Bà Nancy Pelosi quay lại vị trí quyền lực

Thứ Ba, 11/12/2018, 14:21
Mặc dù một nhóm các đảng viên Dân chủ ra sức ngăn cản, nhưng bà Nancy Pelosi đã vượt qua một cuộc bỏ phiếu nội bộ của đảng Dân chủ hôm 28-11 với 203 phiếu ủng hộ để đảm bảo cho việc ứng cử chức chủ tịch Hạ viện Mỹ vào năm tới.


Theo kế hoạch, bà Nancy Pelosi - nhân vật từng là người phụ nữ đầu tiên giữ chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ từ năm 2007 đến 2011 - sẽ trải qua cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch Hạ viện vào tháng 1-2019 khi Quốc hội khóa mới bắt đầu làm việc.

Thách thức từ nội bộ đảng Dân chủ

Khi đó, bà  Nancy Pelosi phải nhận được đa số phiếu trong Hạ viện, tức phải có tối thiểu 218 phiếu bầu. Với 235 thành viên đảng Dân chủ, bà có thể thắng nếu chỉ có 17 đảng viên Dân chủ chống lại bà, ngay cả khi nếu mọi đảng viên Cộng hòa bỏ phiếu chống lại bà và không đảng viên Dân chủ nào chống lại lá phiếu "hiện diện" của bà (phiếu bầu "hiện diện" sẽ là một nửa bỏ phiếu cho Pelosi, vì nó sẽ hạ thấp ngưỡng đa số). 

Những người chống đối trong đảng Dân chủ tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho bà trên sàn, và với 16 đảng viên Dân chủ hiện đang ký vào một bức thư chống lại bà, như vậy bà Pelosi có thể bị đe dọa trong cuộc bỏ phiếu.

Đại biểu Kathleen Rice, một đảng viên Dân chủ trong nhóm chống Pelosi, cho rằng một số đảng viên có thể xếp hàng nếu họ biết được kế hoạch về hưu của bà Pelosi. Bà Rice cho biết đây không phải là cố gắng để có được một người khác biệt cụ thể so với bà Pelosi giữ chức chủ tịch Hạ viện, mà là "kích thích sự thay đổi". 

Bà Rice và 2 đồng nghiệp trong nhóm ngăn chặn Pelosi - Tim Ryan và Seth Moulton - đã gặp lãnh đạo đảng Dân chủ hôm 28-11 và “cố gắng thu hút bà ấy trong một cuộc trò chuyện hợp lý về sự chuyển đổi lãnh đạo”. Tuy nhiên, bà Rice cho biết: "Thật không may, mối quan tâm của chúng tôi đã bị bác bỏ hoàn toàn".

Ông Tim Ryan nói với tờ HuffPost rằng 35 phiếu chống lại bà Pelosi là "gấp đôi số lượng bạn cần" để chặn bà trên sàn. Nhưng cuộc bỏ phiếu ngày 28-11 vừa qua dường như đã khuyến khích bà Pelosi. Vào năm 2016, khi ông Ryan tranh vị trí lãnh đạo thiểu số, ông được 63 phiếu bầu trong khi bà Pelosi được 134 phiếu. Trong khi 35 thực sự đủ để ngăn chặn bà Pelosi khỏi vị trí chủ tịch Hạ viện, sự phản đối đó trong cuộc bỏ phiếu kín dường như bị hạn chế.

Nội bộ nhóm chống đối Pelosi có sự phân hóa, nhờ vậy  bà  Pelosi đã lôi kéo được một số thành viên trước đó đã tham gia ký một lá thư không ủng hộ bà. Nhưng bà Pelosi vẫn phải đối mặt với sự phản đối cứng rắn từ hàng chục đảng viên Dân chủ khác vì rằng bà không phải là lựa chọn đầu tiên của họ cho Chủ tịch Hạ viện.

Tuy nhiên, những lá phiếu chống lại bà Pelosi có thể không có ý nghĩa gì nhiều. Nhóm của Pelosi đã khuyến khích một số đảng viên Dân chủ mới bỏ phiếu chống lại Pelosi trong cuộc bầu cử kín vừa qua - theo cách đó họ có thể nói với các thành viên Dân chủ rằng họ đã giữ lời trong việc phản đối Pelosi. Thậm chí còn có một số đảng viên Dân chủ còn được khuyến khích đưa lên Twitter hình ảnh lá phiếu chống của họ từ cuộc bầu cử kín. Ý tưởng này như một nỗ lực để cho các đảng viên dân chủ mới không ủng hộ Pelosi giữ nguyên cam kết của họ - theo một cách nào đó.

Điều quan trọng đối với bà Pelosi không phải là số phiếu bầu của cuộc bỏ phiếu hôm 28-11, mà là cuộc bỏ phiếu vào tháng 1-2019, khi đảng Cộng hòa cũng sẽ có tiếng nói của họ.

Nói như thế không có nghĩa là bà Pelosi sẽ không trở thành chủ tịch Hạ viện. Bởi bà là người được yêu thích nhất hiện nay trong đảng chiếm đa số cho vị trí này. Nhưng bà có thể phải thực hiện một số hứa hẹn lớn hơn để đảo ngược sự chống đối từ các đảng viên, hoặc cam kết rằng đây sẽ là nhiệm kỳ cuối cùng của mình. Có thể việc này sẽ giúp giảm một lượng lớn những người chống đối bà. Chỉ là không rõ liệu bà Pelosi có quan tâm đến việc đưa ra bất kỳ thông báo nào như vậy hay không. Cho đến nay, bà Pelosi dường như không muốn phải thỏa thuận, vì việc thông báo ngày nghỉ hưu cụ thể sẽ làm giảm trọng lượng tiếng nói của bà khi làm Chủ tịch Hạ viện.

Thách thức của Tổng thống Donald Trump?

Ở tuổi 78, bà Nancy Pelosi được xem là ứng viên tiềm năng nhất cho chức chủ tịch Hạ viện. Mặc dù một bộ phận nghị sĩ trẻ của Dân chủ cho rằng cần có những thế hệ lãnh đạo trẻ hơn, tuy vậy không thể phủ nhận “cái bóng” của bà Pelosi trong đảng Dân chủ đã quá lớn và ít ai tự tin có thể vượt qua bà.

Bà đã có 16 năm dẫn đầu phe Dân chủ ở Hạ viện. Kinh nghiệm, sự từng trải và khả năng đương đầu với những vấn đề chính trị gai góc là những yếu tố khiến bà hầu như “không có đối thủ” trong nội bộ đảng Dân chủ. Nancy Pelosi đã dấn thân vào chính trị từ khi còn khá trẻ. 

Bà sinh trưởng và lớn lên tại một làng của người Mỹ gốc Ý ở Baltimore, trong một gia đình có truyền thống làm chính trị. Cha của bà, ông Thomas D'Alesandro đã từng là dân biểu đại diện tiểu bang Maryland, giữ chức thị trưởng thành phố Baltimore từ năm 1947-1959. Một trong số 5 anh trai của bà cũng đã từng giữ chức thị trưởng Baltimore từ năm 1967 đến 1971. 

Năm 1952, khi Pelosi mới 12 tuổi, lần đầu tiên bà được phép tham dự Hội nghị Dân chủ, nơi các đại biểu chọn ứng cử viên tổng thống của đảng mình. Trong các cuộc phỏng vấn sau này, bà Polisi cho biết ấn tượng nhất với bà khi “nghe ngóng” chuyện đại sự của cha là vấn đề của những người Ý nhập cư.

Việc bà Nancy Pelosi có trở lại chức chủ tịch Hạ viện hay không vẫn còn ở thì tương lai, nhưng người ta đã quan tâm liệu nó sẽ mang lại thách thức hay thuận lợi cho Tổng thống Donald Trump. Về lý thuyết, việc đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện là một bất lợi cho Tổng thống Donald Trump. Bản thân bà Nancy Pelosi cũng tuyên bố ngay sau khi đảng Dân chủ giành được Hạ viện là sẽ “khôi phục Hiến pháp cũng như hệ thống kiểm soát và cân bằng đối với chính quyền Trump”.

Cụ thể là việc ngăn chặn cuộc tấn công của đảng Cộng hòa và chính quyền Trump đối với Medicare và Medicaid… Sẽ xúc tiến thảo luận luật cho phép mở rộng kiểm tra lý lịch trong các giao dịch mua bán súng, nghiêm khắc hơn về vấn đề tiền bạc trong chính trị và vận động hành lang, cũng như bảo vệ môi trường… 

Theo giới quan sát, nếu trở thành Chủ tịch Hạ viện trọng trách của bà Nancy Pelosi sẽ vô cùng lớn lao trong việc tạo lập nền tảng làm nổi bật tầm nhìn của đảng Dân chủ, cũng như tạo một bệ phóng cho nỗ lực hạ bệ ông Trump trong cuộc bầu cử sau 2 năm nữa. Nói cách khác, sự thay đổi quyền lực tại Đồi Capitol trong 2 năm tới sẽ ra sao phụ thuộc nhiều vào vị trí chủ tịch Hạ viện.

Như Sơn
.
.
.