TP HCM sẽ xử phạt người không phân loại rác tại nguồn:

20 triệu đồng có giúp nâng cao ý thức người dân?

Thứ Năm, 29/11/2018, 14:02
Mới đây, UBND TP HCM cho biết sẽ áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với những hộ dân không phân loại rác tại nguồn (PLRTN), mức phạt có thể lên đến 20 triệu đồng.


Xung quanh quyết định này có nhiều ý kiến bàn luận, bởi hiện nhiều hộ dân vẫn còn bỡ ngỡ đối với việc phân loại rác, trong khi đó công tác thu gom rác chưa thật sự chuyên nghiệp và thực tế hiệu quả của việc PLRTN thực hiện thí điểm tại nhiều nơi chưa cao…

Mức phạt cao nhất có thể lên đến 20 triệu đồng

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là một trong những chương trình trọng điểm của TP. Hồ Chí Minh nhiều năm nay. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày trên địa bàn thành phố thải ra từ 8.500 - 9.000 tấn rác các loại. Trong đó, nguồn thải từ hộ gia đình (42%), các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại (40,5%), còn lại là rác công cộng từ đường phố, kênh rạch, công viên. 

Trong số này, tỷ lệ rác được phân loại ngay tại nguồn thấp. Hầu hết rác thải được xử lý bằng công nghệ chôn lấp, dễ gây ô nhiễm môi trường, dù mỗi năm thành phố dành khoảng 4.000 tỷ đồng để thu gom rác thải và duy tu sửa chữa hệ thống thoát nước.

Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ áp dụng hình thức xử phạt hành chính (Quyết định số 44/2018 QĐ-UBND ban hành Quy định về việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (CTRSH) trên địa bàn thành phố, có hiệu lực thi hành từ ngày 24-11-2018) đối với các hộ dân không phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố theo Nghị định 155 của Chính phủ. Đáng nói là mức phạt cao nhất có thể lên đến 20 triệu đồng.

Theo đó, Quy định này nêu rõ: hộ gia đình, chủ nguồn chất thải thực hiện phân loại CTRSH trước khi chuyển cho đơn vị thu gom, vận chuyển. Trường hợp hộ gia đình, chủ nguồn thải không chấp hành phân loại, chuyển giao không đúng nhóm chất thải theo quy định, sau khi đã được nhắc nhở nhiều lần (3 lần trở lên/tuần), tổ chức, cá nhân thực hiện thu gom có trách nhiệm thông báo đến UBND phường - xã - thị trấn biết để xử lý theo quy định. 

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP, hành vi không phân loại, không lưu giữ CTRSH theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao CTRSH cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng.

Chất thải phải phân loại theo 3 nhóm: chất thải hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh); chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải). Thành phố khuyến khích các hộ dân để chất thải hữu cơ đựng trong túi màu xanh, màu trắng. Chất thải còn lại đựng túi có màu sắc khác (trừ màu trắng, màu xanh), có thể dán nhãn, ghi chữ trên các túi rác để phân biệt…

Tờ rơi tuyên truyền về PLRTN của Sở TN - MT TP Hồ Chí Minh.

Đúng ra, việc PLRTN đã được TP Hồ Chí Minh triển khai từ nhiều năm trước, bắt đầu từ quận 1. Đến giai đoạn 2015-2016, thành phố tiếp tục mở rộng thí điểm PLRTN tại 6 quận là quận 1, 3, 5, 6, 12 và Bình Thạnh. 

Đến tháng 6-2017, HĐND thành phố đã ra Nghị quyết số 03 về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố, trong đó đặt chỉ tiêu đến năm 2020, tỷ lệ PLRTN trong các hộ dân đạt 50% và tăng dần vào các năm tiếp theo. Lãnh đạo UBND thành phố cũng chỉ đạo trong giai đoạn 2017-2018, mỗi quận, huyện phải chọn ra một phường, xã để tiến hành thí điểm chương trình PLRTN.

Tuy nhiên, hiện nay trong quá trình thực hiện, theo phản ánh của nhiều người dân, việc thực hiện PLRTN ở địa phương vẫn còn nhiều khó khăn. Chẳng hạn như việc bỏ rác lung tung, không đúng nơi quy định, người dân còn chưa có ý thức cao trong thực hiện PLRTN. Chia sẻ về vấn đề này, ông L.N (ngụ khu phố 4, phường Tân Thới Hiệp, quận 12), cho biết chính quyền đã thực hiện thí điểm PLRTN từ năm 2014 (phường Tân Thới Hiệp thực hiện thí điểm PLRTN với 191 hộ dân với 3 đối tượng: gồm hộ dân ở mặt tiền đường, hộ trong hẻm và hộ ở nhà trọ) nhưng cho đến nay việc này không khả thi vì ý thức người dân chưa cao. 

Hơn nữa, thực tế người thu gom cho chung vào một xe, bãi rác không có hệ thống xử lý từng nguồn rác riêng lẻ. Đáng nói, một số người có suy nghĩ đã đóng tiền thu gom rác thì việc phân loại rác là của người thu gom, không phải việc của họ.

Bà Dương Ngọc Loan (phường Bến Nghé, quận 1) cũng cho biết, nơi gia đình bà sinh sống đã thực hiện PLRTN từ năm 2013, mặc dù đã đạt được kết quả tích cực, song vẫn còn nhiều người dân lúng túng trong việc phân các loại rác nên hiệu quả chưa được như mong đợi.

Hiện nay 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố đã thực hiện và triển khai kế hoạch PLRTN. Tuy nhiên, tốc độ triển khai còn chậm do người dân chưa chủ động phân loại CTRSH, công tác tuyên truyền yếu… Đặc biệt, việc triển khai chưa đồng bộ trên toàn thành phố đã không tạo được tính liên tục và thói quen phân chia từng loại rác vào những thùng chứa khác nhau cho người dân. 

Bà Nguyễn Thị Vân (khu phố 4, phường Hiệp Thành, quận 12) cho biết, bà chỉ biết việc xử phạt PLRTN qua chương trình thời sự trên truyền hình nên khá bỡ ngỡ. "Tại nơi tôi sinh sống, hiện vẫn chưa thực hiện việc này. Đáng nói hơn là việc thu gom rác do lực lượng thu gom dân lập đảm nhận nên nhiều khi rác không được thu gom đúng định kỳ, thậm chí có nhiều lần 4-5 ngày rác không được thu gom đi, dù người dân đã phản ánh nhiều lần. Riêng mức phạt (theo nội dung quy định kể trên) tới 20 triệu đồng là khá cao".

Rác thải được phân loại tại nguồn ở quận Tân Phú.

Mục tiêu không phải xử phạt để lấy tiền

Trước thực trạng này, nhiều ý kiến của người dân đề xuất để thực hiện đồng bộ có kết quả lâu dài việc PLRTN, thành phố cần có phương án và sự chuẩn bị kỹ lưỡng; phải hỗ trợ người dân trong việc PLRTN, làm sao để việc phân loại thật dễ dàng, thuận tiện, hiệu quả. Nếu cứ chăm chăm vào việc xử phạt sẽ gây không ít băn khoăn, lo lắng cho người dân.

Tuy nhiên, theo ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Công nghệ và Môi trường, Công ty TNHH Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh, bước đầu thành phố tuyên truyền, hướng dẫn người dân để họ biết được phân loại rác là gì, cách phân loại như thế nào, mục đích ý nghĩa của nó là gì. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tuyên truyền nhắc nhở nhiều lần và khi đó nếu người dân vẫn không thực hiện thì mới áp dụng biện pháp chế tài xử phạt và chế tài chỉ là biện pháp cuối cùng.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN - MT TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đưa ra chế tài xử phạt với việc phân loại rác bởi đây là vấn đề rất cấp bách. Phân loại rác sẽ giúp đi đến chủ trương sử dụng rác, phải xem đây là nguồn nguyên liệu để tái chế, tái sử dụng có hiệu quả.

Chương trình PLRTN nếu thực hiện thành công sẽ tái chế được 60% tổng lượng rác thải. Điều này sẽ giảm đáng kể áp lực về diện tích đất để chôn lấp, giảm ngân sách xử lý rác thải, giảm nguy cơ phát sinh ô nhiễm môi trường do các bãi chôn lấp rác thải gây ra. Rác hữu cơ sau khi phân loại được đưa đến nơi xử lý đốt để thu năng lượng, đặc biệt là nguồn nguyên liệu cho sản xuất.

"Mục tiêu của thành phố không phải xử phạt để lấy tiền mà muốn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường", ông Thắng nói và cho biết Sở TN - MT đã tham mưu cho UBND thành phố thực hiện theo lộ trình để người dân làm quen.

Việc thay đổi ý thức của người dân trong vấn đề PLRTN là "bài toán" nan giải.

Nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và dễ dàng thực hiện việc PLRTN, Sở TN - MT TP Hồ Chí Minh trước đó đã cho ra đời ứng dụng Hướng dẫn phân loại CTRSH tại nguồn. Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, ứng dụng này ra đời là một trong những giải pháp giúp cho người dân tiếp cận với việc phân loại CTRSH thuận tiện nhất.

Hiện ứng dụng Hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã được đưa lên ứng dụng Play Store của hệ điều hành Android hoặc Apps Store của hệ điều hành IOS, người dân chỉ cần sử dụng các dòng điện thoại thông minh, máy tính bảng tìm kiếm ứng dụng với từ khóa "Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn", tải về và cài đặt, giúp hỗ trợ người dân trong việc phân loại rác.

Trong ứng dụng còn có video hướng dẫn phân loại CTRSH tại nguồn, có phần để người sử dụng gửi phản hồi, đóng góp ý kiến về Sở TN - MT và có thể chia sẻ rộng rãi ứng dụng trên mạng xã hội để nhiều người cùng biết và sử dụng. 

Thời gian tới, Sở TN-MT sẽ nghiên cứu các phần mềm ứng dụng về giám sát công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt và phổ biến đến người dân để cùng kiểm tra, giám sát các công đoạn này, tạo sự chuyển biến thực sự của người dân đối với vấn đề rác thải cũng như nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Toàn Thắng cũng nhấn mạnh thêm, việc thay đổi ý thức của người dân trong vấn đề PLRTN là bài toán nan giải, muốn triển khai hiệu quả trên quy mô lớn cần có sự đồng lòng của chính quyền và người dân. 
Sáng 24-11-2018, tại quận Tân Phú, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức chương trình giới thiệu đến đông đảo cư dân sinh sống tại chung cư Tây Thạnh ứng dụng công nghệ trên điện thoại thông minh có tên mGreen. Đây là ứng dụng có thể giúp người dân phân loại, thu gom rác dễ dàng. Thông qua điện thoại thông minh, người dân có thể gọi người thu gom trực tiếp đến nhà lấy rác. Mỗi khi phân loại rác và gọi thu gom, người dân sẽ được tích điểm để đổi quà từ các nhà tài trợ.
Phú Lữ
.
.
.