Ai giết bụi đời?

Thứ Ba, 30/07/2013, 16:54

Rốt cuộc, Hội đồng duyệt phim đã có quyết định cuối cùng, một quyết định dù có thể được đoán trước nhưng nó cũng không khỏi gây shock đối với những người quan tâm.

Bụi Đời Chợ Lớn đã bị cấm chiếu vĩnh viễn (không hiểu sao lại có hai chữ 'vĩnh viễn' này? 'Vĩnh viễn' là 'tử hình' luôn bộ phim đó hay 'vĩnh viễn' chỉ là từ nay đến khi những thành viên hội đồng duyệt phim đã được thay mới toàn bộ?).

Quyết định ấy khiến một bộ phận không nhỏ sẽ nghĩ rằng Bụi Đời Chợ Lớn bị liệt vào hàng sản phẩm độc hại. Và tất nhiên, sẽ có rất nhiều câu hỏi được đặt ra lúc này, theo kiểu như 'trong một xã hội mà nhìn đâu cũng thấy sản phẩm độc hại: từ lá rau, con gà; từ miếng thịt lợn cho tới báo chí, tại sao một sản phẩm văn hóa đơn giản chỉ phản ảnh hiện thực lại bị coi là độc hại?. Tại sao cơ quan quản lý không ngăn cấm những sản phẩm độc hại khác mà chỉ nhằm vào mỗi một bộ phim này?

Muốn xây dựng một xã hội hoàn thiện thì phải cấm tiệt các thứ độc hại còn lưu hành chứ không chỉ cấm một bộ phim chưa ai thấy mặt ngang mũi dọc nó ra sao. Phải chăng, vì nó nổi trội hơn con cá lá rau nên nó bị cấm? Phải chăng, cơ quan quản lý tìm được người nắm tóc dễ hơn (nhà sản xuất) nên cũng cấm dễ hơn là vô vàn thứ độc hại ngoài đời?'.

Loạt câu hỏi đó không phải là không có giá trị, không phải là mơ hồ mà vô cùng thực tế, đúng với 'hiện thực xã hội' Việt hôm nay. Có quá nhiều thứ độc hại chưa bị khai tử vẫn ngang nhiên được lưu hành ngoài kia và một xã hội văn minh phải là một xã hội không chấp nhận sự tồn tại của những sản phẩm độc hại như thế.

Song, tất cả đều là những câu hỏi quá tầm và quá lớn so với một Hội đồng duyệt phim nho nhỏ. Câu hỏi mà chúng ta cần trả lời ở đây là 'Ai đã giết Bụi Đời Chợ Lớn?'…

Nhà sản xuất đã giết BĐCL chứ không ai khác. Là một phim có yếu tố nước ngoài, kịch bản phải được duyệt trước khi quay. Và nghe nói là, kịch bản được duyệt quay và bản phim đã dựng đem trình duyệt khác nhau.

Nói nôm na, những gì được cảnh báo trước, nhà sản xuất không nghe theo mà vẫn cố làm theo ý tưởng gốc của mình. Có lẽ, nhà sản xuất nghĩ rằng có thể lobby, vận động hành lang để xin bỏ qua được ở khâu duyệt phim hay chăng?

Nhưng đó chỉ là câu trả lời mang tính chất "nghe nói" chứ chưa phải chắc chắn trăm phần trăm. Cái chắc chắn trăm phần trăm nó nằm ở chỗ khác. Chính nhà sản xuất, sau khi bị Hội đồng bác phim lần đầu, đã dùng đòn bẩy truyền thông để công kích Hội đồng một cách khéo léo, đưa mình vào tư thế 'đáng thương' của những 'nghệ sỹ chân chính đầu tư chục tỷ cho nghệ thuật và bị cản trở không thương tiếc'.

Chiến dịch truyền thông cả chính thống lẫn không chính thống đó; bằng cả những bài báo lẫn tâm thư trên mạng xã hội ấy đã vô tình đẩy nhà sản xuất và Hội đồng duyệt vào tư thế đối địch nhau. Và đã đối địch, yêu-ghét vị kỷ chắc chắn tồn tại.

Song song đó, cánh báo chí cũng đã giết BĐCL. Đa số những nhà báo bênh vực phim này đều chưa từng xem một phút nào trong phim và điều đó cho thấy tính nông cạn trong tác nghiệp của họ. Cùng la toáng lên bảo vệ một thứ như thể 'chính nghĩa' mà không hề biết mặt mũi cái chính nghĩa đó nó như thế nào, đó là sơ suất lớn nhất của người làm báo. Bênh vực kẻ yếu là tốt nhưng phải là bênh vực kẻ đúng trước đã. Không phải cứ thấy yếu là mù quáng lao theo.

Và chính những công kích của một số người làm báo dành cho Hội đồng duyệt, cũng cả chính thống lẫn trên mạng xã hội, đã đổ thêm dầu vào lửa cho cuộc đối đầu kể trên. Thế nên, từ việc BĐCL có thiểu số ý kiến ủng hộ ở lần duyệt đầu, bộ phim đã bị phủ quyết 100% ở lần duyệt thứ hai.

Thậm chí, Hội đồng duyệt còn cho phép công chiếu 1 lần duy nhất, cho cánh báo chí xem mặt ngang mũi dọc mấy tay Bụi Đời Chợ Lớn ra sao như thể câu trả lời ngầm rằng 'Đấy, xem đi rồi hẵng công kích chúng tôi nhé'.

Suy cho cùng, việc quá nhỏ mà làm cho lớn chuyện ra chính là cái dại của nhà sản xuất vậy. Nhìn gương phim Đường đua, sự khôn ngoan của ê kíp đó chắc chắn dạy được nhiều ê kíp khác những bài học nhớ đời.

Và bây giờ, câu hỏi "Ai giết Bụi Đời Chợ Lớn?" đã có câu đáp lời. Tự sát…

Kết nối

Vừa qua, báo Cảnh sát Toàn cầu có nhận được email của độc giả Phạm Nguyên Hà, cán bộ chương trình phòng chống các bệnh nghề nghiệp tại văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Hà Nội.

Sau khi đọc bài viết: "Tỷ lệ tử vong vì ung thư của người Việt cao nhất Thế giới" ra ngày 11/6/2013, độc giả Nguyên Hà cho biết thêm một chất gây ung thư nguy hiểm có tên là amiang.

Theo tìm hiểu của chúng tôi được biết Amiang là những hợp chất muối axit silic được khai thác ở mở quặng silic và gia công thành sợi bông amiăng để dệt thành các vật liệu bảo hộ lao động.

Trong quá trình sản xuất công nghiệp, cứ một tấn sợi amiăng sẽ có 10 gam sợi bông thất thoát ra môi trường. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, các sợi bụi amiăng lơ lửng trong không khí, nếu hít phải một lượng nhất định vào phổi sẽ gây ra các bệnh ung thư phổi, khối u ở vòng ngực, ung thư dạ dày, ruột, v.v...

Để tìm hiểu thêm về lĩnh vực này kính mong độc giả Nguyên Hà và các độc giả của báo Cảnh sát Toàn cầu có thể đưa ra thêm nhiều ý kiến cho ban biên tập chúng tôi.

Mọi phản ánh, trình bày về tất cả các vấn đề độc giả quan tâm trong cuộc sống xin gửi về địa chỉ cstc.weekend@gmail.com hoặc địa chỉ Tòa soạn báo Cảnh sát Toàn cầu số 92 Nguyễn Du, TP Hà Nội.

Anh Nghi
.
.
.