Bài học cảnh tỉnh trong giáo dục đạo đức nhà trường

Thứ Ba, 02/04/2019, 14:24
Phẫn nộ và xót xa! Đó là cảm giác của rất nhiều người khi xem đoạn clip ghi lại hình ảnh nữ sinh N.T.H.Y (học lớp 9, Trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, (Hưng Yên) bị 5 học sinh khác cùng lớp đánh dã man.


Nhiều người mẹ đã chảy nước mắt, không thể xem hết cảnh nữ sinh N.T.H.Y bị bạn lột hết quần áo, đạp đầu, giật tóc. Nữ sinh N.T.H.Y hoảng loạn, sang chấn tâm lý phải nhập Bệnh viện Tâm thần kinh Hưng Yên. 

Vụ việc đau đớn này tiếp tục là hồi chuông cảnh báo tới các cơ quan quản lí giáo dục, chính quyền địa phương và nhà trường, mà như lời của người đứng đầu ngành Giáo dục – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Đây là vụ việc rất nghiêm trọng, đau lòng, ảnh hưởng đến niềm tin xã hội, phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc”.

Thầy cô đã sát sao, nắm bắt tâm tư học sinh?

Chiều 31-3, qua điện thoại nói chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Doanh (chú ruột của nữ sinh N.T.H.Y) vẫn nghẹn ngào khi nhắc đến cháu mình. Anh nói: “Vết thương về cơ thể của Y. sẽ sớm lành, nhưng biết bao giờ vết thương tinh thần của cháu tôi mới lành đây? 

Rồi mai kia cháu tôi trở lại trường học, chỉ cần một hai ánh mắt, hay một vài lời nói của các bạn cũng có thể làm cháu tôi tổn thương. Vì vậy, tôi mong mỏi nhà trường, Phòng Giáo dục và chính quyền địa phương tạo điều kiện sớm nhất cho cháu tôi được chuyển trường, đến môi trường học tập tốt nhất để cháu an tâm học tập”. 

Những lời nói của anh Nguyễn Văn Doanh càng khiến chúng tôi xót xa. Mong mỏi, đề xuất của anh rất chính đáng, cần sớm được các cơ quan chức năng tạo điều kiện tốt nhất để chuyển trường cho nữ sinh N.T.H.Y, giúp em được trở lại cuộc sống bình thường.

Sự việc đau lòng xảy ra từ ngày 22-3. Hôm đó, sau khi giáo viên và các bạn về hết, nữ sinh N.T.H.Y bị 5 bạn nữ cùng lớp giữ lại và bạo hành dã man. Em liên tục bị đấm đá, giật tóc, bị xé rách áo. N.T.H.Y đã la hét, khóc lóc nhưng 5 học sinh kia không buông tha, vừa đánh vừa chửi bới. 

Các bạn đánh vào đầu, mắt Y khiến em bị tụ máu ở mắt, má sưng to. Lí do nhóm nữ sinh kia đánh N.T.H.Y được em kể lại, do một bạn nghi em đã viết thư cho bạn trai của mình nên sinh ra ghen tuông. 

Sau đó, N.T.H.Y đã giải thích nhưng các bạn không nghe. “Sau khi bạn T. xông vào đánh em thì bạn Tr. cũng lấy cớ em không mang mũ ca-nô cho các bạn lao vào đánh em tiếp. Lúc đó em sợ hãi quá nên không dám phản kháng lại. Các bạn cùng lớp cũng sợ bị các bạn ấy đánh nên không dám nói gì", N.T.H.Y kể lại trong giàn giụa nước mắt.

Đây không phải lần đầu tiên bị các bạn đánh. Trước đây, em nhiều lần bị bắt nạt, cô giáo chủ nhiệm cũng biết việc này và có cảnh cáo. “Có lần một bạn bắt em viết bản cam kết hộ, nhưng em viết chưa xong trong khi cô giáo tiếng Anh đến lớp bảo những em nào chưa viết xong bản cam kết thì đứng lên để chiều nay cô mời phụ huynh đến, thì trưa hôm đấy bạn ấy có đánh em rồi" – N.T.H. Y nhớ lại. 

Sau khi biết sự việc, Trường THCS Phù Ủng có tổ chức cho các bạn xin lỗi N.T.H.Y. Gia đình em cũng nghĩ đây là xô xát, mâu thuẫn nhỏ, nhưng theo lời chú ruột “sau khi xem clip tôi mới thực sự sợ hãi và thấy được mức độ nghiêm trọng của vụ việc, do đó đã nhờ cơ quan chức năng vào cuộc”. 

Còn bà Đặng Thị Nhường (bà nội nữ sinh N.T.H.Y) cho hay, gia đình cương quyết yêu cầu nhà trường cung cấp clip thì nhà trường mới đưa cho xem và “tôi đã gần như ngất gục xuống, còn ông nội cháu lúc đó cảm thấy như phát điên khi thấy cháu gái bị lột quần áo, đánh đấm dã man như con trâu, con bò trong lớp học. Gia đình tôi không thể tha thứ cho hành vi đó được". 

N.T.H.Y nhập viện với chẩn đoán ban đầu là phản ứng stress cấp, có sang chấn về mặt tâm lý tinh thần. Được biết hoàn cảnh của nữ sinh N.T.H.Y rất đáng thương. Do ông nội em bị nhiễm chất độc da cam nên bố em cũng bị ảnh hưởng, sức khỏe rất yếu. Mẹ làm công nhân may. N.T.H.Y là con lớn trong nhà, em còn có 2 em gái còn nhỏ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với tỉnh Hưng Yên về sự việc em N.T.H.Y bị đánh hội đồng.

Vụ việc em bị bạo hành khiến dư luận bàng hoàng. Nhưng sự bức xúc của dư luận càng bị đẩy lên cao độ khi phía sau câu chuyện này là sự vô trách nhiệm, vô cảm, thờ ơ với số phận học sinh của một số thầy cô, trong đó có cô chủ nhiệm. 

Theo lời kể của chú ruột N.T.H.Y, ngày 23-3, gia đình phản ánh lên cô giáo chủ nhiệm là cô Hoa Thị Trang, thì cô nói rằng cuối tuần không giải quyết (ngày 23-3 là thứ bảy), chờ sang tuần sau. 

Về phía nhà trường cũng không hề quan tâm đến tình trạng của em N.T.H.Y, có ý muốn giấu sự việc. Nói về việc yêu cầu các học sinh xóa clip, cô Trang lý giải "Nhà trường chỉ hướng dẫn các em xóa clip đi vì cho rằng điều này ảnh hưởng không tốt đến danh dự và tâm lý của em nữ sinh".

Ngày 31-3, tại buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên về vụ việc này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, qua sự việc này cho thấy, hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm chưa ý thức hết chức trách, nhiệm vụ được giao, chưa chủ động nắm bắt tình hình, chưa sát sao với học sinh và các hoạt động của nhà trường. Lãnh đạo nhà trường đã buông lỏng quản lí, khi sự việc xảy ra chỉ nghe báo cáo, không có các giải pháp xử lý triệt để, kịp thời. 

“Với vai trò là hiệu trưởng, là giáo viên chủ nhiệm, các thầy cô phải có trách nhiệm sát sao nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh. Nếu có trường hợp học sinh cá biệt phải kịp thời có biện pháp hỗ trợ. Các thầy cô cần phải quan tâm hơn đến các em, khi thấy có dấu hiệu bất thường phải phối hợp với gia đình để có biện pháp giáo dục thích hợp. Hội đồng đã xử lý chưa thỏa đáng, có phần du di, xuê xoa, không đủ sức răn đe” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận định. 

Bạo lực học đường đang có những diễn biến phức tạp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 80 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng, chống bạo lực học đường cùng nhiều chính sách khác. 

Tuy nhiên, qua thực tế, cần xem xét việc quán triệt các văn bản này đã đến địa phương, đến giáo viên chưa, các cấp quản lí ở huyện, ở xã đã vào cuộc chưa, đã kiểm tra giám sát chưa? “Đây là bài học không chỉ cho ngành giáo dục Hưng Yên mà là bài học chung cho cả nước” – Tư lệnh ngành Giáo dục nêu rõ.

Chú trọng “dạy người”, đừng để học sinh cô độc

Đúng là vụ việc này không chỉ là bài học dành riêng cho tỉnh Hưng Yên. Điều đó cho thấy môi trường học đường hiện nay chưa thực sự an toàn,  thân thiện, ở đó còn tiềm ẩn nhiều mối lo ngại ảnh hưởng tới sự an toàn của học sinh. 

Cách đây không lâu, dư luận cả nước bàng hoàng khi em H.L.N, học sinh lớp 6.2, Trường Trung học cơ sở Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) bị các bạn cùng lớp tát 231 cái theo hình phạt của cô giáo. 

Liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường mà người đánh các em lại là thầy cô giáo. Còn những vụ học sinh đánh hội đồng thì trước đó đã từng xảy ra ở Trường Trung học cơ sở Trường Yên ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội; Trường THPT Toàn Thắng (Tiên Lãng, Hải Phòng). 

Mới đây, tại Quảng Trị còn xảy ra vụ nhiều nam sinh hiếp dâm tập thể một nữ sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Hữu Thận, gây chấn động dư luận cả nước… Còn rất nhiều vụ “bạo lực nhỏ lẻ”, tuy chưa trở thành vụ việc điển hình nhưng nó lại “âm thầm hủy hoại tinh thần và sức khỏe của học trò”.

Đến đây tôi bỗng nhớ câu chuyện của chị Vũ Thị Ánh, Hiệu trưởng Trường Hữu Nghị 80, Sơn Tây (Hà Nội). Chị kể, 15 năm trước, khi đó chị là Phó hiệu trưởng, có một nam học sinh đòi bố mẹ xin chuyển trường bằng được. Chị hỏi phụ huynh lý do thì phụ huynh nói không rõ ràng. May sao cậu học trò đó lại đi theo bố mẹ lên phòng chị xin chữ ký. 

Nhìn cậu bé buồn buồn, chị gặng hỏi và động viên “Em cứ nói thật lý do cô sẽ giúp đỡ”. Nghe giọng nói và cử chỉ ấm áp của cô hiệu phó, em học sinh đó nói nhỏ “Em bị mấy bạn đánh...”! Lúc đó, chị Ánh thương học trò của mình vô cùng. Chị nắm lấy tay học trò và nói chân thành: “Đây là lỗi của cô, của nhà trường. Cô sẽ bảo vệ em, em yên tâm”. 

Sau đó, học sinh nói rằng một số bạn khác cũng bị bắt nạt tương tự! Chị Ánh đã nhận ra đây là một vấn đề nghiêm trọng, cần phải có biện pháp kịp thời. Đã có nhiều giải pháp được đề xuất trong các cuộc họp hội đồng giáo viên, họp giáo viên chủ nhiệm, đoàn thanh niên. 

Nhưng việc mà chị thấy có hiệu quả nhất là trong một số tiết chào cờ tập trung tất cả học sinh, chị đã lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ các hoc sinh  “yếu”, qua đó đã tạo cho các em niềm tin, có chỗ dựa để nếu các em gặp khó khăn các em sẽ chia sẻ và chắc chắn rằng các em sẽ được giúp đỡ, được bảo vệ! Như vậy những học sinh có ý định bắt nạt bạn cũng sẽ phải biết sợ mà tự điều chỉnh...

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đến thăm, động viên em N.T.H.Y tại bệnh viện.

Kể ra câu chuyện này, chị Ánh muốn nói đến vai trò cực kỳ quan trọng của người hiệu trưởng, cần phải nhạy cảm, có lòng trắc ẩn để nắm bắt tâm sinh lý học trò. Chị Vũ Thị Ánh còn cho rằng, ngoài nguyên nhân đến từ tâm sinh lý, cá tính ngỗ ngược của một số học sinh, tác động của xã hội đang khiến bạo lực học đường gia tăng thì hiện nhiều trường đang chú trọng “dạy chữ” mà còn hời hợt “dạy người”, không dạy kỹ năng mềm, dạy cách ứng phó, xử trí tình huống, cách ứng xử cho học trò, dẫn đến nhiều học sinh bị cô độc, không có người bảo vệ. 

Theo chị Vũ Thị Ánh, hậu quả khôn lường của nạn bạo lực học đường, đó là những em học sinh gây ra đau đớn cho bạn của mình, sau này ra xã hội có thể sẽ là “khởi nguồn của những việc tệ hơn, thậm chí là tội ác”. 

Do đó, giải pháp đề xuất của Hiệu trưởng Trường Hữu nghị 80, đã đến lúc các nhà trường, trong đó hiệu trưởng cần phải nhận thức nghiêm túc về nhiệm vụ ngăn chặn, phòng chống bạo lực học đường; cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trở thành tiêu chí để đánh giá các nhà trường có hoàn thành nhiệm vụ hay không. 

“Hãy coi việc bảo vệ học sinh, bảo vệ môi trường học đường an toàn lành mạnh cũng quan trọng như việc “dạy chữ” để xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, tạo niềm tin cho phụ huynh gửi con đến trường” – Hiệu trưởng Vũ Thị Ánh kiến nghị.

Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện một đề tài khoa học Quốc gia về phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội về việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Đề án Tư vấn tâm lí trong nhà trường phổ thông cũng đang được triển khai, mỗi trường học sẽ có 1 phòng tư vấn học đường; giảng dạy tích cực sẽ được lồng ghép vào các các khóa đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm nhất chính là địa phương triển khai các nhiệm vụ này ra sao.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ nêu bất cập, tư vấn tâm lí, công tác xã hội có trong đề án việc làm của nhà trường, nhân sự đào tạo ra thất nghiệp khá nhiều, nhưng các địa phương vẫn không tuyển dụng.

Ngoài ra, “chúng ta cần quyết liệt hơn khi yêu cầu các địa phương phải đảm bảo điều kiện, cơ sở vật chất, dạy và học; làm tốt sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong việc thực thi, giám sát giáo dục; xử lí thật nghiêm những sai trái làm ảnh hưởng đến sự an toàn của trường học”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nêu giải pháp.

Thu Phương
.
.
.