‘Bà đỡ’ của những nữ công nhân có hoàn cảnh đặc biệt

Thứ Bảy, 13/06/2015, 07:00
Đang đêm, dù không phải ca trực nhưng có tai nạn giao thông, hay có ca đẻ rơi nào tìm đến, ông lại xách túi đồ nghề đã được chuẩn bị từ trước, vội vã lên đường để cứu giúp bệnh nhân. Hàng chục năm trong nghề y, ông Hồ Văn Định, phường Bình Hoà, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương đã cấp cứu kịp thời cho hàng chục nạn nhân bị tai nạn, hàng chục ca đỡ đẻ mà bệnh nhân chủ yếu là những công nhân nghèo ở khu công nghiệp của thị xã Thuận An.
Có những nữ công nhân lầm lỡ trót mang thai, chính ông lại lo tiền tàu xe, ăn uống để đưa họ về quê hay giúp họ mẹ tròn con vuông mà không lấy một đồng tiền công, thuốc thang nào, bởi với ông, đơn giản "mình có điều kiện hơn thì giúp đỡ họ”.

Ấn tượng đầu tiên khi gặp ông Hồ Văn Định đó là sự xởi lởi, chân thành và hiền hậu. Chính sự gần gũi, thân thiện ấy mà công nhân các khu trọ và người dân khu phố nơi ông ở đều gọi ông bằng cái tên thân mật là Ba Định. Ông Ba Định trước đây là y sĩ Trạm Y tế xã Tân Thới, huyện Lái Thiêu (nay là phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An), sau chuyển về làm Trạm trưởng Trạm Y tế phường Bình Hòa, rồi Trưởng phòng Hành chính Bệnh viện Đa khoa Thuận An.

Trong suốt những năm làm ở trạm y tế, với ông kỷ niệm vui cũng có mà buồn cũng nhiều, nhưng điều khiến ông hạnh phúc nhất là đã giúp đỡ, cưu mang được nhiều trường hợp khó khăn, đẻ rơi, hay mang thai ngoài ý muốn.

Từ năm 2000 trở đi, khi những khu công nghiệp hình thành ở Thuận An, lượng người từ khắp các tỉnh về đây làm công nhân tăng nhanh. Vì cuộc sống khó khăn, họ đã đưa nhau về sống chung để tiết kiệm chi phí ăn, ở, sinh hoạt, nhưng lúc bấy giờ, do chưa được tuyên truyền nhiều về sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình, nên nhiều đôi đã mang thai ngoài ý muốn.

Đau lòng hơn là nhiều trường hợp, người nam cao chạy xa bay, bỏ lại nữ công nhân với cái bụng bầu sắp đến ngày sinh nở. Việc làm không có, vì có bầu nên bị đuổi việc, tiền cũng không, những lúc ấy, vợ chồng ông Ba Định rộng lòng dang tay giúp đỡ, cưu mang họ.

Ông Hồ Văn Định.

Ông Định còn nhớ như in trường hợp một cô gái quê ở Thanh Hoá, thuê trọ ở nhà ông đã lâu. Khi phát hiện cô gái có bầu, ông mới động viên, an ủi và hỏi thăm thì cô gái khóc lóc mà bảo rằng, bạn trai bỏ đi, cô cũng không nhớ mình có bầu mấy tháng, nhưng thấy bụng to, xí nghiệp không cho làm nữa. Thương cô gái không có tiền, ông cho ở trọ miễn phí, còn bảo vợ đi chợ mua rau, thức ăn mang cho mẹ con cô. Rồi ông dò hỏi địa chỉ, số điện thoại gia đình để gọi về quê báo tin nhưng cô gái sợ hãi bảo rằng: "Bố mẹ con mà biết sẽ giết con mất".

Ông lại cười và phân tích rằng: "Họ ở xa thế, làm sao mà vào đây giết được con. Bây giờ con phải lo cho mình trước đã. Để chú đưa đi khám xem bao giờ sinh rồi chú đưa con về quê. Vì nếu ở đây, con không thể nào tự lo cho hai mẹ con con được, rồi ai bế con, cơm nước, phục vụ cho con đi làm". Sau khi nghe ông phân tích, cô gái xuôi lòng, đồng ý để ông đưa đi khám thai và cho số điện thoại gia đình để ông gọi về nhà.

Ngay sau đó, ông Định còn ra tận ga lo tìm chuyến tàu sớm nhất để cô gái về quê. Ông còn gọi điện cho bố mẹ cô nhẹ nhàng giải thích và dặn dò ngày, giờ ra ga đón con gái. Ngày cô về quê, ông dậåy sớm để đánh thức và cho cô ít tiền cùng gói thức ăn đi đường đã được vợ ông chuẩn bị chu đáo rồi chở cô ra ga cho kịp chuyến tàu.

Chưa yên tâm, ông còn nhờ cả những người ngồi bên cạnh trông chừng mẹ con cô gái, đề phòng có chuyện không hay xảy ra. "Có trường hợp về quê không có liên lạc gì, nhưng có trường hợp gọi điện vào cảm ơn và báo tin vui mẹ con cháu bé đều khoẻ mạnh khiến vợ chồng tôi vui lắm. Mình có điều kiện thì giúp người ta đâu cần phải trả ơn", ông Định vui vẻ tâm sự.

Ông Ba Định trao đổi công việc với một cán bộ Công an phường.

Một trường hợp khác cũng khiến ông không thể nào quên. Khi một người chủ nhà hớt hơ hớt hải chạy đến gọi ông, rằng có một sản phụ đẻ rơi trong phòng trọ. Cuống cuồng, ông xách vội túi đồ nghề đã được chuẩn bị sẵn thuốc men, dụng cụ cấp cứu từ trước, chạy ngay đến nhà trọ. Khi đến nơi, thấy người mẹ nằm kiệt sức ở trên giường, đứa trẻ còn chưa kịp cắt dây rốn, nằm lạnh ngắt bên cạnh. Vội vàng, ông quấn chặt đứa trẻ lại, sưởi ấm bằng đèn, sau đó mới quay sang chăm sóc người mẹ.

Sau khi cầm máu, lau rửa, ủ ấm cho sản phụ, ông định đưa bệnh nhân đến bệnh viện, nhưng cô gái nhất quyết không chịu vì cảm thấy sức khoẻ đã ổn nhờ sự cứu chữa nhiệt tình của ông. "Có những trường hợp mẹ con đều khoẻ mạnh, sau khi chăm sóc xong, tôi để họ nằm nghỉ tại phòng, nhưng có những trường hợp nguy hiểm, bắt buộc tôi vẫn phải đưa đến bệnh viện. Những trường hợp đẻ rơi hoặc mang thai ngoài ý muốn, hầu như là họ cho con đi vì không có khả năng nuôi đứa nhỏ. Tội lắm!", ông Định ngậm ngùi chia sẻ. 

Bên cạnh những kỉ niệm buồn thì cuộc đời làm y sĩ của ông cũng chứng kiến những niềm vui bất tận. Ông kể, hôm ấy là khoảng nửa đêm, khi ông đang trực một mình thì có tiếng đập cửa ầm ầm. Hoá ra là hai vợ chồng anh bán đậu hũ rán ông vẫn thường gặp. Bình thường, ngày nào hai anh chị cũng làm hàng từ đêm đến sáng rồi đem đi bán. Mải làm, chị vợ quên mất việc mình đang có bầu, đến khi đang làm thì thấy có dấu hiệu chuyển dạ mới kêu ầm lên. Anh chồng vội gọi xe ôm chở vợ đến trạm xá. Vì sợ, anh này không dám vào nhìn vợ sinh và phụ giúp ông Ba Định đỡ đẻ, vội gọi anh xe ôm vào giúp.

Vì là ban đêm, nên thương tình, anh xe ôm miễn cưỡng vào làm thay nhiệm vụ cho anh chồng. Đến lúc xong xuôi, anh xe ôm mới hoảng hồn: "Từ nhỏ đến lớn giờ con mới nhìn đỡ đẻ đó chú ơi" khiến ông không nhịn được cười. Còn anh chồng thì sung sướng quá chạy đi mua luôn đồ ăn về cho vợ, vì cả tối mải làm, hai vợ chồng chưa kịp ăn gì đã chạy vội vào trạm xá vì suýt đẻ rơi.

Ông Ba Định phát tờ rơi tuyên truyền sức khoẻ sinh sản cho công nhân.

Một trường hợp khác cũng hài hước không kém, một anh công nhân của khu công nghiệp Thuận An chở vợ đến và khẩn thiết nhờ ông giúp đỡ. Sau khi mẹ tròn con vuông, anh ta rối rít cảm ơn rồi đưa vợ con về. Một thời gian ngắn sau, ông lại ngạc nhiên khi thấy anh ta chở vợ đến sinh lần nữa: "Trời ơi, vợ mới sinh mà, sao lại sinh tiếp thế này".

Anh ta rối rít: "Thôi anh Ba đừng rầy em nữa. Anh Ba giúp em, vợ em sắp sinh rồi. Nốt lần này, anh Ba giúp vợ chồng em kế hoạch luôn. Chứ nuôi hai đứa liền cũng cực lắm, nhưng vợ chồng em lỡ rồi". Hai đứa trẻ chỉ cách nhau chưa đầy năm, nhìn giống nhau như hai giọt nước. Nhiều lần ông đến nhà chơi, chúng chạy ra quấn quýt chào hỏi mà ông vẫn cứ nghĩ là chúng sinh đôi.

Dù đã nghỉ hưu, nhưng ông Định vẫn miệt mài làm công tác xã hội. Hiện ông đang là Chủ nhiệm câu lạc bộ nhà trọ, tổ trưởng tổ hưu trí, Trưởng ban mặt trận. Mỗi tháng hoặc mỗi quý một lần, các chủ nhà trọ sẽ gặp mặt nhau, góp tiền thành lập quỹ tương trợ để thăm hỏi, động viên những người có hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt, cuối năm, các chủ nhà trọ sẽ thông báo có bao nhiêu trường hợp công nhân nghèo, không có điều kiện về quê ăn tết. Lúc ấy, Câu lạc bộ nhà trọ sẽ trích tiền quỹ tổ chức chương trình liên hoan, giao lưu văn nghệ cho các công nhân xa quê. "Chúng tôi mượn địa điểm là một nhà trọ rộng rãi hoặc một nhà hàng nào đó để tổ chức, quà tặng tuy không lớn nhưng giúp họ vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương", ông Định chia sẻ.

Để tuyên truyền sâu rộng đến từng công nhân những chính sách, chủ trương của Nhà nước, sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình, an toàn giao thông, chính quyền địa phương đã phối hợp với Câu lạc bộ nhà trọ trang bị những tủ sách pháp luật tại những khu nhà trọ tập trung đông dân cư. Ông Ba Định là Chủ nhiệm câu lạc bộ "kiêm" luôn việc đi đến từng khu trọ, đưa tài liệu tuyên truyền, giúp công nhân nắm được chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước để chấp hành cho tốt. Nhờ tích cực tuyên truyền mà hiện nay tình trạng công nhân mang thai ngoài ý muốn, hay đẻ rơi tại các khu nhà trọ không còn xảy ra nữa. 

Không còn làm công việc của một y sĩ nữa, nhưng khi gặp những công nhân có hoàn cảnh khó khăn, ông Ba Định vẫn nhiệt tình giúp đỡ. Mỗi lần đi qua những khu nhà trọ nghèo, nhiều đứa trẻ chạy ào ra chào vì bố mẹ chúng bảo đó là người đã giúp họ sinh ra chúng, ông cảm động và thấy vui lắm. Với ông, được bệnh nhân và gia đình họ nhớ đến là hạnh phúc lớn nhất cuộc đời mình.

Ngọc Trâm - Tô Thụ
.
.
.