Ẩn họa từ những "quả bom" trong thành phố

Thứ Sáu, 06/09/2019, 15:28
Một tuần sau vụ cháy nhà kho của Công ty CP Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông, chiều 4-9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, cơ quan này đã tổ chức nhiều cuộc họp với các bộ, ngành để thống nhất số liệu thủy ngân phát tán ra môi trường sau vụ cháy. Ông Nhân cho biết, đã xác định 15,1-27,2kg thủy ngân phát tán ra môi trường.


Tổng hợp kết quả lấy mẫu quan trắc, phân tích, đánh giá về chất lượng môi trường không khí, nước, đất, chất thải rắn (tro xỉ sau khi cháy) của Sở Tài Nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội, Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y Tế, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc từ ngày 30-8 đến 1-9 cho thấy: Có 1/12 mẫu nước mặt có giá trị thuỷ ngân vượt quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 08-MT:2015 1,3 lần tại điểm quan trắc trên sông Tô Lịch, cách cổng xả gom nước thải của Công ty ngõ 320 Khương Đình 1,5km.

Có 1/8 mẫu nước thải có giá trị thuỷ ngân vượt QCVN 40:2011/BTNMT (cột A) 2,67 lần tại điểm quan trắc hố ga cạnh xưởng led của Công ty.

Có 12/13 mẫu trầm tích, bùn đáy có giá trị thuỷ ngân vượt QCVN43:2017/BTNMT. Điểm quan trắc tại sông Tô Lịch, cách cống xả nước thải của Công ty ngõ 320 Khương Đình 1km có giá trị thuỷ ngân cao nhất, vượt QCVN 6,1 lần.

Có 1/6 mẫu không khí có giá trị vượt thuỷ ngân QCVN 06:2009/BTNMT 1,02 lần tại điểm quan trắc trong khuôn viên nhà kho bị cháy của Công ty.

Kết quả so sánh với các tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO và Châu Âu cho thấy, theo hướng phát tán của dòng khí tại vị trí hàng rào của kho sản phẩm bị cháy, khoảng cách an toàn 200m, 500m và 1.000m tính từ hàng rào kho sản phẩm bị cháy; kết quả cho thấy, trong khoảng từ hàng rào đến khoảng cách 200m, các mẫu hấp phụ thuỷ ngân đều có giá trị nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO và châu Âu (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khoẻ con người tại khu vực đô thị).

Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông xảy ra ngày 28-8 là sự cố mất an toàn về hoá chất và môi trường được đánh giá là ở mức trung bình, tuy nhiên đã có tác động xấu đến sức khoẻ và môi trường xung quanh. Vì vậy, Bộ đã đề nghị Công ty cô lập khu vực cháy, phủ bạt tránh mưa, không để thủy ngân tiếp tục phát tán ra môi trường; kiểm tra sức khỏe cho người dân; thu gom thu giữ, xử lý chất thải theo quy định.

Từ vụ cháy này, một vấn đề không mới nhưng vẫn luôn thời sự được đặt ra từ nhiều năm qua là việc di dời các cơ sở công nghiệp có nguy cơ cháy, nổ và ô nhiễm môi trường cao ra xa khu dân cư vẫn là vấn đề cấp bách ở Thủ đô Hà Nội. Bởi sự tồn tại của các nhà máy này không khác gì những "quả bom" giữa khu dân cư.

Vấn đề di dời nhà máy, xí nghiệp ra khỏi khu dân cư đã được tính đến từ thời điểm xây dựng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch chung cũng nêu rõ cần phân vùng kiểm soát, bảo vệ môi trường. Cụ thể, vùng kiểm soát chất lượng môi trường tại khu vực đô thị trung tâm mới phát triển, dọc các đường vành đai 2, vành đai 3; kiểm soát các cơ sở gây ô nhiễm như: Khu vực công nghiệp cũ phía Nam Hà Nội (Thượng Đình, Minh Khai, Pháp Vân, Văn Điển), Đức Giang, Long Biên, Đông Anh …

Năm 2015, Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg, giao UBND Thành phố Hà Nội lập danh mục, xác định các tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cụ thể các cơ sở sản xuất công nghiệp cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội.

Tuy nhiên, thực tế việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiêm môi trường được thực hiện rất chậm. Theo thống kê hiện còn hơn 100 công trình phải di dời. Ngoài quận Thanh Xuân, hiện nay tại nhiều nhiều quận, huyện vẫn có các cơ sở sản xuất công nghiệp tiềm ần những rủi ro cao cho con người và môi trường.

Ví dụ như ở quận Long Biên, các cơ sở của nhà máy hóa chất và kho xăng, dầu ở khu vực Đức Giang nằm trong khu dân cư luôn tiềm ẩn nguy hiểm và có khả năng gây hại cho con người rất lớn.  Tại huyện Thanh Trì, nơi đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh với hàng loạt khu đô thị đang được xây dựng nhưng hiện vẫn đang tồn tại các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm như: Nhà máy Pin Văn Điển, Nhà máy Phân lân Văn Điển…

Sản xuất công nghiệp đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Nhưng cùng với sự phát triển này cần phải bảo đảm môi trường sống cho người dân.

Bài học từ nhiều quốc gia khác đã cho thấy phát triển công nghiệp nhưng bỏ qua bảo vệ môi trường thì số tiền để khắc phục hậu quả sẽ lớn gấp nhiều lần lợi nhuận các nhà máy công nghiệp làm ra. Vì vậy, từ vụ cháy ở Công ty CP Bóng đèn -Phích nước Rạng Đông, đã đến lúc chính quyền thành phố cần quyết liệt hơn trong việc thực hiện quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt từ nhiều năm trước.

Tân Lương
.
.
.