Ẩn họa từ chợ mua bán súng hơi trên mạng

Thứ Sáu, 13/11/2020, 11:57
Mặc dù Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã cấm sở hữu, mua bán các loại súng hơi, súng săn (PCP), nhưng thực tế nhiều người vẫn rao bán và sử dụng. Trên mạng xã hội cũng hình thành nhiều nhóm chơi súng dù nguy cơ tiềm ẩn do loại vũ khí này mang lại vẫn chưa thể lường trước.


Nguy hiểm từ một thú chơi

Súng hơi là loại súng được chế tạo theo hình thức thủ công bằng tay hoặc nhờ vào công nghệ, máy móc, bản chất của súng hơi là súng săn nên có những đặc điểm chung của súng săn, được sử dụng vào mục đích săn bắn. Đạn sử dụng trong súng hơi là đạn chì, sau khi có tác động lực, súng dùng lực đẩy của không khí bị nén trong xi lanh để phóng đạn ra ngoài.

Hiện nay, nhiều người thường sử dụng loại súng này với mục đích săn bắn thú rừng hoặc các loại động vật hoang dã trong tự nhiên. Tuy nhiên trong thực tế, hậu quả của việc sử dụng súng hơi không chỉ dừng lại ở mục đích săn bắn mà còn có thể thiệt hại về tính mạng, sức khỏe con người khi do lỗi cố ý hoặc vô ý của người sử dụng.

Lực lượng chức năng thu giữ nhiều loại súng hơi.

Như trong vụ việc xảy ra tại Cầu Giấy (Hà Nội) vào đầu tháng 5, khi anh P.V.T (quê Hà Tĩnh) đang đi bộ bỗng nhiên thấy đau nhói ở ngực trái và cổ sau đó ngất lịm trên đường với máu chảy ướt đẫm áo.

Sau khi được người dân đưa đến bệnh viện cấp cứu, qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện anh T. bị một vết thương kích thước 0,5cm ở vùng cổ và gắp ra một mảnh kim loại. Kết quả giám định thương tích của anh T. là 14%.

Sau khi điều tra, Công an TP Hà Nội đã phát hiện trước đó, anh D.T.D (quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cũng bị trúng đạn vào vai trái và anh D.N.D (quê Phúc Thọ, Hà Nội) cũng bị trúng 2 phát đạn ở đùi phải.

Qua khám nghiệm hiện trường, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an TP Hà Nội đã bắt giữ 2 đối tượng sử dụng súng hơi bắn người là Vũ Tuấn Dũng (38 tuổi, trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) và Đặng Trần Đức (46 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội).

Theo lời khai của 2 đối tượng này, đầu tháng 1/2020, thông qua mạng xã hội, Dũng mua một khẩu súng hơi nhãn hiệu Bengian của một người ở Bắc Ninh với giá 10 triệu đồng và 1 kg đạn chì của một người khác ở Hà Nam. Sau khi quen súng và cảm thấy chán với việc bắn chim, Dũng kê súng lên cửa sổ và ngắm, bắn… người đi đường. Đến ngày 6/5, phát hiện đã bắn trúng người đi đường, Dũng đã nhờ Đức mang súng đi giấu rồi bỏ trốn.

Khi Đức đến nhà Dũng lấy súng thì bị lực lượng chức năng bắt giữ, còn Dũng bị bắt khi đang lẩn trốn tại khu vực ngõ 91 Trần Duy Hưng (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), cách nhà khoảng 2 km. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Dũng, lực lượng chức năng thu giữ khẩu súng Dũng dùng để bắn người, 180 viên đạn chì và một bơm tay.

Tại nơi ở của Đức, Công an thu giữ thêm 6 nòng súng bắn đạn bằng kim loại; nhiều hệ thống cò súng, tiếp đạn cho súng bắn đạn ghém; 6 ốp nòng súng; 4 báng súng; hơn 300 viên đạn các loại và nhiều thiết bị dùng để sửa chữa súng. Đức khai nhận, số súng đạn trên được thu gom, mua từ nhiều người thông qua mạng xã hội. Ngoài ra, Đức còn tự chế đạn để bán cho người khác sử dụng.

Một khẩu súng PCP được rao bán giá gần 6 triệu đồng.

Ngoài vụ việc trên, đã có nhiều tai nạn nhẹ thì thương tật, nặng thì chết người xảy ra do việc sử dụng súng hơi, súng cướp cò… Gần đây nhất, một vụ việc liên quan đến hành động súng hơi ngoài đường cũng khiến một sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải tử vong.

Sau vụ việc này, Công an Hà Nội đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Xuân Tính (trú quận Đống Đa, Hà Nội) về tội "vô ý làm chết người". Sau khi trình diện cơ quan Công an, Tính khai nhận khẩu súng này được mua trên mạng xã hội, dùng để bán chim. Trong quá trình khoe với bạn, do không biết trong súng còn đạn hoặc đã khóa nòng nên bóp cò.

Những kho súng trên mạng

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc buôn bán các loại súng hơi, súng săn đã diễn ra nhiều năm nay. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, các đối tượng đẩy mạnh phát triển khách hàng trên mạng xã hội Facebook, Youtube với nhiều hội nhóm chơi súng lên tới hàng ngàn người. Các loại hình súng săn được lắp với mẫu mã đa dạng, bắt mắt và có tỷ lệ như súng thật.

Các loại súng thông dụng được rao bán trên mạng xã hội chủ yếu là PCP Condor (súng cồn - súng hơi tự chế). Ngoài ra còn nhiều trang khác cũng rao bán các loại súng hơi khí mềm như Airsoft, đây là loại súng giống có cơ cấu bắn như súng thật, cũng sử dụng khí nén để đẩy đạn đi và thường được mua với mục đích sưu tập.

Tuy nhiên, uy lực của các loại súng này đều thuộc dạng nguy hiểm, nhất là khi các viên đạn bắn vào chỗ hiểm yếu như mắt, mũi… Trong một video do một shop online bán súng đăng tải trên mạng Youtube, người bán hàng quay lại cảnh "đập hộp" một khẩu súng bắn đạn bi sắt có khả năng chọc thủng lon nước với khoảng cách hàng chục mét. Trong nhiều video khác, người bán thể hiện khả năng sát thương tầm xa của súng với việc săn cò, săn diệc ở khoảng cách xa. Với khoảng cách gần hơn, đạn sắt, chì của các loại súng này hoàn toàn có khả năng sát thương người khác nếu không sử dụng đúng cách.

Một đối tượng bán súng hơi bị bắt giữ.

Với khả năng sát thương tầm xa, gây nguy hiểm cho người khác như vậy nhưng mỗi khẩu súng hơi chỉ có giá từ 5 triệu cho tới hơn 10 triệu đồng tùy loại. Thậm chí nếu ít tiền hơn, người có nhu cầu có thể "săn" các loại súng thanh lý chỉ với giá trên dưới 3 triệu đồng.

Tìm hiểu tại một cửa hàng online bán súng hơi, chủ shop giới thiệu khẩu PCP Condor Talon sử dụng đạn chì, có mức giá khoảng 5,8 triệu đồng gồm đầy đủ tính năng như ống ngắm hỗ trợ chống lệch tâm; có đèn hồng ngoại hỗ trợ soi vào ban đêm; bình hơi nhôm; giảm thanh,… bắn xa khoảng 60-70m. Còn đạn chì được bán với giá 350.000- 450.000 đồng/kg tùy vào kích cỡ, chủng loại.

Khi khách đã vừa ý, có thể liên hệ với số điện thoại đăng tải công khai trên kênh Youtube cá nhân của người này và gửi tiền đặt cọc khoảng 200.000 đồng. Sau khi nhận cọc, người bán sẽ gửi hàng qua bưu điện hoặc xe khách. Các linh kiện của súng cũng được tháo rời để tránh bị cơ quan chức năng để ý và người mua sẽ lắp ráp lại theo video hướng dẫn từ A-Z của người bán.

Còn theo một cửa hàng khác có tên PCP Condor Mỹ Đình trên Youtube, người bán còn cẩn thận hơn khi báo giá từng chi tiết cho khách hàng một khẩu súng tầm trung với giá khoảng 6 triệu đồng, bắn xa 60m trúng tâm. Cụ thể, linh kiện như khung, cò, ruột, tay cầm gỗ giá khoảng 2 triệu đồng; kính ngắm giá 1 triệu đồng, nòng có giá 1,4 triệu đồng, van áp 11kg có giá 900.000 đồng, bình nhôm hơi khoảng 450.000 đồng.

"Khi gửi hàng đi, em sẽ gửi phụ kiện lẻ, một cây súng sẽ chia làm 2 đơn cho an toàn. 1 đơn là khung nòng, cò, ruột và tay cầm, đơn thứ hai là van bình, kính ngắm. Khách nhận đơn hàng nào thanh toán đơn hàng đó chứ không trả cả cây. Em gửi cả cây cũng gửi được thôi nhưng nó rất nguy hiểm. Khi nhận hàng thì có thể bóc hàng ra kiểm tra, đúng hàng đúng sản phẩm thì thanh toán tiền cho người giao hàng...", người bán giới thiệu. 

Việc buôn bán như các chủ shop nói diễn ra khá công khai. Cho đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý nhiều đối tượng buôn bán, thu giữ hàng ngàn loại súng hơi nhưng tình trạng buôn bán vẫn còn diễn biến phức tạp. Lý do chính của sự tồn tại này đó chính là do nhu cầu sử dụng vẫn còn cao của cộng đồng chơi súng hơi. Ngoài ra, với việc người bán hàng chủ yếu hoạt động trên mạng ngày một kín kẽ và các chế tài xử lý chưa đủ mạnh, quyết liệt nên tình trạng này vẫn chưa thể dẹp bỏ hoàn toàn.

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 167/2013/ NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình quy định rõ mức xử phạt với hành vi sử dụng, buôn bán súng hơi như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

Không kê khai và đăng ký đầy đủ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền; Sử dụng mà không được phép.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả; Sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép; Giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho người không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn sử dụng; Không giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

Sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn trái phép; Mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm.

Đinh Hiền
.
.
.