20 năm sau ngày trở về: Sao vẫn bị coi là liệt sĩ?

Thứ Sáu, 28/09/2012, 14:46
Người thương binh ấy ngày ngày vẫn bán trà đá để vừa có tiền sinh nhai, vừa để lấy lộ phí đi tới các cơ quan công quyền xin lại cái tên của mình. Hay nói đúng hơn là xin người ta công nhận cho mình cái quyền "được sống". Nhiều khi ông cũng thấy mệt mỏi với cuộc hành trình càng đi càng dài ấy. Niềm an ủi duy nhất của "liệt sĩ" này đó là gần 20 năm qua, ông đã lặn lội trở về với chiến trường xưa và tìm lại được hơn 200 hài cốt liệt sĩ của đồng đội mình.

Trở về từ cõi chết

Năm 1973, chàng thanh niên Phạm Văn Nam lên đường nhập ngũ khi vừa qua tuổi 17. Ông được phân bổ về Đội trinh sát bộ binh, Trung đoàn 141 Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, vào chiến trường B kháng chiến. Tháng 12/1977, Trung đoàn của ông đang đi trinh sát tại chiến trường biên giới Tây Nam thì bị phát hiện, rơi vào ổ phục kích của địch.

Rất nhiều anh em trong đoàn bị trúng đạn và bị thương nặng, trong đó có ông. Một mảnh đạn bay vào đầu khiến ông bất tỉnh nhân sự, máu chảy ồ ạt. Sau khi sơ cứu, ông được chuyển xuống Trạm phẫu thuật tiền phương. Các y sỹ đo huyết áp, thử nhịp tim thì thấy nhịp tim không còn đập, huyết áp xuống quá thấp không thể đo được.

Tưởng ông đã hi sinh, đồng đội gói ông vào túi ni lông, ghi tên tuổi, đơn vị, quê quán chờ chôn cất. Ngất lịm từ 9h sáng đến 9h tối, hơi lạnh khiến ông tỉnh dậy. Khi đó cô y sĩ đã phát hiện ông còn sống nên đã vội vã mở nút thắt ni lông ra và làm các thao tác cấp cứu tại chỗ. Còn mê man, nhịp tim yếu, ông được chuyển xuống tuyến sau. Không ngờ 2h sau, bọn Pôn Pốt tập kích vào trạm phẫu.

Số anh em bác sỹ, y tá, thương binh trong trạm bị chúng giết sạch, xác không còn nguyên vẹn. Sau đó, các đồng đội khác đến giải vây và phát hiện ra "xác chết" bọc túi nilon máu me đầm đìa, không còn thở có ghi tên tuổi, quê quán thì làm thủ tục, hồ sơ gửi giấy báo tử về cho gia đình. Một ngày ảm đạm năm 1978, gia đình ông nhận được hung tin ông đã hi sinh.

Nhâm nhi cốc trà nóng, ông Nam kể lại phút giây sinh tử của đời mình: "Lúc bị thương ở đầu, tôi bất tỉnh nhân sự. Khi tỉnh lại thấy mình đang nằm trong Bệnh viện 175 và được các đồng đội kể lại tôi mới biết là mình vừa thoát khỏi cái chết chỉ trong gang tấc".

Sau 6 tháng điều trị tại Bệnh viện 175, ông được chuyển về Đồng Xoài, Trạm điều dưỡng 32 chữa trị cho đến khi bình phục, rồi bắt đầu tiếp tục chiến đấu cho Quân khu 9. Lần này, trong chuyến đi tăng cường trinh sát cho các đồng đội ở Sư 4 và Sư 30 vào biên giới Tây Nam ở An Giang, ông lại bị trúng đạn ở đầu và vai phải.

Đầu năm 1985, ông Nam được chuyển ra các trạm điều dưỡng ở phía Bắc. Ở Trạm điều dưỡng của tỉnh Vĩnh Phúc. Tại đây, ông đã gặp và yêu người con gái có nụ cười bẽn lẽn, nữ tính, dịu dàng. Sau đó, hai người kết hôn vào cuối năm 1985.

Mòn mỏi hành trình chứng minh mình còn sống

Trò chuyện, ông Nam không giấu nổi cảm giác phiền muộn, mệt mỏi và cả chán trường trong công việc đòi lại cái tên của mình. Năm 1993, ông trở lại quê nhà mới biết rằng hơn mười năm qua, mọi người trong gia đình vẫn thờ cúng ông đúng theo thủ tục của một người đã chết.

Biết chuyện gia đình đã nhận được giấy bảo tử từ nhiều năm nay và vẫn hưởng chế độ có thân nhân là liệt sĩ ông đã nhanh chóng lên Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Hà Đông (cũ) để trả lại Bằng Tổ quốc ghi công, giấy báo tử. Và cũng mong muốn người ta công nhận cho ông còn sống và được hưởng chế độ thương binh. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được những giấy tờ mà ông trao trả người ta đã cắt ngay chế độ "liệt sĩ" của gia đình ông nhưng đồng thời lại không công nhận cho ông được hưởng chế độ thương binh.

Ông thở dài não nuột: "Tôi còn sống sờ sờ đây mà không ai công nhận. Bao nhiêu năm nay, tôi đã đi khắp nơi để xin hoàn tất hồ sơ cải chính thành "người còn sống", nhưng mọi việc vẫn chưa đâu vào đâu. Tôi đi lên trên thì người ta chỉ tôi xuống dưới. Tôi xuống đến dưới rồi người ta lại chỉ tôi lên trên. Thực lòng bây giờ tôi cũng không biết mình phải lên trên hay xuống dưới nữa. Vì ở đâu họ cũng nói không thuộc thẩm quyền giải quyết".

Ông Nam với chồng giấy báo tử của đồng đội.

Nói rồi ông Nam lại nghĩ xa xôi. Ông liên tưởng đến một người bạn chiến đấu ở Hải Phòng cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự như ông: "Có lẽ tôi cũng như ông Bình ở Hải Phòng thôi. Cạy cục đi xin giải quyết chế độ biết bao nhiêu năm. Đến hôm ông ấy chết được ba ngày vì vết thương tái phát, lúc đó người ta mới mang giấy chứng nhận và giải quyết chế độ thương binh cho. Thử hỏi lúc đó còn ích gì nữa chứ?".

Ngày 10/2/2009 Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Hà Đông có giấy mời "liệt sỹ Nam" đến nhận Huân chương Chiến công hạng Ba, ông không lên nhận. Ông bảo: "Tôi đường đường còn sống mà lên nhận cái bằng chứng nhận mình đã hi sinh, sao đành? Thực tế, cả thành phố Hà Đông biết tôi còn sống, nhưng trên giấy tờ, tôi vẫn là một liệt sỹ đã hi sinh trong khi đang kháng chiến. Rồi ông cười bảo: "Cái chính là tôi sống để "trả nợ" với với các chiến sỹ đã ngã xuống. Gần 20 năm nay, tôi đi tìm hài cốt đồng đội của mình, chỉ mong đưa các anh về đoàn tụ cùng gia đình".

Còn sức khỏe tôi còn đi tìm đồng đội

Năm 1993, trong một chuyến đi viếng đám tang một người bạn cũ mãi tận miền Nam, trên chuyến tàu trở về nhà, ngồi đối diện ông là hai mẹ con đang ôm nhau khóc. Thấy thương, ông mở lời hỏi han thì được biết, cả tháng nay, hai mẹ con họ đã cất công đi tìm hài cốt người chồng, người cha đã hi sinh ở chiến trường B mà chưa thấy.

Xem giấy báo tử, ông Nam giật mình vì biết đó là liệt sỹ Nguyễn Đình Hòa, quê Quảng Ninh, hi sinh năm 1975 tại Bình Phước. Thương cảm, ông hứa với hai mẹ con họ sẽ tìm bằng được hài cốt về. Chuyến đi đầu tiên kéo dài 11 ngày, đúng vào mùa mưa lũ.

Phải lội nước ngập úng đến tận thắt lưng, ông lặn lội đi khắp các huyện, xã ở Bình Phước mới tìm thấy hài cốt đồng chí Hòa. Hình ảnh hai mẹ con - người thân của liệt sĩ Nguyễn Đình Hòa khóc thảm vì không tìm được hài cốt của chồng mình đã khiến ông luôn bị ám ảnh.

Nghĩ rằng, không chỉ hai mẹ con họ mà còn nhiều những gia đình khác cũng đang dốc lòng dốc sức đi tìm hài cốt của người thân nhưng không phải gia đình nào cũng may mắn tìm thấy. Thế nên ông nhủ lòng sẽ đi tìm hài cốt các đồng đội đã hi sinh cho đến khi không đủ sức để đi nữa. Trong năm 1993, ông đã đưa được 12 hài cốt ra ngoài Bắc về quy tập tại nghĩa trang địa phương.

Nghe tin có anh lính Cụ Hồ không quản ngại vượt chặng đường xa xôi tình nguyện vào chiến trường Nam Bộ tìm hài cốt đồng đội, nhiều gia đình liệt sỹ khắp các tỉnh phía Bắc như Điện Biên, Hòa Bình, Sơn La, Hà Tây, Hải Phòng, Hà Tĩnh… tìm về nhờ ông tìm giúp. Ông vui vẻ nhận lời không đòi hỏi hay tính toán gì. Ông bảo: "Tôi đã từng là lính Cụ Hồ, từng vào sống ra chết với các anh em, từng vượt hàng ngàn km để trinh sát nên tôi nắm được địa hình ở đó. Do đó, việc tìm kiếm cũng thuận lợi hơn nhiều".

Gần 20 năm trôi qua, ông Nam không thể nhớ được đã đi bao nhiêu chuyến dài ngược về chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội cũ. Có năm ông đi hơn chục chuyến, mỗi chuyến kéo dài hơn 1 tháng ròng. Thậm chí có năm đến tận 28 Tết, ông mới về đến nhà sửa soạn đón năm mới cùng gia đình.

Rồi những lần ông vượt rừng, xẻ núi đến nát giày, rách áo, lặn lội xuống vùng chiêm trũng nước ngập quá thắt lưng tìm nơi đặt mộ liệt sỹ hay chạy đến các cơ quan báo chí và Bộ Chính trị Quân sự địa phương xin tài trợ cho gia đình đưa hài cốt trở về…

Ông Nam (bên phải) trong một dịp được tuyên dương.

Ông nhớ như in chuyến đi dài 45 ngày vào chiến trường B3 Tây Nguyên cùng thân nhân của 16 liệt sỹ năm 2000. Đợt ấy, mưa bão dữ dội đổ bộ đất liền khiến giao thông hầu như tê liệt, ngưng trệ. "Chuyến đi gian nan là thế, nhưng vì gia đình họ đã chọn ngày rồi" - ông bảo. Ông lại khập khiễng với đôi chân đầy thương tật, cùng mọi người lên tàu "Nam tiến".

Vào chiến trường Tây Nguyên xưa, khi mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi, địa hình đồi núi và những con đường cũng đã khác xưa. Ông phải xách giày, xắn quần đi len cây cối vào rừng sâu. "Người dân địa phương ở đây quý bộ đội Cụ Hồ lắm. Họ nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi tìm hài cốt, dù mệt cũng thấy ấm lòng". Chuyến đi về còn tắc lại tại ga Nha Trang mất 3 ngày vì mưa bão.

Gần hai mươi năm ông vẫn miệt mài đi tìm mộ các đồng đội đã hy sinh. Hơn hai trăm đồng đội của ông đã được trở về với gia đình. Một chồng giấy báo tử vẫn còn trong cặp. Ông bảo: “Dù rằng đến giờ này người ta vẫn chưa cho tôi cái quyền “được sống” cho dù tôi đang sống. Nhưng so với các đồng đội đã hy sinh thì tôi đã may mắn hơn nhiều. Vì thế ngày nào còn sức khỏe thì tôi còn đi tìm đồng đội của mình”.

Ông Nguyễn Duy Kiên, Trưởng phòng Chính sách 1, Cục Người có Công (Bộ LĐTB và XH):

Những trường hợp như ông Nam không phải là hiếm. Thường thì phải xem xét xem người còn sống có bị thương không thì lúc đó ta lại giải quyết sang chế độ thương binh. Xác định không phải là liệt sĩ, báo tử nhầm thì rút lại giấy báo tử, sau đó sẽ giải quyết theo hướng người của đơn vị nào, cơ quan nào thì đơn vị đó, cơ quan đó phải làm.

Ví dụ trường hợp của ông Nam là quân nhân thì đơn vị quân đội, cụ thể là Bộ chỉ huy quân sự Quân khu Thủ đô phải giải quyết. Còn tất nhiên ông Nam có thể bị thương ở đầu hay ở chỗ nào khác mà hồ sơ không hoàn chỉnh thì lúc đó quân đội phải có văn bản đề nghị vận dụng thế nào thì đó là việc của quân đội. Bên tôi dựa vào đó để có căn cứ chính sách vận dụng. Thường những trường hợp liệt sĩ trở về thì đa phần được vận dụng sang chế độ thương binh.

Đấy là người thực việc thực, có thể hồ sơ á chưa được đầy đủ như quy định nhưng trên cơ sở những vết thương thực thể để lại trên người người ta để làm chứng cứ. Bên chúng tôi cũng đã giải quyết nhiều trường hợp như thế. Hiện chúng tôi vẫn chưa nhận được bộ hồ sơ nào về trường hợp của anh Phạm Văn Nam.

Bà Trần Thị Nguyệt, Phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội:
 
Anh Nam là một người rất nhiệt tình và có tâm, coi việc tìm mộ đồng đội như việc của nhà mình. Đường đi tìm mộ em trai tôi vô cùng vất vả, phải lội qua 5 con suối, lại có những chỗ phải leo dốc rất cao và xuống dốc rất sâu. Đối với người bình thường đi lại còn khó khăn đằng này anh Nam lại bị thương ở chân và phải đi nạng. Vậy mà miệt mài suốt một tuần trời, nhờ sự chỉ dẫn của anh Nam gia đình tôi đã đưa được hài cốt em trai tôi về. Gia đình tôi thực sự rất biết ơn anh ấy.

Phong Anh
.
.
.