Nguy cơ chiến tranh, nạn đói và khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất có thể xảy ra:

2014 "Khoảnh khắc đầy điểm nhấn" của thế kỷ XXI

Thứ Hai, 10/02/2014, 09:00

Theo một nhóm các nhà khoa học dẫn đầu bởi giáo sư từ đại học Cambridge, Anh thì "khoảnh khắc tận thế của thế kỉ XXI" sẽ xảy ra vào năm 2014. Khoảnh khắc ấy có thể quyết định liệu trong thế kỉ XXI thế giới sẽ tràn ngập bạo lực, nghèo đói, hòa bình, thịnh vượng hay không.

Thót tim vì chờ đợi

Trong vòng 500 năm trở lại đây, sự kiện về "khoảnh khắc tận thế" đã không ngừng được đồn thổi. Khoảnh khắc quyết định ấy thường bao hàm một chuỗi sự kiện lớn tốt hoặc xấu sắp xảy đến như chiến tranh, xung đột tôn giáo hay sự thay đổi trật tự hòa bình.

Những "khoảnh khắc tận thế" này xảy ra theo chu kì một lần ở giữa mỗi thế kỉ trôi qua:

Năm 1517, nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther đã mở đầu cho một cuộc cách mạng tôn giáo lớn.

Năm 1618 mở đầu cho cuộc chiến tranh kéo dài suốt ba mươi năm, kéo theo nhiều thập kỉ xung đột tôn giáo ở phương Tây.

Các cuộc xung đột kết thúc với sự ra đời đế chế của tộc Hanoverian vào năm 1715, cai trị Vương quốc Anh, Ireland và vùng Hanover (Đức).

Năm 1815, Napoleon bại trận. Nền hòa bình ổn định được thiết lập trên toàn cõi châu Âu.

Năm 1914, Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, làm thiệt mạng hàng triệu người và tạo nên mối bất hòa lớn trên trường quốc tế suốt thế kỉ XX.

Giáo sư Nicholas Boyle của đại học Cambridge, người thực hiện nghiên cứu về các biến cố lớn này cho biết, "khoảnh khắc tận thế" tiếp theo trong thế kỉ XXI có thể liên quan đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vì thế, với ảnh hưởng kinh tế và tiềm lực quân sự bậc nhất, nước Mỹ sẽ đóng vai trò quyết định trong viễn cảnh thế giới trong vòng 90 năm tới.

Napoleon bị đánh bại năm 1815, mở ra thời kì ổn định lâu dài ở châu Âu.

Ông cũng cho biết: "Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến viễn cảnh thế giới trong tương lai. Thứ nhất là thái độ, sự hiểu biết của chúng ta về cuộc sống và lịch sử nhân loại như thế nào. Thứ hai là thế hệ trẻ đang nhận nhiệm vụ tiếp nối. Cứ mỗi thế kỉ trôi qua, chúng ta sẽ có một thế hệ mới tương ứng thay thế những người thuộc thế hệ cũ. Thứ ba là, cách chúng ta định nghĩa tương lai qua việc giáo dục thế hệ kế thừa là trẻ em".

Giáo sư cũng chứng minh những biến cố lớn là kết quả kế thừa của những biến cố trước đó. Ví dụ, sự suy thoái kinh tế thời gian gần đây có thể sẽ ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế. Những quyết định về mặt ngoại giao của Mỹ có thể sẽ khiến tình hình thế giới thêm tồi tệ bởi bạo lực và nghèo đói, hoặc sẽ mở ra một kỉ nguyên hợp tác phát triển toàn cầu. Viễn cảnh thế giới hợp tác có thể thành hiện thực nếu không còn sự thống trị, chi phối quá mức của các cường quốc và chúng ta có thể tìm ra một hệ thống lãnh đạo toàn cầu hữu hiệu.

Những vấn đề lớn như biến đổi khí hậu, sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ, khủng hoảng tín dụng toàn cầu,… cần được giải quyết trên phương diện hợp tác quốc tế.

Giả thuyết của Giáo sư Boyle còn nhấn mạnh, những thay đổi về mặt kinh tế sẽ tiềm ẩn những thay đổi về mặt chính trị, tạo nên những cuộc khủng hoảng mới. Nếu những cuộc khủng hoảng lớn mang tính toàn cầu trong thế kỉ XX khởi phát từ châu Âu thì ở thế kỉ XXI, nước Mỹ sẽ đóng vai trò then chốt bởi tầm ảnh hưởng quá lớn về mặt kinh tế, quân sự và chính trị trên thế giới. Tuy vậy, rõ ràng rằng, chúng ta vẫn đang trông đợi vào một thế giới cùng nhau hợp tác đối phó và giải quyết những biến cố lớn trong thế kỉ này. Và rằng, nước Mỹ cùng tất cả các nước khác trên thế giới cũng nên thấu hiểu cách nghĩ này để tạo nên viễn cảnh tốt đẹp hơn cho thế giới trong năm sắp tới, dẫu "khoảnh khắc tận thế" có xảy đến.

Khủng hoảng tài chính toàn cầu - nguy cơ xảy ra năm 2014

Giáo sư Eugene Fama, một trong ba nhà đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2013, cảnh báo, với tình hình thâm hụt tài chính ngày càng tăng, nguy cơ khủng hoảng kinh tế vào năm 2014 là khó tránh khỏi. Giáo sư nhấn mạnh, số nợ mà Chính phủ Mỹ và châu Âu đang gánh ngày càng cao. Điều đó trở thành mối nguy hại lớn cho nền kinh tế toàn cầu: "Sẽ đến một thời điểm mà thị trường tài chính bị vỡ nợ và các chính phủ sẽ phá sản". Giáo sư phát biểu trong bài phỏng vấn với hãng Reuters: "Nếu như có một cuộc suy thoái xảy ra, đó sẽ là cuộc suy thoái kinh tế trên toàn thế giới".

Giáo sư Fama là một trong những người đi đầu trong lĩnh vực tài chính hiện đại và ông được trao giải Nobel nhờ vào những nghiên cứu chuyên sâu về kinh tế bao gồm khảo sát giá cả thị trường và "bong bóng bất động sản". Nhìn nhận về những dữ liệu thu thập được về thị trường lao động ở Mỹ, Giáo sư cho biết: "Tôi không ngừng cảm thấy bất an. Tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn ở ngưỡng cao là 7% cho thấy, nền kinh tế đang phục hồi một cách yếu ớt và mọi người đang từ bỏ dần hy vọng tìm được việc làm. Điều đó cho thấy, chúng ta vẫn chưa tìm ra giải pháp tối ưu để thoát khỏi khủng hoảng kinh tế".

Tuy nhiên, khi nhận định về giá đang tăng vọt ở thị trường chứng khoán, Giáo sư Fama cho biết, những công ty ngày nay đang làm việc hiệu quả hơn từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009: "Các công ty được vực dậy dần dần sau cuộc suy thoái và bắt đầu sinh lời nên giá cả sản phẩm của họ được cải thiện".

Học thuyết trong các nghiên cứu của Fama ngụ ý rằng, không thể tồn tại sự độc quyền thống lĩnh thị trường. Ngược lại, nên tập trung khuyến khích những đầu tư tư nhân như gia tăng quỹ chỉ số (index fund) qua các loại hình cổ phiếu như S&P500 .SPX

T. Minh - T. Trung (tổng hợp)
.
.
.