Bắc Ninh: Một đường băng để cất cánh

Thứ Ba, 31/01/2017, 10:53
Nền tảng văn hóa dày, lưu giữ nhiều di tích của cội nguồn Việt. Tài hoa, người Bắc Ninh phát ra nhiều ngành nghề, lan tỏa và quần tụ, chắt lọc tinh hoa để kết lại văn hóa xứ Kinh Bắc. Bắc Ninh đang đà phát triển mạnh, như một đường băng để dân Việt tạo đà cất cánh…

Ninh, chữ cổ với nghĩa yên bình. Bắc Ninh, áo giáp Thăng Long, chí thú làm ăn, ước mong yên bình. Trù phú, nhiều thú vui chơi tang bồng, người xứ Kinh Bắc mở lòng đón khách trúc xinh, trầu trà, giã bạn câu ca “Người ơi người ở đừng về…”.

Đất tổ đạo hành, dày đặc đền chùa miếu mạo, những làn điệu dân ca ngân nga… Ở Bắc Ninh có một lăng mộ cổ giản dị, một đền cổ giản dị treo hoành phi "Nam Bang Thủy Tổ", tức "Thủy Tổ nước Nam". Người Việt khắp nơi nhớ tổ bái vọng, các triều đại phong kiến xếp đền này vào hạng miếu thờ Đế vương, mỗi dịp quốc lễ đều tế lễ, thờ phụng long trọng… Đó là lăng Kinh Dương Vương.

Gần 5000 năm trước, vào năm 2879 trước Công nguyên, Kinh Dương Vương lập nhà nước sơ khai đầu tiên, nước Xích Quỷ, nghĩa là “vầng hào quang đỏ đẹp”. Ông lên làm vua tổ, sau truyền ngôi cho con trai là Lạc Long Quân, rồi đến cháu nội là vua Hùng nối tiếp, đổi tên, đặt nước Văn Lang.

Các vua lập nước đều được thờ khắp nơi. Và tại Bắc Ninh, nơi giữ lăng mộ, đền đài Kinh Dương Vương, từ bao đời cứ ngày 18-1 âm lịch hằng năm, lại mở Lễ hội Kinh Dương Vương, tưởng nhớ vua tổ cho con rồng cháu tiên cùng bái vọng.

“Vũ dũng” nơi Áo giáp Kinh kỳ

Dân làm ăn một thời có lệ ngay sau phút giao thừa, thay vì ra đường hái lộc đầu xuân, lại lũ lượt phóng xe sang Bắc Ninh, vào “xin” Bà Chúa Kho. Nghe tên đã mường tượng bà là tổng quản gia tài, tay hòm chìa khóa, giàu có và quyền thế, đầu xuân ban phát giàu sang, mua may bán đắt…

Vẫn còn ở đó một cái kho từ thời nhà Lý, là một đường hầm nhỏ, mái vòm, xuyên qua lòng núi Kho ra sông Như Nguyệt (sông Cầu). Hầm là bến cảng bí mật tập kết và điều thủy binh thoắt hiện đánh giặc bên sông rồi lại thoắt biến. Đường hầm cũng là kho quân lương, kho vũ khí… lại kiểm soát đường từ Lạng Sơn qua sông Cầu về Thăng Long.

Lễ hội rước "ông Pháo" khổng lồ Ðồng Kỵ.

Tương truyền, có một bà quê vùng này, khéo tổ chức sản xuất, tích trữ quân lương, chu đáo làm nội tướng hậu cần cho quân nước, trông coi "lẫm thóc, lẫm tiền" quốc gia. Bà “thác” ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1077) trong một trận chiến chống quân Tống.

Xuân sang, lễ Bà Chúa Kho mở đầu lễ hội dày đặc. Bắc Ninh, vùng đất tâm linh, hẳn cũng bởi từng là chiến địa của nhiều cuộc kháng chiến giữ nước, xuất hiện nhiều tâm cốt được phong bậc thánh nhân. Đền đài, miếu mạo, chùa chiền… ken dày, ra đường gặp chốn linh thiêng, bởi mỗi mảnh đất nơi này từng có những người con Việt khởi quân xả thân giữ nước.

Bến Bình Than chính xác ở chỗ nào, dù các nhà sử học còn tranh luận, cũng chỉ quanh mấy khúc sông này. Nhưng tinh thần thượng võ, quyết giữ nước rõ ràng được truyền suốt, nào Bình Than, nào Diên Hồng, cả đến sau này cho đến khi đuổi hết giặc. Bên bến sông nơi Trần Quốc Toản bóp nát quả cam lúc nào không biết có đền thờ Cao Lỗ, một người Bắc Ninh chỉ huy đắp thành Cổ Loa, chế nỏ thần giúp An Dương Vương đuổi giặc.

Ông Âu Dương Tựu, thủ từ đền thờ Cao Lỗ kể: “Ngài người quê ở đây, giận giặc quyết theo An Dương Vương, xây thành Cổ Loa, chế nỏ thần, bắn một phát cả trăm mũi tên đồng làm giặc khiếp sợ. Những lần sau, chỉ cần kéo nỏ thần ra, giặc đã phát hoảng tháo lui. Sau ông hy sinh, được một hoang mãnh mang về quê đây thờ tự… Chắc chẳng có con vật nào làm đâu, người quân ta mang về thôi. Ngài là tướng tài, đắc lực giúp vua giúp nước chống ngoại xâm nên dân thờ”.

Cốt cách người Bắc Ninh, Tiến sĩ Sử học Trần Đình Luyện, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Bắc Ninh, nhấn mạnh: là tinh thần yêu nước, thượng võ, anh hùng quả cảm. Người Việt đâu cũng thế, người Bắc Ninh thể hiện đậm bản sắc này, rất Việt.

“Vũ dũng”, chất con người miền đất này. “Đồng Khánh dư địa chí” ghi: đất Bắc Ninh là nơi chủ yếu diễn ra nhiều cuộc kháng chiến, nơi toàn dân là lính. Lý Thường Kiệt đánh quân Tống, Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên… đều lấy địa bàn này làm chiến tuyến.

Thời thế tạo anh hùng, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, người Việt vậy, ở Bắc Ninh còn có ý thức truyền thống từ xa xưa: Gắn chặt làng với nước. Làng là nước, nước là làng.

Trong cái thế ấy, con người được hun đúc tinh thần thượng võ và sáng tạo, bắt cái khó làm ló ra cái khôn. Cao Lỗ, vốn là đô vật xứ Kinh Bắc, khi giặc đến, theo An Dương Vương đánh giặc. Đô vật thành tướng tài là điều dễ hiểu, nhưng trở thành người thiết kế xây thành Cổ Loa, hay mày mò chế tạo nỏ thần hẳn phải từ tâm phát tiết sáng chế. Cao Lỗ cũng được coi là một bậc tổ ngành xây dựng thành quách và chế tạo vũ khí.

Tướng Cao Lỗ nhìn ra mưu giặc bẫy vụ Trọng Thủy -  Mỵ Châu, khuyên cản vua không được, bỏ về ẩn dật. Nhưng lúc vua sa mưu thất cơ, ông lại nhào ra cứu, tôi trung quên mình xả thân. Trung quân nhất trung, việc nước không vì hiềm nhỏ.

Một người tài Bắc Ninh khác là Lê Văn Thịnh, mẫn tiệp khẩu khí, lập nên kỳ tích ngoại giao Việt. Ông đối đáp tài tình, thuyết phục nhà Tống phải trả lại 6 huyện, 3 động thuộc châu Quảng Nguyên (nay là phần đất phía Tây Bắc tỉnh Cao Bằng) cho Đại Việt mà không mất một hòn tên mũi đạn. Nhà Tống tiếc hận phải trả, mà vẫn phải nuốt khen. Nhà ngoại giao Lê Văn Thịnh giương thế Đại Việt ngang Đại Tống, đòi được đất, giải quyết êm ấm bang giao sau chiến thắng lừng lẫy của quân quan Việt trên sông Như Nguyệt, chấm dứt 1.000 năm đô hộ phương Bắc, giữ nước yên bình.

Lòng yêu nước, quyết tâm, sáng tạo, đời sau vẫn ẩn vào các nhân vật, tập thể vùng “Bên kia sông Đuống” nghiêng nghiêng như những người Bắc Ninh Nguyễn  Văn Cừ, đội du kích thiếu niên Đình Bảng...

Điểm giao trên bến dưới thuyền

Thành Luy Lâu nay chỉ còn một bãi đất xanh cỏ, với bờ bao như con đập nhỏ, lơ thơ hàng cây. Đi tìm thành Luy Lâu xưa, phải có người rành dẫn đường, luồn lách qua những đường mòn nhỏ gập ghềnh, ngoắt ngoéo sâu hút.

Một thời lừng lẫy xứ Bắc, Luy Lâu từng là lỵ sở quận Giao Chỉ, thủ phủ của cả Giao Châu từ năm 111 trước Công nguyên đến 106 trước Công nguyên, có thành quách oai nghiêm. Thời Bắc thuộc, Luy Lâu là trung tâm chính trị, kinh tế - thương mại, văn hóa - tôn giáo lớn và cổ xưa nhất đất Việt.

Thời ấy, phương Tây và phương Nam buôn bán, giao thiệp với Trung Hoa, đều qua Giao Chỉ. Luy Lâu, nằm giữa trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, nơi sông Dâu giao với sông Đuống, tấp nập trên bến dưới thuyền, đô thị cảng quốc tế giao với những đoàn người ngựa thồ hàng từ con đường tơ lụa Ấn - Á.

Ở Luy Lâu thương thành, văn hóa các miền, nhiều nước giao lưu đan xen, hỗn dung tiếp xúc, biến đổi hội tụ… Văn hoá Việt cổ chắt chọn và hội nhập với nhiều nền văn hoá từ Phật - Ấn, Nam Á, Trung Á, Nho Lão… để rồi nhào trộn, chắt lọc, sinh thành bản sắc văn hoá Kinh Việt. Một cái nôi văn hóa Việt, với chiều dài và bề dày lịch sử, vươn từ đây.

Chợ xưa, không chỉ bán sản phẩm các nơi tập trung về, còn là nơi bán sản phẩm cây nhà lá vườn của thợ thủ công địa phương cần mẫn. Nhiều nghề, không chỉ bám vào một nghề, con người xứ chợ đất chật người đông, tài nguyên ít… buộc trở nên năng động trong bản tính cần cù. Xoay trở với thương trường, giao lưu vui vẻ, nhanh nhạy với thời cuộc, hoạt trí trong cuộc sống là bản tính con người Kinh Bắc, từ hoàn cảnh nhộn nhịp giao thương ở xứ Kinh Bắc.

Xứ giao thương lâu đời, nên người Bắc Ninh quen quảng giao, hiếu khách, trọng tình nghĩa, thể hiện rõ trong các câu ca quan họ tâm tình… Linh, cô gái Kinh Bắc làm xúc tiến du lịch, giải thích.

Nhanh nhạy chuyển dịch làm ăn

Nhỏ, nhưng tỉnh không “lẻ”, nằm sát và là phên dậu của Thăng Long, nối với cả đồng bằng sông Hồng. Đất hẹp, người hơn triệu, trung bình hơn 1.200 người/km2, cách Hà Nội khoảng 30 km và Hải Phòng, Hạ Long, Cảng Cái Lân, Lạng Sơn khoảng 100 km, trên huyết mạch giao thông chính nối Việt Nam và Trung Quốc.

Địa lợi cùng với nhân hòa giúp Bắc Ninh nắm bắt nhanh thiên thời, vụt lên, thu hút đầu tư, phát triển thành một điểm sáng công nghiệp. Những con đường lớn trải nhựa thẳng tắp kết nối với những khu công nghiệp (KCN) rộng lớn bên những ruộng lúa, màu mênh mông, cảnh trông như… ở nước công nghiệp nào đó.

Nghe tới Bắc Ninh bây giờ, nghĩ ngay đến các KCN rộng lớn, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Bắc Ninh có 15 KCN, thu hút 272 dự án FDI với tổng trị giá hơn 3,7 tỷ USD. Ven những con đường, các KCN trải dài san sát, nào Canon, Samsung, P&T, Sumitomo, nào Foxconn, ABB, Orion... thu hút 254 dự án trong nước với vốn hơn 1 tỷ USD và hơn 83.000 công nhân. KCN và Đô thị VSIP Bắc Ninh rộng 700 ha, với vốn đầu tư 80 triệu USD.

Lễ hội Kinh Dương Vương.

Nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp bao đời đã ngự trên đất này, ước mơ nhà ngói cây mít giếng khơi đang lùi lại. Ông Hùng, một trẻ đánh dậm ven ao làng ngày xưa, nay thành một đại gia, kể: Ông và bạn bè trang lứa không bám nông nghiệp, không chịu phụ thuộc nắng mưa nữa, lên thành phố làm công nghiệp, dịch vụ. Các làng nghề truyền thống cũng lần lần tắt lò.

Rất nhiều trong số 120 làng nghề sản xuất ở Bắc Ninh, dù đóng góp không ít cho quê nhà, đang dần chuyển, làm dấy lên nỗi lo mất nghề thủ công truyền thống. Nông nghiệp cũng vào cảnh ấy, nhất là khi công nghệ mới tràn vào, chuyển sang trồng hoa màu có giá trị kinh tế cao. Nông dân Kinh Bắc mau lẹ nắm lấy cái mới, dù lòng còn nặng với tiểu thủ công truyền thống…

Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch mạnh mẽ. Nông dân trẻ “rũ bùn đứng dậy” làm công nghiệp. Nông - lâm - ngư nghiệp truyền thống chỉ còn chiếm 5,3%, trong khi công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng đến 75,6% và 19,1%.

Xưa có câu “Trai Đáp Cầu đi thầu nuôi vợ, gái Thị Cầu đi chợ nuôi chồng”. Chồng đi cày, vợ đi buôn một thời là hình ảnh thường thấy ở phía bắc Kẻ Chợ. Chất phác, trực người trực tính lại tháo vát, quảng giao. Có làng nghề, nhưng phần lớn các làng có nhiều nghề. Người Bắc Ninh trên con đường giao thương buôn bán rất nhanh nhạy nắm bắt và khéo xoay trở với thời vận. Quyết liệt làm ăn là quyết liệt với hiệu quả, năng động chuyển đổi, không trông chờ vào một loại hàng, loại ngành.

Phi thương bất hoạt, một sắc thái của người Bắc Ninh là hoạt bát, chuyển hóa nhanh, buôn bán tài hoa, đầy tính năng động, giỏi giao tiếp, xởi lởi và tình nghĩa, kết bạn rộng rãi. Thăm nhà nào cũng thấy bóng dáng người phụ nữ xưa, có cái chất từ thời vua bà mẫu hệ, một tay xoay vần, đảm đang, quán xuyến việc nhà nhẹ nhàng, vẫn thoảng toát cái duyên tươi dân gian đặc thù.

Xứ lễ hội, tình quảng giao

Dấu tích Phật đậm nét trên đất Bắc Ninh tâm linh. Sư Khâu Đầu La từ Ấn Độ đến Luy Lâu truyền đạo, lập nên những dấu tích nhà Phật. Chùa chiền mọc lên khắp nơi, hoành tráng và ấm cúng tạo khoảng không tâm linh, với những dấu ấn kiến trúc, nghệ thuật mỹ thuật riêng.

Các công trình kiến trúc, mỹ thuật mọc lên là chứng tích vật chất về vùng đất cổ minh chứng vùng quê trù phú tâm linh. Trong không gian ấy, con người sống tình cảm, hiểu rõ cội nguồn, gắn với làng, với nước.

Hội Lim.

Ông Huy, một nghệ nhân về mỹ thuật tâm linh đạt nhiều giải thưởng, bằng cấp công nhận, nức tiếng về trang trí nội ngoại thất nhiều đền chùa trong vùng, kể: ông được tiếp truyền nghề từ 5 đời gia truyền, đặt hết tâm trí vào các môtíp, tạo dấu ấn truyền thống, phong cách Việt.

Ông nói làm việc này phải đưa được cái tâm, truyền được chất mỹ thuật Việt vào từng nét rồng phượng, đúng với từng thời. Lại phải nghiên cứu kỹ kho tàng mỹ thuật dân gian địa phương, các chi tiết, áp dụng bí quyết kỹ năng nghề, cách dùng và xử lý vật liệu… mới thổi hồn được cho tác phẩm, tiếp tục truyền cho đời sau.

Dân gian xếp hạng: Thứ nhất là đình Đông Khang, thứ nhì Đình Bảng, thứ ba Đình Diềm. Cửa Võng Đình Diềm được coi là độc nhất vô nhị. Cửa Võng là hậu cảnh bàn thờ chính. Ở làng Diềm, Cửa Võng oai nghiêm được tinh tế khắc họa về đời sống xã hội đương thời bằng nghệ thuật chạm trổ, sơn son điêu luyện.

Xây năm 1692, thời hậu Lê, trong cảnh nội chiến đàng trong đàng ngoài, với thập điện cửu trùng 9 tầng, được vua cho phép làm theo kiểu cung điện. Các quần thể tiên nhìn xuống hạ giới, đèn lồng ô cửa rồng mây, nước sơn vẫn óng ánh 300 năm nay…

Bên cánh Cửa Võng trổ ông già ngồi đánh cờ. Ván cờ thế nước, ước vọng thanh bình. Dưới là cảnh thiếu nữ cầm hoa sen. “Em là con gái Bắc Ninh. Em nghiêng vành nón mái đình nghiêng theo. Tòa sen Phật muốn làm thinh. Nghe em hát bỗng hóa mình trần gian”.

Chốn thâm nghiêm, cảnh thiếu nữ lả lơi vẫn được đưa vào thờ cúng, lại tạc cả cảnh thân gái vuốt râu rồng. Phận nữ nhi dám cưỡi, vuốt râu rồng, giỡn mặt với bề trên ở nơi thờ cúng trang nghiêm là gì? Cụ thủ từ đình làng Diềm giải thích: Đình xây thời Trịnh Nguyễn rối ren. Các chi tiết nghịch cảnh này là thể hiện mong ước đổi thời thay thế. Và quả nhiên, chỉ ít lâu sau Quang Trung xuất hiện.

Dưới cùng Cửa Võng làng Diềm là cảnh người ngựa - ngựa người, cô gái nằm dưới bụng ngựa. Phồn thực lại rất nhân văn, nét ảnh hưởng văn nóa Chăm, khuyển mã chi tình.

Xứ lễ hội dày đặc, trung tâm thu hút khách thập phương, người Bắc Ninh vui vẻ quảng giao, kết bạn nghĩa tình. Cái “chất” Bắc Ninh ấy giờ thế nào? Mai, một nhà báo trẻ ở Bắc Ninh chúm chím tóm gọn: Bắc Ninh chân tình…

Thượng võ kết chạ

Bắc Ninh, đất của các lễ hội đậm chất thượng võ. Tương truyền vua bà, là con gái Vua Hùng đời thứ 6. Khi kén phò mã, vua cho tung 3 quả cầu gỗ để chọn người may mắn. Bà không ưng, đòi tổ chức thi đấu vật để chọn. Chọn rồi, 3 tháng sau đi du ngoạn, khi ra khỏi thành gặp trận cuồng phong, bà cùng 49 cặp hầu trai gái rơi xuống vùng này, ở lại dạy dân cấy lúa, trồng dâu, ươm tơ, ca hát.

Hát quan họ để cầu mùa, cầu mưa. Xưa gọi là bọn quan họ, nhà chứa quan họ, tập trung 49 nam, 49 nữ, tổ chức 49 làng quan họ cổ, sáng tác 230 làn điệu với gần 500 bài đối đáp giao duyên, kết chạ với nhau…

Tục nay vẫn thế, khách đến chơi nhà phải ca quan họ. Kỵ húy chữ Hát trùng tên quan lớn, phải gọi là ca. Ca mời trầu nước. Giã bạn, ca “Người ơi người ở đừng về…”.  Bà Nguyễn Thị Tranh, thủ nhang đền Vua bà Thủy tổ quan họ, kể quan họ có câu như tiêu chí: Ai mà ca được ắt là hiển vinh…

Bắc Ninh có gần 100 lễ hội lớn nhỏ, trong đó có 3 lễ hội quan trọng: Ngày giỗ Thủy tổ dân tộc Việt Nam - Kinh Dương Vương, Hội Chùa Bút Tháp, Hội chùa Dâu - rước phật Tứ Pháp.

Ngày hội, cả làng tiếp khách. Rồi nhà nào cũng muốn kéo khách về nhà. Không có khách thấy buồn thua thiệt. Có khách là thịnh vượng. Xứ trù phú, dân ăn chơi, có máu nghệ thuật, quảng giao rộng rãi, hiếu khách, đưa bạn về thăm hội, về nhà, khoe niềm tự hào xứ Kinh Bắc.

"Áo đỏ, áo tía đầy triều”

“Áo đỏ, áo tía đầy triều” là câu nói về người Bắc Ninh đỗ đạt, làm quan nhiều trong triều. Ăn xứ Bắc, mặc xứ Kinh. Đất khoa bảng nhiều người được mặc áo quan. Người Bắc Ninh “áo đỏ, áo tía đầy triều”, theo thống kê, chiếm đến 1/3 tiến sĩ, 1/3 trạng nguyên cả nước.

Một người Bắc Ninh xưa, cụ Nguyễn Đăng Đạo, một trong hai Lưỡng quốc Trạng nguyên (cùng Mạc Đĩnh Chi), từng được phong là Đệ nhất Khôi nguyên Bắc Triều. 

Họ Nguyễn ở Kim Đôi, xã Kim Chân, được vua ban chữ vàng khen ngợi vì thành tích học tập. Theo sử sách ghi chép, gia đình này có nhiều người cùng đỗ đạt nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam: trong vòng 9 năm (1466 -1475), 5 anh em ruột lần lượt trở thành tiến sĩ khi chưa tròn 20 tuổi.

Đất thượng võ, đất học, mảnh đất sinh ra nhiều người tài, nhiều quan giúp nước. Truyền thống hiếu học của người Việt đến nay vẫn âm thầm chảy trong người đất học. Nhiều hình thức hỗ trợ, khuyến học, tạo điều kiện chăm sóc tài năng được coi trọng ở Bắc Ninh, như một truyền thống không ngừng chảy.

Lan tỏa và hội nhập

Trước khi đạo Phật vào, người Việt thờ thần siêu nhiên. Ở Bắc Ninh có các chùa thờ các thần mây, mưa, sấm, sét. Rồi du nhập, hội nhập tiếp thu triết đạo Phật và các đạo khác…

Bắc Ninh còn nhiều di tích hội nhập này. Thờ người có công, cả người Bắc Ninh, cả người nơi khác đến. Thờ Thủy tổ, thờ Mẫu, thờ Âu Cơ, Thánh Gióng, Bà Chúa Kho, học tổ, tổ nghề, Vua bà…,  tảng nền cơ tầng đầu tiên văn hóa Việt, gắn kết con người với họ hàng, làng nước trên tảng nền vững chắc.

Kết chạ (giao kết cộng đồng chặt chẽ) hình thức mở rộng giao lưu là một đặc tính từ xưa của người Bắc Ninh, nay đang được nhân lên vào thời hội nhập. Khác với thoát ly đi hẳn, người Bắc Ninh lan tỏa đi bốn phương vẫn gắn với miền đất tâm linh này. Đi để về, làm phận sự với quê nhà. Chưa về được, người Bắc Ninh có truyền thống giao chức phận cho người thân làm thay, không trốn trách nhiệm lương tâm.

Bắc Ninh đang đổi mới từng ngày. Tỉnh có kế hoạch tăng nhanh tỷ trọng du lịch trong cơ cấu kinh tế địa phương, tạo điều kiện đón khách về đất tổ thấm dày văn hóa truyền thống. Khách sạn 5 sao đầu tiên tại Bắc Ninh, Le Indochina Hotel & Spa khai trương ngày 28-12-2016 tại Suối Hoa.

Đến cuối năm 2016, Bắc Ninh đã làm thêm 2.140km nền đường; trải 332km đường nhựa, bê tông hóa gần 2.110km… Đi trên những con đường thênh thang này, cảm giác như đường băng chạy đà để cất cánh…

Long Viên
.
.
.