Ăn cắp hàng từ thiện, ăn cắp lương tri của chính mình

Chủ Nhật, 06/10/2019, 10:26
Những tấm hình chụp một số người của Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ khuyết tật Hà Nội trèo tường, đưa hàng hóa nhân đạo dành cho những người thiệt thòi ở trung tâm này qua rào là những bức hình xấu xí và đáng xấu hổ nhất.


Những ngày gần đây, dư luận vô cùng bức xúc trước tin cán bộ Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội có địa chỉ tại xã Thụy An, huyện Ba Vì tuồn hàng từ thiện do các cá nhân, tổ chức trao tặng ra ngoài. 

Những tấm hình chụp một số người của Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ khuyết tật Hà Nội trèo tường, đưa hàng hóa nhân đạo dành cho những người thiệt thòi ở trung tâm này qua rào là những bức hình xấu xí và đáng xấu hổ nhất.

Khi nhắc đến người già và người tàn tật người ta liên tưởng ngay đến những người "mỏng manh, yếu đuối" nhất. Cũng như trẻ em, họ cần được ưu tiên, chăm sóc, bảo vệ. Chẳng thế mà nhà trẻ, trường học và bệnh viện được ưu tiên xây dựng trước tiên. Hay nếu bạn có đến bất kỳ một nơi dịch vụ công nào, lên xe buýt, tới bệnh viện hay đi làm giấy tờ… họ cũng là những người được ưu tiên trước nhất. Đặc biệt với người tàn tật, tâm thần, thiểu năng… Nhà nước sẽ hỗ trợ một khoản tiền đến hết đời.

Ông Ðỗ Ðức Hồng, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội. Ảnh: Võ Hải.

Mặc dù vậy, nhưng người già và người khuyết tật ở nước ta vẫn là những người chịu thiệt thòi, khốn khổ hơn cả. Chúng ta vẫn nhìn thấy nhiều người già phải còng lưng đi bán hàng rong, bán vé số nuôi thân, có khi còn phải nuôi thêm con, cháu bị bệnh hay tật nguyền. Thêm vào đó, cái nhìn của xã hội đối với những người bị khuyết tật vẫn còn thiếu sự cảm thông khiến họ mất niềm tin vào cuộc sống. 

Những người khó khăn, không nơi nương tựa dù được Nhà nước đưa vào các trung tâm bảo trợ chăm sóc nhưng cuộc sống của họ vẫn thiếu thốn đủ bề. Do đó nhiều nhà thiện nguyện, hảo tâm đã đến tặng quà như một cách chia sẻ, hỗ trợ những con người thiệt thòi này.

Thế mà lại có những con người đã cướp đi hy vọng của những người bất hạnh, chà đạp lên cả lòng hảo tâm, sự thương cảm của những người giàu lòng nhân ái khi ngang nhiên ăn cắp quà mà họ mang đến tặng những người kém may mắn.

Cụ thể, vào ngày 8-9 vừa qua nhân dịp Tết Trung thu, các nhà thiện nguyện, hảo tâm đã đến tặng quà cho những người thuộc diện bảo trợ xã hội của Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ khuyết tật Hà Nội, nơi đang nuôi dưỡng 330 người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 163 người già, người khuyết tật, có 30 người không tự phục vụ được và 167 trẻ em, có 90 em bị bại não, down. 

Các đoàn khách gồm: Bà Mạc Thị Vương - Hà Nội từ thiện cho Trung tâm: 218 chiếc bánh trung thu; Câu lạc bộ Thiện nguyện Hương Sen, trao quà từ thiện 334 hộp sữa hút, 334 chiếc bánh tẻ, 263 hộp bánh bông lan và Hội thiện nguyện Thu Hiền tâm linh từ thiện cho Trung tâm: 257 chiếc bánh nướng, 334 hộp sữa hút, 334 gói bim bim. 

Khi các đoàn đến, lãnh đạo Trung tâm giao cán bộ các phòng, bộ phận cùng đi phát quà cho các cháu. Tuy nhiên, sau khi các đoàn thiện nguyện ra về, một số cán bộ đã trèo tường mang quà, sữa, bánh trung thu ra khỏi Trung tâm để bán cho cửa hàng tạp hóa và các đại lý.

Chỉ khi vụ việc bị phát giác đưa lên báo, lãnh đạo Trung tâm mới kiểm tra, xác định kiểm điểm một số cán bộ liên quan và khẳng định đây là lần đầu tiên Trung tâm xảy ra tình trạng này. 

Nhưng nhìn cách mà họ leo rào để chuyển đồ ra ngoài chuyên nghiệp như thế thì không ai dám tin đây là lần đầu. Mà dù là một lần thì cũng là hành vi ăn cắp nhơ nhuốc. Họ không chỉ ăn cắp quà bánh của những người yếu đuối, bất hạnh nhất mà còn ăn cắp lương tri của chính mình.

Ông Ông Đỗ Đức Hồng - Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội khẳng định việc tuồn qua hàng rào như thế là hoàn toàn vi phạm quy định của ngành và đạo đức nghề nghiệp. Việc đó là sai phạm. Vâng nếu xét về mặt luật pháp thì đúng là như vậy, nhưng hơn thế, đó phải là một tội ác. Bởi ăn cắp đã là một hành vi xấu xa, mà ở đây lại là ăn cắp hàng từ thiện dành cho những người già, trẻ tàn tật, thì đúng là một tội ác. Không chỉ những người ăn cắp, những người mua, bán hàng từ thiện cũng là người người tiếp tay cho hành vi xấu xa này cũng cần phải lên án.

Không thể phủ nhận những đóng góp của Trung tâm khi giúp chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho một số lượng lớn người già cô đơn, người tàn tật, trẻ em tàn tật và trẻ bị bỏ rơi trên địa bàn TP Hà Nội, nhất là việc Trung tâm có khá nhiều cháu bé bị bệnh bại não, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, và người già, khuyết tật không thể tự phục vụ, đòi hỏi công tác chăm sóc rất nặng nề, với thời gian liên tục 24/24 giờ. 

Nhưng lẽ ra tận mắt thấy những hoàn cảnh bất hạnh như vậy, các cán bộ ở đây phải là những người có tấm lòng thương người hơn hết thảy, nhưng không, làm ở trung tâm nhân đạo họ lại có những hành vi cực kỳ vô nhân đạo.

“Con sâu làm rầu nồi canh”, hành vi này cần phải được ngăn chặn, răn đe để tránh tái diễn làm mất niềm tin của các tổ chức xã hội, tổ chức thiện nguyện. Bởi một khi đã mất niềm tin vào việc mình làm, họ sẽ không còn mặn mà với những điều mình tâm huyết nữa. Xã hội cần những người có tấm lòng vàng như họ để cuộc sống này tươi đẹp hơn.

Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật (xã Thụy An, huyện Ba Vì) đang nuôi dưỡng 330 người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 165 người già và 165 trẻ em. Trung tâm cũng là nơi đã tiếp nhận một số trẻ em chuyển tới từ chùa Bồ Ðề (Long Biên) vào năm 2014, khi có nghi vấn mua bán trẻ em tại ở ngôi chùa này.

Trung tâm đang thực hiện 3 chế độ ăn mỗi tháng: Ðối với người già cô đơn, người tàn tật dưới 60 tuổi thì chế độ 1.050 triệu đồng; người già trên 60 tuổi và các cháu trẻ trên 5 tuổi là 1,4 triệu đồng; trẻ dưới 5 tuổi là 1,7 triệu đồng.

Hồng Việt
.
.
.