65 năm vẫn vẹn nguyên ký ức ngày Giải phóng Thủ đô

Thứ Ba, 08/10/2019, 19:20
Dưới cờ Tổ quốc, trong sân Cột Cờ (nay là sân Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long), ngày 10-10-1954, lễ chào cờ đầu tiên sau giải phóng Thủ đô Hà Nội được Ủy ban Quân chính Thành phố tổ chức, với sự có mặt của các đơn vị quân đội tham gia tiếp quản thủ đô và hàng vạn đồng bào thủ đô.


Đúng 65 năm sau, cũng trong không khí tưng bừng kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô, lễ chào cờ lịch sử được tái hiện tại sân Đoan Môn (đúng vị trí đoàn quân giải phóng thực hiện lễ chào cờ khi tiếp quản Thủ đô) thu hút hàng ngàn người dân và du khách.

Nhiều nhân chứng lịch sử - những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi năm nào, nay đã tóc bạc, da mồi nhưng ký ức về những tháng ngày hào hùng, khi đoàn quân tiên phong từ năm cửa ô tiến về để giải phóng và tiếp quản Thủ đô Hà Nội thưở nào dường như vẫn vẹn nguyên.

Xe Chủ tịch Ủy ban Quân chính - Thiếu tướng Vương Thừa Vũ diễu qua phố Hàng Đào.

1.Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an, một trong số những người vinh dự nhận nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô những ngày đầu tiên mới giải phóng kể rằng, thời điểm ấy nhà nào nhà nấy mở toang cửa ngõ, cờ đỏ sao vàng được treo lên đỏ rực khắp phố phường.

Mọi người, bất kể nam nữ, già trẻ, đều tỏa ra khắp đường để chào đón đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô. Các cửa hàng tạp hóa, sách báo, may mặc, hiệu ảnh… đều mở cửa bán hàng. Các chợ Đồng Xuân, Hàng Da, Cửa Nam, Chợ Hôm… lại tấp nập ồn ào mua bán bình thường.

Lực lượng Công an cùng đại quân hàng ngàn người, đi tới đâu là bố trí cảnh sát giao thông đứng ra chỉ đường cho xe qua lại trật tự. Các anh chị em được bố trí ở đồn nào, quận nào thì lập tức bắt tay và gìn giữ ở các trọng điểm: Nhà ga, bến xe ôtô khách, bến xe điện, nhà máy điện, nhà máy nước, rạp hát, rạp chiếu phim… Tất cả đều tập trung để làm sao mọi sinh hoạt bình thường của người dân Hà Nội diễn ra vui vẻ, bình yên như thường lệ.

Tái hiện Lễ chào cờ lịch sử - lễ chào cờ đầu tiên sau ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội tại Hoàng thành Thăng Long.

Ông Nguyễn Mạnh, nguyên là chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, trung đoàn được thành lập năm 1947 để bảo vệ Thủ đô Hà Nội, rưng rưng nhớ lại: 5h sáng 10-10-1954, cả Hà Nội tưng bừng không khí ngày hội, cổng chào, khẩu hiệu nền đỏ chữ vàng, cờ, hoa nhộn nhịp, ai cũng mặc quần áo đẹp, chỉnh tề.

Các bà mẹ bế và dắt con, tay cầm cờ hoa đủ màu sắc. Từng đoàn người đứng kín hai bên hè phố, các ngả đường mà bộ đội đi qua. Tiểu đoàn 54 (nhân dân thường gọi là Quyết tử 54) cùng với Trung đoàn Thủ đô đi vào Cầu Giấy, Cửa Nam qua Nguyễn Thái Học, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu. Đến đâu cũng là rừng người và cờ hoa vẫy chào…

8 giờ ngày 10-10-1954, cánh quân phía Tây từ Quần Ngựa đi qua các đường Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang… vào đóng trong Thành cổ Hà Nội bằng Cửa Đông. 8 giờ 45 phút ngày 10-10-1954, cánh quân phía Nam, thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ "Việt Nam học xá", tiến qua phố Bạch Mai, phố Huế… vào đóng quân ở các khu vực "Đồn Thủy" và "Đấu Xảo".

9 giờ 30 phút ngày 10-10-1954, Đoàn cơ giới và pháo binh, cùng chỉ huy tiếp quản Hà Nội, xuất phát từ sân bay Bạch Mai, qua Bờ Hồ, tiến vào qua Cửa Bắc… 15 giờ ngày 10-10-1954, hàng vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội dự lễ chào cờ long trọng do Ủy ban Quân chính Thành phố tổ chức. Sau 9 năm, lá cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức được kéo lên tại Cột cờ Hà Nội…

2.Không ít người dân và du khách đặc biệt xúc động khi có dịp ngắm nhìn lại chiếc huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên" được trưng bày trang trọng tại khu trưng bày mang chủ đề "Hà Nội mùa thu năm ấy" ở Hoàng thành Thăng Long. Đây là phần thưởng Bác Hồ tặng  ông Vũ Huy Hậu khi ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Hậu là Tiểu đoàn trưởng của Tiểu đoàn Bình Ca, tiểu đoàn đầu tiên được vào tiếp quản thủ đô, được giao nhiệm vụ về tiếp quản 35 vị trí trọng yếu của Hà Nội trước ngày giải phóng, để tránh việc thực dân Pháp trả lại cho ta một Hà Nội tan hoang xơ xác. Huy hiệu này được ông đeo trên ngực trái khi cùng đồng đội tiến vào thủ đô qua cầu Đuống ngày 8-10.

Tái hiện Lễ chào cờ lịch sử - lễ chào cờ đầu tiên sau ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội tại Hoàng thành Thăng Long.

Chiếc áo trấn thủ-vật dụng dùng để tránh rét cho các chiến sĩ, ra đời theo sáng kiến phát động phong trào "mùa đông binh sĩ" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh người lính với chiếc áo trấn thủ, đôi dép cao su đã trở thành biểu tượng đẹp về anh Bộ đội Cụ Hồ, qua bao chiến trường vẫn nằm trong quân tư trang trong "ngày trở về"…

Trên "chuyến xe trở về quá khứ" ấy, những tháng năm kháng chiến với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" năm nào cũng được tái hiện sinh động, xúc động, bằng tư liệu, hiện vật và ký ức của rất nhiều nhân chứng khác.

Đó là hình ảnh người dân đầu phố Hàng Đào đang theo dõi các bài kêu gọi nhân dân chuẩn bị bảo vệ Thủ đô đề phòng sự phản trắc của thực dân Pháp trên bích báo; là ấn tượng về hình ảnh Ban Chỉ huy Trung đoàn Thủ đô đang nghiên cứu bản đồ các khu phố để đánh giặc trong Liên khu I, Hà Nội; hình ảnh những người lính Quyết tử quân đang chuẩn bị đánh xe tăng địch bằng những chai xăng ở đầu phố Hàng Bồ; các chướng ngại vật đầu phố Huế; cận cảnh người lính tự vệ khu phố đang bảo vệ ấn kiếm, tản cư khỏi nội thành, một chiến sĩ quyết tử úp mìn tự động trong một cái ống bơ ở ngã tư phố Hàng Thiếc trong lúc chiến sự đang diễn ra quyết liệt hay cuộc rút lui thần kỳ của Trung đoàn Thủ đô vượt qua vòng vây của quân địch, hình ảnh đồng bào chở đò đưa bộ phận cuối cùng của Trung đoàn Thủ đô vượt sông Hồng năm 1947…

Những người lính tạm xa Hà Nội nhưng trong lòng đầy nuối tiếc. Như cụ bà Lê Thị Lương, nguyên chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô chia sẻ là "được lệnh rút thì tôi không muốn rút. Tôi thích ở lại nhưng không được. Đúng 7h đi qua ngõ Phất Lộc, ngõ đi ra bờ sông, nằm trên đó nhìn lại cả thủ đô đỏ rực, những người như tôi khóc vì ra đi thế này không biết bao giờ được về".

Học sinh tập hợp trên đường phố Hàng Đào chờ đón bộ đội về tiếp quản.

Cụ ông Phùng Đệ, cũng nguyên chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô xúc động nhớ lại: Đêm hôm ra đi, tất cả mọi người đều rất buồn. Ai cũng nghĩ sẽ quyết tử ở Hà Nội. Chết ở Hà Nội cũng vinh dự, buộc phải ra đi, nhiều người khóc, lấy gạch, lấy than viết lên trên tường "Hẹn ngày trở lại", "Hà Nội ơi chúng tôi xa nhớ Hà Nội lắm", "Hỡi quân xâm lược Pháp chúng tao hẹn có ngày chiến thắng trở về".

65 năm sau, những ngày này, thành phố Hà Nội lại tưng bừng các hoạt động kỷ niệm ngày chiến thắng. Âm hưởng của bản hùng ca Hà Nội chiến đấu và chiến thắng vẫn luôn vang vọng tới lớp lớp thế hệ.

Hình ảnh hàng ngàn người vẫn tập trung về Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội để tham dự sự kiện tái hiện lễ chào cờ lịch sử, bỏ qua hàng loạt các sự kiện vui chơi giải trí sôi động cuối tuần, đa dạng sắc màu, từ Đông sang Tây ở khu phố đi bộ bên hồ Hoàn Kiếm dịp cuối tuần qua đã là một minh chứng thực tế, cụ thể nhất.

Hà Hải
.
.
.