Ân nghĩa khôn cùng nơi rừng thẳm núi cao

Thứ Tư, 23/05/2012, 15:43
…Giữa lúc ở đâu đó có chuyện con trai hành hạ mẹ đẻ đến chết, người vợ phóng hỏa giết chồng, anh em ruột chém nhau chí mạng vì tranh giành vài tấc đất hương hỏa... thì ở đây - Làng trẻ SOS tỉnh Điện Biên - trong ân nghĩa khôn cùng nơi rừng thẳm núi cao, các bà mẹ đang truyền hơi ấm tim mình sang những trái tim non nớt cũng bất hạnh như mình...

1. Tháng 4 ở Tây Bắc, cánh đồng Mường Thanh như được giát một màu vàng tươi của hoa cúc quì đang mùa nở rộ, tô điểm thêm bức tranh toàn mỹ của phong cảnh miền ngược khi mùa hạ đang gấp gáp đến gần...

Làng trẻ SOS tỉnh Điện Biên tọa lạc ngay bên bờ sông Nậm Rốm, thuộc địa phận xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên. Đây là nơi chở che, cứu vớt 110 trẻ em vùng rẻo cao có hoàn cảnh đặc biệt, mồ côi, cơ nhỡ, không ai chăm sóc thuộc nhiều dân tộc thiểu số khác nhau. Ông Nguyễn Xuân Phong, Giám đốc Làng trẻ cho biết, Làng trẻ SOS tỉnh Điện Biên được bàn giao đưa vào sử dụng (giai đoạn 1) từ tháng 9/2009.

Hiện nay, Làng có 11 gia đình đang nuôi dạy, chăm sóc 110 cháu, lớn nhất 12 tuổi, bé nhất mới vừa tròn 3 tuổi. Các em là người dân tộc: Thái, Mông, Dao, Khơ Mú, Xạ Phang và cả người Kinh.

Hầu hết các em mồ côi cả cha lẫn mẹ, có một số trường hợp mồ côi bố hoặc mẹ, nhưng bố mẹ lại bỏ đi biệt tích, bị ốm đau, bệnh tật không thể chăm sóc, nuôi dạy. Ngoài sự kém may mắn, bất hạnh là điểm chung thì khi bước chân vào Làng trẻ SOS này mỗi em một ngôn ngữ, một lứa tuổi, một tính cách, một nỗi niềm riêng nên chăm sóc, nuôi dạy các em khỏe mạnh, ngoan ngoãn là một kỳ tích của các mẹ, các dì.

Và, thật đáng khâm phục khi các bà mẹ ở đây đã vượt lên khó khăn, nhọc nhằn, cứu giúp, cưu mang những đứa trẻ thiệt thòi dù rằng các chị cũng là những người kém may mắn, tâm trạng cũng chất chứa, khắc khoải bao nỗi niềm riêng...

2. Làng trẻ SOS Điện Biên là một gia đình lớn gồm 11 bà mẹ và 2 dì, trẻ nhất 27 tuổi, người nhiều tuổi nhất đã ngoài 50. Các chị đều là những người phụ nữ đơn thân ở các miền quê khác nhau, cuộc đời họ gặp nhiều cảnh ngộ éo le nhưng bản năng người phụ nữ, nỗi khát khao làm mẹ và tình yêu con trẻ luôn cháy bỏng và đưa các chị về đây. Lòng nhân hậu, sự tần tảo sớm hôm của các chị đã góp phần vực dậy, cứu giúp nhiều cuộc đời những em nhỏ có số phận thiệt thòi ở nơi rẻo cao Tây Bắc.

Anh Phạm Văn Huấn, Phó Giám đốc Làng trẻ, ẵm một cậu bé người Mông khoảng 3 tuổi bụ bẫm có mái tóc hoe đỏ và dẫn tôi xuống nhà Hoa Phong Lan. Đây là nhà của mẹ Lò Thị Thành người dân tộc Thái cùng 10 đứa con, lớn nhất 9 tuổi, nhỏ nhất là em Sùng Thị Xanh mới đang chập chững. Thành trẻ hơn rất nhiều so với cái tuổi 28 của mình.

Thành là chị cả trong một gia đình có 4 chị em ở xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo. Mặc dù bà mẹ trẻ này khá cởi mở và chân tình trong giao tiếp nhưng cấn cớ mãi tôi mới tế nhị hỏi lý do vì sao cô còn trẻ nhưng lại tình nguyện vào đây, bởi theo qui định phụ nữ khi bước chân vào Làng trẻ SOS phải là phụ nữ đơn thân, không có con. Thành cười đôn hậu: “Ngay từ nhỏ em đã rất thích trẻ con, chăm bẵm chúng, được chơi với chúng là điều vui và hạnh phúc nhất”.

Thành đã 2 lần đăng kí thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm (Khoa Mầm non) nhưng rất tiếc năm nào cô cũng thiếu một điểm. Nhưng rồi ước mơ của bà mẹ trẻ này cũng được toại nguyện khi Làng trẻ được thành lập, cô là người nộp hồ sơ sớm nhất và hiện đang là mẹ trẻ nhất ở Làng SOS tỉnh Điện Biên.

Một nỗi buồn khẽ khàng qua ánh mắt khi Thành nhắc lại chuyện tình cảm. Vào cái tuổi rực rỡ nhất của người con gái, trái tim Thành đã từng rối nhịp trước một chàng trai ở cùng bản. Nhưng chuyện tình yêu của cô lại kết thúc không có hậu; cuộc sống vất vả mưu sinh đưa đẩy chàng trai của cô đi làm ăn ở một địa phương cách nhà hơn 300 cây số. Những dòng tin nhắn, những lá thư ngọt ngào cứ thưa vắng dần cho đến một ngày cô nhận được tin họ lên xe hoa cùng một cô gái khác nơi đất khách quê người. Cô ngậm hờn nuốt tủi nhưng vẫn chân thành gửi lời chúc phúc tới người ấy. Thành không giận người yêu vì cô cho rằng đấy là do hoàn cảnh, do duyên phận...

Chưa từng làm mẹ nhưng bây giờ cô lại là bà mẹ của bầy con đông đúc gồm 10 anh chị em. Thực sự là một đại gia đình các dân tộc - Thành cười rạng rỡ, 3 con người dân tộc Mông, 3 con dân tộc Thái và 2 con dân tộc Kinh. Chị cả trong gia đình là cô bé Đào Phương Hà 9 tuổi, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Thanh Hưng. Con út của chị là cô bé Sùng Thị Xanh. Xanh quê ở Tủa Chùa, mất cả cha lẫn mẹ.

Chị Thành tâm sự, 10 đứa con là 10 tính cách khác nhau. Do hoàn cảnh éo le, các em lớn lên như cây rừng. Nhiều em người dân tộc thiểu số khi vào đây còn chưa biết tiếng phổ thông, ăn uống thất thường, thích ăn bốc hơn cầm đũa cầm thìa, ngủ dưới đất thích hơn trên giường... Cũng như các bà mẹ khác, Thành phải uốn nắn, dạy dỗ các con từng ly từng tý, dạy tiếng phổ thông, dạy ăn, dạy nói, trang bị cho các em “phông” kiến thức cần thiết khi đã là thành viên trong một gia đình lớn.

Cũng như nhiều bà mẹ khác, Thành chưa có nhiều kinh nghiệm và thử thách lớn nhất với cô là dạy dỗ, từng bước thay đổi thói quen sinh hoạt tự nhiên của các con. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, giờ đây ngôi nhà Hoa Phong Lan lúc nào cũng ăm ắp tiếng cười.

Nhiều em nhỏ người dân tộc thiểu số thiệt thòi đã được sống trong các mái ấm gia đình ngập tràn tình yêu thương.

Buổi sáng cô dậy sớm, đánh thức các con dậy làm vệ sinh cá nhân, anh chị lớn cũng biết phụ giúp mẹ chăm sóc các em nhỏ, sau đó ăn sáng. 7h cô sẽ trực tiếp dẫn các cháu nhỏ đến trường mầm non ở cách đó gần 1 cây số, 2 con lớn hơn thì tự đi học ở Trường Tiểu học Thanh Hưng. Cô quay về nhà dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc mấy luống rau mơn mởn ở sau nhà để chiều đến lại tất tả đi đón các con. Buổi tối thường là vui nhất của cả nhà vì đây là thời điểm các con tụ tập, vui chơi trước khi bắt tay vào học bài...

Lo lắng nhất của Thành là mỗi khi trái gió trở trời các con ốm đau. Không biết bao đêm cô phải trắng đêm bên giấc ngủ của con út Sùng Thị Xanh. Xanh được đưa về đây lúc chưa đầy 3 tuổi, người ốm đau, còi cọc, hầu như tháng nào cũng phải đi viện vì rối loạn tiêu hoá và sốt virut. Nhưng nhờ sự quan tâm của Ban giám đốc, sự chăm sóc của mẹ Thành bây giờ cô con út này đã khỏe mạnh và nói như Phó Giám đốc Phạm Văn Huấn là lớn nhanh như thổi...

Ngôi nhà Hoa Bưởi của mẹ Lò Thị Tím cùng 9 đứa con nép mình bên rặng tre mạnh tông xanh mướt. Chị Tím vừa đi đón các con tan học về, mồ hôi còn lấm tấm trên vầng trán. Đám trẻ đi học cả ngày trên lớp về đến nhà là như chim được sổ lồng nô đùa vui vẻ thoáng thấy khách lạ khoanh tay chào râm ran.

Chị Tím năm nay 37 tuổi, quê chị ở bản Na Cang, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay. Khẽ khàng nhắc các con ra ngoài chơi, chị kể giọng đượm buồn: Chị cũng có một tuổi thơ kém may mắn như các em, cha mẹ mất khi chị mới được 9 tuổi, chị được anh trai nuôi ăn học. Nhưng vì nỗi mặc cảm về cuộc sống gia đình, và cũng mải mê chăm sóc các cháu giúp anh trai và chị dâu ốm đau liên miên, chị chẳng dám nhận lời lấy ai. Con gái có thì, tuổi xuân sầm sập qua đi, ngoài 35 mà chị vẫn chăn đơn gối chiếc.

Khi làng trẻ được thành lập, chị viết đơn “đầu quân” về đây. Cảm thông với những nỗi thiệt thòi của các em từ chính cuộc đời mình, chị làm tất cả để giúp các con vơi bớt sự nhọc nhằn, xoá đi những mặc cảm, giúp các con hoà nhập với cuộc sống bình thường.

Chị Nguyễn Thị Lý lại có hoàn cảnh khác. Thời thiếu nữ chị cũng từng yêu say đắm một anh bộ đội điển trai đóng quân ở gần nhà, hai người đang tính chuyện trăm năm thì cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc (tháng 2/1979), anh lên đường bảo vệ Tổ quốc. Buổi chiều hôm tiễn anh đi, chị nhìn hút bóng anh như nhìn một tráng sỹ ra trận, rồi lặng lẽ quay về với lời thề định mệnh của người chinh phụ.

Mấy chục năm sau khi anh ngã xuống bên cột mốc Vị Xuyên (Hà Giang), chị một mình ở vậy trong nỗi khắc khoải và kí ức tuyệt đẹp về mối tình đầu. Thương làm sao, nàng Tô Thị chờ chồng nhưng còn có con để bế cho đỡ nguôi ngoai, đằng này chị Lý không thể “hóa đá” với bàn tay không và thế là đầu năm 2010, chị được tuyển về Làng trẻ SOS Điện Biên như một sự bù đắp phận người.

Giờ đây, niềm hạnh phúc nhất của chị là hàng ngày được chăm bẵm, nâng niu từng bữa ăn, giấc ngủ, được nghe tiếng cười đùa lảnh lót của 8 đứa con cả trai lẫn gái trong nhà Hoa Sữa. Chị nói mà khóe mắt ngấn lệ: “Suy cho cùng, anh ấy ngã xuống là để bảo vệ hạnh phúc cho mọi người, trong đó có mình. Và hôm nay, mình lấy làm hạnh phúc khi được cúi xuống cuộc đời của những đứa trẻ bất hạnh này...”.

3. Nhờ tấm lòng và sự vất vả sớm hôm của các mẹ, các dì ở Làng trẻ, hơn 100 em nhỏ ở đây đã được sống trong một mái nhà ngập tràn tình yêu thương. Các em đã hoà nhập nhanh, thay đổi cách sống tự nhiên, đùm bọc, thương yêu lẫn nhau.

Theo Giám đốc Làng trẻ cho biết, tất cả các em đều được đến trường đến lớp. Sơ kết học kỳ I năm học 2011-2012, 100% các em giành kết quả cao trong học tập, trong đó 63% các em đạt khá giỏi. Điển hình nhất phải kể đến cậu học trò người Mông Hù A Sáu, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Thanh Hưng.

Năm ngoái, cậu mang lại niềm vui không chỉ cho mẹ Quàng Thị Thợi ở nhà Hoa Anh Đào mà còn cả Làng trẻ khi giành giải nhất cuộc thi học sinh giỏi môn Tiếng Việt cấp huyện, giải nhì cuộc thi viết chữ đẹp cấp tỉnh.

Câu chuyện về Làng trẻ SOS Điện Biên và nhất là về 3 người phụ nữ - những người “Mẹ làm mẹ mà chưa từng làm vợ”, dẫu có kể bao nhiêu cũng khó mà hết được. Mọi cái ở đây mới chỉ bắt đầu, trên con đường đời các cháu đang đi, có bàn tay ân cần dắt dìu của những người “khác máu nhưng không tanh lòng”.

Giữa lúc ở đâu đó có chuyện con trai hành hạ mẹ đẻ đến chết, người vợ phóng hỏa giết chồng, anh em ruột chém nhau chí mạng vì tranh giành vài tấc đất hương hỏa... thì ở đây - Làng trẻ SOS Điện Biên - trong ân nghĩa khôn cùng nơi rừng thẳm núi cao, các bà mẹ đang truyền hơi ấm tim mình sang những trái tim non nớt cũng bất hạnh như mình. Hoa ban, hoa bưởi chỉ thơm vài ngày, nhưng hoa lòng các mẹ ở Làng trẻ SOS Điện Biên thì cả bốn mùa đều ngát hương thơm...

Vũ Mạnh Hà
.
.
.