Ai “tùng xẻo” quần thể thông đỏ đặc biệt quý hiếm ở núi Voi?

Thứ Sáu, 11/08/2017, 15:26
Thông đỏ, một loài thực vật hoang dã trong danh sách nguy cấp, đặc biệt quý hiếm, nhóm 1A, ở nước ta duy nhất chỉ phân bố tại một số vùng của tỉnh Lâm Đồng. Những năm qua, loại thông này liên tiếp bị cưa trộm mặc dù nhà chức trách địa phương đã triển khai đề án bảo tồn, quản lý nghiêm ngặt. Vào cuộc điều tra những vụ thông đỏ bị cưa trộm, phóng viên đã phát hiện nhiều khuất tất, bất thường liên quan đến loại cây đặc biệt quý hiếm này...


Cây thiêng "ứa máu"

Qua điện thoại, K. H (30 tuổi) nói với tôi như cầu xin: “Hãy lên tiếng để cứu lấy quần thể thông đỏ này. Nếu năm nào cũng có những cây thông đỏ quý hiếm bị cưa hạ, chẳng mấy mùa rẫy nữa quần thể thông đỏ ở núi Voi của bà con bọn mình sẽ hết! Mình sợ, rồi nó giống như loài tê giác ở Cát Tiên... tuyệt chủng mất thôi!”.

Với bà con người Kho ở các xã Hiệp An, Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), nơi có quần thể thông đỏ đặc biệt quý hiếm ngự trị cả nghìn năm qua, đây là loài cây gắn liền với đời sống tâm linh, tín ngưỡng, không bao giờ họ dám xâm hại.

Lực lượng Kiểm lâm lập biên bản hiện trường gỗ thông đỏ tại nhà ông Nguyễn Văn Nhẫn.

Cành một cây thông đỏ ngã xuống cũng khiến cộng đồng Kho xót xa, đau quặn lòng. Hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm qua, loài thông đỏ được xem là dòng dõi thực vật vươn mình vượt qua tất cả các loài cây khác để ngự trị rừng già. Nếu với động vật hoang dã, hổ được coi là chúa tể sơn lâm thì với loài thực vật, thông đỏ cũng xứng đáng được mệnh danh là chúa tể rừng già.

Nó không chịu mọc dưới chân núi, thông đỏ cứ nhằm những điểm cao nhất, chênh vênh nhất của núi Voi để sống, mà kiêu hãnh với đồng loại ở độ cao trên dưới 1.500m so với mặt nước biển.

Cây to nhất đường kính gốc lên tới 3-4 người lớn ôm không hết. Ở nước ta, thông đỏ mới chỉ được ghi nhận tại một số vùng của tỉnh Lâm Đồng, trong đó có quần thể thông đỏ núi Voi, Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà và một số cây đơn lẻ thuộc huyện Đam Rông.

Về mặt y học, từ những năm 1960, các nhà khoa học đã phát hiện ra tác dụng cực kỳ quý hiếm của thông đỏ. Một nhóm nghiên cứu của Giáo sư Pierre Potier (Pháp) đã chiết tách được chất 10-DAB (Deacetylbaccatin III) từ lá cây thông đỏ và taxotere, một chất bán tổng hợp của Taxol.

Qua thử nghiệm lâm sàng ở Mỹ, Nhật, Pháp đã khẳng định Taxol có hiệu quả cao với bệnh ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư phổi. Chất Taxol đã được cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm của Mỹ (FDA) cho phép lưu hành.

Ở Việt Nam, một bộ phận không nhỏ lại nhìn nhận thông đỏ dưới góc độ gỗ có chất lượng tốt, vân nổi lên đẹp, phù hợp với làm đồ gia dụng, lục bình và trang trí. Sau năm 2000, khi đường cao tốc Liên Khương – Đà Lạt chạy qua chân núi Voi cũng là lúc cư dân nhiều nơi đổ về đây sinh sống, canh tác nông nghiệp.

Không gian bình yên của núi Voi bị phá tan bởi những tiếng động cơ máy nông nghiệp, máy cưa, máy xẻ phục vụ dự án... Bấy giờ, đường vào rừng cũng trăm ngả nghìn lối, xe cơ giới chạy được vào tới chân núi Voi.

Rồi, những cây thông đỏ cổ thụ lớn đến hai ba người ôm không xuể là niềm kiêu hãnh của cộng đồng Kho đã bị tàn sát dữ dội để phục vụ thú chơi gỗ quý hiếm của những tay lắm tiền nhiều của. Quần thể thông đỏ liên tục “chảy máu” mặc dù có tới ba bốn cơ quan chức năng cùng nhau quản lý, giám sát rừng.

Trước nguy cơ biến mất của quần thể thông đỏ cổ thụ ở núi Voi, năm 2010, UBND tỉnh Lâm Đồng đã triển khai đề án điều tra, xây dựng phương án quản lý, bảo vệ và phát triển cây thông đỏ rừng tự nhiên.

Cây thông đỏ thuộc lô 1, khoảnh 4, tiểu khu 277A, núi Voi, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng bị cưa trộm.

Theo đề án này, khu vực núi Voi có 411 cây thông đỏ. Để bảo vệ loài thực vật đang thuộc diện nguy cấp trên, tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành đóng số, lập hồ sơ để quản lý, bảo vệ. Với sự vào cuộc này, bà con người Kho sinh sống dưới chân núi Voi mừng rỡ, ngỡ rằng từ nay loài cây linh thiêng trong quan niệm của họ đã được cứu rỗi.

Nhưng không, hằng năm, vẫn có những cây thông đỏ cổ thụ bị cưa hạ, ứa mủ tươi rói và những lóng gỗ có chất lượng tốt nhất biến mất đầy bí ẩn trước những “con mắt giữ rừng” của nhà chức trách. 

Chủ rừng "ém" thông đỏ bị cưa hạ

Cơn mưa chiều rét mướt không ngăn được những bước chân của K.H đưa chúng tôi vượt rừng. Bầy ruồi vàng và đàn vắt núi chuyên hút máu người cứ đua nhau lao vào chúng tôi để thỏa mãn cơn đói sau nhiều ngày mưa. Gần 2 giờ vượt rừng, nhóm đã tiếp cận được với cây thông cổ thụ đường kính gốc lên tới 100cm, cao trên 20m vừa bị cưa hạ, gốc cây vẫn ứa nhựa tươi rói.

Anh bạn dẫn đường chỉ tay vào cây thông đỏ nay chỉ còn trơ lại phần gốc, nói như đứt từng khúc ruột: “Hồi cuối năm ngoái, mình đi rừng còn ngồi nghỉ dưới gốc cây thông đỏ này. Nhìn lên trên cao có mấy con sóc đang nhảy, chim vẫn kéo về đây ngủ qua đêm. Chúng hót ríu rít suốt ngày. Bây giờ quay trở lại nó đã bị cưa hạ thế này, mình đau lắm!”.

Không quan niệm thông đỏ là một cây thiêng như bạn nhưng tôi vẫn đau nhói lòng. Để có được những cây thông to lớn thế này, nó cần thời gian lên tới hàng trăm năm, thậm chí cả nghìn năm. Vị trí cây thông đỏ bị cưa hạ ở độ cao khoảng 1.300m so với mặt nước biển, thuộc lô 1, khoảnh 4, tiểu khu 277A, núi Voi, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng.

Tại hiện trường, lâm tặc đã cưa hạ, xẻ cây thông thành từng phách và lấy đi những đoạn gỗ có chất lượng tốt nhất. Số gỗ chưa kịp tẩu tán còn lại khoảng 3m3. Quanh khu vực, không ít gốc thông đỏ có đường kính lên tới trên 100cm và bìa ván vẫn nằm ngổn ngang. 

Từ nguồn tin báo của chúng tôi, ngày 2-8 vừa qua, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đã tới kiểm tra hiện trường. Theo đó, cây thông đỏ bị cưa trộm tại tiểu khu 277A, núi Voi, thuộc lâm phần của Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Đại Ninh. Đây là cây thông đỏ nam, bị cưa hạ cách đó vài tháng, tổng trữ lượng gỗ trên 6m3, lâm tặc đã cắt thành 3 lóng, lấy ra khỏi hiện trường 2 lóng, với khoảng 3m3.

Ông Nguyễn Văn Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng cũng cung cấp cho chúng tôi thông tin có một cây thông đỏ khác tại tiểu khu 277B, núi Voi, đường kính gốc 50cm, chiều dài thân cây 8m bị cưa hạ. Qua kiểm tra, cây thông đỏ bị khai thác trái phép được cắt thành 3 lóng, trong đó 2 lóng đã lấy khỏi hiện trường. Vụ việc này được Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng phát hiện vào tháng 4-2017.

Theo ông Trung, sự “biến mất” của cây thông đỏ trên có sự khuất tất rất đáng lo ngại. “Khi lực lượng kiểm lâm phát hiện và báo với BQL rừng Đại Ninh thì ông Bùi Đình Trung, cán bộ phụ trách tiểu khu 277B, thuộc BQL rừng Đại Ninh cung cấp cho tổ công tác 1 biên bản kiểm tra nhưng không phải mẫu biểu quy quy định dành cho đơn vị chủ rừng, viết ngày 11-2-2017, về việc phát hiện khai thác rừng trái phép”.

Tuy nhiên, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng cho biết, đơn vị chủ rừng đã không lập hồ sơ vụ vi phạm theo biểu mẫu và cũng không báo cáo cho Hạt Kiểm lâm để phối hợp xử lý theo quy định. Liên quan đến việc “ém” thông tin này, ông Hoàng Hồng Quang, Phó BQL rừng Đại Ninh lý giải, sau khi phát hiện thông đỏ bị cưa hạ, đơn vị chỉ “báo cáo miệng” qua kiểm lâm địa bàn chứ không báo cáo chính thức bằng văn bản cho Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng.

Cũng theo ông Trung, cả hai cây thông đỏ bị cưa hạ đều không nằm trong danh sách đóng số của cơ quan chức năng. Điều này khiến dư luận nghi ngờ “lâm tặc” là người rất thông thạo “lịch sử” của những cây thông đỏ trên(?).

Gỗ thông đỏ tại nhà Trưởng Ban quản lý rừng

Từ nguồn tin riêng, chiều ngày 1-8 vừa qua, phóng viên đã đề nghị Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng kiểm tra tư gia của gia đình ông Nguyễn Văn Nhẫn, Trưởng BQL rừng phòng hộ Đại Ninh.

Tại đây, lực lượng Kiểm lâm phát hiện 6 lóng gỗ được xác định là thông đỏ và 2 hộp gỗ được cho là xoan đào. Vào thời điểm kiểm tra, ông Nhẫn không có nhà, vợ ông Nhẫn lấy lý do đưa con đi học yêu cầu lực lượng Kiểm lâm ra khỏi nhà.

Ông Nguyễn Văn Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đã nhiều lần liên lạc với ông Nhẫn về nhà hợp tác làm việc nhưng ông này không nghe máy. Khoảng 19h30 cùng ngày, toàn bộ 6 lóng thông đỏ tại nhà ông Nhẫn bỗng “không cánh mà bay”.

Cùng thời điểm này, quanh nhà ông Nhẫn xuất hiện hàng chục người lạ mặt bao vây, gây áp lực đối với lực lượng Kiểm lâm huyện Đức Trọng. Trước tình trạng trên, lực lượng Kiểm lâm buộc phải rút khỏi hiện trường để tránh gặp phải những tình huống nguy hiểm.

Tuy nhiên, ngày 3-8, toàn bộ số gỗ thông đỏ này tại nhà ông Nhẫn bỗng “bay” về vị trí cũ. Làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng, ông Nhẫn thừa nhận 6 lóng gỗ ở nhà ông là thông đỏ, có nguồn gốc hợp pháp. Số gỗ này ông được một doanh nghiệp tặng. Tuy nhiên, qua kiểm tra của Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng, toàn bộ số gỗ được phát hiện tại nhà ông Nhẫn không có dấu búa của kiểm lâm.

Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng cho biết, thông đỏ thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm, nhóm 1A. Theo quy định, người vi phạm loại gỗ này từ 1,5m3 trở lên là đủ điều kiện khởi tố vụ án.

Vào năm 2016, Công an huyện Đức Trọng cũng đã khởi tố một vụ án liên quan đến cưa trộm thông đỏ ở núi Voi. Riêng hai cây thông đỏ vừa được phát hiện này, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đang phối hợp với cơ quan Công an và Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp để hoàn tất hồ sơ, khởi tố vụ án, điều tra làm rõ.

Liên quan đến gỗ thông đỏ được phát hiện tại nhà ông Nguyễn Văn Nhẫn, Trưởng BQL rừng phòng hộ Đại Ninh, ông Phùng Khắc Đồng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, ngày 4-8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh Lâm Đồng trước ngày 15-8. Riêng quần thể thông đỏ ở núi Voi bị cưa trộm, chậm nhất đến ngày 30-8 cơ quan chức năng phải báo cáo chi tiết cho UBND tỉnh Lâm Đồng.
Kim Ngân
.
.
.