Ám ảnh những vụ tự sát bất thành vì căn bệnh trầm cảm

Thứ Năm, 13/06/2019, 07:32
Trầm cảm cùng với những biểu hiện loạn thần xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là với những phụ nữ sinh con lần đầu. Căn bệnh này xuất phát từ sự thiếu quan tâm của gia đình, áp lực chăm sóc con cái đè nặng lên vai người phụ nữ.


Tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, đã có nhiều trường hợp được đưa vào điều trị trong tình trạng mất kiểm soát hành vi. Trong số đó, có những vụ việc vô cùng đau lòng như người mẹ cuốn chăn tự thiêu sống mình, chị chỉ tỉnh táo trở lại khi nghe thấy tiếng con khóc…

Luôn nghĩ tới việc tự sát

Tại khoa Bán cấp tính nữ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, nơi đang điều trị cho hàng chục nữ bệnh nhân lúc nào cũng vang lên tiếng hát từ những cô gái trẻ lang thang trong hành lang khu điều trị. Trong số họ, có nhiều người phải nhập viện bởi căn bệnh trầm cảm cùng các triệu chứng của bệnh loạn thần, khiến họ luôn tưởng tượng ra những điều kì quái, những câu chuyện với nội dung vô cùng lâm li bi đát và nguy hiểm hơn, họ cảm thấy chán sống và luôn nghĩ đến việc tự sát.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Vân - Trưởng khoa Bán cấp tính nữ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I - cho biết, bệnh trầm cảm sau sinh xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt ở những phụ nữ sinh con lần đầu. Có trường hợp biểu hiện loạn thần dẫn tới việc cố tự sát và mất kiểm soát hành vi.

Kể lại những câu chuyện của các bệnh nhân đã nhập viện, được điều trị tại khoa, bác sĩ Vân cho biết, căn bệnh này không buông tha bất cứ ai. Dù là giáo viên, nhân viên ngân hàng hay thậm chí là bác sĩ cũng đều có thể mắc phải. Tuy nhiên căn bệnh này cũng có khả năng hồi phục cao sau khi được điều trị. Một yếu tố tác động trong việc hồi phục này, đó là người bệnh và người thân sớm phát hiện được các biểu hiện của trầm cảm hay không.

Kể lại câu chuyện của một bệnh nhân tên H., bác sĩ Vân cho biết: “Bệnh nhân này có biểu hiện hay quên, cáu gắt, luôn trong tình trạng căn thẳng mệt mỏi. Chị này đã có chồng và mới sinh con, khi gặp những biểu hiện như vậy gia đình cũng cho đi khám, nhưng không khám ra bệnh gì. Sau một thời gian do không được điều trị, chị này đã có tâm lý chán nản, muốn tự sát…”.

Bệnh nhân tên H. nhập viện với vết bỏng do tự thiêu.

Vào một ngày, khi chỉ có mình chị H. và đứa con nhỏ trong phòng, chị này đã quấn chăn vào người và châm lửa. Khi ngọn lửa bùng lên đốt cháy một phần lưng và cánh tay, nghe tiếng con khóc, người phụ nữ này mới tỉnh lại và kêu cứu người nhà. Khi mọi người tới đập cửa để vào cấp cứu thì cơ thể của chị đã bỏng rất nặng. 

Các bác sĩ tại bệnh viện cho biết, chị H. bị bỏng tới 60% cơ thể. Sau khi điều trị bỏng xong, chị được chuyển tới Bệnh viện Tâm thần Trung ương I để tiếp tục điều trị về tâm thần.

Khi vào viện, ngoài việc cho uống thuốc, điều trị tâm thần, bác sĩ của Khoa Bán cấp tính nữ vẫn phải chăm sóc vết bỏng cho chị H. cẩn thận. Ngoài ra, các bác sĩ liên tục phải động viên tinh thần, xoa bóp chân tay cho chị H. những ngày đầu chị này mới nhập viện”.

“Ban đầu chị ấy không muốn nhập viện, nhưng người nhà động viên vào. Sau một năm, tinh thần đã khá lên, có thể ăn ngủ được bình thường”, bác sĩ Vân chia sẻ.

Một trường hợp khác cũng vô cùng đáng thương, thường được nhắc đến đó là trường hợp của chị N.T.L (26 tuổi, quê Nam Định). Sau khi sinh con, chị L. có biểu hiện mất ngủ, tinh thần mệt mỏi, căng thẳng. Mỗi lần bế con, chị L. luôn có cảm giác khó chịu và chán nản khi nghĩ đến tương lai. Do thấy chị thường xuyên khóc lóc, không kiềm chế được cảm xúc nên gia đình đã đưa chị đi viện chữa trị. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán chị L. bị trầm cảm, được điều trị uống thuốc tại nhà. Nhưng do quá chán nản, người phụ nữ này đã lén lấy đủ các loại thuốc điều trị để uống hết với ý định tự sát.

Trước khuynh hướng này, chị L. được đưa vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương I để điều trị, sau đó tiếp tục uống thuốc tại nhà. Qua một thời gian tưởng rằng đã ổn định, căn bệnh trầm cảm của chị L. lại tái phát. Vào một ngày, chị lặng lễ ôm con ra biển, trong lúc không kiểm soát được hành vi, đứa con nhỏ một tuổi đã bị sóng cuốn trôi. Chị L. sau đó được người dân cứu sống và quay trở lại bệnh viện tâm thần để điều trị. Các bác sĩ xác định, chị mắc bệnh trầm cảm nhưng có biểu hiện loạn thần, đó là lý giải của hành động tự sát nhiều lần vì mất kiểm soát hành vi.

Bác sĩ Vân thăm khám cho một bệnh nhân.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Ngoài ra, trong cuộc trò chuyện, bác sĩ Nguyễn Thị Vân đã kể về nhiều trường hợp khác phải nhập viện vì căn bệnh trầm cảm, nhất là với phụ nữ mới sinh con đã được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Như chị H.M (28 tuổi, Lạng Sơn), nhiều lần định lao đầu vào xe tải tự sát nhưng người nhà ngăn cản kịp thời hay chị N.T.H (29 tuổi, Hà Nội) một điều dưỡng viên của bệnh viện nhiều lần có ý định nhảy xuống giếng tự sát.

“Như trường hợp của điều dưỡng viên H., chị này có ý tưởng và hành vi tự sát nhiều lần, được khám và điều trị ngoại trú các viện khác. Các bác sĩ cũng cho thuốc uống, điều trị nhẹ nhàng, bồi dưỡng cơ thể để chị có thể tiếp tục ở nhà chăm sóc con. Nhưng tình trạng bệnh sau đó lại càng nặng, phát triển theo chiều hướng xấu. Chị này bị mất ngủ và ý tưởng tự sát mạnh hơn rất nhiều”, bác sĩ Vân chia sẻ.

Rất may mắn, qua các kênh thông tin, gia đình xác định chị H. bị trầm cảm sau sinh nên đã đưa chị đi điều trị. Nhờ quá trình điều trị, giấc ngủ của bệnh nhân này đã cải thiện nhưng vẫn còn biểu hiện chán nản, không còn hứng thú hay có một sở thích gì. Khi nhận thấy việc chăm con với bệnh nhân diễn ra rất khó khăn hoặc không muốn chăm con, vẫn còn ý tưởng tự sát nên gia đình phải đưa vào điều trị nội trú.

Sau khi nhập viện, chị H. được các bác sĩ thường xuyên thăm khám, chỉ định điều trị nội trú bằng hóa dược và các biện pháp tâm lý. Hiện tại, bệnh nhân này cũng đã phục hồi tốt, ra viện được gần một năm và có thể chăm con bình thường, ý tưởng tự sát cũng đã không còn và sống một cuộc sống rất tích cực.

Nói về những đặc điểm chung của các bệnh nhân trầm cảm, các bác sĩ cho biết đó là cảm giác đau khổ, buồn chán không rõ nguồn cơn, luôn chán nản khi suy nghĩ đến cuộc sống tương lai. Với những cảm xúc đó đã khiến họ muốn tự sát và khiến nhiều người trong gia đình bất ngờ. Bởi trước khi sinh con, họ đều từng là những người hoạt bát, vui vẻ, hết mình trong công việc và cuộc sống gia dình.

Các bác sĩ luôn cố gắng hỏi han, làm liệu pháp tâm lý cho bệnh nhân.

Lý giải về sự thay đổi này, bác sĩ Vân cho biết: “Bệnh trầm cảm sau sinh xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là những người sinh con lần đầu. Nguyên nhân của căn bệnh này có rất nhiều, trong đó có yếu tố xuất phát từ bên trong và tác động hoàn cảnh sống. Sau khi sinh, nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ thay đổi dẫn tới căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ. Bên cạnh đó, người mẹ cũng vất vả hơn do phải thức đêm trông con, cho con bú, khác hẳn với những ngày tháng vui chơi khi chưa có con”.

Nhưng đặc biệt hơn cả, nguyên nhân quan trọng khiến các bà mẹ mắc phải bệnh trầm cảm đó là sự thiếu quan tâm, chia sẻ của gia đình. Những người mắc trầm cảm sau sinh cũng là những người kém thích nghi với sự thay đổi của môi trường sống, nhân cách không được mạnh mẽ. Kết hợp với sự thiếu quan tâm từ chồng và gia đình, không được hỏi han chia sẽ sẽ tác động mạnh đến tinh thần của người mẹ.

Cùng với trách nhiệm của người mẹ, khi con bị ốm, con khóc cũng tác động rất nhiều đến tâm lí. 2 năm đầu tiên sau sinh là khoảng thời gian stress nhất của các bà mẹ. Người bị nặng hơn còn có thể mắc chứng loạn thần, gây tổn thương cho người xung quanh và có hành vi tự sát rất mạnh. Có những vụ việc đau lòng đã xảy ra khi mẹ đánh con, thậm chí sát hại con chỉ vì căn bệnh trầm cảm.

Với phụ nữ bị trầm cảm, nguy hiểm nhất là những trường hợp có xu hướng tự sát. Theo bác sĩ Vân, người có ý định này thường rất ít nói, hành vi của họ diễn ra đột ngột nên không ít trường hợp như bệnh nhân N.T.L. nói trên, đã gây ra hậu quả nặng nề, bi thương không chỉ cho bản thân mình.

“Với những bệnh nhân có khuynh hướng muốn tự sát, gia đình phải tuyệt đối để ý, không thể lơ là ngay cả sau khi bệnh nhân đã được điều trị ổn định, vì bệnh có thể quay lại bất cứ lúc nào khi có những tác động không thuận lợi từ hoàn cảnh sống”, bác sĩ Vân khuyến cáo. 

Đinh Hiền
.
.
.