Đi tìm lời đáp nơi "rốn" tái định cư thủy điện:

Bài 3: Chính quyền không hứa suông, người dân cần nâng cao hiểu biết

Thứ Năm, 14/08/2014, 15:00

Không ai phủ nhận những lợi ích mà các công trình thủy điện mang lại. Cũng không thể vì những tồn đọng và vướng mắc trong công tác di dân và tái định cư (TĐC) thủy điện mà không tiến hành những công trình thủy điện, thủy lợi lớn. Nhưng đã đến lúc, việc cân bằng lợi ích chung của đất nước và lợi ích người dân cần được đặt ra một cách nghiêm túc. Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng là thành viên cố vấn Ban chỉ đạo Trung ương về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

=> Bài 2: Dự án TĐC Thủy điện Bản Vẽ và khu vực Tây Nguyên - Mỏi mòn vùng đất khát

+Đến nay, công tác hậu di dân và tái định cư thủy điện đã xong chưa, thưa ông?

- TĐC thủy điện là một vấn đề không chỉ riêng nhân dân mà cả Chính phủ cũng hết sức quan tâm. Trong quá trình phát triển đất nước, không thể không làm những công trình thủy điện, thủy lợi lớn được. Mà đã làm thì phải có quá trình TĐC. Nói về quá trình này, có những công trình rất lớn như Thủy điện Hòa Bình, bắt đầu từ năm 1976, tức là gần 40 năm rồi mà đến giờ vẫn chưa khắc phục xong hậu quả. Đời sống của dân cư ở đó vẫn chưa ổn định và đang chịu nhiều hệ lụy. Hay như công trình nhà máy Thủy điện Sơn La, được xem là công trình lớn nhất của ta ở thế kỷ XXI và cũng là dự án TĐC có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á với 100 ngàn dân; lại là TĐC tại chỗ, TĐC tập trung tại địa phương 3 tỉnh là Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, không phải di chuyển đến những nơi xa xôi khác như Tây Nguyên chẳng hạn - thì đến giờ vẫn đang có nhiều vấn đề cần phải bàn.

+ Vậy nguyên nhân của cái "cần phải bàn" ở đây là gì?

- Quá trình TĐC tại các dự án thủy điện bao giờ cũng đặt ta vấn đề về bố trí dân cư, đi với đó là bố trí sản xuất. Chính phủ ta đã có rất nhiều nỗ lực để giải quyết vấn đề hậu di dân, trước hết ở 2 khâu. Thứ nhất là tập trung ổn định đời sống nhân dân, cũng như nhà cửa, trường học, bệnh xá. Thứ hai chính là ổn định phát triển bền vững. Có những quốc gia trước khi di dân, họ đã lo việc thứ 2, tức chỗ ở, điều kiện sản xuất và cơ sở hạ tầng trước. Họ làm đươc vậy là bởi họ có điều kiện hơn. Các dự án TĐC tại nước ta hầu hết theo kiểu đưa dân đến đồng thời lo ổn định sản xuất luôn (tức song song 2 việc một lúc). Mặt khác, với những công trình lớn, có những yếu tố không lường trước được, nhất là về quỹ đất, nguồn nước (những vị trí tốt thì dân sở tại ở hết rồi). Đa phần những vùng được chọn làm địa điểm TĐC có vị trí địa lý khó khăn nên khi đến, phải làm công tác thủy lợi và cải tạo đất, nhân dân rất vất vả. Chính phủ cũng biết điều đó, cũng hiểu điều đó nên đã hỗ trợ gạo từ 3 - 5 năm gạo cho dân. Nhưng đó chỉ là việc trước mắt thôi, để giải quyết triệt để vấn đề này, dứt khoát phải tổ chức sản xuất phát triển bền vững.

Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.

+ Nhưng vẫn chưa bền vững thì phải? Vậy nên mới có thực trạng ở một số vùng, dân TĐC chuyển đến nơi mới rồi chuyển về chỗ ở cũ vì thiếu đất sản xuất, cơ sở hạ tầng chưa được đảm bảo. Hoặc có những vùng như thị trấn Phiêng Lanh (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La), chợ, bến xe, bệnh viện sinh ra là để cho… "đẹp"?

- Đúng là có một số nơi, dân đến nơi ở mới cảm thấy không hợp nên quay về, nhưng tình trạng đó không nhiều. Về quỹ đất sản xuất để đảm bảo sinh kế lâu dài, khi tính toán thì quỹ đất phải đủ để chia cho người dân. Tuy nhiên trong quá trình thu hồi và thực hiện tái định cư, lại phát sinh một số vấn đề, thậm chí là khó khăn như ở Sa Thầy (tỉnh Kon Tum), đất vẫn chưa lấy lại được; hay như một số điểm TĐC ở huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), phải cải tạo đất vì đất quá xấu, hoặc không sản xuất nông nghiệp được.

Còn việc một số công trình cơ sở hạ tầng như chợ, bến xe, bệnh viện..., nhất là chợ sinh ra để rồi không được đưa vào sử dụng như thế, cái này phải xem lại. Khi lập đề án xây chợ, việc khảo sát tâm lý của đồng bào dân tộc, khảo sát vị trí địa lý đều đã tính toán hết. Nếu không tính toán thì sẽ không đặt chợ ở đó và quy mô như thế cả. Riêng miền núi, chợ không thể như miền xuôi. Muốn mở chợ thì phải vận đồng người dân, phải có chính sách hỗ trợ họ để tạo thói quen mua bán theo văn hóa thương mại. Vấn đề ở đây là tâm lý đồng bào dân tộc và việc nắm bắt và khảo sát đó, chính quyền tại địa phương phải nắm rõ hơn ai hết. Để bỏ hoang chợ, để lãng phí các công trình của nhà nước và để dân không có cơ hội tiếp cận những mô hình tiên tiến như thế, rõ ràng là thiếu sót của chính quyền.

+ Tạo sinh kế lâu dài là một trong những mục tiêu mà các dự án TĐC thủy điện đề ra. Ông có thể nói rõ về những chính sách để kích cầu thương mại tại những vùng TĐC ấy không?

- Để kích cầu thương mại, tạo thói quen buôn bán, từng bước xóa bỏ dần tự cung tự cấp, hơn ai hết chính quyền địa phương phải có chính sách để đưa người dân bán hàng công nghiệp tiêu dùng đến đấy, tạo điều kiện thuận lợi cho họ, nâng tính chất văn hóa thương mại lên. Thậm chí, nếu cần thiết, phải có những chính sách bổ sung như bỏ thuế để thu hút những thương gia, những người buôn bán nhỏ. Đây được xem là một trong những yếu tố quan trọng trong tình cảnh hiện nay. Cũng không ít người miền xuôi lên đây, thuê nhà của người dân tộc để mở cửa hàng bách hóa. Đó là chưa kể một bộ phận có bà con họ hàng sống ở các thành phố lớn nên người dân có điều kiện thuận lợi để tìm nguồn hàng rồi phân bổ về.

Gian nan sự học tại các điểm TĐC thủy điện Bản Vẽ, các em phải đi học bằng thuyền.

+ Vậy việc nhiều nơi, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện hoặc đã hoàn thiện nhưng nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng, thậm chí có nơi ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân thì trách nhiệm đó quy về đơn vị nào?

- Vấn đề này phải làm rõ, không thể mập mờ và đá quả bóng trách nhiệm được. Nếu do bên nào thi công, quản lý, trong trường hợp nặng thì bên đó dứt khoát phải chịu trách nhiệm. Nếu nhẹ, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm hoặc có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi sát sao đồng thời nhắc nhở bên thi công. Để giải quyết thực trạng này, bên cạnh rà soát và kiểm tra lại chất lượng một loạt các công trình từ Bắc vào Nam, phải có quy chế hợp lý để quản lý cơ sở hạ tầng. Ngoài việc chính phủ có hỗ trợ 1 nguồn vốn nhất định để bảo dưỡng, chính quyền địa phương phải tuyên truyền cho người dân sử dụng hiệu quả và bảo vệ các công trình. Như thế mới phát huy được những lợi ích mà các dự án mang lại.

+ Thế tại sao phải rà soát lại một loạt các công trình từ Bắc vào Nam?

-  Sau một thời gian thực hiện, thực trạng hệ thống TĐC nhìn chung còn nhiều vấn đề và điều liên quan trực tiếp, thậm chí ảnh hưởng không hề nhỏ đến đời sống của người dân. Mặt khác, TĐC bây giờ gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới nên nhiều tiêu chí hạ tầng trước đây giờ phải bổ sung, làm mới. Hiện tại, hầu hết các dự án TĐC trên cả nước chưa đạt tiêu chí của chương trình này.

Ở một làng TĐC tại Tây Nguyên, nhà ở được xây như phố nhưng bà con chạy ăn từng bữa.

+ Vậy, lộ trình của việc rà soát ấy đang ở đâu, thưa ông?

-  Chính phủ đang giao Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chủ trì cùng các Bộ rà soát lại tất cả các chính sách để nhằm phát triển bền vững đời sống cho người dân vùng TĐC thủy điện trên phạm vi cả nước. Hiện nay, đã cơ bản xong bản dự thảo, đã lấy ý kiến các Bộ và sẽ sớm triển khai.

Mục tiêu của những chính sách này nhằm: 1, Tập trung phát triển sản xuất trên địa bàn với xu hướng khai thác thế mạnh từng vùng. 2, Rà soát, bổ sung quỹ đất, nơi nào đủ khả năng quỹ đất thì tạo điều kiện giao đất cho dân, kể cả đất nông lâm trường nếu cần thiết cũng phải trích ra để chia lại cho dân. 3, Tập trung cải tạo đất, những vùng đất chưa tốt, chưa đáp ứng yêu cầu canh tác và sản xuất. 4, Còn nếu trong điều kiện bất đắc dĩ không có quỹ đất, kiên quyết chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp cho dân. 5, Bổ sung ngay một chính sách phát triển để dân sử dụng hiệu quả nhất vùng bán ngập và đảm bảo đời sống cho dân vùng di vén. 6, Tăng trợ cấp đảm bảo đời sống cho người dân.

Không chỉ có thể, bên cạnh những chính sách khuyến khích phát triển lợi thế của vùng (như phát triển chăn nuôi, trồng cây công nghiệp dài ngày...) thì phải có chính sách thu hút riêng với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Không thể áp dụng chính sách ấy đồng đều ở miền xuôi và miền núi được. Chính quyền địa phương phải hỗ trợ, không gây khó dễ bằng những cam kết cụ thể, không hứa suông được. Đồng thời với đó, phải vận động người dân nâng cao dân trí để chủ động trong sản xuất, canh tác, tránh tình trạng hoang mang, lúng túng khi chuyển đến nơi ở mới. Chính quyền phải đào tạo họ, nâng cao trình độ giao thương - thương mại.

Và TĐC thủy điện không phải là câu chuyện "ăn xổi ở thì", ngày một ngày hai, cũng không thể tùy tiện. Đó là một câu chuyện dài, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa người dân và các cơ quan chức năng.

+ Xin cảm ơn ông!

Hiện nay, TĐC thủy điện đang là một vấn đề được "hâm nóng" trên bàn hội nghị từ Trung ương tới địa phương. Các dự án TĐC này đang hoàn tất những khâu cuối cùng để quyết toán giai đoạn 1 và chuyển sang giai đoạn 2 của công tác di dân, TĐC thủy điện. Qua việc khảo sát một số điểm TĐC lớn tại Sơn La, Nghệ An, khu vực Tây Nguyên cũng như trò chuyện cùng chuyên gia, hi vọng những tồn tại và bất cập của quá trình này sẽ được giải quyết sớm.

Đậu Dung
.
.
.