BRICS vẫn chưa khăng khít

Thứ Ba, 07/08/2018, 08:42
Ngày 26-7, các nhà lãnh đạo 5 nước thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới - BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) tại cuộc họp thượng đỉnh diễn ra ở thành phố Johannesburg, Nam Phi, đã thông qua tuyên bố chung ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở và toàn diện.


Theo đó, các lãnh đạo BRICS hoan nghênh sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu song cũng nhận thấy tăng trưởng chưa thực sự đồng đều và vẫn còn tồn tại nhiều nguy cơ phản ánh qua hàng loạt những thách thức nảy sinh, như leo thang căng thẳng thương mại, nguy cơ địa chính trị, bất bình đẳng và tăng trưởng thiếu toàn diện. 

Các thành viên BRICS tiếp tục ủng hộ tăng trưởng kinh tế và triển vọng kinh tế toàn cầu, sử dụng các chính sách tài chính tiền tệ và cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng toàn diện, cân bằng và bền vững. 

Các nhà lãnh đạo BRICS tiếp tục nhấn mạnh vai trò trung tâm của hệ thống thương mại đa phương, toàn diện, mở, minh bạch và dựa trên quy định, cũng như vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong đảm bảo duy trì hệ thống thương mại đa phương, an ninh và ổn định của hoạt động thương mại quốc tế.

Lãnh đạo các nước thành viên BRICS chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị ở Johannesburg ngày 26-7.

Về mặt chính thức, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 10 của khối BRICS có mục tiêu thảo luận về chủ đề "Hợp tác nhằm hướng đến viễn cảnh tăng trưởng kinh tế mở rộng cho tất cả". 

Nhưng trong bối cảnh Washington từ nhiều tháng nay liên tục đưa ra các biện pháp bảo hộ thương mại cho mình nên cuộc họp lần này của khối BRICS được cho là không đơn thuần mang mục tiêu chính thức công bố. 

Tại đây, các lãnh đạo thành viên BRICS khẳng định muốn có một hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc được thể hiện bởi WTO để trở thành trung tâm thương mại toàn cầu khi thành viên lớn nhất của khối BRICS phải đối mặt với khó khăn áp thuế hàng tỷ USD hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. 

Tuyên bố chung có đoạn: "Chúng tôi nhận thấy rằng hệ thống thương mại đa phương đang đối mặt với những thách thức chưa từng có...  Chúng tôi kêu gọi tất cả các thành viên WTO tuân thủ các quy định của WTO và tôn trọng các cam kết của họ".

Kể từ đầu năm 2018, chủ nghĩa bảo hộ thương mại dường như dâng cao cùng với những động thái bảo hộ của Mỹ. Vào tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng thuế quan đối với thép và nhôm, thậm chí không loại trừ các đồng minh thân cận của mình. 

Giới quan sát cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này thực chất là dịp để Bắc Kinh tập trung sức mạnh tập thể, đối đầu thương mại với chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ đang ngày càng lan rộng. 

Tuy nhiên, các nước thành viên trong khối đang có những vấn đề riêng biệt: Brazil và Nam Phi bị sa lầy trong cuộc đấu tranh của các lực lượng chính trị khác nhau, trong khi Ấn Độ không che giấu sự bất mãn với dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc. Do vậy, thời điểm này, khối BRICS khó giúp Trung Quốc có thêm lợi thế gì trước cuộc đối đầu với ông Trump.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố trong chuyến công du châu Phi lần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mang theo cơ hội đưa 14 tỷ USD đầu tư vào hàng loạt lĩnh vực, như cơ sở hạ tầng, kinh tế đại dương, kinh tế xanh, khoa học, công nghệ, nông nghiệp, môi trường, tài chính. 

Ông Sreeram Chaulia, chuyên gia Ấn Độ về quan hệ quốc tế, các nước khối BRICS "có lợi ích chung trong việc khuyến khích trao đổi thương mại" trong khối. 

Chuyên gia này dẫn trường hợp Liên minh châu Âu và Nhật Bản vừa ký kết một thỏa thuận trao đổi thương mại tự do, nhằm đối phó với Mỹ là một ví dụ. Tuy nhiên, khoản đầu tư của Trung Quốc vào Nam Phi lần này, dường như là phục vụ mục tiêu riêng của Trung Quốc hơn là muốn thắt chặt quan hệ hợp tác để đối phó với Washington.

Nam Tiên
.
.
.