Ấn Ðộ đau đầu vì nhiệt điện

Thứ Ba, 15/10/2019, 09:59
Mặc dù liên tục nói sẽ chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo sạch, song các nhà máy nhiệt điện Ấn Ðộ đang tạo ra hơn 70% điện năng cả nước. Các công ty quốc doanh độc quyền - bao gồm Coal India, công ty than lớn nhất thế giới - đã không thể theo kịp nhu cầu tăng cao.


Tiêu thụ nước quá lớn

Ngoài việc gây ô nhiễm không khí và làm trái đất nóng lên, các nhà máy nhiệt điện Ấn Độ còn đang tiêu thụ quá nhiều nước, trong nhiều trường hợp vượt quá giới hạn cho phép của Bộ Môi trường, theo thông tin có được thông qua Đạo luật Quyền Thông tin.

Khoảng 51% trong số 156 nhà máy nhiệt điện trên 12 tiểu bang có dữ liệu tuyên bố tuân thủ các chỉ tiêu nước vào đầu năm nay, theo Manthan Adhyayan Kendra, một trung tâm nghiên cứu phân tích các vấn đề về nước và năng lượng ở Ấn Độ.

Việc tiêu thụ nước quá mức này đang gây ra căng thẳng về nước, điều này ảnh hưởng đến các hộ gia đình, trang trại và các ngành công nghiệp trong khu vực nhà máy. Nó cũng dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện. Theo một phân tích của Viện Tài nguyên Thế giới, có tới 40% các nhà máy nhiệt điện ở Ấn Độ nằm trong khu vực đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước cấp tính. Trong phân tích này, Viện Tài nguyên Thế giới đã phân loại các nhà máy nhiệt điện là những nơi tạo ra hơi nước và cần nước làm mát, tức các nhà máy điện chạy bằng than, dầu, sinh khối và hạt nhân. Tổng cộng, Ấn Độ có 399 nhà máy như vậy.

Khoảng 600 triệu người Ấn Độ sống thiếu nước từ cao đến cực đoan, trong khi hơn 40% lượng nước mặt có sẵn được sử dụng hàng năm, theo một nghiên cứu năm 2018 của Niti Aayog.

Có tới 19% các nhà máy còn lại tuyên bố không tuân thủ, theo RTI. Những nhà máy khác hoặc không cung cấp bất kỳ dữ liệu hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ. Một số nhà máy đã đóng cửa. Ngoài ra, 14 nhà máy đã báo cáo sử dụng nước biển giúp họ không cần tuân thủ các chỉ tiêu nước.

Tính đến ngày 30-8, có 269 nhà máy nhiệt điện ở Ấn Độ, theo Cơ quan Điện lực Trung ương. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Năng lượng và Tài nguyên, những nhà máy này chiếm 87,8% tổng lượng nước tiêu thụ của ngành công nghiệp. Lượng nước như vậy có thể đáp ứng nhu cầu nước của 4 thành phố trong 2 ngày. Các đơn vị năng lượng tái tạo gây ra áp lực nước ít hơn nhiều: ví dụ, các nhà máy năng lượng mặt trời chỉ tiêu thụ một phần nước được sử dụng bởi các nhà máy nhiệt điện và năng lượng gió hoàn toàn không cần nước.

Vấn đề hai chiều

Các nhà máy nhiệt điện ở Ấn Độ sử dụng nước cho mục đích làm mát và xử lý tro bay, sản phẩm phụ trong quá trình đốt cháy. Shripad Dharmadhikary, người sáng lập Trung tâm Manthan Adhyayan Kendra cho biết, việc sử dụng các công nghệ thông thường như đốt than để tạo ra năng lượng đòi hỏi một lượng nước lớn. 

Việc sử dụng nước quá mức này tạo ra 2 vấn đề liên quan đến nhau: Các nhà máy nhiệt điện ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước và đến lượt nó, bị ảnh hưởng bởi nguồn nước không có sẵn. An ninh năng lượng của đất nước không thể đạt được nếu không có an ninh nguồn nước. Từ năm 2013 đến 2017, khoảng 61 nhà máy than đã ngừng hoạt động vì thiếu nước, dẫn đến mất 17.000 gigawatt giờ điện, theo báo cáo của Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng.

Cho đến tháng 12-2015, không có định mức giám sát việc sử dụng nước của các nhà máy nhiệt điện. Sau đó, vào ngày 7-12-2015, Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu đưa ra một thông báo tuyên bố các nhà máy cũ có thể sử dụng 3,5 mét khối nước mỗi megawatt giờ, và những nhà máy được lắp đặt sau ngày 1-1-2017, có thể sử dụng 2,5 mét khối nước mỗi megawatt giờ.

Công nhân trong khuôn viên của Nhà máy nhiệt điện Wanakbori tại làng Wanakbori, cách thành phố Ahmedabad khoảng 120 km.

Tháng 10-2017, Chính phủ Ấn Độ đã nới lỏng các chỉ tiêu tiêu thụ nước đối với ngay cả các nhà máy bắt đầu hoạt động vào hoặc sau ngày 1-1-2017 - giờ đây họ được phép tiêu thụ nhiều nước hơn 20% so với mức cho phép trước đó. Được thông qua dưới dạng sửa đổi Quy tắc Môi trường năm 1986, các quy tắc mới cho phép các nhà máy sử dụng tới 3 mét khối mỗi megawatt giờ. Số nước bổ sung này đủ để tưới cho 700 ha đất mỗi năm.

Nhu cầu nước trung bình của các nhà máy sử dụng than có tháp giải nhiệt là khoảng 5 mét khối đến 7 mét khối nước mỗi megawatt giờ, theo NITI Aayog. Về mặt công suất lắp đặt và lượng nước tiêu thụ trên mỗi megawatt giờ điện được tạo ra, các nhà máy than là nơi tiêu thụ nước lớn nhất trong số các nhà máy nhiệt điện.

Có những công nghệ như hệ thống làm mát khô đã được sử dụng ở các quốc gia như Nam Phi và Úc có thể được sử dụng để cải thiện hiệu quả của nước. Các nhà máy sử dụng công nghệ này sử dụng ít hơn 0,5 mét khối đến 1 mét khối nước trên một đơn vị điện được tạo ra. Nhưng vấn đề là, làm mát khô làm giảm hiệu quả của nhà máy về sản xuất điện.

Ảnh hưởng đến cộng đồng

Các lựa chọn thay thế hiệu quả cũng trở nên quan trọng vì các nhà máy nhiệt điện khiến người tiêu dùng nước khác - các hộ gia đình, cộng đồng nông nghiệp và các ngành công nghiệp khác trong khu vực - gặp rủi ro. Đã có ít nhất 4 trường hợp cộng đồng địa phương đang hoặc vẫn có nguy cơ không đủ nước sử dụng cho hộ gia đình hoặc canh tác do áp lực nước của các nhà máy nhiệt điện địa phương hoặc các dự án nhà máy nhiệt điện được đề xuất trong khu vực, theo dữ liệu mới nhất được thu thập bởi Land Conflict Watch kể từ năm 2017. Ngoài ra, còn có 4 trường hợp khác được báo cáo về sự ô nhiễm nước của các nhà máy nhiệt điện.

Tốc độ tiêu tốn nước của các nhà máy nhiệt điện sẽ tăng trong những năm tới, theo báo cáo của Viện Tài nguyên Thế giới. Các nhà máy nhiệt điện và người tiêu dùng nước khác như trang trại, hộ gia đình và các ngành công nghiệp khác nằm trong cùng một lưu vực sẽ phải giành giật nhau nguồn nước, báo cáo dự đoán.

Năng lượng mặt trời là một sự thay thế tiết kiệm nước. Một nhà máy nhiệt điện 1 megawatt hoạt động hết công suất trong một năm sẽ sản xuất 8.760 MW mỗi giờ điện trong khi tiêu thụ 22.688 mét khối nước (2,59 mét khối nước mỗi megawatt giờ). Nhưng 5 nhà máy năng lượng mặt trời có công suất 1 megawatt mỗi nhà máy, hoạt động với hệ số sử dụng công suất 20%, sẽ tiêu thụ 876 mét khối nước để sản xuất 8.760 MW mỗi giờ điện.

Cải tiến công nghệ làm mát hoặc nâng cao hiệu quả của nhà máy, chuyển đổi sang quang điện mặt trời nhiều hơn và năng lượng gió là con đường duy nhất có thể cắt giảm cả việc rút và tiêu thụ nước trong khi duy trì sự tăng trưởng năng lượng.

Vinh Trang
.
.
.