24 giờ gác hầm, tuần đường sắt vượt đèo Hải Vân

Thứ Năm, 21/06/2018, 14:24
Mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu từ Bắc vào Nam và ngược lại, vượt qua Hải Vân - con đèo cao nhất cả nước có hệ thống đường sắt đi qua. Hơn một thế kỷ qua, sự hiểm trở của con đèo đã được nhắc tới rất nhiều và thường xuyên đối với ngành đường sắt. Tuy nhiên, ít ai hiểu hết sự vất vả, hiểm nguy của công việc gác hầm, tuần đường sắt qua đây.


Toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 1.730 km, có 27 hầm thì cung đường Hải Vân dài 28km, nhưng có đến 6 hầm, từ hầm số 9 đến 14, tính từ Bắc vào. Trong đó, hầm 14 dài 945m, đứng thứ 2 chỉ sau số 18 qua đèo Cả, thuộc 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Ngoài 6 hầm, khi đi qua cung đường Hải Vân, các con tàu còn phải vượt qua 18 cây cầu bắc qua các con suối chảy ngang đèo, nằm chênh vênh một bên vực thẳm.

Cung đường sắt này có 3 nhà ga đều nằm trên đèo, gồm Hải Vân Nam, Hải Vân và Hải Vân Bắc. Những nhà ga đó khá đặc biệt, bởi chúng không có hàng hóa, hành khách lên tàu từ đây, ngoại trừ những người làm nhiệm vụ trong ngành đường sắt và trên cung đường Hải Vân. 

Có 3 cách để lên 3 nhà ga này. Thứ nhất đi tàu. Thứ 2 đi bộ dọc theo đường sắt, bắt đầu từ ga Kim Liên - Đà Nẵng hoặc phía Bắc bắt đầu từ ga Lăng Cô - Thừa Thiên Huế. Hoặc cắt rừng mà đi, nhưng phải có lực lượng chức năng hoặc người dân sở tại thạo đường.

Mỗi ngày đêm có hàng chục chuyến tàu qua đèo Hải Vân.

Chúng tôi lên tàu SE22 lúc 6 giờ 30 sáng, tại ga Kim Liên, để lên nhà ga thứ 3 (Hải Vân 3). Từ đây, chúng tôi đi bộ theo đường ray trở lại phía Nam một lúc thì gặp được công nhân tuần đường Nguyễn Văn Chung, như đã hẹn trước. Anh xuất hiện trước cửa hầm số 13, từ phía Kim Liên đi lên. Người nhễ nhại mồ hôi, song trông anh vẫn rất khỏe khoắn. 

"Một ngày đêm làm việc, một công nhân tuần đường phải đi 2 ca, mỗi ca đi 5 tiếng đồng hồ với tổng cộng đoạn đường phải đi 14km. Em mới chuyển qua làm công việc này từ đầu năm đến nay. Trước đó, em làm 12 năm ở đội sửa chữa, cũng cung đường Hải Vân. So với công việc cũ, việc đi tuần đường có phần nhẹ nhàng hơn, song cứ mỗi ca đi liền 14km, mắt lúc nào cũng phải quan sát, dò tìm kỹ lưỡng sự bất thường nếu có trên 2 thanh ray, tà vẹt ngang, nhất là những hàng ốc vít, để kịp thời sửa chữa hoặc báo ngay về cung để kịp thời khắc phục", Chung vừa đi vừa kể. 

Tôi để ý, anh bước đều trên thanh ray, tầm mắt lúc xa lúc gần như người điều khiển xe ôtô quan sát mặt đường và các chướng ngại vật phía trước. Thỉnh thoảng anh ngồi bệt xuống đường ray, cố xiết chặt lại những ốc vít đã bị lỏng. 

"Chỉ cần một chút sơ sẩy, chẳng hạn như ốc vít này bung ra mà mình không biết, hậu quả của nó sẽ khôn lường. Bởi vậy, mắt người tuần đường lúc nào cũng phải dán chặt xuống đường ray là vậy!", Chung vừa xiết chặt lại một ốc vít, vừa bảo với chúng tôi.

Nói về duyên nợ với nghề, Chung chia sẻ: "Năm 2006, sau khi học xong sơ cấp đường sắt, em xin vào làm việc ở cung đường này. Mình lúc đó còn trẻ, muốn thử thách, trải nghiệm khó khăn để có thêm nhiều kinh nghiệm và trưởng thành hơn. Suy nghĩ và quyết tâm là vậy, nhưng những ngày đầu mới lên đây cũng sợ lắm. 

Cung đường sắt vắt qua Hải Vân như sợi chỉ ngoằn ngoèo, với một bên núi cao, bên vực thẳm. Cùng với địa hình hiểm trở, rắn rít ở đây cũng rất nhiều, nhất là về mùa mưa, mỗi bước chân đi đều phải lần dò kỹ lưỡng. 

Rồi công việc ban ngày còn đỡ, vào ban đêm khi có sự cố phải sửa chữa, anh em mướt mồ hôi, căng người làm việc hết sức mình, rất vất vả. Lớp em có 40 đứa thì tới bây giờ còn chưa tới chục đứa theo nghề!". 

Chung quê ở Quảng Nam. Công việc gắn bó suốt ngày đêm trên đèo Hải Vân nên anh dường như không có thời gian, điều kiện tốt để "kiếm" vợ. Song nhờ sự năng nổ, luôn nhiệt huyết với công việc của mình đã khiến một người đồng nghiệp lớn tuổi cảm mến sâu sắc. Sau này, chính ông đã đứng ra làm mai mối cho Chung với người con gái tốt bụng của mình nên vợ nên chồng. 

"Ông thương em nhiều lắm! Ngày đó, sau khi được ông mai mối, giới thiệu để 2 đứa tìm hiểu nhau, việc liên lạc, chuyện trò qua lại không dễ như bây giờ. Lúc nhớ nhau quá thì gọi bằng điện thoại đường dây dưỡng lộ về công ty đóng ở thành phố để xin gặp. Nhưng chỉ vài lần đầu, về sau biết mình gặp người yêu, họ không cho gọi nữa. May nhờ ba vợ rất tâm lý và thương 2 đứa nên nhiều lần ông tình nguyện thế ca cho em được về gặp vợ", Chung kể.

Anh Nguyễn Hải Triều, Cung trưởng Cung đường sắt Hải Vân 2 cho hay, để tiện bề quản lý và phù hợp với địa hình, công việc, ngành đường sắt đã chia 28km vượt đèo Hải Vân thành 4 cung cầu đường, với mỗi cung tương ứng với 7km, gồm các cung Hải Vân 1, 2, 3 và Kim Liên. 

Một nhân viên tuần đường sắt ở đây đi một cung, với việc cả đi lẫn về 14km. Trên chặng đường này, ngoài công việc tuần, phát hiện và sửa chữa những hư hỏng ảnh hưởng đến đường sắt hoặc báo ngay về trạm trong trường hợp không thể sửa chữa được, nhân viên đi tuần còn có nhiệm vụ đổi thẻ với đồng nghiệp làm cùng công việc ở cung kế tiếp với hướng tuần ngược lại và ký sổ nhật trình với các chốt bảo vệ gác chắn hầm. Tổng thời gian cho tất cả những công việc trên mất chừng 5 giờ đồng hồ.

Tại 4 cung cầu đường kể trên có tổng cộng 129 nhân viên đảm trách công việc tuần đường, gác hầm và duy tu sửa chữa đường để chúng luôn được đảm bảo an toàn cho hàng chục chuyến tàu qua lại mỗi ngày. 

Trong số này, người trẻ nhất vào nghề được 4 năm, người lâu nhất đã 33 năm gắn bó hơn nửa cuộc đời mình trên tuyến đường đèo đặc biệt này. Công việc sửa chữa hay tuần đường sắt vượt đèo là hết sức gian nan vất vả, nguy cơ gặp sự rủi ro cao và không phải ai cũng đủ sức khỏe, sự bản lĩnh và kiên trì để theo nghề.

Những công nhân sửa chữa đường ray đoạn qua cung Hải Vân 2 dưới trời nắng gắt.

Sau ít phút nghỉ ngơi tại Hải Vân 3, chúng tôi theo chân công nhân Nguyễn Đình Thuần đi tuần hầm số 13. Tay trái anh cầm chiếc đèn pin, tay phải cầm gậy tre, trên vai đeo túi đồ nghề, bước đi nhẹ nhàng, thoăn thoắt trên thanh ray, trông khéo léo như một diễn viên xiếc trên dây. 

Đoạn đến chốt bảo vệ đầu hầm, anh ghé lại ký sổ, rồi bắt đầu "chinh phục" con đường hầm tối ngòm, sâu hun hút. Hẳn những người mới lần đầu bước vào hầm tối này như chúng tôi không khỏi có cảm giác sợ hãi, sởn da gà, nhất là không khí bao quanh đều yên ắng, những giọt nước tí tẹo rịn ra từ đá núi phía trần hầm, nhỏ xuống đều nghe rõ mồn một. 

Càng đi sâu vào hầm độ dốc càng cao và các ô tránh tàu cũng xuất hiện liên tục ở cả 2 bên vách hầm. Anh Thuần rọi đèn vào một ô để chúng tôi quan sát, thấy nó rộng chừng hơn 1m, sâu vào khoảng nửa mét. 

"Rầm rầm rầm", đoạn vọng vào trong hầm một âm thanh lớn, anh Thuần vội đẩy chúng tôi vào những ô tránh tàu. Đoàn tàu nhanh chóng lướt tới, rầm rập đi qua, với ánh đèn phía đầu tàu rọi một đường thẳng dài phía trước. "Mỗi ngày thường, có 10 lượt tàu khách qua lại. Riêng những ngày lễ, Tết thì nhiều gần gấp đôi, gấp ba. Đó là chưa kể những tàu chở hàng hóa, vật tư, vật liệu", anh Thuần cho biết.

Cũng như bao công nhân đường sắt làm việc trên các cung đường Hải Vân, chuyện xa nhà năm này qua năm khác là chuyện thường tình đối với anh. "Em quê ở Hà Tĩnh, vào làm đây đã được hơn chục năm. Hai năm rồi em chưa được đón Tết ở quê vì trúng ca trực. May nhà vợ con ở Đà Nẵng còn tranh thủ về được đôi chút, còn nhà ba mẹ phải dành sẵn thời gian nghỉ phép đến Tết nào xin được nghỉ trực mới về được. Từ khi làm nghề này đến nay, đã có 7 cái Tết em không về được với ba mẹ!", anh Thuần tâm sự.

Ở cung đường Hải Vân 3, chúng tôi còn gặp công nhân tuần đường Nguyễn Quý. Anh Quý nay 52 tuổi, thì đã có 33 năm thâm niên với nghề. Anh kể: "Tôi vào ngành đường sắt từ năm 1985. Lúc mới vào, tôi làm ở Đội cầu 32 và đi khá nhiều nơi, từ Chu Lai, Tam Kỳ của Quảng Nam cho đến Lăng Cô, Thừa Thiên Huế. 

Đến năm 1988, tôi chuyển về đây làm tuần đường. Ngày đó, tuần đường vào ban đêm chỉ mỗi ngọn đèn dầu leo lét. Mưa gió làm tắt đèn giữa đường là chuyện thường. Cực nhất là những lúc gặp bão phải bấm chặt đầu các ngón chân mà đi cho kịp giờ giao ca. Gần 30 năm trong nghề tuần đường, có không ít lần do mưa bão mình đi không kịp giờ, sạt lở đất, đá 2 bên đường ray không kịp báo cho lực lượng tới để sửa chữa, gia cố. Những lúc như thế buộc mình phải đặt pháo báo hiệu để các lái tàu biết dừng lại kịp thời".

"Từ khi chuyển sang tuần đường đến nay, tôi chỉ được duy nhất một lần về ăn Tết với vợ con, còn lại đón giao thừa trên đèo này. Mấy năm đầu, vợ tôi cũng buồn bực lắm, nhất là vì sao tết nhất mà không về nhà. Song sau này, bà ấy đã hiểu, thông cảm và sẻ chia với tôi rất nhiều. Tôi sống trên đỉnh đèo này cũng quen rồi. 

Vào giây phút giao thừa mình đi tuần, thấy tàu ngang qua, hành khách và đồng nghiệp đưa tay vẫy chào năm mới tự nhiên thấy ấm áp và yêu giây phút đó lắm. Hai mấy năm nhận nhiệm vụ ca đêm giao thừa, cảm giác ấy vẫn vẹn nguyên như lần đầu tiên vậy!", anh Quý bộc bạch.

Bên cạnh công việc tuần đường, còn có công việc gác hầm không kém phần vất vả. Nhân viên gác hầm số 13 Ngô Bá Thành Nhân tâm sự: "Em làm gác hầm được 5 năm rồi, 3 năm ở hầm số 14 và 2 năm nay gác hầm số 13 này. Việc không chỉ ngồi một chỗ đón tàu qua hầm, mà mình phải thường xuyên đi lại kiểm tra, sửa chữa vặn lại những ốc vít bị lỏng hoặc bung ra trong hầm tối, phát hiện ray hỏng thì phải báo kịp thời để thay. Những lúc làm ca sáng, từ 5h em đã phải đi từ Kim Liên lên. Có tàu thì đi, còn không thì phải đi bộ. Ban đêm trực một mình một cửa hầm, cực nhất là vào mùa đông, lỡ mình bị đau ốm cũng phải chịu".

Có một điểm chung, phần lớn những nhân viên, công nhân tuần đường, gác hầm, quản lý và sửa chữa đường sắt vượt đèo Hải Vân đều nối nghề từ các thế hệ trước. Họ vượt qua khó khăn, vất vả, chịu nhiều thiệt thòi để trụ lại với nghề là bằng tình yêu và niềm tự hào đó. Vậy nên, trong khi nhiều bạn bè trang lứa đã rẽ theo hướng khác thì họ vẫn ở lại đây với công việc ban ngày cũng như đêm, liên tục 24 giờ lúc nào cũng phải dán mắt xuống đường ray từng mét!
Thanh Bình – Vĩnh Yên
.
.
.