Ấm áp ngày trở lại Hòn Tàu

Thứ Tư, 03/04/2019, 20:41
Những cựu cán bộ An ninh Quảng Nam nay đều đã bước vào tuổi "thất thập cổ lai hy" cùng nhau trở về thăm lại căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà (núi Hòn Tàu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).


Họ bồi hồi gặp lại nhau, cùng ôn lại những kỷ niệm của một thời không thể nào quên. Và ở đó, tình đồng chí, đồng đội lại được hiển hiện một cách thật ấm áp.

Kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng TP Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2019), 40 người cả nam lẫn nữ đại diện cho Ban liên lạc cựu An ninh Quảng Đà do Thượng tướng Lê Thế Tiệm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên cán bộ An ninh Quảng Đà dẫn đầu đã về thăm, dâng hoa, viếng hương tại khu di tích Đặc khu ủy Quảng Đà. 

Dù đã bước qua cái tuổi "xưa nay hiếm", mái tóc "muối nhiều hơn tiêu", song ai cũng tỏ ra hồ hởi khi được cùng trở về mái nhà xưa. Sau một quãng đường dài di chuyển từ TP Đà Nẵng mất hơn 2 giờ đồng hồ, chiếc xe đưa 40 cựu cán bộ An ninh Quảng Nam đến được khu di tích Đặc khu ủy Quảng Đà. 

Tất cả mọi người ai cũng mau lẹ bước xuống xe để ngắm nhìn xung quanh khung cảnh mà thời trẻ của họ, những cánh rừng ở núi Hòn Tàu này đã làm nhiệm vụ rất đỗi thiêng liêng, nói như cách của cố nhà thơ Tố Hữu là "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù". Lâu lắm rồi họ mới được cùng nhau trở về căn cứ Hòn Tàu nên ai nấy cũng đều bồi hồi xúc động. 

Thượng tướng Lê Thế Tiệm xúc động ôm lấy những người đồng đội, đồng chí cũ của mình. Ông chia sẻ: Lực lượng An ninh Quảng Đà đã từng chiến đấu, bảo vệ chiến khu, bảo vệ cơ quan đầu não của Đặc khu ủy Quảng Đà, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đặc khu về lại chiến khu xưa lần này nhằm ôn lại những kỷ niệm của một thời khói lửa, qua đó còn gửi gắm đến thế hệ trẻ hôm nay và mai sau cần bảo vệ sự hạnh phúc, bình yên cho nhân dân, cho đất nước, bảo vệ thành quả cách mạng mà biết bao thế hệ đã anh dũng chiến đấu, gian khổ hy sinh mới có được. 

Trong quá khứ, lực lượng An ninh Quảng Đà đã bảo vệ khu ủy, lãnh đạo Đặc khu qua các thời kỳ và trải qua nhiều trận đánh ác liệt. Đặc biệt, năm 1971, địch phát hiện căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà và đưa cả 1 sư đoàn bao vây nhằm tiêu diệt. Trước tình thế đó, lực lượng An ninh Quảng Đà đã mưu trí, dũng cảm tìm đường đưa hơn 1.000 người trong Đặc khu ủy Quảng Đà di tản đến nơi an toàn.

Thượng tướng Lê Thế Tiệm cùng các cựu cán bộ An ninh Quảng Đà dâng hương viếng các anh hùng - liệt sĩ tại căn cứ Hòn Tàu.

Đặc khu ủy Quảng Đà được thành lập vào tháng 10-1967. Với vị trí chiến lược của mình, Hòn Tàu được chọn làm căn cứ, nơi đứng chân của cơ quan Đặc khu ủy, của Mặt trận 4 và các cơ quan chuyên môn trực thuộc Đặc khu để chỉ đạo phong trào cách mạng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 

Với quyết tâm "tất cả cho tổng công kích, tất cả cho tổng khởi nghĩa Xuân Mậu Thân 1968", Đặc khu ủy Quảng Đà chủ trương chỉ đạo tập trung huy động mọi lực lượng chuẩn bị nổi dậy từ đồng bằng đến miền núi. 

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đặc khu ủy Quảng Đà, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta đã bất chấp hy sinh, gian khổ, phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng, cùng với cả nước giáng một đòn nặng nề vào chiến lược "Chiến tranh cục bộ", buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh. 

Từ thắng lợi Tết Mậu Thân, Đặc khu ủy quyết định đưa hàng chục cán bộ nông thôn ra hoạt động trong thành phố. Đồng thời, Đặc khu ủy Quảng Đà và Mặt trận 4 đã chỉ đạo tiếp tục tập trung lực lượng tấn công vào Đà Nẵng, thị xã Hội An và các thị trấn, quận lỵ trên địa bàn.

Căn cứ Hòn Tàu là nơi chịu nhiều hy sinh, mất mát. Nhiều lãnh đạo Đặc khu ủy và hàng trăm cán bộ các cơ quan, ban, ngành đã anh dũng hy sinh, 15 đồng chí bị thương. Đặc biệt, 10 cán bộ, nhân viên của Ban Tuyên huấn bị bom B52 đánh sập hang đá là nơi ở và làm việc ở dốc Cây Khế, dưới chân Mặt Rạng vào sáng 22-5-1972. 

Trước tình hình đó, biến đau thương thành hành động cách mạng, trong muôn vàn gian khổ, Đặc khu ủy Quảng Đà đã vững vàng, tiếp tục chỉ đạo thực hiện các cuộc tiến công chiến lược, quyết định nhiều chủ trương quan trọng, hợp đồng chặt chẽ với các cánh quân chủ lực giải phóng các huyện phía Tây của tỉnh Quảng Nam, tạo thế gọng kiềm để hoàn thành chiến dịch giải phóng Đà Nẵng năm 1975…

Sau khi dâng hoa, dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại Nhà bia lưu niệm khu di tích Đặc khu ủy Quảng Đà, đoàn cựu cán bộ An ninh Quảng Đà lại tiếp tục đi bộ vào sâu trong khu di tích. Sau chừng nửa giờ đi bộ, mọi người đến được khu trung tâm của khu di tích Đặc khu ủy Quảng Đà. Những ngôi nhà lá là nơi sinh hoạt, hoạt động cách mạng của lãnh đạo Đặc khu ủy qua các thời kỳ được phục dựng lại dưới tán rừng xanh mướt. 

Thượng tướng Lê Thế Tiệm cùng các cựu cán bộ An ninh Quảng Đà không khỏi xúc động khi nhìn vào những bức hình tư liệu được lưu giữ tại đây. Họ cùng đi tìm lại những nơi mà mình từng sống và chiến đấu.

Các cựu An ninh Quảng Đà chụp ảnh lưu niệm trong lần cùng trở về mái nhà xưa - căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà.

Đại tá Ngô Thanh Hải, nguyên cán bộ An ninh Quảng Đà, bồi hồi ôm chầm lấy những người đồng đội từng cứu sống mình năm xưa. Đại tá Ngô Thanh Hải chia sẻ, ông lên căn cứ Hòn Tàu khi chưa tròn 17 tuổi. Ở đó như một gia đình thứ hai của ông, mọi người đều yêu thương, đùm bọc nhau trong khó khăn, tất cả đều chung một ý chí như Bác Hồ căn dặn "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào" để Bắc - Nam xum họp. 

"Đầu năm 1971, trong quá trình hoạt động tại Hòn Tàu, tôi bị trúng phục kích của địch, bị thương nặng. Sau đó, lãnh đạo An ninh Đặc khu ủy khi không thấy tôi trở về đã cho anh em đi tìm kiếm. Mãi một hồi lâu, các anh Phan Thanh Long, Hoàng Minh Thiện, Bùi Hồng và Trần Hiên đã tìm thấy tôi bị thương nằm bất động bên suối. 

Sau đó tôi được tổ chức bí mật đưa đi điều trị vết thương rồi sau đó tập kết ra Bắc. Đến năm 1974, tôi lại vào chiến trường Quảng Đà chiến đấu cho đến ngày đất nước hoàn toàn độc lập. Trở lại Hòn Tàu lần này, tôi thực sự rất xúc động khi được gặp lại 4 ân nhân đã cứu tôi ngày trước", Đại tá Ngô Thanh Hải không cầm được nước mắt, nói.

Nắng lên cao. Gió rì rào thổi xuyên qua kẽ lá. Dưới tán rừng già, mọi người đồng thanh hát vang bài hát "Quảng Nam - Đà Nẵng đất nặng nghĩa tình" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: "Anh đưa em đi thăm lại quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng/ Thăm núi Hòn Tàu giờ đây im ắng/ Mà những năm xưa bom ngàn tấn nặng/ Ngày đêm mấy trận giặc tràn quanh ta/ Mà với ta (ờ… ớ…) núi vẫn là nhà...". 

Chia tay Hòn Tàu, chia tay mảnh đất trung dũng kiên cường, trước khi trở về, các cựu cán bộ An ninh Quảng Đà hẹn nhau vào năm sau, 2020, kỷ niệm tròn 45 năm Ngày giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng sẽ mời khoảng 500 cựu cán bộ An ninh Quảng Đà đang sinh sống trên mọi miền Tổ quốc về Hòn Tàu, về lại mái nhà xưa để cùng sum họp…

Di tích Hòn Tàu được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia năm 2012. Sau khi có quyết định xếp hạng di tích, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam đã lập hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL phê duyệt và triển khai lập dự án phục dựng di tích trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Di tích Hòn Tàu có vị trí xung yếu, cách xa khu dân cư, không có đường giao thông tiếp cận, do vậy để phục dựng và phát huy giá trị di tích Hòn Tàu phải làm đường giao thông nối liền từ đường ĐH8, xã Duy Sơn vào khu di tích với tổng số tiền 29 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành tuyến đường, cơ quan chức năng đã tiến hành xây dựng các hạng mục của di tích như Nhà bia lưu niệm khu di tích Đặc khu ủy Quảng Đà với diện tích 160m² nhằm tôn vinh lịch sử đấu tranh cách mạng các địa phương, góp phần giáo dục, phát huy truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Trong quá trình phục dựng di tích, TP Đà Nẵng đã hỗ trợ 8 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 2 hạng mục nhà trưng bày, đón tiếp và tuyến đường nội bộ. Hơn 2 năm triển khai thực hiện, khu di tích Đặc khu ủy Quảng Đà cơ bản đã hoàn thành để chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đặc khu ủy (10-1967 - 10-2017).

Ngọc Thi
.
.
.