Ai sẽ thắng trong chiến tranh tiền tệ?

Thứ Năm, 22/08/2019, 09:47
Mỹ và Trung Quốc dường như đã bước vào một cuộc chiến tranh tiền tệ, sau khi Bắc Kinh để đồng NDT rơi vượt "ngưỡng đỏ" 7 NDT/USD để đáp trả đe dọa thuế quan của Tổng thống Donald Trump. Và sau gần 1/4 thế kỷ, Mỹ đã chính thức cáo buộc Trung Quốc là một nước "thao túng tiền tệ".


Ăn miếng trả miếng

Dường như cuộc họp ngày 31-7 giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới tại Thượng Hải đã không mang lại kết quả tốt đẹp. Vì chỉ ngày hôm sau, 1-8, Tổng thống Trump tuyên bố kể từ ngày 1-9 sẽ áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc, đưa tất cả hàng hóa của Trung Quốc vào tầm ngắm thuế quan. 

Ngay lập tức, Trung Quốc lệnh cho các công ty nông nghiệp nhà nước ngừng mua nông sản của Mỹ để "chờ xem các cuộc đàm phán tiến triển như thế nào". Đây là một sự xé bỏ công khai những nội dung 2 bên thỏa thuận được trong cuộc đàm phán kết thúc ngày 31-7, trong đó nhấn mạnh Trung Quốc sẽ đẩy mạnh mua hàng nông sản Mỹ. 

Việc ngừng mua nông sản Mỹ cũng là gáo nước lạnh Bắc Kinh tạt vào ông Trump, người từ trước đến nay luôn xem việc bảo vệ nông dân là ưu tiên số 1. Cho đến nay, nhập khẩu đậu nành Mỹ của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất 15 năm.

Tiếp đó, lần đầu tiên kể từ tháng 12-2018, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đặt tỷ lệ tham chiếu hàng ngày ở mức yếu hơn 6,9, để mặc cho đồng NDT rơi vượt qua "ngưỡng đỏ" 7NDT/1USD, xuống 7,0391NDT ăn 1USD, yếu nhất trong hơn một thập niên. 

Những bài xã luận trên các tờ báo nhà nước Trung Quốc dự báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ từ chối bất kỳ thỏa thuận nào giữ nguyên thuế quan trừng phạt hoặc buộc Trung Quốc phải nhượng bộ về các vấn đề cốt lõi như doanh nghiệp nhà nước, có thể làm suy yếu quyền lực của đảng cầm quyền. 

Ngay lập tức, Tổng thống Trump lên tiếng cáo buộc Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1994, Washington cáo buộc Bắc Kinh thao túng tiền tệ. Và Trung Quốc hiện nay là nước duy nhất bị đưa vào danh sách này. 

Con dao 2 lưỡi

Trong một cuộc chiến tranh thương mại, các nước kình địch có 2 vũ khí quan trọng nhất, đó là thuế quan và tỷ giá. Cho đến nay, Mỹ và Trung Quốc đã sử dụng vũ khí đầu tiên, đó là thuế quan. Mỹ đã áp mức thuế 25% lên 250 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh cũng áp mức thuế tương tự lên 170 tỷ USD hàng nhập từ Mỹ. Vấn đề là, trong khi Mỹ còn rất nhiều “đạn dược” cho vũ khí này, vì lượng hàng Trung Quốc xuất qua Mỹ ước tính tới 550 tỷ USD, Trung Quốc lại đã xài “hết đạn”, vì Mỹ chỉ xuất qua Trung Quốc 170 tỷ USD.

Vì vậy, khi Tổng thống Trump tiếp tục sử dụng vũ khí thuế quan, dù chỉ ở mức 10%, cũng khiến Trung Quốc cảm thấy choáng váng. Lúc này, Bắc Kinh chỉ có một lựa chọn còn lại, đó là dùng tới vũ khí thứ hai - tỷ giá hối đoái. Theo ước tính của giới chuyên môn, việc hạ giá đồng NDT 2,5% là dư sức để bù vào phần thuế quan 25% của Mỹ. 

Tuy nhiên, tỷ giá là một vũ khí nguy hiểm. Nó như một con dao 2 lưỡi. Một mặt, nó có thể giúp hàng hóa của một quốc gia rẻ hơn khi xuất sang nước ngoài, tạo lợi thế cạnh tranh về giá với hàng hóa của nước khác. Mặt khác, nó khiến lạm phát trong nước tăng phi mã. Đồng tiền mất giá sẽ khiến người dân chứng kiến giá cả tăng vọt chỉ sau một đêm. 

Điều này sẽ kích thích người dân rút tiền khỏi các ngân hàng để chuyển sang những loại tài sản khác có tính trú ẩn cao hơn, như ngoại tệ (USD), vàng hay bất động sản. Ở mức nguy hiểm hơn, nó có thể dẫn đến chảy máu ngoại tệ quy mô lớn, khi người dân ồ ạt chuyển nội tệ sang ngoại tệ và gửi ra các ngân hàng nước ngoài để trú ẩn.

Tại Trung Quốc, từ nhiều thập niên qua chính quyền đã không cho phép thả nổi NDT. Trong thực tế, theo giới chuyên môn, đồng NDT thời gian qua đã được định giá quá cao so với giá trị thực. 

Theo định kỳ, Bắc Kinh có những động thái để giữ giá “nhân tạo” cho NDT và kiểm soát vốn dòng tiền để ngăn chặn việc tháo vốn. Vì vậy, một khi nhà nước quyết định thả nổi NDT, đồng tiền này ngay lập tức có thể sụp đổ. Khi đó, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc (SOE) đều có thể bị phá sản khối nợ bỗng nhiên phình to quá mức. Ai cũng biết rằng nợ của SOE và các ngân hàng Trung Quốc hiện đang rất lớn, trong khi các ngân hàng Trung Quốc vốn ở trong tình trạng sức khỏe “tồi tệ” hơn các ngân hàng Mỹ. 

Mặc dù thời gian gần đây Bắc Kinh đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn việc chuyển tiền ra nước ngoài, nhưng “dòng tiền sợ hãi” luôn tìm được lối thoát. Điều này đã được chứng minh năm 2015, khi đồng NDT cũng có đợt mất giá mạnh. Lúc đó, dòng vốn từ Trung Quốc đã ồ ạt chảy ra thị trường toàn cầu, khiến Bắc Kinh phải khẩn cấp tìm cách bình ổn tỷ giá hối đoái của đồng NDT.

Lưỡng bại câu thương?

Tuy nhiên, giới chuyên môn luôn bảo lưu quan điểm rằng một cuộc chiến tranh thương mại, cũng như chiến tranh tiền tệ, sẽ luôn là những cuộc chiến “cùng thua”. Như đã thấy, thương chiến sẽ khiến thuế quan tăng lên, dẫn đến hàng hóa và dịch vụ đều tăng giá, trong khi đồng tiền của các nước tham chiến sẽ mất giá do hậu quả của việc sử dụng vũ khí tỷ giá, dẫn đến lạm phát kép. Và tất cả gánh nặng này đều dồn lên vai người dân và doanh nghiệp.

Trong trường hợp của Mỹ và Trung Quốc, vì 2 nước này hiện là đối tác thương mại lớn của hầu hết các nền kinh tế khác, nên khi một trong 2 nước sử dụng vũ khí tỷ giá, các nước khác cũng bị buộc phải điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ của họ để không bị mất sức cạnh tranh quá lớn với đối tác. Như vậy, các nước sẽ bị cuốn vào một vòng xoáy phá giá tiền tệ không có hồi kết. 

Nhưng cũng có những tác động ngoài thương mại. Các quốc gia nắm giữ nợ bằng USD sẽ khó khăn hơn với việc trả nợ khi tiền tệ của họ trở nên yếu hơn, khiến những khoản nợ đó trở nên đắt đỏ hơn. Về mặt này, Trung Quốc sẽ yếu thế hơn Mỹ, vì USD chính là đồng tiền của Mỹ. 

Khi NDT giảm giá, họ thấy các khoản nợ bằng USD của mình phình to ra. Trong khi đó, nếu USD giảm giá, Mỹ sẽ chứng kiến các khoản nợ của họ teo tóp lại. Đây là một lợi thế “độc quyền” của Mỹ, nước có đồng nội tệ và trái phiếu kho bạc được sử dụng làm dự trữ ngoại hối phổ biến trên toàn thế giới.

Qua thông tin tiết lộ từ các cuộc đàm phán, người ta biết rằng Tổng thống Trump nhấn mạnh vào 2 điểm cốt lõi của Trung Quốc: Đó là hệ thống doanh nghiệp nhà nước và hành vi ăn cắp sở hữu trí tuệ. Lúc đầu, Bắc Kinh đã đồng ý thay đổi 2 điều cốt lõi này, nhưng bất ngờ hủy bỏ thỏa thuận hồi tháng 5, dẫn đến những vòng tăng thuế kế tiếp. 

Giới quan sát cho rằng Bắc Kinh thà bị đánh thuế hơn là điều chỉnh 2 yếu tố cốt lõi trên, vì chúng chính là xương sống cho nền kinh tế thị trường kiểu Trung Quốc. Nếu phá bỏ, có nguy cơ cả hệ thống chính trị của Trung Quốc cũng bị sụp đổ. Nước này không muốn rơi vào vết xe đổ của Liên Xô năm xưa.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, Trung Quốc đã phải dùng tới vũ khí cuối cùng (tỷ giá), trong khi Mỹ vẫn còn “dư đạn” cho vũ khí thương mại thứ nhất (thuế quan). 

Theo kế hoạch, đến tháng 9 Mỹ mới tăng 10% thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Mức thuế này vẫn còn “room” để tăng tiếp, lên 25% hoặc hơn. 

Với việc Bắc Kinh phá giá NDT và Mỹ đã chính thức cáo buộc Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, nhiều khả năng Washington bước tiếp theo sẽ kiện lên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - nơi NDT là một trong 5 đồng tiền cấu thành SDR, hoặc WTO để tiếp tục mở rộng trừng phạt với Trung Quốc. Dù là nền kinh tế thứ hai thế giới, nhưng khoảng cách giữa Trung Quốc với Mỹ vẫn còn rất xa, cả về quy mô lẫn chất lượng. 

Mới đây, tin cho biết Tổng thống Trump đã quyết định hoãn việc tăng thuế một số mặt hàng của Trung Quốc cho đến tháng 12. Điều này mở ra hy vọng hai bên sẽ tiếp tục ngồi lại để tìm một giải pháp ổn thỏa, thay vì ngày càng lún sau vào cuộc chiến lưỡng bại câu thương.

Vĩnh Đông
.
.
.