Ẩn họa từ thú dữ nuôi nhốt trong khu du lịch

Thứ Sáu, 07/06/2019, 12:09
Lại một vụ hổ nuôi nhốt cắn người gây thương tích nghiêm trọng xảy ra tại Bình Dương. Theo đó, một người đàn ông được phát hiện nằm ở khu vực chuồng nuôi hổ tại một khu du lịch sinh thái trong tình trạng cánh tay phải đã bị đứt lìa, cánh tay trái bị mất một nửa.


Lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương vẫn đang làm rõ nguyên nhân vụ hổ cắn người đàn ông gây thương tích nghiêm trọng tại khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh, phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An.

Nạn nhân trong vụ việc này là ông Võ Thành Quới (49 tuổi, quê An Giang, ngụ Bình Dương) bị thương nặng đã được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Theo các nhân chứng, sự việc kinh hoàng được phát hiện chiều 4-6. Khi nghe tiếng kêu cứu, các nhân viên khu du lịch chạy tới chuồng nuôi nhốt hổ thì thấy ông Quới nằm bất động trong tình trạng thương tích nặng: toàn bộ cánh tay phải bị hổ cắn đứt rời tới sát vai. Cánh tay trái cũng bị hổ cắn đứt rời từ khuỷu tay tới bàn tay.

Hình ảnh thương tích nặng nề của anh Quới tại hiện trường.

Được biết, vị trí người đàn ông nằm bên ngoài, sát mép chuồng hổ. Khi xảy ra sự việc, con hổ vẫn còn trong chuồng.

Ngày 5-6, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nằm trên giường bệnh, ông Quới vẫn chưa hết bàng hoàng vì những gì đã xảy ra với mình. Ông Quới cho biết ông từng làm ở khu du lịch sinh thái này nhưng hiện đã nghỉ làm và đang làm công việc thợ hồ. Vào lúc 2 giờ chiều 4-6, lúc này hổ sắp được cho ăn nên ông hiếu kỳ đến xem nhưng vô ý để tay lên vách chuồng có lỗ rộng liền bị con hổ lôi vô cắn…

"Lúc đó tôi có cầm cây sắt, sơ ý để tay lên tường nên nó vồ cây sắt rồi lôi vô cắn. Tôi mới lấy tay kia đỡ thì bị vuột cây sắt nên cũng bị cắn luôn. Thằng em gần đó nghe tiếng chạy đến lôi tôi ra thì trễ rồi", ông Quới bàng hoàng kể lại.

Theo Bác sĩ chuyên khoa 1 Trương Nguyễn Khánh Hưng, Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, thì bệnh nhân Quới nhập viện trong tình trạng rất nặng, bị sốc chấn thương, vết thương đứt lìa ngay khuỷu tay bên trái; tay phải đứt lìa sát. Ngực bệnh nhân cũng bị chấn thương nặng.

Bệnh nhân được hồi sức và chuyển mổ cấp cứu. Các bác sĩ tiến hành cắt lọc vết thương mỏm cụt tay bên trái và vai bên phải.

Cũng theo Bác sĩ CK1 Trương Nguyễn Khánh Hưng, hiện tại sức khỏe của bệnh nhân tạm thời ổn, nhưng bệnh nhân còn phải mổ thêm vài lần để làm sạch vết thương vai bên phải và tay bên trái, đồng thời dẫn lưu màng phổi.

Quay lại vụ việc, sau khi nhận được tin báo, Công an thị xã Thuận An phối hợp Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương khám nghiệm chuồng nuôi xảy ra sự việc, điều tra nguyên nhân, giải quyết vụ việc.

Ông Nguyễn Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, cho biết cơ quan này đã tiến hành kiểm tra, ghi nhận vụ việc xảy ra tại khu du lịch Thanh Cảnh, đặc biệt cho rà soát lại số lượng hổ nuôi của công ty này và kiểm tra có biện pháp chấn chỉnh.

Trong khi đó, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương, hệ thống Khu du lịch Thanh Cảnh được cơ quan chức năng cấp phép cho nuôi thú, trong đó có nuôi nhốt hổ nhưng khu du lịch đã ngưng hoạt động từ lâu, hàng ngày cửa vẫn đóng kín, không cho khách vào tham quan. Đáng nói là nhiều lần cơ quan chức năng đã vận động giao nộp hổ nhưng chủ doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện.

Đây không phải vụ hổ gây thương tích, thậm chí gây tử vong cho người đầu tiên xảy ra tại Bình Dương. Trước đó, hồi tháng 9-2016, ông Lương Văn H. (40 tuổi, quê Thái Bình) cho con hổ cái khoảng 10 năm tuổi, nặng trên 120 kg ăn tại chuồng nuôi của Công ty Thái Bình Dương (phường Bình An, thị xã Dĩ An) thì bất ngờ bị con hổ lao đến tấn công. Dù cố gắng vùng vẫy thoát ra ngoài nhưng ông H. vẫn bị hổ vồ, cắn chết tại chỗ.

Chưa kể một vụ hổ vồ chết người khác cũng đã từng gây chấn động dư luận xảy ra vào tháng 9-2009 tại Khu du lịch Đại Nam (TP Thủ Dầu Một). Theo đó, khi nhóm công nhân đang trồng cây xanh thì bất ngờ bị con hổ cái nặng hơn 150 kg lao qua rào, tấn công dữ dội, khiến nhiều người bị thương. Điều đau lòng là công nhân tên Nguyễn Công D. do bị thương tích quá nặng cũng đã tử vong sau đó.

Bình Dương là tỉnh khá "nổi tiếng" về việc có nhiều khu du lịch được phép thí điểm nuôi một số loài động vật hoang dã như hổ, gấu… Cụ thể, trước đây, tại Bình Dương có ba đơn vị được phép nuôi hổ gồm: Công ty Bia Thái Bình Dương - Pacific (Dĩ An), khu du lịch Thanh Cảnh (Thuận An) và khu du lịch Đại Nam (Thủ Dầu Một). Đáng tiếc là cả ba nơi này đều đã xảy ra tình trạng hổ tấn công người gây thương tích hoặc tử vong.

Có thể nói, những vụ việc nguy hiểm kể trên tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo sự an toàn khi lại gần hay vào tham quan các vườn thú nuôi hổ, báo.

Theo các nhà chuyên môn, những loại động vật hoang dã dù được nuôi dưỡng từ nhỏ nhưng bản tính hung dữ không bao giờ mất đi. Do đó, khi khi đi tham quan chuồng thú, du khách phải tuân thủ quy tắc luôn giữ khoảng cách an toàn với các động vật.

Phải đứng cách xa khu vực cửa sắt nuôi nhốt thú từ 1 - 2 mét; tuyệt đối không với tay lại gần song sắt chắn, không đưa, nhét đồ ăn cho thú nuôi, không đu người, leo trèo hoặc bế trẻ đứng trên rào chắn. Nhất là khách tham quan không được trêu chọc, thực hiện các hành động khiến thú nuôi nhốt bị kích động, nổi giận…

Ánh Xuân - Di Lâm
.
.
.