Kỳ II: "Độc thủ đại hiệp"

40 năm đi tìm bóng hình người xưa

Thứ Hai, 17/09/2012, 11:28
Mối tình đầu kéo dài 10 năm của võ sư Mã Vĩnh Trinh với người con gái sông Tiền đã trở thành bản tình thơ bất tử. Ông tâm sự rằng, nửa thế kỉ trong cuộc đời 77 mùa xuân của ông dành cho người yêu đầu tiên. Ông làm thơ và trăn trở nỗi nhớ người xưa không bao giờ vơi cạn cảm xúc.

>> Huyền thoại kỳ nhân dị tướng: Mãnh hổ miền Trung

Hơn 40 năm sống trong sự xa cách mối tình đầu, ông mỏi mòn đi tìm kiếm dù biết rằng cả hai đều đã có gia đình riêng. Thế nhưng ngày gặp lại trên bến sông Tiền, họ đã ôm nhau khóc như mưa trước sự chứng kiến của những người chồng, người vợ của họ.

"Độc thủ đại hiệp" có một không hai

Đi hết tận cùng của khổ đau, khi nghiệp võ tạm nuôi sống bản thân, khi tiếng vang còn lừng lẫy khắp vùng thì trong một trận đánh giữa ta và địch vào Tết Mậu Thân, ông bị mảnh bom cứa đứt lìa bàn tay phải. Ông đau đớn hét lên giữa không trung mịt mùng lửa đạn, trên bầu trời vần vũ mưa giăng. Còn đâu nghiệp mãi võ mưu sinh, còn đâu quả đấm thép dũng mãnh trên đấu trường.

Ngoài luyện võ, võ sư Vĩnh Trinh còn là một nhà thơ, nhà văn đa sầu, đa cảm.

Cái nghiệp võ ông khổ công rèn luyện bỗng chốc bị chiến tranh dập tắt. Mất một bàn tay, Vĩnh Trinh trở nên chơi vơi, lạc lõng và tủi hận trên đời. Một tay đấm không có đối thủ khắp dải đất miền Trung, từng thách thức ngạo nghễ các võ sư hải ngoại và mang về vinh quang cho quê hương vậy mà giờ đây, một bàn tay chủ chốt nhất của nghiệp mãi võ không còn nữa, "mãnh hổ miền Trung" đã hết thời.

Sau một thời gian chán nản, buồn bã vì vết thương trên cơ thể do trúng bom và vì sự khiếm khuyết của cơ thể, Vĩnh Trinh từng trải qua những công việc như bán thuốc lá, đi buôn…  khắp nơi để kiếm sống qua ngày. Tuy vậy, cái tiếng vang một thời vẫn còn dư âm, võ sinh tìm đến ông không hề giảm.

Người mất một tay nhưng với khúc tay suôn tuột ấy chẳng khác nào một đoạn côn. Mỗi khi tung đòn thì lợi hại khôn lường, đối phương khó có thể đoán bắt được. Ông trở thành thầy dạy võ khuyết tật lừng danh chỉ bằng một tay. Ông dồn cú đấm qua cánh tay trái và dùng cùi trỏ của cánh tay phải đi quyền điêu luyện và sắc sảo hơn khi xưa. Người ta tôn ông là kì nhân dị tướng, một độc thủ đại hiệp (tức võ sĩ một tay) có một không hai trong làng võ thuật Việt Nam.

Hạnh phúc chẳng tày gang

Chia xa mối tình đầu mang nhiều nhung nhớ và thương đau, Mã Vĩnh Trinh lấy vợ là một cô gái làm trong ngành nông nghiệp. Hai đứa con một trai một gái chào đời trong vô vàn khó khăn. Những năm tháng đầu ấp tay gối chẳng là bao, vợ ông trong một chuyến công tác vào rừng sâu, bà bị sốt huyết nặng. Trở về nhà ít lâu, vợ ông từ giã cõi trần.

Bỏ lại ông và hai đứa con, đứa lớn 4 tuổi và đứa nhỏ 1 tuổi. Hạnh phúc đối với Vĩnh Trinh chẳng tày gang, những năm tháng khó khăn, vất vả vợ chồng cùng nhau gồng gánh vượt qua vậy mà khi vừa thong thả một chút, đến giai đoạn được hái trái ngọt từ "mồ hôi, nước mắt" thì ông lại chỉ có một mình. Vĩnh Trinh gào khóc bên mộ vợ, nghĩ cuộc đời đau buồn, đen tối cứ phủ ngập lấy tấm thân nhỏ bé của mình.

Ông trách trời trách đất sao nỡ để vợ ông ra đi quá sớm "đời em sao chỉ bấy nhiêu/ đời anh sao lại quá nhiều chông gai" (thơ Vĩnh Trinh viết về vợ). Ông ôm hai con đi khắp nơi, làm đủ thứ nghề để nuôi chúng lớn. Đến khi không thể lo được nữa, ông đánh liều gửi chúng vào chùa, kịch bản ngày xưa lặp lại của chính cuộc đời ông, ông từng phải ở chùa, từng quy y cửa phật.

Vĩnh Trinh bôn tẩu khắp nơi, tìm kiếm vùng đất tốt để sinh cơ lập nghiệp. Suốt 15 năm trôi dạt theo dòng đời, ông đã trải qua không biết bao nhiêu thành phố, ở không biết bao nhiêu gầm cầu, xó chợ, bến xe và không biết bao nhiêu ngày lả đi vì đói. Người ta vẫn nhìn thấy người đàn ông với bàn tay không ngón lam lũ giữa cái nắng như đổ lửa của Sài Gòn bán từng bao thuốc lá. Cứ chiều tối là ông lại lẩn mình tìm đến những lò võ tập luyện mặc dù ông đã là một võ sư có tiếng.

Đến khi có chút vốn liếng, ông mua miếng đất nho nhỏ dựng nhà và đón 2 con về nuôi dạy. Các con ông hiện đều là võ sư có cuộc sống gia đình êm ấm. Hiện võ sư Mã Vĩnh Trinh đang là trưởng môn Quảng Nam võ đạo, từng nhiều năm giữ chức Chủ tịch Hội võ cổ truyền huyện Hóc Môn và Q12. Dưới bàn tay và khói óc về võ thuật của ông, nhiều lớp võ sinh ra đời thành danh và gây tiếng vang lớn.

Ông vẫn sống một mình trong ngôi nhà khá rộng rãi phía trước có sân tập luyện rợp bóng dừa. Ông sống bằng nghiệp võ và trọn đời dành cho võ đạo. Phía sau lớp áo hiền môn, người đời không thể biết rằng, ông vẫn miệt mài tìm kiếm hình bóng người xưa.

Tình yêu bất tử với cô gái sông Tiền

Gặp ông trong những ngày nghỉ dạy võ, ông không ngần ngại tâm sự với chúng tôi về chuyện tình thấm đẫm lệ buồn của mình. Ông nói, cho đến bây giờ, ông vẫn còn nhớ và yêu tha thiết mối tình đầu của ông với cô gái miền Tây. Đôi mắt ông thẫm sâu, nhìn xa vời vợi và chợt lắng lại khi mối tình xưa ùa về trong miền nhớ.

Khi còn học trường Lê Quý Đôn ở Sài Gòn, Mã Vĩnh Trinh đã quen và yêu tha thiết người con gái tên Huỳnh Kim Chi cùng học trong trường. Thuở đó yêu nhau thật trong sáng và hồn nhiên, họ thường có những buổi hẹn hò đi chơi tình tứ và lãng mạn. Chàng trai quê miền Trung nghèo khó không quản ngại khó, ngại khổ, ngoài giờ học Vĩnh Trinh quần quật làm thêm để kiếm tiền trang trải và cùng người yêu đi chơi.

Tổ đường Quảng Nam võ đạo được đặt ngay mảnh đất nơi võ sư Vĩnh Trinh sinh sống.

Họ đã dẫn nhau về Quảng Nam sau đó lại ngược vào Mỹ Tho thăm hỏi gia đình của nhau. "Cô ấy đẹp lắm, một vẻ đẹp thuần khiết và sáng trong của con gái Mỹ Tho. Áo dài tóc xõa rèm mi nguyệt/ xanh biếc mắt tình đón đợi anh/ anh như chết lặng từ hôm ấy/ hình bóng ai kia ướp mộng tình". Vĩnh Trinh hồi tưởng lại hình bóng người xưa.

10 năm yêu thương và gắn bó, bao nhiêu kỉ niệm ước vọng tương lai bị chiến tranh chia lìa đôi ngả. Trong thời loạn lạc, mỗi người một phương chạy tứ tán khắp nơi, ai nấy đều lo cho sinh mạng của mình tránh làn đạn bay nên họ mất nhau từ đó. Hòa bình lập lại, Vĩnh Trinh lặn lội khắp nơi, hỏi thăm dò la tin tức người yêu nhưng đều vô vọng. Ông cất công về Tiền Giang nhiều lần nhưng ngôi nhà xưa nay đã thay chủ, không có bất cứ một dòng thông tin nào về cô Huỳnh Kim Chi tại địa phương trước kia.

Ông tâm sự: "Tôi lấy vợ chỉ là làm tròn trách nhiệm của một người đàn ông, phải có con cái nối dõi tông đường. Bà ấy bỏ tôi đi sớm quá khi tình nghĩa vợ chồng chưa thấm vào đâu. Mặc dù có gia đình riêng nhưng thật lòng mà nói không bao giờ tôi quên được hình bóng người yêu đầu". Mỗi ngày trôi qua đối với ông là một ngày nhung nhớ khôn nguôi. Ông làm thơ tình, tất cả đều viết về mối duyên đầu tan vỡ cùng nỗi nhớ giày vò bao năm: "Em ơi! Ngày ấy vẫn đầy vơi/ Từng đêm thức trắng từng đêm nhớ/ kỉ niệm đầu tay khuất nẻo rồi".

Sau hơn 40 năm thất lạc đôi nơi, một ngày nhờ gặp lại người em họ của gia đình bà Kim Chi nên ông tìm được nơi bà Kim Chi đang sinh sống cùng chồng bây giờ. Ông bắt liên lạc với người bà con của cô ấy, hẹn một ngày gần nhất gặp lại và nhờ thông báo cho Kim Chi biết. Hôm đó, hai vợ chồng bà Kim Chi ra tận bến đò đón Vĩnh Trinh, vừa gặp nhau, họ ôm chầm lấy nhau khóc như mưa mặc cho những người ra đón trong đó có chồng con của người yêu xưa.

Gần nửa thế kỉ trùng phùng trong nước mắt, hai mái đầu tóc lấm tấm hoa râm ngồi hoài niệm lại chuyện ngày xưa của mối tình đầu, nước mắt đã cạn nay lại tuôn rơi thay cho bao lời muốn nói. Chuyện của họ tất cả đều biết và không ai phản đối bởi trước khi lập gia đình riêng cả Vĩnh Trinh và Kim Chi đều kể lại cho chồng con biết là họ có mối tình đẹp tuổi đôi mươi nhưng vì chiến tranh loạn lạc nên họ không thể đến được với nhau.

Còn Mã Vĩnh Trinh nói, khi vợ còn sống, bà ấy có biết chuyện tình ngày xưa của ông nhưng không hề phản ứng gì, vẫn cho ông đi tìm người yêu, vẫn để ông nhớ ông thương mối duyên đầu. Sau lần gặp lại ấy, thi thoảng, gia đình bà Kim Chi lại lặn lội từ Long Xuyên lên Sài Gòn thăm ông và ông cũng thường có chuyến viếng thăm họ.

Đối với người học võ, khi cứng thì cứng hơn sắt thép còn khi mềm lại mềm hơn vỏ chuối. Vì thế mà trên đấu trường, võ sư có thể tung ra những cú đấm, cú đá khiến bất cứ thứ gì cũng có thể vỡ vụn. Mềm đó là khi vướng vào chuyện tình cảm, là khi trái tim của họ rung động trước tình yêu. Có mấy ai biết rằng, võ sư Mã Vĩnh Trinh đã khóc thật nhiều mỗi khi gợi lại chuyện tình buồn ngày xưa. Có một thứ nào đó là nỗi đau, sự mất mát không gì có thể bù đắp nổi. Đó là: "Tình yêu lỡ hẹn chẳng chung đường/ bao năm nhung nhớ khô dòng lệ/ cho đến mái đầu tóc điểm sương

Ngọc Thiện
.
.
.