3 ngày 4 vụ tai nạn đường sắt, lỗi tại ai?

Thứ Tư, 06/06/2018, 17:25
Những ngày cuối tháng 5 vừa qua, liên tiếp 4 vụ tai nạn tàu hỏa xảy ra dồn dập. Đã có người chết, người bị thương, thiệt hại lớn về vật chất, gây ùn ứ giao thông. Nguyên nhân do đâu? Lỗi tại ngành đường sắt hay tại sự bất cẩn của người dân?


Trong 4 loại hình vận tải phổ biến nhất hiện nay bao gồm: đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường hàng không, thì loại hình đường sắt hay còn gọi tàu hỏa vẫn được khá nhiều người ưa chuộng vì giá cả vừa túi tiền, mức độ an toàn được cho là cao.

Nhưng thời gian gần đây nhiều vụ tai nạn đường sắt liên tục xảy ra, đặc biệt những ngày cuối tháng 5 vừa qua, liên tiếp 4 vụ tai nạn tàu hỏa xảy ra dồn dập. Đã có người chết, người bị thương, thiệt hại lớn về vật chất, gây ùn ứ giao thông. Nguyên nhân do đâu? Lỗi tại ngành đường sắt hay tại sự bất cẩn của người dân?

Hiện trường vụ tai nạn đường sắt chiều 27-5 tại Nghệ An.

Ngày 28-5, Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải đã đăng đàn để xin lỗi người dân, xin lỗi Đảng, Chính phủ. Ông nói: "Thay mặt lãnh đạo Bộ, cá nhân tôi xin chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân. Xin gửi lời xin lỗi gia đình nạn nhân các vụ tai nạn đường sắt thời gian qua. Tôi chịu trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành trong toàn ngành giao thông vận tải, trong đó có ngành đường sắt đã để xảy ra nhiều yếu kém thời gian qua".

Sau nhận trách nhiệm và xin lỗi, Bộ trưởng Thể cũng nói thêm, một câu rất chua chát: "Với đà này thì ai còn tin vào ngành đường sắt, ai còn dám đi tàu nữa". Đúng là chỉ cần liên tưởng đến việc trong 3 ngày liên tiếp mà xảy ra đến 4 vụ tai nạn thì ai cũng phải giật mình, phải lo sợ khi nghĩ đến việc phải đi tàu.

Vào đầu tháng 5, khi hai đứa con nhỏ nhà tôi thi hết học kỳ, tôi định sẽ cùng các con có chuyến trải nghiệm về Hà Nội thăm ngoại bằng tàu hỏa. Đứa nào cũng hào hứng lên kế hoạch cho những điểm dừng chân mà đoàn tàu đi qua. Dự kiến ngày đi sẽ là đầu tháng 6, nhưng khi nghe được những thông tin tai nạn đường sắt, tôi đã lập tức hủy bỏ ý định ban đầu. Tôi đã mất niềm tin vào ngành đường sắt và cảm thấy sợ khi phải đi tàu hỏa.

3 ngày 4 vụ tai nạn đường sắt liên tiếp xảy ra, trong đó có 1 vụ 2 tàu đối đầu trực diện với nhau, 1 vụ lật nhiều toa với hàng trăm hành khách. Rất may là một thảm họa tương tự như tại Bàu Cá, Đồng Nai năm nào đã không diễn ra. Nhưng với tần suất tai nạn như hiện nay, chúng ta không thể hy vọng vào may mắn mãi được.

Trong cuộc họp kiểm điểm và xem xét trách nhiệm của các đơn vị liên quan  đến những vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra liên tiếp trong những ngày vừa qua, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), cho biết các nguyên nhân khách quan dẫn đến tai nạn gồm: Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt còn nhiều bất cập; giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ còn nhiều, đặc biệt là đường ngang tự mở bất hợp pháp, các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt chưa được giải tỏa dứt điểm, hệ thống đường gom, hàng rào hộ lan giữa đường sắt và đường bộ chạy dọc liền kề, hàng rào bảo vệ hành lang ATGT đường sắt chưa được đầu tư, xây dựng kịp thời; phương tiện giao thông đường sắt đã “quá già” (1960-1970) vẫn đang khai thác trên đường sắt trong khi đó nguồn vốn đầu tư cho phương tiện đóng mới đầu máy, toa xe còn hạn hẹp.

Ông Minh cũng thừa nhận nguyên nhân chủ quan của các vụ tai nạn này là do vẫn còn tình trạng một số đơn vị, nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn đường sắt. 

Ông nói: “Công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về chạy tàu bảo đảm ATGT đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, đặc biệt là đội ngũ lái tàu, trực ban chỉ huy chạy tàu, gác chắn đường ngang đôi khi còn hạn chế, chất lượng kiểm tra chưa đạt yêu cầu thực tiễn hiện trường”. 

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận người tham gia giao thông còn kém, nhiều vi phạm còn diễn ra khá phổ biến.

Hiện trường vụ tai nạn đường sắt ở Thanh Hóa ngày 24-5.

Đúng là nhiều vụ tai nạn xảy ra là do ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt. Họ liều lĩnh cắt ngang mũi tàu, đẩy thanh chắn để băng qua mặc cho sự can ngăn của nhân viên gác chắn, nhiều gia đình vô tư sinh hoạt, kinh doanh ven đường tàu…Nhưng đó là thực trạng ở Việt Nam và thực trạng này cần những giải pháp thực sự hiệu quả để đảm bảo sự an toàn cho mọi người.

Không đồng tình với những lý giải của ngành đường sắt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thẳng thắn cho rằng: “4 vụ tai nạn giao thông đường sắt vừa qua nguyên nhân chủ quan rất lớn từ chủ thể là cán bộ, công nhân viên đường sắt. Sự cố này ảnh hưởng uy tín ngành giao thông. Đây là lỗi chủ quan của ngành đường sắt dù có quy chuẩn, quy định quy trình vận hành nhưng chỉ cần vận hành lơ là là 2 đoàn tàu đụng nhau trong ga dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về người và về kinh tế”.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo phải có chế độ chính sách đảm bảo cho công nhân gác chắn, lái tàu... để họ yên tâm làm việc. Ông nói: “Trực gác chắn có ảnh hưởng tới an toàn của cả đoàn tàu mà lương thấp thì trách nhiệm làm sao cao được?”.

Ông Nguyễn Đào Việt Phương, Đội trưởng Đội gác chắn đường ngang Giáp Bát nêu thực tế, gác chắn đường ngang là công việc nặng nhọc và rủi ro lớn. Mỗi ca trực tại gác chắn Trường Chinh - Ngã Tư Vọng có 3 nhân viên, làm 12 tiếng và nghỉ 24 tiếng. Vất vả là vậy nhưng thu nhập bình quân của gác chắn chỉ 4,6 triệu đồng/tháng, nếu trừ tiền phí đóng BHYT, BHXH, công đoàn… thì chỉ còn 4 triệu với điều kiện làm đủ 21 ca trong tháng. Mức lương như vậy là quá thấp.

Đây là lần đầu tiên người đứng đầu ngành giao thông đưa ra lời xin lỗi đồng thời nhận trách nhiệm vì tai nạn đường sắt xảy ra liên miên. Và sau lời xin lỗi của Bộ trưởng, người dân hy vọng ông sẽ chỉ đạo hành động quyết liệt, thậm chí người dân còn đang trông chờ một lời cam kết có trọng lượng hơn nữa. Đường sắt của chúng ta đang bị tụt hậu, bộc lộ sự trì trệ, yếu kém quá lớn và cứ với đà này, nó sẽ tụt thê thảm hơn nữa nếu không có giải pháp đi kèm với cam kết.

Hy vọng một khi người đứng đầu ngành giao thông đã đứng ra lên tiếng công khai xin lỗi, ngành giao thông thực sự cảm thấy có lỗi và biết hối lỗi, từ đó có những hành động thiết thực để chấn chỉnh lại ngành đường sắt, chứ không chỉ là “xin lỗi suông”, xin lỗi cho có để xoa dịu cơn tức giận của người dân.

Tôi vẫn hy vọng sẽ sớm được cùng con an tâm xuyên Việt trên những toa tàu hỏa, ngắm nhìn cảnh quan của đất nước trải dài hàng ngàn kilômét đường sắt.

Tân Ước
.
.
.