An ninh Biển Đông trên diễn đàn ASEAN

Thứ Bảy, 03/08/2019, 13:40
"Chúng tôi đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông, trong đó các Bộ trưởng bày tỏ lo ngại về việc cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực", Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 tại Thái Lan ngày 31-7 nhấn mạnh.


Thúc đẩy tin cậy

Diễn ra trong bối cảnh tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc đang xâm phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và tàu hải cảnh Trung Quốc có hành vi quấy rối, cản trở các hoạt động dầu khí của Việt Nam và Malaysia…, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần này rất "nóng" vấn đề Biển Đông.

Dư luận càng theo dõi sát sao mọi diễn biến của hội nghị khi có sự xuất hiện của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và các nước đối tác của ASEAN. Chuỗi hội nghị ASEAN năm nay do Thái Lan chủ trì; có 27 cuộc họp trong khuôn khổ hội nghị kéo dài từ ngày 29-7 đến 3-8 và 31 quốc gia cử đại diện tham dự.

Trung Quốc tập trận quân sự trên Biển Đông. Ảnh: Getty

Chiều 31-7, các Ngoại trưởng ASEAN và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc. Trong phát biểu chung, thay mặt các nước ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodore Locsin, nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, khẳng định, Trung Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN và quan hệ ASEAN-Trung Quốc là một trong những quan hệ đối tác thực chất, hiệu quả nhất của ASEAN, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên và đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.

Quan hệ hợp tác toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc thời gian qua có nhiều diễn tiến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và là nhà đầu tư hàng đầu của ASEAN...

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất giữa ASEAN-Trung Quốc hiện nay là tình hình Biển Đông. Các Bộ trưởng ASEAN đã nhấn mạnh sự cần thiết đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng đến hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, hiệu lực.

Tuyên bố chung tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 viết: "Chúng tôi đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông, trong đó các bộ trưởng bày tỏ lo ngại về việc cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực".

Còn tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ASEAN một lần nữa kêu gọi các bên tăng cường niềm tin lẫn nhau, tự kiềm chế, tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, theo đuổi giải quyết tranh chấp hòa bình theo luật pháp quốc tế, tránh làm phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng ở Biển Đông.

Một nguồn tin ngoại giao từ Thái Lan cho hay, tại cuộc gặp ngày 31-7, Trung Quốc và ASEAN đã hoàn thành việc lần đầu tiên đọc về dự thảo COC. Văn bản này đã được hoàn tất chỉ vài ngày trước cuộc họp. Theo tờ Bưu điện Jakarta của Indonesia, các nhà đàm phán từ 10 nước ASEAN đã gặp đại diện Trung Quốc tại Penang (Malaysia) hồi hạ tuần tháng 7 để thảo luận về các vấn đề còn tồn đọng liên quan đến COC.

Kết quả của cuộc đàm phán tại Penang được thảo luận trong cuộc họp Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc và các cuộc họp hẹp khác tại thủ đô Bangkok của Thái Lan. "Đây là bước đi đầu tiên để tạo sự tin cậy", Cheng Hanping, một nghiên cứu viên cao cấp và là Giáo sư giảng dạy tại Trung tâm sáng tạo hợp tác nghiên cứu Biển Đông tại Đại học Nam Kinh nói với Thời báo Hoàn cầu.

Ngăn chặn hành động leo thang

Trong khi đó, một số tờ báo trong khu vực bày tỏ hy vọng, căng thẳng ở Biển Đông sẽ giảm bởi tuyên bố "làm việc tích cực về vấn đề Biển Đông" và tuân thủ luật pháp quốc tế từ đại diện của Trung Quốc. James Gomes, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á cho biết: "Căng thẳng trên Biển Đông hiện đã trở thành vấn đề của cả khu vực và quốc tế. Vì thế, tôi dự đoán rằng, khi mà Hội nghị lần này có sự tham dự của Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ thì dù trực tiếp hay bên lề thì vấn đề Biển Đông cũng sẽ được thảo luận rất nhiều".

Nhiều chuyên gia khác thì cho rằng, dù được bàn thảo nhiều nhưng nếu các quốc gia không đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ và gây sức ép thì Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục "lấn lướt" trong vấn đề Biển Đông. Đặc biệt, ASEAN cần phải đoàn kết, thống nhất hơn trong vấn đề Biển Đông.

"Đối với Trung Quốc, các cuộc họp sẽ là cơ hội để kiềm chế những lo ngại đang gia tăng từ các nước Đông Nam Á như Philippines, những người cáo buộc họ triển khai lực lượng bảo vệ bờ biển và dân quân hàng hải để khẳng định quyền kiểm soát ở Biển Đông", một bình luận viên của tờ Politico nói.

Bình luận viên này còn nhận định: "Các cuộc đàm phán theo sau việc áp dụng Khái niệm ASEAN Ấn Độ-Thái Bình Dương vào tháng trước được thực hiện sau những lo ngại của Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ đã dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc đang gây áp lực lên ASEAN để áp dụng các điều khoản bất lợi trong Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo - người đang có chuyến công du châu Á và Australia, tham dự một loạt  cuộc họp liên quan tại Bangkok, bao gồm Diễn đàn khu vực ASEAN và một cuộc họp cấp Bộ trưởng ngoại giao Mỹ và ASEAN sẽ thúc đẩy hơn nữa các biện pháp chống lại tham vọng của Trung Quốc".

"Mỹ đã tăng cường sự hiện diện quân sự bằng cách thực hiện cái gọi là "tự do hàng hải" và tổ chức các cuộc tập trận quân sự song phương. Lập trường cứng rắn của Mỹ đã được thể hiện rõ khi có tới 4 Thượng nghị sĩ cùng gửi thư kêu gọi Ngoại trưởng Mike Pompeo đảm bảo những hành vi gây hấn và bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông là ưu tiên hàng đầu trong các cuộc thảo luận", hãng tin AP thì viết.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN chụp ảnh lưu niệm sau Hội nghị tại Bangkok.  Ảnh: ASEAN.

Còn theo giới truyền thông Mỹ, bức thư với chữ ký của cả bốn Thượng nghị sỹ, gồm: Robert Memendez, Edward Markey, Patrick Leahy và Brian Schatz đã nhấn mạnh, hành vi của Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, cải tạo, quân sự hóa các thực thể nhân tạo làm cớ để ép buộc các nước, phớt lờ phán quyết của tòa trọng tài thường trực và việc Trung Quốc gây áp lực buộc ASEAN nhượng bộ trong đàm phán COC đều đáng để Mỹ chú ý hơn, thể hiện vai trò lãnh đạo nhiều hơn, cũng như tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác. Mỹ đang kêu gọi các nước tạo đồng thuận để chấm dứt việc Trung Quốc xâm phạm quyền hợp pháp của các nước, đảm bảo luật pháp, thể chế quốc tế được tôn trọng…

Thực tế, nếu Trung Quốc đơn phương áp đặt ý chí của mình lên khu vực, điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới quan hệ kinh tế của Trung Quốc với các nước ASEAN. Điều này sẽ không có lợi về lâu dài. Ngoài ra, Trung Quốc cần phải tự hỏi lại bản thân liệu nước này muốn "trỗi dậy hòa bình" hay "trỗi dậy phẫn nộ". Nếu sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến các nước khác phẫn nộ, Trung Quốc sẽ không thể đạt được mục tiêu của mình.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ đánh giá chung của các nước ASEAN về ý nghĩa và tầm quan trọng chiến lược của quan hệ ASEAN-Trung Quốc, khẳng định Việt Nam sẽ tích cực phối hợp cùng các nước ASEAN thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác giữa hai bên đi vào chiều sâu và thực chất hơn, nhất là trên các lĩnh vực thuộc quan tâm và lợi ích chung như kinh tế-thương mại-đầu tư, thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0, kết nối, phát triển bền vững, giao lưu nhân dân...

Về tình hình Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ghi nhận những tiến triển trong đàm phán COC, song cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, trong đó có hoạt động của tàu khảo sát Hải Dương 08 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Các hành động như vậy, theo Phó Thủ tướng, đe dọa nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình; tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, sớm hoàn tất COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Huyền Chi (tổng hợp)
.
.
.