ACV cần xem lại cách hỗ trợ các hãng hàng không

Thứ Bảy, 04/04/2020, 11:14
Mới đây Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã có thông báo miễn, giảm 7 loại phí. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng việc miễn giảm này chỉ mang tính hình thức.


Tính đến thời điểm này, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay  do dịch COVID-19 của các hãng hàng không Việt Nam là khoảng 30.000 tỷ đồng. Nhằm chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp, mới đây Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã có thông báo miễn, giảm 7 loại phí. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng việc miễn giảm này chỉ mang tính hình thức.

Các hãng hàng không lao đao vì dịch bệnh

Đầu tháng 3, Cục Hàng không Việt Nam đã  đưa ra dự báo cho hoạt động hàng không của Việt Nam với hai kịch bản cho thời gian tới. Thứ nhất, trong trường hợp khả quan nhất, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4/2020, tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15,4% so 2019. 

Trong đó các hãng Việt Nam vận chuyển được 12,7 triệu khách quốc tế (giảm 28,3%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 48 triệu khách (giảm 9,2% so cùng kỳ). 

Trong trường hợp xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6/2020, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6 % so 2019. Trong đó các hãng Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách (giảm 17% so cùng kỳ).

Thế nhưng, tính đến cuối tháng 3, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp cả trong nước lẫn quốc tế. Điều này tiếp tục ảnh hưởng sâu đến toàn ngành. Không chỉ dừng hoàn toàn các đường bay quốc tế, từ ngày 30/3, các hãng hàng không Việt Nam tiếp tục giảm hầu hết các đường bay nội địa, mỗi hãng chỉ còn duy trì khoảng 8-10 chuyến bay/ngày đối với tất cả các đường bay đến thành phố lớn.

ACV đã giảm giá những dịch vụ gì?

Để chia sẻ khó khăn với các hãng hàng không, ACV đã quyết định giảm giá các dịch vụ hàng không  bao gồm cả hãng hàng không quốc tế và hãng hàng không nội địa đang sử dụng các dịch vụ tại các cảng hàng không của ACV.

Cụ thể, có 7 loại dịch vụ thuộc thẩm quyền được ACV miễn, giảm giá là: dịch vụ dẫn tàu bay giảm 50%; dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất: giảm 10%; dịch vụ thuê văn phòng đại diện hãng: đối với các hãng hàng không dừng bay sẽ miễn 100%, còn các hãng vẫn duy trì bay sẽ giảm ở mức tối đa theo quy định của Nhà nước là 30%. 

Việc miễn giảm giá dịch vụ hàng không cho các hãng được thực hiện từ tháng 3 đến tháng 8/2020 (6 tháng). Ngoài ra, đối với các hoạt động phi hàng không, ACV cũng đang nghiên cứu xây dựng các kịch bản và phương án hỗ trợ theo diễn biến dịch bệnh.

Trước đó, một gói chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải cũng được Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng. 

Theo đó, trong lĩnh vực hàng không, Bộ GT-VT đề nghị Chính phủ cho phép bộ này được áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa. Thời gian áp dụng dự kiến từ ngày 1/3 đến hết ngày 31/5/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh. 

Bộ GT-VT cũng kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong thời gian từ ngày 1/3 đến hết ngày 31/5/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ như ACV và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hàng không khác thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác.

Đừng hỗ trợ kiểu hình thức

Nhìn vào danh sách các loại phí mà ACV đưa ra ,không ít người đã tỏ ra băn khoăn về việc miễn, giảm này, bởi đây dường như không phải là những dịch vụ tác động nhiều đến các hãng hàng không. 

Một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không phân tích, trong số 7 loại dịch vụ được ACV miễn, giảm cho các hãng hàng không, phí dẫn tàu bay được ACV giảm 50%, nhưng vấn đề là hiện nay, phần lớn máy bay của các hãng hàng không đều đang “đắp chiếu” do vắng khách, thì vốn đã không có nhiều chuyến bay để áp phí. 

Dịch vụ được giảm nhiều nhất là miễn 100% phí dịch vụ thuê văn phòng đại diện nếu các hãng dừng bay và giảm 30% với các văn phòng còn lại cũng không mang nhiều ý nghĩa, bởi hầu hết hoạt động của các văn phòng đại diện mà doanh nghiệp thuê của ACV đều đã... đóng cửa. 

Trong khi đó, các dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất, là những dịch vụ chiếm đáng kể trong chi phí hiện tại của các hãng hàng không, thì lại chỉ được giảm... 10%. 

Đặc biệt, với phí sân đậu tàu bay, ACV hoàn toàn không miễn, giảm, khi vẫn đang duy trì tính ở mức 32.000 đồng/tấn/ngày. Với trọng lượng máy bay từ vài chục cho đến hàng trăm tấn/chiếc, tính ra các hãng hàng không phải trả cho phí đỗ 3 triệu đồng/ngày/máy bay, trong bối cảnh máy bay đậu la liệt các sân bay giai đoạn này vì không có khách.

Mang câu hỏi liệu thời gian tới ACV có tính đến chuyện giảm phí đậu đỗ sân bay cho các hãng hay không? Lãnh đạo ACV cho biết: “Phí sân đậu máy bay mà đơn vị đang áp dụng là giá tối thiểu đối với hãng hàng không nội địa rồi. Các hãng nội địa còn được giảm thêm 50% phí sân đậu đối với các sân bay mà hãng đặt làm sân bay căn cứ như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng”, vị này thông tin thêm.

Nhìn nhận vấn đề trên,  PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, trường Đại học Bách khoa TP HCM, cho rằng, việc miễn giảm phí như ACV đưa ra chỉ mang tính đối phó, không đáng là bao. 

ACV đang “độc quyền” khai thác 22/23 cảng hàng không. Ngoài ra, doanh nghiệp cổ phần này cũng có doanh thu và lợi nhuận hàng năm rất lớn, trong khi các hãng hàng không Việt Nam lại chịu rủi ro cao do sự “độc quyền” này. 

Nếu ACV tiếp tục duy trì thế độc quyền tại sân bay thì hành khách và các hãng hàng không vẫn phải chịu thiệt. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài khiến các hãng hàng không phải cắt, giảm chuyến hàng loạt, máy bay "đắp chiếu", nhân viên phải nghỉ việc không lương, trong khi vẫn phải “cõng” các khoản chi phí khổng lồ. 

“Chính phủ cần trực tiếp vào cuộc cùng với ACV để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Phải giảm thuế, phí những loại mà doanh nghiệp cần, chứ không phải chỉ giảm mang tính hình thức”, ông Tống bày tỏ quan điểm.

Hiện tại, 1 chiếc máy bay đang phải chịu hơn 20 loại phí. Chỉ tính riêng năm 2019, phí phục vụ tại nhà ga của các hãng hàng không đã lên tới hơn 10.000 tỷ đồng, phí điều hành bay trên 1.500 tỷ đồng, phí đỗ máy bay cũng lên tới hàng chục tỷ đồng/năm...

Nhật Uyên
.
.
.