Phòng PC45 công an tỉnh Thái Nguyên:

21 tháng tìm câu trả lời với dân

Thứ Sáu, 14/11/2014, 19:00

Án giết cướp trên đường giao thông là một trong những "thể loại" án khó điều tra nhất. Bước vào một cuộc truy xét án mạng trên đường, là bắt đầu cuộc hành trình "đáy biển mò kim". Sẽ không thể "lượng hóa" được những gian truân, vất vả của lực lượng phá án trong suốt cuộc hành trình đi tìm câu trả lời trước dân về những cái chết oan uổng, thương tâm ấy. Bởi vậy, việc Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) - Công an tỉnh Thái Nguyên sau gần 2 năm trời tìm ra thủ phạm gây ra vụ giết cướp xe ôm kinh hoàng đầu năm 2013, là một chiến công xuất sắc, được đổi bằng bao giọt mồ hôi lặng thầm của các trinh sát hình sự trên dải đất xứ Chè.

1.Trong nghề điều tra trọng án, "ớn" nhất là "làm" án hộ độc thân và án mạng trên tuyến giao thông, bởi những khó khăn mang tính đặc thù. Với án hộ độc thân, khó ở việc đánh giá nhận định tính chất vụ án, rà soát quan hệ nạn nhân để dựng đối tượng nghi vấn, để tổ chức truy xét. Trong khi đó, án giết cướp trên đường giao thông thường kèm theo dấu hiệu nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản, nên không khó phán đoán tính chất của vụ án. Nhưng việc khoanh vùng rà soát… lại là "câu chuyện" hết sức nan giải. Hung thủ và nạn nhân đến từ đâu? gặp nhau ở chỗ nào? đi về đâu? lý do di chuyển? gây án xong thủ phạm tẩu thoát về hướng nào? đó là những câu hỏi luôn làm "nhức đầu" lực lượng phá án. Mặt khác, dù đường xá là nơi tập trung con người, phương tiện, nhưng tất cả đều đang di chuyển. Việc xác minh tìm ra người đã tình cờ chứng kiến sự việc quả thật không dễ dàng. Nhiều người không muốn mất thời gian vào những việc "không đâu" nên ít ai chủ động tìm đến cơ quan điều tra để đến trình báo những điều mình biết về vụ án. Thậm chí, khi được hỏi thì họ cũng không sẵn sàng hợp tác.

Thông thường khi có án mạng, lực lượng chức năng thường căn cứ vào hai yếu tố: con người và phương tiện để tổ chức truy xét. Về con người, việc dựng được tung tích nạn nhân là điều tối quan trọng, là gốc rễ để lần tìm ra lý do nạn nhân có mặt tại nơi phát hiện bị giết hại. Từ lý do công việc, mới dựng lên được lịch trình sử dụng thời gian, sau đó là các quan hệ mà nạn nhân đã tiếp xúc trong quá trình di chuyển. Về phương tiện, tất cả đồ vật và tài sản nạn nhân bị chiếm đoạt, đều là "chất liệu" để mở ra những manh mối truy tìm thủ phạm. Nói thì đơn giản vậy, nhưng vào trận mới thấu hiểu sự gian nan của nghề.

Đại tá Dương Xuân Quý - Trưởng phòng PC45 Công an tỉnh Thái Nguyên trao đổi với PV.

Chia sẻ những kinh nghiệm trong khám phá trọng án của Phòng PC45 Công an tỉnh Thái Nguyên, Trưởng phòng Đại tá Dương Xuân Quý -cho biết: "Điều tra trọng án là một lao động đặc biệt của ngành Công an. Người cán bộ điều tra phải có những tố chất cần thiết, đó là óc phán đoán, nhận định, đặt giả thuyết sát hợp trên cơ sở những thông tin, dữ kiện có được từ hiện trường vụ án. Mọi việc bắt đầu từ công tác khám nghiệm. Khám càng thận trọng, tỷ mỷ bao nhiêu, càng thu được những chứng cứ, tài liệu phục vụ tốt cho hoạt động truy xét bấy nhiêu. Ngoài ra, không thể thiếu khả năng phân tích và hệ thống hóa các hiện tượng rời rạc một cách logic. Người giỏi điều tra là người biết xâu chuỗi các sự kiện tưởng chừng không có liên hệ với nhau, nhưng kết quả lại cho ra bức tranh tổng thể về vụ án. Điều tra một vụ trọng án chưa rõ thủ phạm, như giải một bài toán chứng minh. Khi đã đưa ra được các giả thuyết điều tra, việc còn lại là tìm các chứng cứ chứng minh giả thuyết đó là đúng. Quá trình chứng minh sự thật của vụ án là quá trình thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự".

Được biết, trong những năm gần đây, Phòng PC45 Công an tỉnh Thái Nguyên luôn là đơn vị có thành tích nổi bật trong điều tra khám phá các vụ trọng án hóc búa. Năm 2014, tỷ lệ khám phá trọng án của đơn vị đạt hơn 95%. Đây thực sự là con số mơ ước của nhiều đơn vị Công an, vì "độ khó" của công tác này. Có được thành tích đó, trước tiên phải xuất phát từ sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Công an tỉnh này đối với nhiệm vụ đấu tranh khám phá các vụ trọng án. Thứ đến là lòng quyết tâm phá án của anh em CBCS. Nhưng trong mỗi trận đánh cụ thể, "tay nghề" mới là yếu tố quyết định thành - bại. Bởi nếu không có bản lĩnh nghiệp vụ vững vàng của những người lính trực tiếp vào trận, những chứng cứ quan trọng chứng minh sự thật của vụ án có thể bị bỏ qua, dẫn đến những bế tắc, câu dầm trong hoạt động truy xét thủ phạm.

2. "Giải mật" với tôi về hành trình gần 2 năm trời truy tìm thủ phạm vụ giết cướp xe ôm dã man xảy ra từ đầu năm 2013 tại xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Đại tá Dương Xuân Quý không giấu được nét vui mừng trong khóe mắt. Ông kể: "Tối 9/1/2013, người dân xóm Trung Thành, xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên phát hiện một người đàn ông nằm trong vũng máu bên đường, trên người lỗ chỗ vết dao đâm. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện A - Thái Nguyên, sau đó chuyển đến Bệnh viện Việt Đức Hà Nội, nhưng đến 12h45 ngày 10/1/2013 thì tử vong. Kết quả điều tra xác định bị hại là anh Hoàng Văn Oanh (sinh năm 1969, tạm trú tại tổ 3, phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên), làm nghề lái xe ôm chở khách. Hung thủ đã đâm anh Oanh nhiều nhát dao, trước khi cướp đi chiếc xe máy Wave RSX, BKS 30X7 - 0418.

Cán bộ chiến sĩ PC45 Công an tỉnh Thái Nguyên bắt giữ tội phạm.

Vụ án xảy ra ngay tại TP Thái Nguyên, đã gây rúng động, hoang mang dư luận nhân dân địa phương. Xác định đây là vụ án giết người - cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng, Ban Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên đã quyết định xác lập chuyên án truy xét. Tôi với vai trò Trưởng phòng CSHS, được phân công làm Phó ban chuyên án, trực tiếp chỉ đạo CBCS trong đơn vị, phối hợp với Công an TP Thái Nguyên và các đơn vị nghiệp vụ khác để tiến hành các hoạt động điều tra xác minh. Khó khăn lớn đối với chúng tôi là vụ án xảy ra vào buổi tối, tại đoạn đường vắng người qua lại. Dù đã tốn rất nhiều công sức nhưng chúng tôi không tìm được bất kỳ người nào biết được các tình tiết có liên quan đến vụ án, không có thông tin nào về đối tượng và lịch trình sử dụng thời gian của nạn nhân. Án trên đường giao thông là "thể loại" án rất khó khăn trong việc rà soát, khoanh vùng đối tượng, vì tính chất lưu động của cả nạn nhân và thủ phạm. Vì vậy, chúng tôi phải bắt đầu từ những "bài" cơ bản, đó là rà soát theo "diện". Tất cả những đối tượng có khả năng gây án đều phải đưa vào "tầm ngắm" để kiểm tra. Đồng thời, chúng tôi triển khai tất cả các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu để truy lùng tang vật của vụ án. Tất cả CBCS tham gia chuyên án đều được quán triệt phải thận trọng, tỷ mỷ trong rà soát. Nếu để sót lọt do làm qua quýt, hời hợt, sẽ bị kỷ luật ngay".

Được biết, một khối lượng công việc khổng lồ đã được lực lượng phá án triển khai. Có tới 69 đối tượng có tiền án, tiền sự; 27 đối tượng tù mới tha về địa phương; 33 đối tượng nghiện ma túy; 133 sinh viên bị kỷ luật buộc thôi học từ năm 2010 đến năm 2013 tại các trường đại học đóng trên địa bàn; 28 điểm cầm cố, cho vay, mua bán xe máy cũ trên địa bàn xã Quyết Thắng, phường Tân Thịnh, Thịnh Đán, xã Phúc Xuân, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên... đã được các trinh sát "cày đi xới lại" và chỉ loại khỏi diện nghi vấn khi có những căn cứ xác đáng. Tuy nhiên, vì thông tin ban đầu quá mờ nhạt nên hoạt động truy xét sau nhiều tháng vẫn "dậm chân tại chỗ".

Tên cướp Vũ Tuấn Anh.

Vụ án phải tạm đình chỉ điều tra trong sự day dứt khôn nguôi của những người làm án. Trách nhiệm trả lời trước dân về cái chết của người lái xe ôm vô tội vẫn luôn ám ảnh những người "trong cuộc". Vì vậy, dù tạm thời "đóng máy" nhưng những biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu vẫn được âm thầm triển khai.

Cuối tháng 8/2014, một thông tin "quý hơn vàng" đã đến tai các trinh sát. Đó là chiếc xe máy BKS 30X7 - 0418 của nạn nhân Oanh đang được lưu thông trên đường. Ngay lập tức người lái xe tên Dương Văn Tuyên được chặn lại. Anh ta khai đã mua chiếc xe này tại hiệu cầm đồ Long - Thủy ở TP Thái Nguyên. "Bốc" chủ hiệu cầm đồ lên thẩm vấn, anh này cho biết chiếc xe được một nam thanh niên đến "cắm" để vay tiền đã khá lâu nhưng không thấy quay lại chuộc xe. Nghĩ là khách đã "đứt" (bỏ hàng thế chấp), chủ hiệu bèn bán xe cho người khác để thu nợ. Chiếc xe lòng vòng qua mấy chủ rồi mới đến tay anh Tuyên. Tuy chỉ nhớ "mang máng" đặc điểm của người cầm cố xe, nhưng những thông tin chủ hiệu cầm đồ cung cấp đã đủ để lực lượng điều tra đi tới nhận định: thủ phạm là người ngay tại TP Thái Nguyên. Triển khai chiến thuật trinh sát liên hoàn, PC45 Thái Nguyên tiếp tục phát hiện thông tin quan trọng về một người thợ xây tên là Vũ Tuấn Anh (sinh năm 1990, ở xóm Trung Thành, xã Quyết Thắng, TP. Thái Nguyên) có nhiều biểu hiện "lâm sàng" liên quan đến vụ án. "Đi vào" con người này, các trinh sát gặp nhiều khó khăn vì đối tượng sống khép kín, không giao thiệp hay tham gia hoạt động gì tại địa phương. Kiên trì nghiên cứu, tổ làm án đã lần ra "chìa khóa" mở ra cánh cửa sự thật của vụ án. Buổi sáng ngày 11/9/2014, Ban chuyên án quyết định "cất vó".

Tại cơ quan điều tra, Vũ Tuấn Anh đã phải khai "tuồn tuột" toàn bộ hành trình tội ác của mình. Theo đó, động cơ giết anh Oanh của y là để cướp chiếc xe máy chở khách của anh, đem bán lấy tiền trả nợ cho những trận ăn chơi "quên đời" của y trước đó.

Để chủ động phòng ngừa tội phạm giết cướp xe ôm, Đại tá Dương Xuân Quý khuyến cáo: "Những người lái xe ôm cần hết sức cảnh giác khi chở khách vào đêm tối, đến những địa bàn lạ. Gặp phải những tình huống đó, trước khi xuất phát, việc hỏi giấy tờ tùy thân của khách, yêu cầu khách đưa tiền trước, gọi bạn xe ôm đến nhận diện khách, hoặc rủ họ cùng đi với mình, có thể dập tắt ý định phạm tội của đối tượng từ trong trứng nước".

Đào Trung Hiếu
.
.
.