Ai đã tiếp tay cho "lâm tặc" tàn phá quần thể Du Sam trên đỉnh Nam Nung?

Thứ Năm, 20/10/2016, 10:39
Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, tỉnh Đắk Nông là nơi duy nhất còn sót lại của quần thể cây Du Sam ở Nam Tây Nguyên, một trong những loài gỗ cực kỳ quý hiếm được xếp vào nhóm 1A hiện nay. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trước những món lợi khổng lồ mà loại gỗ này mang lại, quần thể Du Sam này đang bị "lâm tặc" đua nhau tàn phá nghiêm trọng. Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại cho rằng "không hề hay biết"…


Thời gian gần đây, một số đầu nậu buôn bán gỗ lậu tại huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông liên tiếp đồn thổi, bàn tán về những bộ ngựa làm từ gỗ Du Sam được rao bán lên đến hàng trăm triệu đồng. Trong vai người chơi đồ gỗ và phải nhờ đến một đầu mối "có máu mặt" trong giới buôn gỗ dẫn dắt, chúng tôi mới có điều kiện để tiếp cận với một "trùm" buôn gỗ được cho là đang nắm giữ hàng chục bộ ngựa làm từ gỗ Du Sam tại đây. Sau nhiều lần hứa hẹn, "trùm" buôn gỗ tên Đ. cũng đồng ý cho chúng tôi gặp mặt để xem hàng.

Quả thực, chỉ cần nhìn qua những bộ ngựa mà "trùm" Đ. giới thiệu cũng khiến cho bất kỳ "tay chơi" đồ gỗ nào đều phải mê hoặc. Nói là "bộ ngựa", nhưng trên thực tế, nó chỉ là những phiến gỗ mới được xẻ thô và đem từ rừng về. Mỗi phiến gỗ như vậy có chiều rộng từ 1,8 đến 2 mét, dài trên 3 mét và có bề dày từ 35 đến 40cm.

Nhìn bên ngoài, quả thật những "bộ ngựa" Du Sam đẹp tới mức hầu như không có tì vết, với nhiều đường vân uốn lượn. Quan trọng hơn, chủ nhân của những "bộ ngựa" này còn khẳng định, nó được lấy từ đỉnh núi Nam Nung về và được anh ta hét giá lên tới 200 triệu đồng/bộ…

Hàng loạt cây Du Sam có đường kính gần 2 mét bị đốn hạ chỉ còn trơ gốc.

Để tìm hiểu kỹ hơn về đường dây gỗ lậu cũng như nguồn gốc xuất xứ của những bộ ngựa quý hiếm này, sau hơn một tuần lân la tại các điểm mà "lâm tặc" thường tụ họp để bàn phương án khai thác, buôn bán gỗ lậu, chúng tôi cũng tiếp cận được với hai "thợ rừng" chuyên nghiệp.

Thế nhưng, hai đối tượng này lại rất kín tiếng và hầu như không tiết lộ bất cứ thông tin nào về việc khai thác gỗ Du Sam. Mặc dù vậy, họ cũng giới thiệu để chúng tôi liên hệ với P.V.K, một đối tượng mà họ gọi là "đao phủ" của gỗ Du Sam.

Theo tìm hiểu, K. được nhóm "lâm tặc" đặt cho biệt danh "đao phủ Du Sam" bởi anh ta là người thường xuyên huy động và đứng ra tổ chức khai thác gỗ Du Sam trong thời gian qua. Thế nhưng, khi gọi điện cho K. thì anh ta nhất quyết từ chối gặp mặt.

Quyết không bỏ cuộc, sau nhiều lần nài nỉ và tỏ ra "thèm muốn" gỗ Du Sam, chúng tôi cũng được K. tạo cơ hội bằng việc đồng ý "giao dịch" qua điện thoại. Điều chúng tôi không ngờ đến là thông qua điện thoại, K. đã tiết lộ rất nhiều thông tin bí mật về việc khai thác gỗ Du Sam tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung.

Đầu tiên, K. giới thiệu: "Thằng em của em giờ đang có một bộ ngựa Du Sam rộng 1,4m, dài 3,5m và dày 85cm. Nó nói giá 150 triệu, anh cảm thấy lấy được thì lấy, chứ nó không cho xem trước đâu. Bởi vì ba cái loại gỗ này anh cũng biết rồi đấy, đụng vào là dễ chết như chơi".

Thấy chúng tôi còn lưỡng lự, K. liền hứa hẹn: "Nếu anh thích loại đẹp hơn thì chờ một thời gian nữa bọn em đi "hàng" về cho, thiếu gì". K. cũng tỏ ra tiếc nuối: "Em cũng có một bộ ngựa Du Sam vừa bán được mấy chục triệu. Bộ của em rộng 2,1m, dài 3,5m và dày 35cm. Gỗ đó để trong nhà sợ quá nên em buộc phải bán rẻ cho người ta", K. tiếc nuối cho biết.

Cuộc điện thoại cứ thế được kéo dài và K. ngày càng tỏ ra "kết" chúng tôi hơn, thậm chí anh ta còn tâm sự: "Đợt này công an làm căng quá, bọn em chưa đi được chứ bình thường thì anh thích kiểu gì chả có. Cái bãi Du Sam trong khu bảo tồn ấy tụi em thuộc như lòng bàn tay. Gỗ bọn em mới làm đợt vừa rồi do "động", nên người ta (lực lượng chức năng - PV) lấy mất, chứ không thì anh thoải mái lựa chọn.

Khi chúng tôi đề cập đến việc gỗ quý hiếm, lại phải đi qua nhiều đơn vị, bộ phận chức năng, sao đưa về được, thì K. cho biết: "Bọn em có cách của bọn em, anh làm sao biết được". Chúng tôi liền tò mò: "Vậy là chở đi theo tuyến đường riêng không ai biết à?".

K. trả lời: "Đường nào anh không cần biết, bọn em có cách "lo" hết cả rồi, chỉ chờ Công an đỡ "quấy" một chút là đi được". Trước khi kết thúc cuộc điện thoại, K. còn dặn chúng tôi giữ liên lạc để khi nào có "hàng" anh ta sẽ liên hệ. Thế nhưng, K. cũng lưu ý với chúng tôi rằng: "Em gọi cho anh bằng "sim rác" đó, còn số xịn của em thì để nghiên cứu anh là người thế nào đã", K. nghi ngờ.

Sau nhiều ngày thâm nhập thực tế, cuối cùng chúng tôi cũng được một "lâm tặc" tiết lộ, tất cả những bộ ngựa Du Sam quý hiếm này đều được khai thác, vận chuyển từ "đỉnh trời" (đỉnh Nam Nung - PV) của Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung về.

Từ manh mối thông tin này, chúng tôi quyết định "hành quân" vào lãnh địa này để tìm hiểu thực tế. Nơi mà chúng tôi hướng đến là Tiểu khu 1133 của Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung. Theo tìm hiểu, nơi đây vốn được cánh "lâm tặc" gọi là "đỉnh trời" vì nó có độ cao lên tới trên 1.500m so với mực nước biển.

Với địa hình hiếm trở, lại có độ cao chót vót, nên khu vực "đỉnh trời" thường chỉ có những cánh thợ săn, "lâm tặc" lành nghề mới thường xuyên lui tới.

Tờ mờ sáng, xuất phát từ chân núi Nam Nung, sau hơn 8 giờ lội bộ, vượt qua nhiều ngọn núi, băng qua nhiều khe suối, khiến cho sức lực của chúng tôi gần như cạn kiệt và ai cũng tỏ ra khá mệt mỏi. Thế nhưng, khi được N.V.H (một thợ săn lành nghề dẫn đường - PV) cho biết, đã gần tới được khu vực có cây Du Sam, tất cả lại trở nên hứng khởi và rải bước nhanh hơn để được tận mắt chứng kiến loài cây thuộc vào dạng quý hiếm nhất hiện nay.

Đáng tiếc là sự hứng khởi ấy chưa được bao lâu thì trước mắt chúng tôi lại hiện ra một cảnh tượng: Một cây Du Sam có đường kính hơn 1,8m vừa bị "lâm tặc" đốn hạ, cưa xẻ để lấy gỗ. Tại hiện trường, dù không còn bất kỳ một lóng gỗ nào, nhưng theo ước tính, số gỗ mà "lâm tặc" đã khai thác từ cây Du Sam này ước khoảng hơn 20m3.

Dấu vết mà "lâm tặc" để lại quanh gốc cây chỉ là mùn cưa, bìa gỗ, lán trại cùng nhiều cây rừng đã bị chặt hạ để lấy mặt bằng xẻ gỗ. Đối với chúng tôi, chính gốc cây Du Sam này đã chứng minh cho lời khẳng định về nguồn gốc của những "bộ ngựa" mà tay đầu nậu gỗ lậu tên K. khẳng định là hoàn toàn chính xác.

Hiện trường còn sót lại của những cây Du Sam bị đốn hạ.

Đem vấn đề là làm sao "lâm tặc" có thể dễ dàng vận chuyển được gỗ ra khỏi rừng, bởi ngoài việc "lọt" qua được lực lượng chức năng thì tuyến đường từ "đỉnh trời" về đến khu dân cư là vô cùng cheo leo, hiếm trở, phải vượt qua nhiều con dốc thẳng đứng và băng qua nhiều khe suối thì được thợ săn H. cho biết, thông thường, mỗi chuyến đi vừa khai thác, vừa vận chuyển gỗ từ khu vực "đỉnh trời" ra khỏi rừng, "lâm tặc" phải mất ròng rã cả tháng trời.

"Mỗi chuyến đi như vậy, họ thường có vài chục người và mang theo cả xe công nông độ chế, lương thực, thực phẩm. Mặt khác, để thuận lợi cho việc vận chuyển gỗ Du Sam, họ sẵn sàng chặt hạ hàng loạt cây rừng khác để mở đường", thợ săn H. thông tin thêm.

Cũng theo thợ săn cũng H., trong quá trình đi săn, bản thân anh đã rất nhiều lần chứng kiến cảnh "lâm tặc" vô tư vận chuyển gỗ Du Sam ra khỏi rừng. "Mỗi chuyến xe, họ thường vận chuyển được khoảng 10-15m3 gỗ. Khi vận chuyển gỗ, nhất là những lần lên, xuống dốc hoặc băng qua khe suối, họ thường hô hào rất lớn, xen lẫn với đó là tiếng nổ của những chiếc xe công nông độ chế khiến khu rừng núi trở nên ồn ào, náo nhiệt như ở một đại công trường.

Để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng, họ buộc phải băng qua lâm phận của Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung và một phần địa phận của lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa (huyện Đắk Song - PV), và cuối cùng là một số địa phương khác tại huyện Đắk Mil.

Mỗi chuyến đi như vậy họ phải bám trụ và sinh hoạt ở trong rừng với thời gian rất dài. Việc vận chuyển gỗ cũng phải trải qua rất nhiều "cửa ải", nhưng không hiểu sao họ vẫn không hề bị lực lượng chức năng phát hiện?", thợ săn H. băn khoăn cho biết.

Sau chuyến lội rừng thực tế, chúng tôi đem vấn đề trên trao đổi với ông Đặng Xuân Lộc, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung thì được ông Lộc cho biết, Tiểu khu 1133 trước đây thuộc diện quản lý của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đức Hòa (huyện Đắk Song). Đến đầu tháng 5-2016, khu vực này được UBND tỉnh Đắk Nông thu hồi và bàn giao lại cho Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung quản lý.

Cũng theo ông Lộc, để có được một cây Du Sam kích cỡ lớn như vậy phải mất cả trăm năm. Ở Việt Nam hiện nay, hầu như chỉ còn một vài khu vực tại tỉnh Đắk Nông là còn sót lại loài gỗ Du Sam có kích cỡ lớn như vậy. Do đó, việc quần thể Du Sam tại Tiểu khu 1133 bị "lâm tặc" tàn phá là vô cùng xót xa.

Mặt khác, ông Lộc cũng cho rằng, bản thân ông chưa thể khẳng định một cách chính xác về thời điểm quần thể Du Sam bị tàn phá, nhưng những dấu vết để lại tại hiện trường đều cho thấy, hầu như Du Sam đều đã bị chặt hạ trước thời điểm Tiểu khu 1133 được bàn giao về cho Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung.

"Mỗi khi rừng đã được bàn giao cho Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung thì rất khó mà đụng đến. Đừng nói đến Du Sam mà các loại gỗ khác "lâm tặc" cũng rất khó để khai thác được. Do đó, nếu nói Du Sam tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung bị phá là điều hết sức vô lý", ông Lộc quả quyết.

Trong khi đó, ông Phạm Đình Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa cũng phủ nhận việc quần thể Du Sam bị tàn phá trước thời điểm Tiểu khu 1133 được bàn giao cho Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung.

Theo ông Dũng, trước khi nhận bàn giao Tiểu khu 1133, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã tiến hành kiểm tra, khảo sát hiện trạng rừng một cách rất kỹ lưỡng. Do đó, nếu phát hiện tình trạng phá rừng hoặc quần thể Du Sam bị tàn phá, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung chắc chắn đã lên tiếng.

"Mặt khác, tại biên bản kiểm tra hiện trạng rừng, cũng như biên bản nhận bàn giao Tiểu khu 1133, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung cũng không hề đề cập đến chuyện quần thể Du Sam bị chặt phá. Tôi làm giám đốc cả chục năm nay và chưa bao giờ nghe chuyện quần thể Du Sam bị chặt phá. Vậy mà sau khi Tiểu khu 1133 được bàn giao cho phía Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, lại xảy ra tình trạng này. Tôi thấy việc này có cái gì đó không bình thường", ông Dũng tỏ ra nghi ngờ.

Có thể nói, quần thể Du Sam tại Tiểu khu 1133 đang bị "lâm tặc" tàn phá một cách nghiêm trọng là điều không còn bàn cãi. Hoạt động phá rừng của "lâm tặc" cũng được thể hiện một cách có tổ chức, có quy mô, thậm chí đã tạo nên một "đường dây" rất chuyên nghiệp. Hàng trăm khối gỗ Du Sam đã được đưa ra khỏi rừng và đem đi tiêu thụ một cách trót lọt.

Thế nhưng, cả một hệ thống làm công tác quản lý bảo vệ rừng như kiểm lâm, công ty lâm nghiệp, chính quyền các địa phương… đều không hề hay biết và không phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời. Điều này khiến cho dư luận đang đặt ra câu hỏi: Phải chăng, "lâm tặc" ở đây đã được "tiếp tay" để phá rừng?

Văn Thành
.
.
.