Anh đã trở về trên vai đồng đội

Thứ Sáu, 20/11/2020, 13:58
20 ngày trôi qua kể từ hôm Đại úy Công an Trương Văn Thắng hy sinh khi đi tìm đồng bào mất tích tại xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, tôi mới đến thăm nhà em. Châm một nén hương để tôi thắp lên ban thờ của Thắng, đôi tay bố em vẫn còn run. Mẹ Thắng đứng không vững, dựa hẳn vào góc tường, đôi mắt thất thần nhìn di ảnh con. Một nỗi đau không thể nguôi ngoai!


"Hôm đó, lũ đầu nguồn đổ về nhanh, nước rào Nan lên to lắm. Mới sau một đêm mà nhiều nhà đã ngập cả mét rồi. Suốt đêm tôi không ngủ. Sáng tờ mờ là đi cứu hộ nhân dân. Lúc đó thì nhận được điện thoại. Họ báo tin cu Thắng... Tôi chỉ e là cu Thắng gặp tai nạn gì đó. Công an mà, làm răng tránh khỏi bất trắc khi làm nhiệm vụ. Cho con vào ngành, tôi xác định rứa rồi nên vẫn cố bình tĩnh. Nghĩ rằng, cu Thắng nhà tôi không can chi mô mà, không can chi mô mà nhưng lòng dạ rối bời... Rồi một cuộc điện thoại nữa gọi về... lần ni thì tôi rơi tay chèo, lật đật lội nước về nhà. Mạ hắn chết sững...".

Ông Trương Minh Bưa nói với tôi như vậy rồi quay mặt nhìn mung lung ra chỗ khác để dấu đi niềm đau đang quặn thắt tâm can ông. Đó là những ngày lũ lụt, sạt lở xảy ra khốc liệt trên khắp dải miền Trung. Nước mắt đã tràn từ Rào Trăng đến Hướng Phùng, từ Hướng Việt đến Thác Voi, từ Trà Leng đến Phước Sơn. Bàng hoàng tiếp nối bàng hoàng.

Đại tá Phạm Khải, Tổng Biên tập Báo CAND thắp nén tâm nhang tưởng nhớ Đại úy Trương Văn Thắng.

Trương Văn Thắng sinh năm 1989, quê ở thôn Thọ Hạ, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn. Vùng quê này nằm bên dòng sông Nan, nghèo khó mà bình yên. Nhân dân trong thôn chủ yếu làm nông nghiệp. Hơn 1/3 hộ dân thuộc diện nghèo và cận nghèo. Gia đình Thắng cũng vậy. Bố, mẹ Thắng làm nông. Họ đều là những lương dân chăm chỉ cấy cày, nuôi con ăn học nên người. Thắng là con trai thứ ba trong gia đình, cao to, đẹp trai và tình cảm.

Nghe bảo hôm trước ngày hy sinh, Thắng còn gọi điện về nhà hỏi thăm bố mẹ. Trong trái tim ông Bưa, bà Tuyên, Thắng luôn luôn bé nhỏ. Cho đến khi trở thành chiến sỹ Công an, Thắng vẫn là cu Thắng. Mỗi khi về thăm nhà vẫn còn tí tởn ôm lưng mạ, vít vai ba như ngày bé.

"Quê tôi chịu nhiều thiên tai, điều kiện để làm ăn cũng khó, đất sản xuất rất ít  nên đời sống bà con nhiều vất vả. Trận lụt vừa rồi nước tràn qua cả đường tàu, ngập hết hơn 90% nhà ở của toàn thôn. Bà con kêu cứu khắp nơi. Cu Thắng gọi điện về,  nói là đang giúp đồng bào chống lụt bão. Tôi cũng kể chuyện ở quê. Hai cha con động viên còn nhau cố lên, cố lên...".

Ông Trương Minh Bưa là cựu chiến binh. Ông đi bộ đội từ năm 1978, đến 1982 thì ra quân và trở về quê. Từ năm 2014 đến nay ông được tín nhiệm bầu làm trưởng thôn Thọ Hạ. 6 năm làm "Người vác tù và hàng tổng" ở một thôn nghèo của xã Quảng Sơn,  đời sống bà con khó khăn, thôn xóm lại lắm chuyện phức tạp, nhỏ to, tranh chấp, mâu thuẫn, xích mích, cãi cọ, thậm chí đánh nhau, vi phạm pháp luật… gì cũng gọi Trưởng thôn nhưng ông Bưa rất được bà con yêu mến. Bởi, ông hiền lành, chất phác, có phần ít nói mà tận tâm và không nề hà gian nan vất vả.

Đội tìm kiếm, cứu nạn đưa thi thể Đại úy Trương Văn Thắng vượt suối, băng rừng núi trở về.

Tôi ngồi cùng ông Trương Minh Bưa trên khoảng sân hẹp. Phía trước, dòng sông Nan vẫn mênh mang nước bạc. Những ngôi làng phía bên kia sông đang bị cô lập, chưa thuyền bè nào qua được. Và nghe ông kể về cu Thắng của ông. Có lẽ ông nhìn đâu cũng thấy Thắng "Hồi nhỏ cu Thắng hay ra sông bơi... Sông Nan mùa ni nước dữ rứa chớ mùa hè trong lành và êm ả lắm!", "Cu Thắng học xong cấp ba thì đi nghĩa vụ Công an. Người ta hết nghĩa vụ thì về, cu Thắng thích làm Công an nên quyết tâm đi học để được vô ngành..., Bữa tê cu Thắng mới gọi điện về "Ba mạ ơi, lũ lụt như ri quê mình e khổ lắm, ba mạ nhớ giữ gìn sức khỏe đó nha". "Ba mạ ơi, trong ni tình hình cũng căng lắm. Bà con rất vất vả ba mạ à. Con ở lại giúp đỡ bà con cho qua đợt lũ lụt ni đã nha. Yên ổn rồi con về ba mạ nha! Cái chi cũng ba mạ nha, ba mạ nha, nói rứa đó mà về ri đây...!

Thắng hẹn hò răng thì ba mạ nghe rứa,  chứ đã bao giờ hẹn mà về mô. Từ ngày chuyển lên Hướng Việt lại càng ít về hơn vì nghe nói trên đó còn nhiều việc lắm. Xã thì nghèo. Đồng bào Vân Kiều thì khổ. Mà xã Hướng Việt lại tiếp giáp nước bạn, có thêm đường biên giới Việt Lào nữa nên công việc càng phức tạp hơn... Tui nói với cu Thắng là con cứ yên tâm mà công tác cho tốt. Tranh thủ được thì  ghé về thăm vợ con. Con không phải lo cho ba mạ".  Ông nói với tôi nhưng đôi mắt thì ngóng ra con ngõ trước nhà, ngỡ như ông thấy Thắng đang về thật.

Tôi nhìn những vành khăn trắng trên đầu bố, mẹ Thắng và vợ con Thắng nữa, thấy thương tiếc vô cùng cho một thanh xuân. Huê, vợ Thắng nói rằng: "Hôm mưa to, ở Triệu Phong cũng lụt. Em đang cùng mẹ dọn nhà lên chỗ cao thì nghe tin có Công an ở Hướng Việt hy sinh. Em gọi điện thì không thấy anh Thắng bắt máy. Linh tính có chuyện chẳng lành, em không còn làm được chi nữa, chỉ ôm con và nhìn mãi vào chiếc điện thoại mong anh Thắng gọi lại cho em như mọi khi và nói rằng "Anh bận quá, không nghe em gọi được. Xin lỗi vợ nghe. Xin lỗi vợ nghe... Vậy mà em lại nghe một cuộc điện thoại khác đó chị, cuộc điện thoại đau đớn nhất đời em đó chị...".

Vợ Thắng bế con trai đứng mãi bên ban thờ chồng nói trong trách móc: "Nói với em xong lụt là về. Hứa hẹn chi mô mà lạ. Có về mô... Có về mô nà...". Không khóc nổi nữa rồi nhưng đôi mặt đỏ hoe, ngập nước. Thằng cu con trai của Thắng vẫn hồn nhiên với tay nghịch những bông hoa cắm trên ban thờ, mắt nhìn ảnh ba không chớp. Huê, vợ Thắng mới 28 tuổi, chưa có việc làm. Con trai của Thắng mới 16 tháng, con còn quá bé bỏng để biết rằng mình vừa trải qua một biến cố vô cùng thương đau.

Ông Trương Minh Bưa - bố của liệt sỹ Trương Văn Thắng nhận hỗ trợ của lực lượng Công an.

Hướng Việt là xã biên giới của huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ngày 17 tháng 10, ở  đây đã xảy ra mưa lũ và sạt lở nghiêm trọng. Một ngọn núi lớn bất ngờ đổ sập. Trong phút chốc, hệ thống kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm ở Hướng Việt bị bùn đất, nước lũ vùi lấp. Nhà cửa tan hoang. Nhân dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Xã Hướng Việt bị cô lập hoàn toàn về giao thông và liên lạc trong suốt 9 ngày. Bảy người đi làm rẫy không thấy về.

Trong những tình huống thiên tai, công tác cứu hộ cứu nạn luôn được đặt lên hàng đầu. Và lực lượng Công an là thành phần không thể thiếu. Đại úy Trương Văn Thắng có mặt trong đoàn cán bộ của xã Hướng Việt lên đường vượt lũ tìm kiếm nhân dân.

Ông Trương Minh Bưa nói rằng: "Nghe anh em kể lại, đoàn cứu nạn cứu hộ của xã Hướng Việt có 7 người. Trong đó, có cu Thắng. Cả đoàn xuất phát từ lúc 16h30 đến 18 giờ thì gặp nạn. Mưa rất to và tiếp tục lở núi. Ba người, gồm cu Thắng là Công an xã, anh Lê Văn Dùy, Bộ đội Biên phòng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hướng Việt và anh Hồ Văn Sinh - Chủ tịch UBND xã Hướng Việt bị thương. 4 người khác chạy thoát. Thắng bị nặng nhất. Một tảng đá lớn chắn thẳng vào đùi nên không thể di chuyển ngay được. Sau đó lại thêm một trận lở núi nữa tiếp tục đổ xuống.  Thắng bị hất tung xuống vực...

Khi tình hình tạm yên, mọi người mới đến kéo được Thắng lên. Lúc này, Thắng vẫn còn tỉnh táo, vẫn bảo mọi người để em ở đây rồi  tiếp tục đi tìm kiếm đồng bào cho kịp. Tuy nhiên, sau đó thì đuối dần vì không sơ cứu kịp nên mất máu quá nhiều và hy sinh". 

Nhận được tin con trai hy sinh khi làm nhiệm vụ, ông Trương Minh Bưa vội vã vào Quảng Trị, lên Hướng Hóa. Lúc này mưa vẫn còn ào ạt, lũ lụt xảy ra khắp nơi. Quảng Sơn quê hương ông cũng đang chìm dần trong nước. Công an tỉnh Quảng Trị lập Sở chỉ huy tiền phương tại huyện Hướng Hóa do Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ.  Mọi người giữ ông ở lại vì không thể đi Hướng Việt do mưa lớn, nước lũ chảy xiết và đất đá vẫn không ngừng sạt lở.

Đại úy Trương Văn Thắng cùng vợ và con trai.

Nhiều phương án đã được tính đến. Bằng trực thăng không khả thi do địa hình núi rừng hiểm trở, thời tiết xấu và không thể liên lạc. Quyết tâm phải đưa cho được Thắng trở về với gia đình và đồng đội trong thời gian sớm nhất, với sự tham mưu quyết liệt của Công an Quảng Trị, Công an Hướng Hóa và chính quyền địa phương, Thứ trưởng  Nguyễn Văn Sơn đã quyết định phương án: Thành lập tổ công tác, lội bộ cắt rừng từ Hướng Phùng, men theo bờ sông SeBang Hiêng đến chân núi Tà Rùng sang phía nước bạn Lào, sau đó lại leo qua núi Tà Rùng sang Hướng Việt để tiếp cận hiện trường Thắng hy sinh. Từ đây mọi người sẽ thay phiên nhau cáng Thắng ra khỏi khu vực bị cô lập.

Đã có rất nhiều cánh tay của cán bộ chiến sỹ Công an, Bộ đội Biên phòng và nhân dân Hướng Việt giơ lên xin được tham gia tổ công tác đặc biệt này. Kế hoạch lộ trình vạch ra như thế... như thế... nhưng thực thi được là cả một hành trình gian khổ vô cùng. Những đoạn clip đăng tải trên mạng xã hội về hành trình trở về trên vai đồng đội của Thắng đã làm xúc động hàng triệu trái tim Việt Nam, những trái tim đang đêm ngày đau đáu hướng về miền Trung ruột thịt.

Trương Văn Thắng trẻ tuổi nhưng bản lĩnh và năng động. Vào ngành tháng 3 năm 2010 tại Đội Cảnh sát Hình sự Công an huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị; đến tháng 3 năm 2020 thực hiện Đề án của Bộ Công an về điều động Công an chính quy về công tác tại xã, Thắng đã xung phong lên công tác tại địa bàn đặc biệt khó khăn gian khổ của huyện Hướng Hóa- xã Hướng Việt. Xã miền núi ngổn ngang công việc. Công tác bảo vệ trật tự an ninh trên địa bàn cũng không kém phần khó khăn. Nhưng xã có công việc gì Thắng có mặt ở công việc ấy.

Hơn 7 tháng lên Hướng Việt, bà con nhân dân ở đây đã bắt đầu quen với hình ảnh của chú công an trẻ mà nhiệt tình và thân thiện. Đồng bào đã không chỉ báo cho Thắng nhiều thông tin quan trọng về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn mà nhiều sự việc nằm ngoài phận sự của Công an, bà con vẫn tìm đến Thắng để tìm cách giải quyết.

Ông Trương Minh Bưa nói rằng: "Thắng làm Công an xã, còn tôi thì Trưởng thôn. Nhưng nhiều việc cần giải quyết giống nhau lắm. Gần như là tất cả mọi vấn đề trong đời sống nhân dân. Thắng còn trẻ, lại chưa có kinh nghiệm hoạt động ở địa bàn làng xã nên nhiều khi còn lúng túng khi gặp các sự việc phức tạp, không thể giải quyết bằng luật mà phải bằng tình cảm. Những lúc đó lại gọi về hỏi tôi. Hai cha con đồng cảm, chia sẻ rồi động viên nhau cố gắng. Ở mô người dân cũng nghèo cả. Chuyện xích mích, tranh chấp rồi xung đột, nhất là xung đột về quyền lợi khó tránh khỏi. Thời gian gần đây thấy cứng rắn hơn rồi nhưng lại... không làm Công an nữa...".

Từ Cảnh sát hình sự, Thắng về 4 cùng với nhân dân, làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng của một Công an xã. Ở vị trí công tác mới, mọi thứ đều lạ lẫm,Thắng gần như không có ngày nghỉ vì phải thường xuyên bám trụ, tìm hiểu nắm tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội địa bàn. Cán bộ chính quyền địa phương xã Hướng Việt vẫn còn nhớ những ngày xảy ra dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, Thắng  cùng cán bộ xã, Bộ đội Biên phòng có mặt hầu khắp địa bàn, vừa tuyên truyền vận động bà con nhân dân thực hiện tốt các quy định và phương pháp về phòng chống dịch bệnh, vừa phát hiện quản lý đối tượng vào ra.

Nhờ vậy, mặc dù là xã có đường biên giới Việt Lào nhưng không xảy ra các vụ việc nhập cảnh trái phép, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn, vừa bảo vệ được sức khỏe nhân dân. Trong các hoạt động lao động sản xuất, xây dựng thôn bản, Thắng luôn xung phong tham gia. Mọi người dân ở đây vẫn nhắc mãi lời Thắng nói về mình khi được hỏi: "Vì sao làm việc gì cũng giỏi?”, "Cháu con nhà nông dân mà, quê cháu nghèo lắm, lao động quen rồi!". Và cười! Đáng yêu vậy cho nên bà con dân bản ai cũng buồn khi biết Thắng hy sinh. Nhà sập, nhà trôi, đồ đạc trộn lẫn cùng bùn đất nhưng suốt mấy ngày trời  nhiều người ra đầu con suối đợi Thắng về để tiễn Thắng về xuôi một đoạn.

Hôm tôi đến thăm gia đình Thắng, trong nhà vẫn còn rất đông các cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh Quảng Trị. Họ đã lo lắng chu toàn cho việc hậu sự của Thắng cũng như chăm lo bố mẹ Thắng như những đứa con trong gia đình. Hình ảnh họ trong  bộ trang phục CAND có lẽ đã phần nào động viên được tinh thần của ông Bưa, bà Tuyên. Tôi nhận ra trên gương mặt những người lính ấy tình cảm dành cho đồng đội vô cùng sâu sắc.

Suốt nhiều ngày trời như thế, mưa vẫn mưa và gió bão, nhưng Công an cả nước vẫn về quê với Thắng, bố mẹ và vợ con Thắng.  Ngày 20/10/2020, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã kí quyết định truy tặng Trương Văn Thắng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì; Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị ký quyết định truy thăng quân hàm cho Thắng từ Thượng úy lên Đại úy.

Nhà báo Trương Thu Hiền (thuhienvhntqb@gmail.com).

Khi tôi đang viết những dòng cuối của bài viết này thì nhận điện thoại từ bố Thắng. Giọng nói của người làng Thọ Hạ, Quảng Sơn mộc mạc, thiệt thà và nghe lúc nào cũng thấy thương: "Cháu ơi, mấy bữa trước chú mới vô Hướng Hóa thăm đơn vị Thắng, để cảm ơn các anh trong đó đã đưa em về an toàn, nguyên vẹn cháu à. Cảm ơn các anh đã quan tâm giúp đỡ gia đình chú khi lo việc cho Thắng nữa.  À, cháu ơi! Mấy anh trong đơn vị Thắng có nói sẽ giải quyết việc làm cho em Huê, rồi sẽ quyên góp trong anh em lực lượng Công an để nuôi cháu con cu Thắng đến 18 tuổi nữa cháu à...".

Tôi cũng muốn nói với ông thêm rằng: "Không chỉ ngành Công an cả nước đâu chú à. Rất, rất nhiều người đang muốn đùm bọc gia đình chú như một sự tri ân". Nhưng trời đất ơi! Vừa nghe ông Bưa thông báo ngắn gọn vậy sống mũi tôi nghe cay, đôi mắt tôi nghe nhòe. Ông ấy còn cảm ơn vì "đã đưa em nó trở về an toàn, nguyên vẹn" thì tôi biết niềm thương, niềm đau của người cha mất con ấy lớn đến nhường nào, và nghĩa tình của những người lính trong lực lượng Công an dành cho nhau trươc hy sinh mất mát  phải là sâu nặng lắm.

Thế cho nên: "Thắng ơi, em hãy yên lòng!".

Thêm một bài học từ dân

Trước sự mất mát của đồng bào niền Trung trong cơn đại hồng thủy vừa qua, nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành cùng chúng tôi phát động phong trào bán sách, lấy tiền ủng hộ đồng bào miền Trung. Khi số tiền đã đủ theo dự kiến, tôi được giao nhiệm vụ kết nối địa bàn để trao quà và tiền từ thiện. Nhờ anh em ở địa phương cho số điện thoại, tôi điện vào gặp đồng chí Trưởng thôn Thọ Hạ và được ông cho biết, toàn thôn có 451 hộ. Tôi nghĩ rằng, lũ lụt chắc không ngập hết cả thôn, với số tiền có hạn, muốn một phần quà được kha khá, nên tôi nói với đồng chí Trưởng thôn: "Vậy thì chúng cháu nhờ bác chọn cho 400 hộ dân bị thiệt hại nặng nhất để chúng cháu trao 400 suất quà, và chúng cháu nhờ bác liên hệ với gia đình của đồng chí Trương Văn Thắng vừa hy sinh để chúng cháu thăm hỏi và tặng quà cho gia đình đồng chí Thắng". Khi nghe tôi nói thế, bác Trưởng thôn trả lời: "Nếu có thể được thì đoàn chia phần quà ra cho đủ để trao hết cho tất cả các hộ trong thôn, biết là có nhà ngập và nhà không, nhưng những nhà không ngập thì những ngày ấy họ cưu mang những nhà bị ngập, giờ phát quà thì nên phát cho cả thôn, còn nhà….nhà…của đồng chí Thắng thì không có quà cũng được chú ạ….".

Nghe đồng chí Trưởng thôn nói vậy, tôi thắc mắc vô cùng, nhưng quyết định trao bao nhiêu phần quà là của cả nhóm, nên tôi hẹn với đồng chí Trưởng thôn là sáng hôm sau tôi sẽ gọi điện thoại lại để thống nhất. Đêm đó tôi đọc báo và bàng hoàng, Trưởng thôn Thọ Hạ chính là bác Trương Minh Bưa, bố của liệt sỹ Trương Văn Thắng. Bác sẵn sàng không nhận phần quà cho gia đình mình để mọi người trong thôn được nhận quà đồng đều, 451 hộ đều có quà. Và đêm ấy tôi đã khóc. Một đồng chí Trưởng thôn, cái chức thấp nhất trong hệ thống chính trị, bác biết lo, biết nghĩ, biết hy sinh…hỏi sao dân không tin, không yêu và không mến. Bài học từ dân luôn làm cho ta giật mình tỉnh ngộ.

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng


Ngay sau chuyến đi cứu trợ đồng bào Thừa Thiên - Huế bị thiệt hại nặng do mưa lụt gây ra, đoàn công tác Báo CAND và các nhà hảo tâm do đồng chí Đại tá Phạm Khải, Tổng Biên tập dẫn đầu đã ra thẳng Quảng Trị, thăm hỏi, chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình Đại úy Trương Văn Thắng (SN 1989, cán bộ Công an xã biên giới Hướng Việt, huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), hy sinh khi đi cứu dân trong lũ dữ, lở núi ở Hướng Việt, đồng thời hỗ trợ gia đình Đại úy Trương Văn Thắng 50 triệu đồng nhằm san sẻ phần nào khó khăn trước mắt. Cùng dự có Đại tá Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị.
Trương Thu Hiền
.
.
.