27 năm giữ trọn lời thề với đồng đội

Thứ Năm, 25/05/2017, 08:19
27 năm qua, người cựu chiến binh ấy đã lặn lội tại nhiều chiến trường xưa để tìm và đưa hài cốt những người đồng chí, đồng đội mình về với quê hương. Cơ duyên dẫn ông đến với việc làm thiêng liêng ấy chính là lời thề với một người đồng đội rằng: "Nếu một trong hai người còn sống thì nhất định phải tìm bằng được hài cốt của người còn lại".


Những chuyến đi nối dài

Người cựu chiến binh ấy là Phạm Ngọc Mậu, 67 tuổi, trú tại phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng. Dù đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng nhìn ông Mậu vẫn rắn chắc.

Ông bảo: "Trời còn cho sức khỏe thì tôi còn đi tìm đồng đội. Tôi sẽ tìm đến khi nào đôi chân này không thể lết đi được nữa thì thôi".

Trên bốn bức tường trong ngôi nhà nhỏ, bằng khen, giấy khen, huân chương treo san sát. Nơi đây cũng chính là văn phòng của Hội Hỗ trợ liệt sĩ Hải Phòng mà ông là một trong những người đầu tiên có công sáng lập vào năm 2014.

17 tuổi, chàng trai trẻ Phạm Ngọc Mậu cùng nhiều bạn bè đồng trang lứa lên đường nhập ngũ vào Sư đoàn 3 Sao Vàng. Vào bộ đội, ông Mậu là lính đặc công nên cùng đơn vị chiến đấu khắp dải đất miền Trung. Suốt 9 năm trong quân đội, tham gia nhiều trận đánh ác liệt, ông đã bị thương nhiều lần.

Chỉ vào một lỗ sâu hoắm trên cánh tay, ông Mậu cười bảo: "Đây là vết tích để kỷ niệm ngày giải phóng đấy. Năm đó tôi cùng đơn vị tiến vào giải phóng thành phố Vũng Tàu, trong lúc chiến đấu thì bị địch bắn vào tay làm mất cả một mảng thịt".

Một lần mang hài cốt đồng đội trở về quê hương.

Sau này, khi đất nước hòa bình, ông xuất ngũ trở về quê hương với quân hàm Đại úy. Dù may mắn hơn nhiều đồng chí, đồng đội nhưng ông Mậu chưa khi nào cảm thấy lòng mình thanh thản, bởi lời một người bạn chí cốt đã hy sinh luôn ám ảnh ông.

Hồi đó khi mới nhập ngũ ông và người bạn ấy đã thề với nhau rằng: "Nếu một trong hai người còn sống thì nhất định phải tìm bằng được hài cốt của người còn lại".

Dù luôn nhớ tới lời người bạn đã hy sinh nhưng ông Mậu vẫn chưa đủ quyết tâm để thực hiện lời hứa của mình. Chỉ đến khi ông đến thăm mẹ của người đồng đội ấy, chứng kiến cảnh bà ôm chầm lấy ông vừa khóc vừa nói: "Hai đứa chơi thân với nhau, cháu thì bình yên trở về còn thằng Út hy sinh, giờ không biết hài cốt đang nằm ở nơi nào. Nếu không tìm được nó thì bác chết cũng không nhắm được mắt".

Lời nói ấy như những nhát dao cứa vào tim ông. Lời thề năm xưa lại hiện lên rõ hơn bao giờ hết. Và từ thời khắc ấy, ông nhủ lòng bằng mọi giá phải đưa hài cốt người đồng đội về để cho mẹ anh được yên lòng.

Năm 1990, ông Mậu bắt đầu cuộc hành trình gian nan "lật rừng tìm bạn". Nơi đầu tiên ông đặt chân đến là mảnh đất Quảng Ngãi, bởi ông tin rằng bạn mình đã hy sinh tại đó.

Ông chia sẻ: "Tôi "lật tung" cả cái đất Quảng Ngãi nhưng vẫn không thể tìm thấy hài cốt của bạn. Dù vậy, trong lúc tìm mà chưa thấy người bạn của mình thì tôi lại tìm được nhiều hài cốt của những người đồng đội khác. Lúc đó tôi nghĩ, mình phải có trách nhiệm đưa những bộ hài cốt đó trở về với quê hương của họ.

Có lẽ, vì tôi được may mắn hơn các đồng đội khác nên tôi được "giao" trọng trách thiêng liêng ấy". Những chuyến đi sau đó cứ nối dài từ năm này qua năm khác, hết chiến trường này tới chiến trường khác.

Với ông Mậu, còn sức là ông còn lên đường tìm hài cốt đồng đội.

Lấy tiền của vợ để lên đường

Sau 27 năm, đã có hàng trăm hài cốt liệt sĩ được ông tìm thấy và đưa về quê hương. Lật từng trang nhật ký được ghi chép khá cẩn thận, ông Mậu nói: "Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm với tôi. Nếu như ngay lúc này tôi cũng không thể nhớ được có bao nhiêu hài cốt của đồng đội được tôi tìm thấy.

Riêng TP Hải Phòng tôi đã đưa về 387 liệt sĩ, huyện Đông Anh (Hà Nội) 30 liệt sĩ, tỉnh Phú Yên 100 liệt sĩ… Bên cạnh đó, tôi cung cấp thông tin khoảng 1.000 phần mộ liệt sĩ. Đây này, còn danh sách trên 20.000 liệt sĩ trên khắp mọi miền Tổ quốc tôi còn giữ".

Không như một số người cũng đi tìm liệt sĩ, thường thì họ vào các nghĩa trang địa phương, còn ông Mậu lại trực tiếp băng rừng, lội suối tìm hài cốt của đồng đội. Chính vì thế, mỗi chuyến đi của ông thấm đẫm sự vất vả, nhưng đầy ắp kỷ niệm.

Trong khoảng thời gian 15 năm (1990 - 2005) ông Mậu chỉ đi tìm đồng đội một mình. Hành trang mang theo là chiếc ba lô cũ đựng quần áo, chiếc thẻ thương binh, một chiếc thuổng dài, cứ thế trong thăm thẳm núi rừng. Có những lúc lên cơn sốt rét, rồi trượt chân ngã, ăn cũng không đủ no, thuốc thang không có, vắt bám khắp người nhưng chưa khi nào ông có ý định bỏ cuộc.

Với trí nhớ hiếm có và kinh nghiệm chiến trường, ông Mậu gặp thuận lợi hơn một số người khi tìm được phần mộ của đồng đội. Mỗi lần tìm thấy đồng đội còn nằm dưới lớp đất lạnh, ông lại ứa nước mắt. Rồi ông cẩn thận nhặt từng mảnh xương nhỏ, rửa sạch từng di vật, cẩn thận cạo lấy lớp đất đen còn lại đặt gọn trong tiểu, phủ cờ Tổ quốc.

Ông Mậu rất tích cực trong công tác từ thiện đối với các gia đình chính sách.

"Mỗi khi thấy đồng đội là tôi không thể cầm được nước mắt, mỗi lần như thế tôi lại tự nhủ với lòng là phải tìm cho kỳ được các anh em khác còn nằm nơi rừng hoang" - ông Mậu rưng rưng.

Mỗi chuyến đi của ông Mậu thường kéo dài nửa tháng, có thể hơn, tùy thuộc vào thông tin mà ông nắm được. Mỗi đồng đội được tìm thấy, ông đều mời chính quyền địa phương làm việc, gửi thông tin về cho thân nhân, hỗ trợ họ đưa liệt sĩ về quê nhà. Nếu gia đình thân nhân khó khăn, ông sẵn sàng hỗ trợ kinh phí hoặc tìm cách kêu gọi giúp đỡ.

Chuyến đi nào cũng để lại trong ông nhiều kỷ niệm, nhưng kỷ niệm của chuyến đi vào Phước Sơn (Quảng Nam) là đáng nhớ nhất, xúc động nhất.

Hôm đó, sau một hành trình dài, ông Mậu quá mệt mỏi nên đã nằm bên gốc cây rồi ngủ thiếp đi. Trong lúc ngủ say, ông chợt nghe thấy có tiếng người gọi và nói dưới gốc cây có mộ liệt sĩ.

Khi tỉnh dậy, ông Mậu không hề thấy sợ mà có gì đó rất vui, lẫn chút hồi hộp. Dù không có nhiều hy vọng nhưng ông cùng mọi người vẫn quyết tâm đào tung gốc cây đó lên để tìm. Chưa đầy nửa mét, những mảnh áo bộ đội cũ bắt đầu hiện ra. Mọi người liên tục hô lên, 2 bộ, 5 bộ, 12… bộ hài cốt liệt sĩ lần lượt hiện ra.

Ông Mậu cùng mọi người cứ thế là đào, là bới, rồi họ lại ôm nhau mừng chảy cả nước mắt. Lần đó, dưới gốc cây ông Mậu tìm được tất cả 51 bộ hài cốt liệt sĩ.

Ông Mậu trong một chuyến đi làm từ thiện tại một số tỉnh biên giới.

Suốt quãng thời gian 27 năm tìm đồng đội, không phải lúc nào cũng thuận lợi. Sức khỏe, sự nhiệt huyết ông có thừa nhưng phải có kinh phí mới có thể lên đường được. Mỗi lần lên đường ông đều phải gom góp tiền, chủ yếu là từ việc kêu gọi giúp đỡ của đồng đội cũ.

"Người thường thì cho vài trăm nghìn, người thành đạt thì ủng hộ một triệu, hai triệu. Có những chuyến đi tôi phải "lấy cắp" tiền của vợ để đi. Tôi đi khắp nơi, đi đến đâu là ăn, ngủ nhờ nhà đồng đội cũ. Đi như vậy mấy chục năm rồi cũng không được tiền hỗ trợ của chính quyền. Thôi thì vì tình nghĩa đồng đội mà mình làm, tôi cũng không đòi hỏi gì cả. Trước còn trẻ, còn làm ra tiền thì mỗi năm đi 6-7 chuyến. Biết là làm việc nghĩa nhưng đâu cứ xin bạn bè mãi được. Thôi bây giờ sức khỏe không có, tiền cũng ít thì mỗi năm đi 2-3 chuyến. Còn sức là tôi còn đi, còn phải tìm các đồng đội còn nằm nơi đất khách quê người" - ông Mậu tâm sự.

Chia tay chúng tôi ông Mậu nói chắc như đinh đóng cột: "Dù có bị phàn nàn từ gia đình, tiền bạc và sức khỏe ngày một cạn thì tôi vẫn quyết tâm đi. Người lính sống sót trở về mang nợ với những người đã nằm xuống, và tôi đi để trả nợ ân nghĩa này".

Phong Anh
.
.
.