Ai sở hữu các ngân hàng trung ương?

Thứ Năm, 19/12/2019, 17:11
Cách đây hơn 3 năm, những người theo dõi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã choáng váng khi chính cựu cố vấn đặc biệt của Ben Bernanke (cựu Chủ tịch FED), Andrew Levin, nói rằng "rất nhiều người sẽ choáng váng khi biết về mức độ FED thuộc về sở hữu tư nhân”.

Ông thêm rằng FED "nên là một tổ chức công cộng hoàn toàn giống như mọi ngân hàng trung ương khác".

Nhưng điều đó có đúng không? Có phải tất cả các ngân hàng trung ương (NHTƯ)  khác đều "hoàn toàn sở hữu công"? Để hiểu điều này, chúng ta cần nhìn lại nguồn gốc của các NHTƯ và cách chúng ra đời.

Khi thy là ngân hàng tư

Theo Wikipedia, NHTƯ đầu tiên trên thế giới là Riksbank của Thụy Điển. Năm 1668, nó đã thay thế một ngân hàng tư nhân lớn nhất ở Thụy Điển. Ngân hàng tư nhân đó đã mất khả năng thanh toán sau một cuộc khủng hoảng tài chính. Cùng với việc là NHTƯ lâu đời nhất, Riksbank cũng được coi là một trong những ngân hàng sáng tạo nhất. 

Ngân hàng Trung ương đầu tiên trên thế giới là Riksbank của Thụy Điển.

Tờ Financial Times lưu ý Riksbank đã dẫn đầu việc tung ra chính sách lãi suất âm trên thế giới vào năm 2009. Đây cũng là ngân hàng đầu tiên giới thiệu một loại tiền kỹ thuật số chính thức. Mục đích của Riksbank là cung cấp hoạt động cho vay ổn định đối với nền kinh tế Thụy Điển. Nhưng nó chỉ thực sự trở thành một NHTƯ vào năm 1897, khoảng 229 năm sau khi bắt đầu, khi ngân hàng này có thẩm quyền pháp lý độc lập để phát hành tiền giấy cho cả nước.

Hình mẫu cho các NHTƯ hiện đại xuất hiện ở London, Anh, cách Thụy Điển gần 200 dặm. Ngân hàng Anh (BOE) được thành lập năm 1694 bởi Vua William Đệ Tam. William Đệ Tam là người cai trị cả Anh và Hà Lan vào thời điểm đó. Xuất phát điểm của BOE là nhằm thúc đẩy sự ổn định tài chính tại Vương quốc Anh và nó được hình thành lúc đầu như một công ty tư nhân. Nó cũng đóng vai trò là chủ ngân hàng cho chính phủ và nhiệm vụ đầu tiên của nó là giúp Anh tài trợ cho cuộc chiến chống Pháp. Nó đã huy động được hơn 1,2 triệu bảng trong 12 ngày đầu tiên sau khi ra đời.

Cấu trúc NHTƯ này đã mang lại sự tín nhiệm cho các chính phủ cần vay tiền. Đây cũng là khởi đầu của một xu hướng hiện đại khác mà ngày nay chúng ta gọi là nợ quốc gia. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ cho chính phủ vay tiền và nhận 8% tiền lãi từ khoản đầu tư của họ. Họ cũng được hưởng các đặc quyền ưu tiên như quyền phát hành tiền giấy.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

kinh tế ở Anh, giúp nước này xây dựng lực lượng hải quân từng thống trị toàn cầu trong 200 năm sau đó. Ngân hàng đã làm ăn có lãi đến mức ngay cả đối thủ của Anh cũng muốn làm cổ đông của nó. George Washington trong cuộc chiến tranh giành độc lập của Mỹ là một ví dụ. Năm 1856, BOE đóng vai trò là người cho vay tối hậu trong một cuộc khủng hoảng thị trường, lần đầu tiên trong lịch sử.

Từ nhầm lẫn đến thuyết âm mưu

Nguồn gốc nói trên của các NHTƯ thường là một trong những nguyên nhân gây ra sự nhầm lẫn xung quanh việc ai sở hữu NHTƯ và những gì họ làm. Ngày nay, tất cả các NHTƯ lớn hoạt động độc lập với các chính phủ của nước đó. Điều này có nghĩa các NHTƯ được tự do hành động khi họ thấy phù hợp.

Hầu hết các NHTƯ thuộc sở hữu của chính phủ, nhưng hoạt động độc lập dựa trên nhiệm vụ của chúng. Các NHTƯ đầu tiên là các công ty tư nhân, với mục đích chính là mang về lợi nhuận. Một số NHTƯ lớn ngày nay vẫn có các yếu tố sở hữu tư nhân. Điều này gây ra sự nhầm lẫn và đã dẫn đến một số lý thuyết âm mưu.

Một trong những lý thuyết này tập trung vào FED và bản chất của quyền sở hữu của ngân hàng này. FED có một cấu trúc khá độc đáo, nó bao gồm 12 ngân hàng dự trữ độc lập đại diện cho các khu vực ở Mỹ. Mỗi trong số 12 ngân hàng này hoạt động độc lập và có ban giám đốc riêng. Điều này làm chúng có cấu trúc rất giống với một công ty tư nhân. Các ngân hàng thương mại cũng sở hữu cổ phần của 12 ngân hàng khu vực này. 

Trong một công ty tư nhân truyền thống, điều này có nghĩa là chia sẻ lợi nhuận và quyền biểu quyết, nhưng trong hệ thống FED không có những điều này. Tất cả 12 ngân hàng dự trữ đều chuyển thu nhập ròng của họ vào Kho bạc Mỹ mỗi năm, theo luật định. 

Một hội đồng quản trị trung ương độc lập - được gọi là Hội đồng Thống đốc Dự trữ Liên bang - giám sát 12 ngân hàng này. Hội đồng cũng là một cơ quan của Chính phủ Mỹ do Tổng thống và Thượng viện bổ nhiệm. Điều này tạo ra một sự pha trộn dường như là sở hữu tư nhân nhưng trên thực tế lại hoàn toàn khác.

Chỉ có 2 NHTƯ lớn khác trên thế giới có yếu tố sở hữu tư nhân. Đó là Ngân hàng Nhật Bản và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ. Cũng như hệ thống FED, quyền sở hữu cổ phiếu BOJ đi kèm với những quyền lợi và hạn chế. Chính phủ sở hữu 55% BOJ với phần còn lại thuộc sở hữu của các nhà đầu tư tư nhân. 

Nhà đầu tư tư nhân không được phép tham gia quản lý BOJ dưới mọi hình thức. Nếu BOJ sụp đổ, các nhà đầu tư tư nhân không nhận được đền bù. Giới hạn thanh toán cổ tức là 5% vốn đã trả. Các khoản thanh toán cổ tức cho phép cũng không đáng kể với mức trần là 20.000USD. 

Năm 2016, vốn hóa thị trường của BOJ khoảng 350 triệu USD. Khối lượng giao dịch cổ phiếu hàng ngày thấp ở mức 1.000 cổ phiếu. Tất cả điều này làm cho một khoản đầu tư vào BOJ khá kém hấp dẫn. Đầu tư vào các công ty và tài sản truyền thống mang lại lợi nhuận tốt hơn và quyền kiểm soát nhiều hơn.

Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ.

Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ là NHTƯ bất thường nhất khi nói đến sở hữu tư nhân. Các cơ quan công quyền Thụy Sĩ nắm giữ 61% cổ phần. Cá nhân, nhà đầu tư và các ngân hàng khác sở hữu phần còn lại. Chính phủ chỉ định thành viên hội đồng quản trị và các nhà đầu tư cá nhân không có quyền biểu quyết. 

Một cá nhân được biết với tên Theo Siegert là cổ đông lớn thứ ba. Điều này là duy nhất trong các NHTƯ và ông sở hữu 5% cổ phần. Điểm thu hút chính đối với các nhà đầu tư là khoản thanh toán cổ tức được đảm bảo mỗi năm 1,5%. Nhưng với quyền biểu quyết hạn chế, phần lợi nhuận này vẫn không đáng kể. Tất cả các ngân hàng với mô hình sở hữu tư nhân duy trì quyền tự chủ và hạn chế ảnh hưởng của cổ đông.

Lý thuyết âm mưu phổ biến nhất khẳng định rằng các NHTƯ là các công ty tư nhân. Các công ty này sau đó thu lợi từ xã hội và hoạt động với mục đích kiểm soát nhân loại. Những ý tưởng này lan truyền do nguồn gốc lịch sử của các NHTƯ đầu tiên trên thế giới. Đây thực sự là những tổ chức tư nhân được thiết lập để thu lợi từ hoạt động cho vay chính phủ. 3 trong số các NHTƯ lớn của thế giới hiện nay duy trì các yếu tố sở hữu tư nhân. Điều này làm cho mọi người nhầm lẫn.

Trong thực tế, các cổ đông không ảnh hưởng đến các ngân hàng này dưới bất kỳ hình thức nào. Họ không nhận được một phần lợi nhuận hoặc có bất kỳ vai trò nào trong quản lý. Chính phủ bổ nhiệm tất cả các thành viên điều hành của mỗi ngân hàng. Theo thời gian các ngân hàng đã phát triển thành các tổ chức như ngày nay. Mục đích duy nhất của họ là mang lại lợi ích cho toàn bộ nền kinh tế chứ không phải là một số ít ai đó.

Vinh Trang
.
.
.