Ấm áp "Ngày hội gia đình phạm nhân"

Thứ Tư, 28/06/2017, 13:03
Ngày 20-6 vừa qua, tại phân trại số 1, Trại giam Suối Hai, Ba Vì (Hà Nội) đã diễn ra một buổi lễ đặc biệt. Đó chính là cuộc hội ngộ của các phạm nhân với những người thân của họ. Tại buổi "Hội nghị gia đình phạm nhân" này, các phạm nhân sẽ được gặp gỡ, trò chuyện và cùng người thân của mình ăn bữa cơm thân mật. Niềm vui, hạnh phúc ấy sẽ giúp họ có thêm động lực cố gắng cải tạo tốt hơn nữa để sớm có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng.


Cuộc hội ngộ hạnh phúc

Từ sáng sớm, nhiều thân nhân của các phạm nhân thuộc phân trại số 1, Trại giam Suối Hai đã có mặt trước cổng trại để chờ đến giờ được vào gặp người thân của mình.

Lần gặp này không giống nhiều lần gặp trước đó. Bởi thay vì chỉ được nhìn mặt và nói chuyện qua điện thoại thì họ sẽ được gặp trực tiếp, trò chuyện và cùng người thân ăn bữa cơm sum họp.

Chị Hoa (Phúc Thọ) chia sẻ: "Hầu như tháng nào tôi cũng cho con lên đây thăm chồng để động viên anh ấy cải tạo tốt nhưng chưa bao giờ mẹ con tôi được gần anh ấy. Lần này không chỉ có tôi mà hai thằng cu nhà tôi nó cũng háo hức lắm vì chúng nó sẽ được chơi và nói chuyện thoải mái với bố".

Thượng tá Bùi Đăng Toản, Phó Giám thị Trại giam Suối Hai phát động ủng hộ quỹ "Tấm lòng vàng".

Thân nhân của các phạm nhân sau khi đến trại sẽ được đón tiếp và được cán bộ trại dẫn đi tham quan nơi học tập, sinh hoạt và lao động của phạm nhân. Sau đó sẽ tham dự "Hội nghị gia đình phạm nhân".

Hội nghị được mở đầu bằng các tiết mục văn nghệ tự biên tự diễn của các phạm nhân. Có lẽ lâu lắm rồi, họ - những con người một thời lầm lỗi mới được "tự do" trong những bộ trang phục không kẻ sọc. Họ bay bổng, sâu lắng và đầy nuối tiếc trong mỗi lời ca tiếng hát.

Chứng kiến con trai biểu diễn trên sân khấu, ông Hoàng Văn Hướng (Chương Mỹ, Xuân Mai) rơm rớm nước mắt.

Ông bảo: "Nuôi con đến khi khôn lớn thì nó lại vướng vòng lao lý. Lần nào lên thăm gặp nó cũng nói lời xin lỗi bố mẹ và người thân. Thương lắm mà chỉ biết động viên thôi, vì tội lỗi nó tự gây ra thì nó phải trả giá".

Tại "Hội nghị gia đình phạm nhân", không chỉ những phạm nhân có thành tích cải tạo tốt được vinh dự đại diện cho hàng nghìn phạm nhân khác phát biểu ý kiến mà cả những người từng là phạm nhân đã chấp hành xong án phạt cũng được mời về dự hội nghị để chia sẻ  những thành công sau khi tái hòa nhập cộng đồng. 

Cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia ủng hộ quỹ "Tấm lòng vàng".

Sau khi hội nghị kết thúc các phạm nhân sẽ được cùng người thân của mình ăn bữa cơm trưa. Với nhiều người, đó là một ngày trọng đại. Ngồi ăn cơm cùng vợ và con trai, phạm nhân Nguyễn Văn Ngãi (Phúc Thọ) không giấu được xúc động.

Dù vợ luôn miệng giục ăn cơm nhưng anh Ngãi chỉ cười và bảo: "Để bố xúc cho thằng cu Bi ăn xong bát này rồi bố ăn. Từ lúc nó sinh ra bây giờ mới được bố xúc cơm cho ăn lần đầu tiên". Nhìn cái cách mà chồng mình trân trọng từng giây phút ở bên con khiến vợ anh Ngãi nước mắt rưng rưng.

Bàn bên cạnh, bà Nguyễn Thị Khế (82 tuổi, quê ở Thanh Oai) cứ sờ nắm thằng cháu đích tôn của mình. Bà Khế hạnh phúc nói: "Hôm nay được vợ chồng nó đưa lên đây gặp mặt thằng cháu nội tôi vui lắm. Giờ có nhắm mắt cũng toại nguyện".

Ở Trại giam Suối Hai, các phạm nhân không chỉ được giáo dục để nhận thức rõ tội lỗi mình gây ra, phấn đấu cải tạo tốt, sớm trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Ngoài ra, Ban Giám thị trại cùng các cán bộ ở đây còn thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua trong phạm nhân như: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; cuộc thi viết "Sự hối hận và niềm tin hướng thiện"; cuộc thi vẽ tranh "Khát vọng hoàn lương"; cuộc thi viết thư "Gửi lời xin lỗi" tới người thân của các nạn nhân…

Đây là hình thức giáo dục mới mang đậm tính nhân văn, là cơ hội giúp phạm nhân thông qua những lá thư nhận thức rõ hơn về những lỗi lầm, những việc làm sai trái mà mình đã gây ra cho người bị hại.

Cũng thông qua đó cán bộ trại giam có thể nắm bắt, đánh giá được thái độ cải tạo của phạm nhân trong quá trình chấp hành án tại trại.

Trong lá thư gửi người đã mất - là nạn nhân trong tội ác của mình, phạm nhân Nguyễn Văn Bình đã viết: "Sai lầm của tôi là đã tước đi quyền được sống của anh, gây ra cho người thân của anh biết bao đau đớn. Hơn nữa, cả tôi và anh đều có hoài bão nhưng tôi đã chặn đứng ước mơ và hoài bão của cả hai. Giờ đây tôi phải thắp lên một ước mơ mới, ước mơ làm lại cuộc đời.

Được tự do tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để được người thân anh tha thứ... Thời gian cứ thế trôi nhưng vết thương lòng vẫn còn đó. Mất mát và đau thương mà tôi gây ra cho gia đình anh chắc họ sẽ hận tôi lắm… Tôi tin vào tâm linh, ở bên kia thế giới anh có thể đọc được những lời này. Mong anh được an nghỉ, gia đình và người thân của anh được khỏe mạnh, mạnh mẽ vượt qua nỗi đau này!".

Trong những năm qua, Trại giam Suối Hai đã luôn duy trì và vận động cán bộ, chiến sĩ, thân nhân phạm nhân, các doanh nghiệp, cá nhân có hảo tâm xây dựng quỹ "Tấm lòng vàng". Với mục đích chia sẻ, động viên và hỗ trợ kịp thời cho những phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại có gia cảnh đặc biệt khó khăn, không có nơi nương tựa, phạm nhân ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo.

Rất lâu rồi họ mới có được bữa cơm đoàn tụ thế này.

Khát khao hướng thiện

Được vinh dự là 1 trong số rất ít những người đại diện cho hàng nghìn phạm nhân của phân trại số 1, Trại giam Suối Hai lên phát biểu ý kiến, phạm nhân Nguyễn Bảo Ngọc không giấu được xúc động.

Vốn là một chàng trai Hà Nội gốc, tốt nghiệp Trường Đại học Thương mại. Sau khi ra trường, Ngọc xin vào làm việc tại một ngân hàng thuộc địa bàn Hà Nội. Thế nhưng cũng chính ở nơi này, Ngọc đã vấp ngã.

"Vì mình là nhân viên ngân hàng nên việc vay nợ sẽ dễ dàng hơn. Biết được lợi thế đó nên rất nhiều người đã nhờ mình đứng ra vay hộ. Ban đầu họ trả nợ rất đúng hạn nhưng sau thì cứ chậm dần rồi mất khả năng trả. Vì là người đứng ra vay nên mình phải chịu trách nhiệm. Số tiền vay khi ấy đã lên tới 8 tỉ đồng mà không có khả năng trả nên mình bị quy vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị kết án 18 năm tù giam" - phạm nhân Ngọc kể lại.

Thời gian đó Ngọc vừa cưới vợ được đúng 5 tháng. Lúc vợ báo tin có bầu cũng là lúc Ngọc bị cơ quan điều tra bắt tạm giam và truy tố với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thời gian đầu ở trại tạm giam Ngọc đã rất bi quan và hoảng loạn. Những đêm dài mất ngủ, Ngọc nghĩ về những sai lầm của mình mà lòng quặn thắt. Thương người vợ trẻ vừa lấy chồng đã phải chịu cảnh phòng không.

Thương đứa con vô tội chưa kịp ra đời đã phải gánh chịu nỗi mặc cảm cha vướng vào vòng lao lý. Anh chia sẻ: "Thực sự tuổi trẻ nông nổi đã khiến mình phải trả giá quá đắt. Nhưng mình đã rất may mắn khi luôn có người thân, vợ con động viên. Đến khi vào Trại giam Suối Hai mình cũng luôn được các cán bộ giúp đỡ tận tình. Đó cũng chính là nguồn động lực rất lớn để mình cố gắng phấn đấu cải tạo thật tốt sớm có cơ hội được trở về làm lại cuộc đời".

Chứng kiến hình ảnh này không ít người xúc động.

Ngồi cạnh mẹ, phạm nhân Nguyễn Văn Tiến vui mừng như một đứa trẻ. Tiến hỏi mẹ đủ thứ chuyện ở nhà. Nhìn thấy mẹ gầy hơn lần thăm gặp trước, Tiến lại xót xa và động viên mẹ phải lạc quan lên, cố gắng ăn uống để chờ ngày Tiến trở về. Tiến bị kết án 7 năm tù giam với tội danh cố ý gây thương tích.

Những ngày tháng sống trong trại giam Tiến bảo mình đã nhận thức hơn bao giờ hết về những tội lỗi mà mình gây ra.

Trong bức thư gửi mẹ, Tiến trải lòng: "Mỗi lần mẹ lên thăm con mẹ đều động viên con phải phấn đấu cải tạo thật tốt để sớm trở về với gia đình và xã hội.

Mong ước lớn nhất của con khi trở về là sẽ thành một người công dân tốt, có ích cho xã hội, cho gia đình. Con sẽ cố gắng để làm một người con hiếu thảo, sẽ chăm sóc phụng dưỡng mẹ suốt đời, không để cho mẹ phải buồn, phải đau lòng vì con nữa…

Trong thời gian chấp hành án ở Trại giam Suối Hai, con nhận được rất nhiều sự quan tâm, giáo dục của Ban Giám thị trại và  cán bộ cùng các phạm nhân khác. Con đã ý thức và nhận rõ lỗi lầm của con. Giờ thì con đã biết sống và làm việc theo pháp luật thì mới mong có cuộc sống ấm no, hạnh phúc".

Dù đang phải khoác trên mình bộ quần áo kẻ sọc, dù đã từng mắc rất nhiều lỗi lầm trong quá khứ nhưng khi nhận thức được tội lỗi của mình họ lại khát khao hướng thiện hơn bất cứ ai.

Chắp cánh cho những khát khao cháy bỏng ấy sớm thành hiện thực ngoài sự nỗ lực không ngừng của mỗi phạm nhân còn có sự giáo dục, động viên, khích lệ không nhỏ của Ban giám thị trại cùng các cán bộ Trại giam Suối Hai.

Phong Anh
.
.
.