Số phận cay đắng của những người lao động "chui" bên Trung Quốc:

Bài 2: Cuộc sống nơi địa ngục trần gian và những cái chết không được báo trước

Thứ Ba, 27/05/2014, 09:58
Những tưởng thoát khỏi công trường xây dựng để tìm đến một công việc tốt hơn nhưng nào ngờ nhóm của Tuấn (xã Xuân Lộc, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa" mắc ngay phải siêu lừa hơn hẳn Quang. Lan đưa nhóm Tuấn đến một xưởng gỗ nằm sâu trong rừng và bi thảm hơn, sức lao động bị vắt kiệt và cuộc sống của họ tưởng chừng như đang ở địa ngục trần gian.
>> Đi tìm miền đất hứa

Bữa cơm chan hòa với nước mắt

Tuấn kể, xưởng gỗ mà nhóm Tuấn đến làm nằm sâu hun hút trong rừng. Từ xưởng gỗ ra được đến chợ phải đi mất cả buổi trong khi đoạn đường đó chưa đến 2km. Nghỉ ngơi được một ngày cho lại sức, nhóm Tuấn được chủ xưởng gỗ phân công làm công việc xẻ những tấm gỗ to thành những lát mỏng. Trong xưởng gỗ độ gần 20 người và người Hoa chiếm hơn nửa trong số những lao động tại đó. Tuy nhiên, ông chủ người Hoa tỏ ý phân biệt nên cho người Hoa làm những việc nhẹ nhàng không ảnh hưởng tới sức khỏe còn lao động Việt Nam thì bố trí những công việc nặng nhọc, làm việc trong môi trường độc hại và nguy hiểm tới tính mạng.

Theo như thỏa thuận, nhóm của Tuấn sẽ được ông chủ trả cho 6 triệu tiền Việt sau khi đã trừ vào chi phí ăn ở. Nhưng so với sức lao động bỏ ra thì số tiền ấy chẳng thấm tháp vào đâu khi một ngày những người lao động Việt Nam phải làm việc quần quật 14 tiếng. Tuy nhiên, số tiền lương đầu tiên sẽ không được lĩnh vì số tiền đó đã được trừ vào tiền xe, tiền ăn ở. Vì làm công việc nặng nhọc lại trong môi trường độc hại, Tuấn và một số người bị ốm nặng nhưng chủ xưởng vẫn bắt đi làm.

Làm việc nặng nhọc nhưng bữa ăn dành cho họ chỉ là những bát cháo loãng được chủ nấu từ cơm nguội còn thừa sau đó cho nước vào đun thành cháo. "Mới đầu tất cả mọi người đều không thể nuốt nổi nhưng nghĩ nếu không ăn thì không có sức làm. Nhưng nồi cháo đó chủ yếu là nước, loáng thoáng mới thấy hạt cơm nổi lên, tuy nhiên mỗi người chúng tôi chỉ có 2 bát". Vừa nói Tuấn vừa rơm rớm nước mắt khi nghĩ về những ngày cơ cực đó.

Dù là người có sức khỏe nhưng khi làm việc ở đây Tuấn phải lắc đầu ngao ngán. Mất một tuần đầu Tuấn làm việc ở xưởng xẻ gỗ, phải khiêng vác những cột gỗ to cho lên bàn để xẻ ra thành những ván mỏng. Không chịu được, Tuấn xin sang bộ phận khác và được chủ xưởng bố trí cho việc rạch ván. Những tấm ván này được ép từ mùn cưa sau khi đã ép thành ván thì nhiệm vụ của Tuấn rạch những tấm ván này theo khuôn nhất định và sau đó mang ra ngoài trời phơi khô.

Phần nhiều lao động chui của Việt Nam sang Trung Quốc làm việc ở công trường.

Công việc tưởng chừng như nhẹ nhàng nhưng nó lại vô cùng độc hại. Mùi mùn cưa xộc vào mũi, vào họng cho dù Tuấn đã đeo mấy chiếc khẩu trang để bảo vệ nhưng vẫn không đỡ chút nào. Chỉ sau một tuần, Tuấn ốm nặng và ho dữ dội, những cơn ho kéo dài mãi làm cho Tuấn không thể bước chân nổi. Không có tiền mua thuốc, Tuấn phải vay từng đồng của người bảo vệ xưởng gỗ và sau trận ốm ấy Tuấn sụt mất hơn 5kg sau một tháng uống thuốc.

"Tôi chưa bao giờ ho dữ dội như vậy, mỗi lần cơn ho kéo đến là đau rát như chừng xé tan cả lồng ngực. Ốm không thể đứng vững nhưng chủ vẫn bắt ép đi làm, nếu không làm thì không có cơm ăn. Cầm bát cơm ăn mà nước mắt chảy dài hòa lẫn cả vào đó. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ rơi vào hoàn cảnh éo le này", Tuấn chua xót kể lại.

Từ ngày vượt biên sang Trung Quốc làm thuê, cả nhóm của Tuấn không thể liên lạc về cho gia đình. Ai cũng nhớ nhà, nhất là những hôm trời mưa thì nỗi nhớ càng trở nên quay quắt hơn. "Mưa rừng ở đây dữ lắm, nó tuôn ào ào như thác đổ. Cả đêm nằm nghe tiếng mưa khiến cho chúng tôi không ai tài nào chợp mắt nổi.  Lúc này chỉ thèm được về Việt Nam ở với gia đình nhưng có muốn cũng không được vì trong người chúng tôi không có tiền để thuê xe trong khi đó tiền chủ xưởng gỗ đứng ra trả tiền xe trước đấy chúng tôi vẫn chưa trả đủ", Tuấn nói.

Làm hết tháng thứ hai và đến ngày lĩnh lương, cả nhóm ai cũng háo hức chờ đến lúc nhận tiền. Tuy nhiên, để ràng buộc người lao động Việt Nam, chủ xưởng gỗ chỉ trả cho họ một phần số tiền lương để chi tiêu, phần còn lại chủ xưởng bảo khi nào về thì sẽ trả một thể. Quá uất ức, nhiều người phản đối và định trở về Việt Nam thì ông chủ người Hoa này giở chiêu bài dọa dẫm và bắt những người này ở lại làm đến tết mới cho về. Tuấn kể "đi cũng chết mà ở lại cũng chết nhưng nếu trốn được thì cơ may sống còn có hy vọng chứ ở lại làm thì không biết khi nào mới thoát khỏi cảnh làm trâu ngựa cho họ". Và lần này ý định bỏ trốn lại được họ nung nấu nhưng khác với lần trước cuộc bỏ trốn này chỉ có 3 người. Số người còn lại vì sợ trả thù nên không ai dám bỏ trốn và không biết số phận của họ hiện giờ ra sao.

Khi đi trai tráng, khi về… "thây ma"

Cuộc chạy trốn diễn ra đúng vào lúc cơn mưa rừng ào ào đổ. Để tránh bị phát hiện, cả ba người đều bỏ lại đồ và quần áo. Lợi dụng bảo vệ đổi ca gác, cả ba người men theo bờ tường và vượt rào, họ cứ thế chạy mãi mà không dám quay đầu lại phía sau để nhìn. Do trời mưa, đường trơn đã bao lần cả ba người ngã dúi dụi đến nỗi chảy cả máu nhưng lúc đó như có sức mạnh vô hình, nỗi đau bên ngoài không gây cho họ cảm giác đau đớn. Điều duy nhất lúc này là làm sao chạy thoát vì nếu như bị bắt lại chắc chắn cuộc sống của họ ở những ngày tiếp theo sẽ không hề dễ chịu chút nào.

Xưởng sản xuất áo mưa - nơi Tuấn đã từng làm bên Trung Quốc.

Lần này số phận lại mỉm cười với họ khi cả ba đều thoát. Cũng may cùng đi với Tuấn có một người trước đây đã từng làm ở một xưởng áo mưa ở Phúc Kiến thế nên ngay sau đó cả ba bắt xe đến Phúc Kiến tìm vào xưởng áo mưa xin làm. Công việc chính của cả 3 người lúc đầu là ép các viền của áo mưa bằng nhiệt và sau khi đã quen tay nghề thì ba người nhóm Tuấn được chủ áo mưa cho vào may từng bộ phận của áo.

Làm ở xưởng áo mưa công việc phần nào cũng đỡ vất vả hơn nhưng 3 người nhóm Tuấn vẫn phải làm việc 12 tiếng một ngày và chỉ có một tiếng để nghỉ trưa và nghỉ tối sau đó cả nhóm tiếp tục  làm việc đến lúc nửa đêm.  Theo như Tuấn chia sẻ, để tìm được công việc như ý  bên Trung Quốc là điều không dễ dàng gì và công việc hiện tại của Tuấn ở xưởng áo mưa có thể coi là niềm mong ước của không ít người đang làm việc nơi bên kia biên giới. Công việc thuận lợi hơn so với công trường và ở xưởng gỗ nhưng điều làm Tuấn luôn sống trong tình cảnh lo âu phấp phỏng chính là việc cảnh sát Trung Quốc đi kiểm tra bất ngờ tại những nơi có lao động Việt Nam làm việc. Tuấn bảo "chẳng may bị cảnh sát bắt thì sẽ bị đưa vào trại tị nạn giam ở đấy mất mấy tháng sau đó bị đưa về nước".

Theo lời Tuấn, khi sang Trung Quốc,  điều làm Tuấn ám ảnh và vẫn nhớ như in cho tới tận bây giờ chính là những lần chứng kiến cảnh tai nạn lao động của người Việt mình, đặc biệt  điều làm Tuấn xót xa, đau đớn nhất khi được tận mắt chứng kiến không ít trường hợp phải bỏ mạng vì đánh nhau do mâu thuẫn.

Như Tuấn chia sẻ thì Quảng Đông là tỉnh có nhiều người Việt vượt biên trái phép nhất hiện nay. Số lượng người nhập cư tại đây có khi phải lên tới con số hàng nghìn người và với số lượng nhiều như vậy mỗi tỉnh đều thành lập một bang hội riêng ví như làng "làng Thanh Hóa", "làng Hà Tây", "làng Hải Phòng", "làng Bắc Giang"… Chính vì thành lập các làng riêng biệt như vậy nên đã không ít các cuộc thanh trừng lẫn nhau và nhiều khi chỉ vì một câu nói vô tình cũng xảy ra án mạng.

Từ Quảng Đông để về đến của khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) nếu đi nhanh  ít nhất cũng phải đi hơn một ngày đường và việc đưa được xác về Việt Nam thì vô cùng gian nan, vất vả. Lặng người hồi lâu, Tuấn buồn bã cho biết: "Tôi có một người bạn trước đây cùng học với nhau thời cấp ba cũng bị chết ở Trung Quốc đến nay vẫn chưa mang được xác về. Vì ngày đấy nếu muốn đưa được xác về nhà thì gia đình phải nộp cho phía Trung Quốc 600 triệu đồng, nhưng vì nhà nghèo đến nay cậu bạn cấp III cùng huyện với tôi hiện vẫn đang nằm đâu đó ở phía bên kia biên giới".

May mắn hơn trường hợp của bạn Tuấn, anh Kha cùng làm ở xưởng áo mưa với Tuấn cho biết thêm: "Tôi có người em họ nhà ở Trùng Khánh cũng vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê và không may bị chết do rơi giàn giáo. Phía Trung Quốc họ cũng đòi tiền nhưng anh xem chúng tôi sang bên này làm thuê thì tiền đâu mà chuộc xác về được. Chúng tôi họp bàn gia đình và phân công 6 người sang bên kia mang xác em tôi về qua đường tắt và mỗi người phụ trách từng đoạn. Phải mất một tuần xác em tôi mới về tới nhà và khi mở ra thì xác bắt đầu phân hủy và bốc mùi nồng nặc", anh Kha cho hay.

Để ngăn chặn lao động chui vượt biên sang Trung Quốc, ngành LĐ - TB&XH cần phối hợp với các địa phương quản lý quỹ lao động trên địa bàn, đồng thời cần tuyên truyền, giáo dục cho người dân và nhất là những lao động ở miền núi. Ngoài ra, phải cảnh báo hậu quả của việc đi xuất khẩu lao động chui để cho những ai có ý định vượt biên sang Trung Quốc làm thuê thì sẽ dừng lại đúng lúc. Có như vậy tình trạng lao động chui sang Trung Quốc làm thuê mới được hạn chế

Ngọc Linh
.
.
.