Air Berlin đang bị thâu tóm bởi nhân vật nào?

Thứ Năm, 02/11/2017, 15:09
Thông báo sẽ mua lại một số hoạt động tại sân bay Berlin Tegel từ Hãng hàng không xin phá sản Air Berlin với trị giá khoảng 40 triệu euro của Hãng hàng không giá rẻ EasyJet đang được dư luận và giới chuyên môn quan tâm.

Bởi việc này diễn ra đúng thời điểm Air Berlin thực hiện chuyến bay cuối cùng sau gần 40 năm hoạt động. 

Tối 27-10, Hãng hàng không lớn thứ hai của Đức Air Berlin đã thực hiện chuyến bay cuối cùng mang số hiệu AB6210 và đáp xuống sân bay Berlin Tegel ở Thủ đô nước Đức, sau chặng bay từ thành phố Munich. Trước đó, các chuyến bay của Air Berlin từ thành phố Berlin và Duesseldorf đến các thành phố của Mỹ và các nước vùng Caribe đã ngừng hoạt động kể từ ngày 25-9.

Theo giới truyền thông, trong thông báo hôm 27-10, Hãng hàng không giá rẻ Easy Jet của Anh cho biết, sẽ thuê 25 máy bay A320 và tuyển khoảng 1.000 phi công và nhân viên hàng không của Air Berlin trong những tháng tới. 

Easy Jet mua lại một số hoạt động tại sân bay Berlin Tegel của Air Berlin.

Và 40 triệu euro kể trên không bao gồm "chi phí vận hành và chuyển đổi" và việc mua lại (dự kiến hoàn tất vào tháng 12-2017) còn tùy thuộc vào sự phê chuẩn của các nhà chức trách. 

Easy Jet mong muốn trở thành hãng hàng không dẫn đầu tại Đức, bên cạnh những cơ sở hiện có ở Berlin Schoenefeld bởi thỏa thuận kể trên phù hợp với chiến lược của hãng về mục tiêu đầu tư vào một số vị trí thế mạnh tại các sân bay hàng đầu châu Âu. 

Trong khi đó Hãng hàng không lớn nhất của Đức Lufthansa cho biết, sẽ mua hơn 50% số máy bay của Air Berlin. Giám đốc điều hành Lufthansa Carsten Spohr tuyên bố, sẽ ký hợp đồng mua 81/144 máy bay của Air Berlin và tiếp quản 3.000 trong số 8.500 nhân viên của hãng này từ ngày 12-10. Nhưng hiện Lufthansa vẫn chưa công bố trị giá của thỏa thuận, dự kiến có thể lên tới 300 triệu euro. 

Theo giới chuyên môn, khi Air Berlin bị đẩy tới đường cùng cũng là lúc Lufthansa lộ rõ ý đồ sáp nhập khi tuyên bố sẵn sàng đàm phán để mua cổ phần của hãng hàng không lớn thứ hai nước Đức. 

Theo giới truyền thông, việc thâu tóm Air Berlin sẽ giúp Lufthansa củng cố vị thế của mình tại thị trường trong nước, tăng sức cạnh tranh đối với đối thủ là các hãng hàng không giá rẻ đến từ nước ngoài.

Lufthansa đang muốn thâu tóm Air Berlin.

Giới truyền thông đưa tin, vẫn còn nhiều nhà đầu tư đang chờ mua lại cổ phần của Air Berlin cũng như tiếp quản vị trí đỗ máy bay của hãng này trên thế giới, trong đó có IAG, tập đoàn hiện sở hữu hãng hàng không hàng đầu của Anh British Airways. 

Đây là cái kết buồn đối với hãng hàng không danh tiếng một thời như Air Berlin. Bởi thời hoàng kim, Air Berlin từng có đội máy bay hơn 150 chiếc và khoảng 10.000 nhân viên trên khắp thế giới. Theo giới chuyên môn, Air Berlin không thể thắng trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ ở Đức và nước ngoài. 

Giới kinh doanh cho rằng, tình hình kinh doanh của Air Berlin bắt đầu đi xuống từ năm 2008 và thảm hại nhất là 2 năm qua, khi thua lỗ 447 triệu euro trong năm 2015 và 780 triệu euro năm 2016, khiến hàng hãng không này phải gánh khoản thua lỗ hơn 1,2 tỷ euro.

Theo giới kinh tế, việc Air Berlin tuyên bố phá sản (đệ đơn xin phá sản lên Tòa án Berlin-Charlottenburg hồi tháng 8 do kinh doanh thua lỗ) sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận tải hàng không ở Đức. 
Được biết, Air Berlin vẫn có thể duy trì hoạt động bay cho đến nay là nhờ khoản vay bắc cầu trị giá 150 triệu euro từ Chính phủ Đức. Chính phủ Đức từng tuyên bố, chỉ cấp cho Air Berlin khoản tín dụng khẩn cấp trị giá 150 triệu euro để duy trì các chuyến bay theo kế hoạch đến cuối tháng 11-2017. 

Nhiều người quan ngại về hiệu ứng domino đang xảy ra trong ngành hàng không châu Âu bởi đã có 3 hãng hàng không phá sản (Air Berlin của Đức, hãng hàng không quốc gia Alitalia của Italia và Monarch của Anh) chỉ trong 50 ngày. 

Người ta không những đặt câu hỏi về sức mạnh của ngành hàng không châu Âu, mà còn lo lắng về mức độ cạnh tranh và đào thải nhanh trong lĩnh vực này ở “lục địa già”. Theo dự đoán của hãng Ryanair, sẽ chỉ còn 4-5 hãng hàng không ở châu Âu trong thời gian tới. 

Bộ trưởng Kinh tế Brigitte Zypries từng phản bác những chỉ trích của lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Đức (FDP), ông Christian Lindner, liên quan đến khoản tín dụng 150 triệu euro dành cho Air Berlin. Theo bà Brigitte Zypries, chính phủ đã hành động nhanh chóng và dứt khoát để giải quyết khủng hoảng và những chỉ trích của ông Christian Lindner là “quá gay gắt và vô căn cứ”. Bởi việc tuyên bố phá sản của Air Berlin sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động vận tải hàng không ở Đức, nhất là đối với những hành khách đã đặt vé trước. Và đó là một trong những lý do chính khiến Chính phủ Đức phải cấp cho Air Berlin khoản tín dụng khẩn cấp kể trên.

Anh Phương
.
.
.