An toàn trên các phương tiện giao thông công cộng

Thứ Ba, 02/08/2016, 15:32
Theo kết quả khảo sát của Tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường tạiTP Hà Nội và TP HCM, 57% phụ nữ (từ 16 tuổi trở lên) được hỏi cho rằng đường phố được coi là nơi có nguy cơ xảy ra các vụ quấy rối tình dục cao nhất, 31% nữ sinh đã từng bị quấy rối tình dục trên xe buýt.

Phụ nữ và trẻ em gái trước nguy cơ xâm hại

Vụ án đau lòng tài xế taxi sát hại khách hàng là cô giáo trẻ, sinh viên năm cuối của Trường Đại học Sư phạm Huế đã gióng lên một hồi chuông về vấn đề an toàn đối với người sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là với phụ nữ và trẻ em gái. 

Phụ nữ và trẻ em gái là các đối tượng lệ thuộc nhiều vào các phương tiện giao thông, nhưng dường như họ chưa có nhiều kỹ năng để tự bảo vệ mình trong các tình huống không hay xảy ra. Các tổ chức xã hội cũng chưa có giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa, giải quyết vấn nạn này. 

Thực tế, không chỉ ở Việt Nam, rất nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với nạn quấy rối, xâm hại phụ nữ trên các phương tiện giao thông công cộng. Ví dụ, ở Ấn Độ, tham gia phương tiện giao thông công cộng là một nỗi sợ với phụ nữ. Không ít người bị quấy rối, thậm chí bị các băng nhóm tội phạm hãm hiếp tập thể, giết chết khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng. 

Ở Columbia, Mexico hay Malaysia, chính phủ đau đầu vì nạn sàm sỡ, quấy rối phụ nữ và trẻ em gái trên xe buýt hay tàu điện ngầm. Nhiều nước đã đưa ra giải pháp, thành lập những toa tàu riêng dành cho phụ nữ.

Chương trình hành động “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái” được tổ chức nhằm trang bị kỹ năng cho phụ nữ khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng.

Ở nước ta, phương tiện giao thông công cộng mà phụ nữ dễ bị quấy rối chủ yếu vẫn là xe chở khách, xe buýt, xe taxi, xe ôm. Theo kết quả khảo sát của Tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, 57% phụ nữ (từ 16 tuổi trở lên) được hỏi cho rằng đường phố được coi là nơi có nguy cơ xảy ra các vụ quấy rối tình dục cao nhất, 31% nữ sinh đã từng bị quấy rối tình dục trên xe buýt. 

Nghiên cứu cũng đã chỉ ra những địa điểm công cộng khác mà phụ nữ có nguy cơ bị quấy rối tình dục là bến xe, công viên, nhà chờ xe buýt. Mặc dù kết quả khảo sát chỉ thực hiện trên một mẫu nhỏ (2.046 người), nhưng phần nào phản ánh nguy cơ bị xâm hại về thân thể và nhân phẩm, gây tổn thương về tâm lý, tình cảm và sức khoẻ của phụ nữ khi sử dụng dịch vụ công cộng. 

Nhận thấy sự cấp bách của vấn đề này, năm ngoái, tổ chức Plan International Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội để triển khai các hoạt động của dự án Tăng cường an toàn của phụ nữ và trẻ em gái khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. 

Theo đó, các hoạt động của dự án tập trung vào Truyền thông về vấn đề an toàn của phụ nữ và trẻ em gái khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nâng cao nhận thức cho cán bộ nhân viên ngành giao thông vận tải về vấn đề an toàn của phụ nữ và trẻ em gái khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. 

Tổ chức Plan International Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội và các công ty kinh doanh dịch vụ xe buýt tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân viên phục vụ xe buýt. 

Nội dung tập huấn tập trung vào các vấn đề về bình đẳng giới, vấn đề mất an toàn mà phụ nữ và trẻ em gái khi sử dụng xe buýt. 350 lái xe và 35 cán bộ chủ chốt của các công ty xe buýt trên toàn thành phố Hà Nội đã được tham gia lớp tập huấn. 

Sau mỗi lớp tập huấn, các học viên sẽ có thêm hiểu biết về vấn đề bình đẳng giới, bạo lực giới và quấy rối tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng, đồng thời có ý thức can thiệp, hỗ trợ trẻ em gái và phụ nữ khi gặp phải vấn đề mất an toàn trên xe.

Mới đây, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có công văn đề nghị UBND thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan chức năng, đoàn thể của thành phố vào cuộc giải quyết tình trạng này. 

Đề nghị hai thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra, khảo sát để xác định rõ các địa điểm, các tuyến giao thông công cộng, các đoạn đường thường xuyên xảy ra hiện tượng quấy rối tình dục đối với phụ nữ; triển khai các biện pháp cảnh báo, ngăn ngừa nguy cơ của hiện tượng này như tăng cường chiếu sáng công cộng, niêm yết số điện thoại công an xã, phường sở tại cũng như các thông điệp hướng dẫn cách ứng phó khi bị quấy rối tình dục. 

Cùng với đó, các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các khu vực có nguy cơ xảy ra tình trạng quấy rối tình dục phụ nữ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các cá nhân có hành vi xâm hại phụ nữ và trẻ em gái, tập huấn kỹ năng tự bảo vệ cho phụ nữ và các em gái, tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ mạnh dạn tố cáo với cơ quan chức năng khi bị quấy rối tình dục và các hành vi xâm hại khác. 

Hy vọng rằng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, những câu chuyện đau lòng về việc phụ nữ và trẻ em gái bị xâm hại sẽ không còn tái diễn, như vụ án đau lòng vừa xảy ra ở Hà Tĩnh.

Cẩm Nhung

Làm gì để phòng ngừa tội phạm trong vai tài xế?

Đối với phụ nữ và trẻ em gái, khi tham gia các phương tiện công cộng, việc được trang bị các kỹ năng thoát hiểm là rất cần thiết. Một yếu tố quan trọng để các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, góp phần giảm thiểu tình trạng quấy rối trên phương tiện công cộng, là những người là nạn nhân bị quấy quấy rối cần phải lên tiếng. 

Vì lý do tâm lý, nhiều phụ nữ chịu đựng sự quấy rối trong suốt tuyến đường mình di chuyển, không tỏ thái độ ngay lập tức và cầu viện sự giúp đỡ của người khác ngay lập tức. Sự im lặng đó khiến cho tình trạng này gia tăng. 

Các chuyên gia khuyên rằng, phụ nữ và trẻ em gái nên mạnh dạn phản ứng tố cáo kẻ quấy rối mình trên các phương tiện giao thông công cộng, sẽ nhận được sự giúp đỡ nhiều hơn và họ cũng sẽ được an toàn hơn. 

Trường hợp đi một mình, chỉ có người điều khiển phương tiện giao thông công cộng và hành khách, nhất là trên các tuyến đường xa và thưa vắng dân cư, nhất thiết phải có các kỹ năng tối thiểu đề phòng tình huống xấu. Cần phải bình tĩnh xử trí các biểu hiện không hay của người điều khiển phương tiện giao thông, tránh hồ đồ manh động hay yếu đuối, dễ xảy ra những chuyện đáng tiếc.

Nghi phạm Nguyễn Văn Tiến, tài xế taxi sát hại cô giáo trẻ trong vụ án gây phẫn nộ dư luận vừa xảy ra ở Hà Tĩnh. 

Để phòng ngừa tội phạm trong vai tài xế, cần bắt đầu từ công tác tuyển dụng nhân sự của các hãng xe taxi cần phải được chú trọng. Trước khi nhận người vào làm việc, nhất thiết phải kiểm tra tỷ mỷ hồ sơ xin việc làm của lái xe. Nếu thấy có những vấn đề nghi vấn về lý lịch, hoạt động hiện hành, quan hệ, hoặc dính vào tệ nạn ma túy, cờ bạc... cần kiên quyết loại bỏ hồ sơ đó. Ngoài ra, cần có quy chế, kỷ luật lao động và cơ chế giám sát chặt chẽ để lái xe không thể lợi dụng việc hành nghề vào việc gây án. 

Công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình trên tuyến của cơ quan chức năng, đặc biệt là của lực lượng CSHS cần phải được tăng cường, để kịp thời phát hiện những hoạt động bất thường, vi phạm pháp luật của chủ xe, tài xế. Triển khai các biện pháp nghiệp vụ đi vào những đối tượng có biểu hiện hoạt động phạm pháp, để có đối sách, kịp thời ngăn chặn tội phạm. Khi có án xảy ra, cần tập trung tối đa lực lượng, phương tiện, biện pháp để khẩn trương phá án, bắt giữ thủ phạm.

Hoa Phượng

Cần biết dự liệu trước các tình huống xấu

(Phỏng vấn Th.sĩ, Trung tá Đào Trung Hiếu, nguyên Đội phó, Điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự - Công an thành phố Hà Nội, hiện công tác tại Báo Công an nhân dân).

Th.sĩ, Trung tá Đào Trung Hiếu.

- Mới đây câu chuyện của nạn nhân Phạm Thị Oanh (Đại học Sư phạm Huế) khi làm nhiệm vụ tại kỳ thi THPT quốc gia ở Hà Tĩnh bị giết, vứt xác, cướp tài sản khi đi taxi, khiến nhiều người lo lắng, bất an. Nhu cầu phải có kỹ năng thoát hiểm khi đi các phương tiện giao thông công cộng, trở nên cấp thiết. Theo anh để phòng tránh những trường hợp đáng tiếc thì hành khách cần lưu ý điều gì đầu tiên?

+ Lời khuyên đầu tiên của tôi là mọi người, nhất là đối với phụ nữ, cần phải có ý thức đề phòng, cảnh giác khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, nhất là xe taxi, xe ôm. Bởi vì khi ở trên xe, bạn đã nằm trong phạm vi đủ gần với những người xa lạ. Nếu người đồng hành hay tài xế là những tên tội phạm, hoặc những kẻ bất lương… đồng nghĩa với những nguy cơ bị tấn công đang hiện hữu đối với bạn. Nếu không cần thiết thì hãy hạn chế tối đa việc di chuyển một mình vào buổi tối, ban đêm. Càng không nên đi quá xa hoặc đến nơi lần đầu đặt chân tới. 

Trường hợp bắt buộc phải đi bằng phương tiện công cộng, hãy dự liệu trước những tình huống xấu có thể xảy ra và chuẩn bị sẵn tâm lý, phương án đối phó. Tình huống đi taxi là nguy hiểm nhất, vì trong không gian hẹp, cửa khóa, nếu tài xế có ý đồ xấu, việc bạn thoát ra để kêu cứu là không dễ dàng. Vì thế, hãy chọn những hãng taxi có uy tín và gọi về tổng đài để điều xe, chứ không nên đón xe taxi "dù" trên đường vào thời điểm tối trời. 

Nếu đón xe ôm ở các địa điểm công cộng, cũng nên quan sát kỹ người lái xe trước khi đến thuê chở. Nên thuê những người quen, hoặc chọn người lái xe đã đứng tuổi, mặt mũi hiền lành, đàng hoàng. Không nên thuê lái xe là thanh niên có dáng vẻ nghịch ngợm, càn quấy...

Trước khi di chuyển vào đêm tối, cần chuẩn bị sẵn những vật dụng để khi cần thiết có thể sử dụng làm vũ khí phòng thân, hoặc gây sự chú ý để được trợ giúp, như cái kéo, giũa móng tay, lọ xịt hơi cay, chiếc còi... Điện thoại phải đầy pin, có tiền trong tài khoản và ấn sẵn số Cảnh sát 113…; nên để những đồ vật có giá trị vào trong người cẩn thận và kín đáo.

Phụ nữ nên ăn mặc kín đáo, tránh hở hang có thể kích thích đối tượng nảy sinh ý định phạm tội. Không nên đeo đồ trang sức quý giá, hoặc để tiền hớ hênh mà lái xe nhìn thấy. Vì việc này rất dễ làm lái xe nổi máu tham, phạm tội do nhất thời manh động bột phát để chiếm đoạt được tài sản của khách.

Trẻ em gái và phụ nữ là đối tượng dễ bị lạm dụng, xâm hại trên phương tiện công cộng.

Trước khi lên xe, có một thao tác rất đơn giản là giải thích cho lái xe hiểu vì lý do an toàn, đề nghị cho biết thông tin cá nhân (như họ tên, địa chỉ, số máy điện thoại, nơi làm việc) và cho đối chiếu với giấy tờ tùy thân của người đó. Lưu ý kiểm tra cả giấy đăng ký xe (đề phòng trường hợp xe gắn biển số giả). Sau đó dùng điện thoại công khai chụp ảnh chiếc xe có gắn biển số, chân dung, biển hiệu, của lái xe… rồi gửi cho người thân và thông báo rõ lộ trình, thời gian, điểm đến cho họ. 

Việc làm này sẽ có tác dụng dập tắt "từ trong trứng" những âm mưu đen tối nếu có. Vì tâm lý kẻ phạm tội luôn chứa đựng nỗi sợ bị bắt giữ bởi cơ quan pháp luật, nếu chúng biết gây án sẽ bị trừng trị thì ít có tên nào dám mạo hiểm với sự tự do của mình. Mặt khác, nếu trên đường xảy ra sự cố, thì người thân còn biết cách xử trí, hỗ trợ, tìm kiếm. Trường hợp đi xe ôm cũng nên xử lý theo cách nói trên.

Khi vào trong xe, những đồ vật có thể mang theo người thì nên để bên cạnh, để thuận tiện cầm theo khi xuống xe. Không nên để đồ trong cốp xe nếu đó là vật có kích thước nhỏ. Không nên ngồi ở ghế phụ phía trước, dễ bị đối tượng tấn công bất ngờ, mà hãy ngồi ghế sau để có thể quan sát và chủ động đối phó với tình huống bất ngờ;

Quá trình di chuyển không nên ngủ gà gật, mà cần tập trung quan sát để kịp thời phát hiện những biểu hiện không bình thường của tài xế, như: hỏi han bạn quá tỷ mỷ về địa chỉ, công việc, thu nhập, hoặc nói chuyện về vấn đề tình dục, bạo lực. Trong đó, cần đặc biệt chú ý tới lộ trình di chuyển. Nếu tài xế không đi đúng cung đường mà bạn biết để đến nơi cần đến, thì phải chất vấn và có phản ứng quyết liệt ngay.

Nên trò chuyện với lái xe, để có thông tin đánh giá về sự an toàn của tài xế. Có thể gợi hỏi về hoàn cảnh gia đình, vợ con, công việc đang làm, là chủ xe, góp vốn hay chỉ lái thuê...Nếu lái xe hỏi về công việc của bạn, hãy nói mình làm những việc liên quan đến pháp luật như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Thi hành án. Kẻ có ý đồ xấu thường có tâm lý tránh xa những người làm công việc này. Nhất là giới thiệu mình làm việc ở một đơn vị Công an nào đó, thì ít kẻ dám tấn công hay chạy lòng vòng, kéo dài lộ trình để tăng cước…

Tuyệt đối không ăn, uống thứ gì mà lái xe đưa cho (vì rất có thể trong đồ ăn, thức uống đó đã pha sẵn thuốc mê, thuốc ngủ, độc chất…)

- Nhưng nếu lên xe rồi mới phát hiện ra lái xe có những dấu hiệu bất thường, khả nghi, thì cần xử trí như thế nào, thưa anh?

+ Nếu qua trò chuyện, thấy lái xe có những biểu hiện không đáng tin cậy, như có thái độ lấm lét, đi lòng vòng không đúng tuyến đường, không thực hiện yêu cầu của khách, né tránh trả lời những câu hỏi của mình về công việc, hoàn cảnh, địa chỉ… thì phải nghĩ ngay đến khả năng xảy ra tình huống xấu và chuẩn bị tâm lý đối phó. Tôi xin nhấn mạnh cần phải giữ bình tĩnh. Nếu để cho nỗi sợ bên trong thúc đẩy, sẽ rất dễ biến thành những phản ứng thiếu khôn ngoan hay manh động. Có thể lấy lại bình tĩnh bằng cách hít thở sâu vài lần.

Chủ động tạo lý do hợp lý bảo lái xe đỗ lại tại những nơi có đông người, hoặc trước trụ sở Công an, UBND và đủ ánh sáng. Khi xe dừng lại, cần ra khỏi xe ngay và trả tiền cước, chấm dứt việc di chuyển. Nếu cần đi tiếp thì gọi về tổng đài đón xe khác. Nếu lái xe không đỗ lại theo yêu cầu, hãy gọi điện ngay cho số máy của lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh 113, báo rõ tình hình và hướng di chuyển, hoặc gọi điện cho người thân (tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm mà bạn cảm nhận). Việc làm này sẽ khiến lái xe sợ mà không dám làm liều.

- Theo anh trường hợp bị lái xe đe dọa hay tấn công khi đang ngồi trên xe thì phải đối phó ra sao?

+ Nếu tài xế dừng xe bất thường, có dấu hiệu đe dọa ra tay với mình, nếu có thể thì hãy nhanh chóng mở cửa chạy ra ngoài trước, vừa chạy vừa kêu cứu, hoặc mở sẵn điện thoại từ trước để người thân, bạn bè biết thông tin mà tìm cách báo lực lượng chức năng ứng cứu từ xa. Đây là lúc những đồ vật đem theo phát huy tác dụng. Việc bạn có vũ khí trên tay có tác dụng răn đe rất lớn với đối tượng. Nếu là người biết võ thuật, thì việc chủ động ra đòn tấn công trước sẽ đẩy đối tượng vào thế bị động vì không kịp phòng bị. Khi đối tượng mở cửa thoát khỏi xe, hãy chốt cửa lại để cách ly. Thời gian này dùng để gọi điện cho sự ứng cứu từ bên ngoài.

Trường hợp ở thế không thể tự vệ khi đối tương đe dọa bằng hung khí thì nên hãy nhớ sự an toàn về tính mạng là ưu tiên số 1, tài sản mất thì có thể làm lại, nhưng mạng sống chỉ có một lần. Hãy tỏ ra ngoan ngoãn và hợp tác, chấp hành mọi yêu cầu về tiền, tài sản của đối tượng và xin đừng làm đau. Vì mục đích của đối tượng hướng đến là tài sản của bạn, chứ không phải mạng sống. Nên khi chiếm đoạt được tài sản, thường thì chúng sẽ bỏ đi. Tuy nhiên cũng có trường hợp "giết người diệt khẩu". 

Rơi vào tình huống bị đối tượng tấn công quyết liệt, thì chỉ còn cách chống trả bằng mọi khả năng có thể, đồng thời tận dụng mọi cơ hội để thoát thân. Sau đó trình báo ngay khi có thể với cơ quan Công an, trong đó cần cung cấp đặc điểm đối tượng và hướng tẩu thoát để tổ chức truy bắt theo dấu vết nóng.

Ngọc Trâm ( thực hiện)

PV
.
.
.