Bác sĩ Vũ Bá Quyết: Tôi không thấy tôi sai ở chỗ nào

Thứ Tư, 01/04/2015, 15:00
LTS: Những ngày vừa qua, dư luận lên nóng với câu chuyện Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, PGS.TS Vũ Bá Quyết đã từ chối không mổ cho bệnh nhân khi biết nữ bệnh nhân này là một người viết báo. Nhà văn Y Ban, cũng là một nhà báo, một người từng là bệnh nhân của bác sĩ Quyết đã có một cuộc gặp gỡ để trao đổi với ông xung quanh vấn đề này.

Người ta thường đùa: "Một người đàn bà hiện đại phải cần 4 người đàn ông bên cạnh: Một là chồng, hai là tình nhân, ba là bác sỹ phụ sản, bốn là luật sư". Tôi là người đàn bà hiện đại một nửa, tôi cần chồng và bác sỹ phụ sản.

Tôi được làm quen với bác sĩ Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW đã lâu, từ khi ông chưa chức tước gì. Cũng không phải là bạn bè thân tình từ trước, chỉ là phóng viên đến lấy tin và ông là người trả lời. Rồi sau đó vì cái nửa “người đàn bà hiện đại” kia mà tôi hay phải nhờ vả ông.

Phần việc nào ông giúp được thì ông giúp, phần nào không trực tiếp giúp được thì ông chỉ dẫn tỉ mỉ. Cho đến khi ông làm lãnh đạo thì vẫn một thái độ nhiệt tình như thế. Nay tình cờ đọc bài báo: "Bác sỹ từ chối mổ vì biết bệnh nhân là người viết báo" thì quá ư là ngạc nhiên, bèn bắt điện thoại gọi cho ông. Ông mệt mỏi trả lời: “Cuối giờ chiều qua tôi một tí”.

"Nhà văn ạ, tôi chẳng thấy tôi sai ở chỗ nào" - Gặp tôi ông nói ngay. "Tôi cũng là nhà báo đấy nhé" - Tôi chọc ông để giãn không khí đang bị cô đặc.

Bác sĩ Vũ Bá Quyết.

"Đây là một ca u nang buồng trứng, khám theo yêu cầu. Tôi đã hướng dẫn khá tỉ mỉ" - bác sĩ Quyết mở đầu câu chuyện

- Thưa anh,tôi đã đọc trên báo và đã hiểu câu chuyện. Nhưng tôi  muốn biết cặn kẽ vì sao anh lại dị ứng với người viết báo như thế, trong khi anh vốn là người mềm mại và thân thiện với nhà báo?

+ Câu chuyện thế này, cách đây vài tháng, tôi nhận được cú điện thoại: Thưa bác cháu tên là X, vợ cháu sắp sinh con. Cháu được ông Y bà Z giới thiệu, bác là một bác sỹ rất mát tay và giỏi nghề. Vợ cháu sinh con lần đầu, đã đăng ký khám và đẻ ở bệnh viện A (bệnh viện tư nhân). Cháu mong bác giúp đỡ chúng cháu.

Tôi trả lời là tôi bận rất nhiều việc, tôi sẽ giới thiệu cho bác sỹ khác cũng giỏi nghề và mát tay không kém. Nhưng cháu X năn nỉ: Chúng cháu chỉ tin tưởng bác thôi, bác cố giúp chúng cháu. Vì tôi cộng tác với một số bệnh viện tư nhân để làm thêm ngoài giờ, một mặt muốn giữ uy tín cho bệnh viện H., mặt khác cũng không muốn sản phụ cứ phải cầu cạnh mình mãi. Cũng xin nói thêm, đây là ca mổ theo yêu cầu, có nghĩa là sản phụ có tiền trả theo yêu cầu và bác sỹ cũng được phép mổ để lấy tiền dịch vụ.

Một việc làm được Nhà nước cho phép, không sai phạm gì. Tôi hẹn bệnh nhân mổ vào khoảng 6 giờ tối. Một ca mổ như bao ca mổ "bắt con" khác. Tôi cũng tràn đầy hạnh phúc khi ca mổ thành công, mẹ tròn con vuông, cả đại gia đình hạnh phúc. Nhưng thật không ngờ, gia đình bệnh nhân này lại quay phim, chụp ảnh, ghi âm rồi đưa câu chuyện lên báo, nói về giá dịch vụ mổ theo yêu cầu như thế là "cắt cổ". Trong khi việc này là hoàn toàn tự nguyện. Bệnh nhân lựa chọn và không ai ép họ cả.

Tôi hơi dài dòng một tí để tâm sự với nhà văn. Cái nghề cầm dao mổ của bác sỹ không ai có thể nói thánh nói tướng được. Không ai có thể chắc chắn 100% là thành công không có tai biến, không có sự cố. Chúng tôi được đào tạo bài bản ở trong trường đại học, rồi đi tu nghiệp ở nước ngoài.

Chúng tôi được thực hành trên mô hình, rồi mổ trên tử thi. Khi ra hành nghề, như tôi đã mổ hàng ngàn ca nhưng chỉ khi mở thành bụng của bệnh nhân ra thì mới biết thực tế ca mổ của mình ở dạng bình thường hay phức tạp, cho dù là một ca mổ đơn giản. Vì một thực tế là không có bụng ai giống bụng ai.

Mỗi cơ thể con người đều có một đặc điểm riêng. Tôi nghĩ thế này, bác sỹ cầm dao mổ cũng giống như chúng ta tham gia giao thông, mình là người đi rất đúng đường, đúng luật nhưng người khác lại đâm vào mình. Tôi chỉ buồn, là mình có làm gì sai đâu mà họ lại bêu mình trên báo như vậy.

- Có những quy tắc trong ngành Y là, dù có là bác sỹ phẫu thuật giỏi thì cũng không bao giờ được cầm dao mổ cho người thân. Vậy với một người mà đang làm cho mình bức xúc thì mình có nên cầm dao mổ cho người đó không, thưa bác sĩ?

+ Chúng ta hay bàn đến các vấn đề to tát mà đôi khi lại bỏ qua các tiểu tiết tuy rất nhỏ nhưng lại là yếu tố quyết định đến vấn đề lớn. Bác sỹ làm nghề chữa bệnh cứu người nhưng bác sỹ cũng là con người, phải không nhà văn? Bác sỹ cũng có gia đình, cũng có tình cảm yêu ghét phân minh. Tại sao nhiều người khi nói đến ngành Ylà vội vàng nói đến y đức mà bỏ qua việc các thầy thuốc phải làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

Hãy xem họ có phạm luật gì không, rồi hãy nói đến y đức. Trong trường hợp với cô T., cộng tác viên của báo NĐT, tôi đã làm đúng cả tình lẫn lý. Cô ấy khám theo yêu cầu và mổ theo yêu cầu, chứ không phải là bệnh nhân cấp cứu. Tôi đã từ chối ngay từ đầu là tôi rất bận, nhưng cô ấy vẫn đề nghị tôi mổ. Khi biết cô ấy là cộng tác viên viết bài cho tờ báo đã từng cài bẫy tôi, tôi quyết định không thực hiện ca mổ này.

BS Vũ Bá Quyết khẳng định đã từ chối mổ dịch vụ cho bệnh nhân khi biết  người này là phóng viên viết bài cho một tờ báo đã từng cài bẫy ông.

Vì tôi lo ngại hai điều, thứ nhất là lo biết đâu mình lại bị cài bẫy. Thứ hai là có thể với một tâm trạng không được thoải mái, nhỡ đâu tôi sẽ thao tác sai. Tôi nghĩ tôi làm thế không sai. Khi tôi không sai thì lương tâm tôi rất thanh thản. Tôi chỉ buồn vì khi cứ phải giải quyết những sự vụ thế này thì bao nhiêu lịch tiếp bệnh nhân lại phải dừng.

Nhân đây tôi cũng muốn chia sẻ với các chị, các em, ở bệnh viện của tôi có 100 bác sỹ được đào tạo bài bản, có thể mổ được. Và chúng tôi cũng tham gia Dự án hỗ trợ y tế vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Bắc Bộ, chuyển giao kỹ thuật và đào tạo lại cho các bác sỹ của 15 bệnh viện. Vì thế các chị, các em khi mắc bệnh cũng không cần phải vượt tuyến, vừa tốn kém đi lại vừa gây tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

- Liệu rằng câu chuyện này có làm anh sợ va chạm với các nhà báo sau này?

 + Tôi rất tôn trọng và nể các nhà báo giỏi, có lương tâm nghề nghiệp. Một cái nghề rất cần đến tài năng. Và chính vì sự nể trọng bao nhiêu thì câu chuyện vừa rồi làm tôi thất vọng bấy nhiêu. Nếu họ định đánh ai vì mục đích đem lại sự công bằng cho xã hội, hoặc để nâng cao uy tín của tờ báo hoặc là vì mục đích gì gì nữa mà tôi không tiện nói ra đây thì họ phải tìm hiểu thật kỹ và kín cạnh. Ai chẳng biết một bài toán đơn giản rằng, khi đến bệnh viện thì có rất nhiều hạng mục phải chi trả chứ đâu chỉ có công bác sỹ.

- Xin cám ơn bác sĩ về cuộc trò truyện cởi mở này.

Y Ban (thực hiện)
.
.
.