còn lo lắng, run rẩy đến phát khóc. Nhưng được sự động viên của cán bộ ở làng, chúng tôi đã vượt qua được”, mẹ Ngô Thị Đức (47 tuổi, ở phường Đập Đá, thị xã An Nhơn) hồi tưởng.

Nuôi trẻ lớn khó một, nuôi trẻ sơ sinh với các mẹ khó mười. Ngày 25/11/2011, đứa trẻ sơ sinh đầu tiên bị bỏ rơi trước cổng làng trẻ em SOS Quy Nhơn. Bé được giao vào nhà hoa đồng tiền của mẹ Đức. 

Cảm giác sợ làm rơi con trong lần đầu tiên ẵm bồng bé, lo lắng vì không một chút kinh nghiệm nuôi trẻ sơ sinh trong mẹ Đức nhanh chóng tan biến sau vài giờ đồng hồ. Thiên chức người mẹ tiềm ẩn trỗi dậy. Mẹ Đức tất tả hỏi thăm kinh nghiệm chăm trẻ nhỏ của các cô giáo, nhân viên ở làng. 

Kỳ lạ hơn, đứa trẻ lại trở thành sợi dây gắn kết giữa những đứa trẻ lớn trong nhà. Chúng cũng xúm xít phụ mẹ chăm em, nựng em. Bé được mẹ Đức đặt tên là Ngô Thanh Thảo, theo họ của mẹ. “Khoảnh khắc lần đầu tiên bé bập bẹ gọi mẹ là khoảnh khắc vui sướng nhất của tôi”, mẹ Đức tâm sự.

Nếu phải chọn lại, mẹ vẫn chọn các con

Theo ông Nguyễn Xuân Cương - Giám đốc Làng trẻ em SOS Quy Nhơn, làng hiện có 13 bà mẹ. Phần lớn họ là những phụ nữ ở các vùng quê trên địa bàn tỉnh Bình Định, tuổi từ 30 đến 50, sức khỏe tốt, không có chồng và con, tự nguyện hy sinh phần đời còn lại cho trên dưới 10 đứa trẻ mồ côi. 

Họ có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ, chuẩn bị các điều kiện để trẻ có thể hòa nhập, tự lập khi đến tuổi trưởng thành. Tựa như bao bà mẹ khác, họ còn là người tạo lập mối quan hệ tình cảm ruột thịt, đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình, giữa các gia đình trong làng.

Đã 5 năm trôi qua kể từ thời điểm những đứa trẻ đầu tiên về với làng. Cũng giống như cây đã lên xanh trên nền đất cát cằn cỗi, tạo nên khung cảnh tươi tắn, hấp dẫn du khách đến làng, mầm yêu thương của các bà mẹ trong những ngôi nhà mái đỏ cũng đã ngọt ngào cho quả đầu mùa. 

Năm học vừa qua, hơn 65% trong tổng số 147 trẻ của làng là học sinh khá, giỏi. Không chỉ là kết quả học tập tốt, niềm vui, hạnh phúc lớn nhất của những người chọn làm mẹ trẻ mồ côi ở đây là sự yêu thương gắn kết giữa con và mẹ.

Ông Nguyễn Xuân Cương cho biết: “Từ điểm chung là khao khát tình mẫu tử của người phụ nữ không có con và đứa trẻ không có gia đình, những mái ấm đã được hình thành tại làng trẻ em SOS Quy Nhơn. Đến nay, các bà mẹ đã quen việc, đảm bảo chất lượng, số lượng công việc bằng sự hy sinh, không lập gia đình riêng và tình thương dành cho trẻ mồ côi”.

Gắn bó từ những ngày đầu thành lập làng, những đứa con trong ngôi nhà hoa đồng tiền đều được đích thân mẹ Đức đưa đón đi học, chăm lo cho từng bữa cơm, giấc ngủ, đêm đêm mẹ lại cùng các con học bài, mỗi khi con đau, con ốm mẹ lại thức trắng đêm lo lắng. Từ bao giờ mẹ quên rằng các con từ đâu đến, mẹ chỉ biết chăm sóc các con, nuôi nấng các con như chính những đứa con ruột thịt của mình. Con của mẹ lần lượt khôn lớn, chỉ có mẹ thì già đi, nhưng tình thương yêu và sự chăm sóc các con thì vẫn vẹn nguyên như thế.

“Xác định vào đây là vất vả, nhưng nhìn các con khoẻ mạnh, chăm ngoan, học giỏi đó là nguồn động viên để mình vượt qua tất cả. Niềm vui của mình là các con, hạnh phúc mỗi ngày của mình cũng từ các con. Các con chính là nơi mình tìm về sau những nỗi niềm riêng trong cuộc sống. Vì thế, nếu được chọn lại lần nữa mình vẫn chọn con đường đến với các con”, mẹ Đức nói trong xúc động.

Áp lực làm mẹ của một đàn con không phải là nhỏ. 5 năm qua, đã có 4 bà mẹ xin thôi việc vì lý do không phù hợp với công việc. Nhưng những người còn lại vẫn luôn cảm ơn cuộc đời vì đã cho họ một lối rẽ ấm áp yêu thương. Những đêm vất vả thức trắng cùng con khi con đau ốm, những lần mẹ con không hiểu nhau nảy sinh mâu thuẫn... Tất cả chỉ làm tình cảm mẹ con thêm sâu sắc, gắn bó. 

Nói như mẹ Trần Thị Kim Oanh (46 tuổi, ở phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn): “Bây giờ mà phải xa chúng nó thì chỉ có chết khô, chết héo vì nhớ, vì thương mà thôi!”.

Không mang nặng đẻ đau nhưng với những người mẹ ở làng trẻ em SOS Quy Nhơn này, những sinh linh bé bỏng bị cha mẹ bỏ rơi hoặc sớm mất đi người thân đã là máu mủ ruột rà. Bằng sự tảo tần và tình yêu thương, họ xoa dịu vết thương lòng của trẻ, đảm nhận vai trò của đấng sinh thành nuôi nấng, dưỡng dục chúng nên người. Và, những ước muốn, những yêu thương của đàn con là minh chứng rõ ràng nhất cho tình yêu và sự hy sinh của các mẹ đã cảm hóa các con. 

Mẹ Phạm Thị Bích (43 tuổi, ở xã Nhơn Khánh, thị xã An Nhơn) bảo: “Hầu như chúng tôi không còn thời gian để nhớ nhà, nhớ quê. Hai ngày về phép mỗi tháng chỉ làm cho tình cảm mẹ con đầy thêm. Chúng tôi đã không nghĩ là mình đi làm để được trả lương từ lâu lắm rồi”.

Ðình Thu
.
.
.