Án phạt 14 tỷ USD của Deutsche Bank

Thứ Hai, 26/09/2016, 15:00
Cổ phiếu của Deutsche Bank có lúc mất tới 7,2% trên sàn Frankfurt (trong phiên chiều 16-9, khi thị trường châu Âu mở cửa), sau khi Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu ngân hàng này trả 14 tỷ USD để dàn xếp một vụ điều tra về chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS).


Deutsche Bank cho biết, không có ý định nộp 14 tỷ USD - cao gấp nhiều lần dự báo của giới đầu tư và đang đàm phán với Bộ Tư pháp Mỹ xung quanh vấn đề này.

Đồng thời tuyên bố, khoản tiền hợp lý là 2-3 tỷ USD bởi Deutsche Bank từng trả 1,9 tỷ USD 3 năm trước (2013-2016) cho một vụ tương tự. Giới chuyên môn cho rằng, số tiền phạt sẽ ở mức 2-5 tỷ USD.

Deutsche Bank đối mặt án phạt kỷ lục 14 tỷ USD.

Điều đáng nói là số tiền phạt đề nghị áp cho Deutsche Bank là tin xấu đối với các ngân hàng châu Âu đang bị Bộ Tư Pháp Mỹ điều tra như Barclays, Credit Suisse, UBS và RBS. Giới luật gia làm việc trong các ngân hàng cho rằng, thỏa thuận với Deutsche Bank sẽ thiết lập một tiền lệ cho các ngân hàng châu Âu về những gì có thể phải trả.

Theo tờ Wall Street Journal, số tiền kể trên là mức phạt cao nhất áp với một ngân hàng khi phải đối mặt với những cáo buộc tương tự. Và số tiền phạt xấp xỉ bằng toàn bộ vốn hóa thị trường của Deutsche Bank.

Nhiều người quan tâm tới con số 14 tỷ USD mà Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra đối với Deutsche Bank, bởi trước đó (30-8), Ủy ban Châu Âu (EC) từng yêu cầu Ireland phải truy thu khoảng 14 tỷ USD tiền thuế từ hãng Apple.

Gần 1 năm trước (4-11-2015), Sở Tài chính bang New York, Mỹ cho biết, Deutsche Bank đồng ý trả 200 triệu USD cho cơ quan này và 58 triệu USD cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), vì vi phạm lệnh trừng phạt mà Washington áp đặt đối với cá nhân và một số nước như Iran, Syria...

Theo Sở Tài chính bang New York, trong giai đoạn 1999-2006, Deutsche Bank đã thay mặt các thực thể tại Sudan, Iran, Myanmar, Libya và Syria thực hiện hơn 27.000 giao dịch trị giá gần 11 tỷ USD thông qua chi nhánh tại New York.

Và để qua mặt giới chức Mỹ - tránh lệnh cấm, Deutsche Bank đã sửa đổi thông tin giao dịch và che giấu tên khách hàng bị liệt trong danh sách trừng phạt của Washington, trước khi chuyển những nội dung này cho chi nhánh ngân hàng tại Mỹ. Trước đó (tháng 4-2015), Deutsche Bank từng phải chi 1,6 tỷ USD để dàn xếp các vụ thua kiện.

Hơn 1 năm trước (tháng 6-2015), ngân hàng hàng đầu BNP Paribas của Pháp đã chấp thuận nộp phạt gần 9 tỷ USD để dàn xếp những cáo buộc tương tự. Và đó là số tiền phạt kỷ lục nhắm vào một tập đoàn ngoại quốc vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ.

Deutsche Bank là ngân hàng lớn nhất của Đức, và là một trong những ngân hàng có ảnh hưởng lớn nhất thế giới với trên 100.000 nhân viên ở hơn 70 quốc gia và có tổng giá trị tài sản năm 2013 khoảng 385 tỷ USD. Nhưng trong năm 2013, Deutsche Bank từng bị EC phạt 725 triệu euro vì các hành vi thao túng lãi suất tham chiếu như Libor và Euribor để kiếm lời.

Theo điều tra của cơ quan giám sát tài chính Anh và Mỹ, nhiều ngân hàng như Deutsche Bank (Đức), UBS (Thụy Sĩ), Royal Bank (Scotland) và JPMorgan (Mỹ), đã dính vào bê bối thao túng lãi suất liên quan tới số lượng tiền giao dịch lên tới 400 tỷ USD, khi nhân viên giao dịch của những ngân hàng này tìm cách thỏa thuận ngầm về lãi suất Libor và Euribor.

Deutsche Bank từng bị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mệnh danh là "ngân hàng rủi ro nhất thế giới" khi một chi nhánh tại Mỹ của họ trượt bài kiểm tra của Fed.

Và hơn 1 năm trước (tháng 6-2015), một nhân viên của Deutsche Bank đã chuyển nhầm 6 tỷ USD vào tài khoản một khách hàng là quỹ đầu tư ở Mỹ.

Deutsche Bank cũng từng là tâm điểm chú ý sau khi từ chối trả lại cho một khách hàng vàng được bảo đảm bằng một chứng chỉ tiền gửi. Vụ việc đặc biệt quan trọng vì nó có thể khơi lên một làn sóng lớn yêu cầu đòi lại vàng từ các ngân hàng.

Deutsche Bank bị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mệnh danh là ngân hàng rủi ro nhất thế giới.

Bởi mỗi một chứng chỉ tiền gửi bằng vàng cần phải có một số tiền tương đương với một khối lượng vàng nhất định tại ngân hàng phát hành, mà ngân hàng phải luôn có sẵn vàng để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Cơ quan Giám sát Tài chính Đức (BaFin) từng đề nghị Deutsche Bank cung cấp tài liệu để điều tra liệu ngân hàng này có thao túng giá vàng và bạc trên thị trường London hay không.

Giới chuyên môn cho rằng, Deutsche Bank đã mất gần một nửa giá trị, khi nhà đầu tư lo ngại về môi trường lãi suất thấp, cũng như sự khó khăn của nền kinh tế châu Âu.

Theo báo cáo thường niên năm 2015 được công bố hồi tháng 3-2016, Deutsche Bank là 1 trong 47 ngân hàng thiết lập tỷ giá cơ bản liên ngân hàng. Deutsche Bank từng dự tính ghi nhận mức thua lỗ khoảng 7 tỷ USD trong quý III-2015 và đó là mức tồi tệ nhất trong 1 thập kỷ qua của ngân hàng này.

Thiện Lân
.
.
.