Bài học đắt giá qua vụ án tin lời “pháp sư” cả gia đình nhìn mẹ chết thảm

Thứ Hai, 16/07/2012, 10:34
Mặc dù được gia đình chị Thơm cưu mang, giúp đỡ nhưng Duyên đã lợi dụng nỗi đau mất liên tiếp hai người thân của cô bạn này để bày trò ma quỷ. Những tháng ngày sau đó, Duyên bòn rút tài sản của họ khiến gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, nợ nần chồng chất. Chưa thỏa lòng, cô “pháp sư” trẻ còn đánh đập mọi người một cách tàn nhẫn, chỉ đến khi mẹ của Thơm thiệt mạng vì chấn thương dài ngày không được chữa trị thì bùa phép của cô gái này mới hết hiệu nghiệm. Vụ án là bài học đắt giá cho những ai mê muội vào những trò mê tín nhảm nhí.

Lấy oán báo ân

Sinh ra tại thành phố Quy Nhơn, Huỳnh Thị Hữu Duyên (26 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định) thường tự hào về sự giàu có của gia đình mình. Không những thế, đôi mắt to tròn, làn da trắng và cùng cách nói chuyện khéo léo của cô gái trẻ thường chiếm nhiều cảm tình ở người đối diện. Nhưng số phận của Duyên không đẹp đẽ như vậy.

Theo lời những người thân thì cô là kết quả của mối tình ngang trái của mẹ và một gã họ “Sở”. Không vượt qua bức tường lễ giáo, cô gái trẻ đành phải lén lút mang bầu rồi sinh con trong bệnh viện. Mặc dù rất thương giọt máu của mình nhưng mẹ ruột của Duyên đành phải ngậm đắng nuốt cay trao con cho một cặp vợ chồng hiếm muộn. Được cha mẹ nuôi yêu thương, chiều chuộng, Duyên lớn khôn trong sự bao bọc của những người không chung dòng máu.

Ghen ghét trước sự thông minh, lanh lẹ lại có phần xinh đẹp của người em họ, các anh chị của cô thường úp mở về thân phận thật sự của Duyên. Mang trong lòng sự hoài nghi nhưng Duyên không dám mở lời hỏi mẹ mà giữ sự ấm ức trong lòng.

Mười tám tuổi, sau ngày tốt nghiệp phổ thông, Duyên mới dám nói với mẹ những thắc mắc của mình. Biết giấu mãi cũng không được nên mẹ đành kể cho con gái nghe sự thật đau lòng về gốc gác của cô. Từ sau khi biết chuyện, Duyên đã chủ động xa lánh những người mình yêu quý vì không muốn nhận sự thương hại của họ.

Lấy lý do muốn tự lập, cô xin phép mẹ dọn ra ngoài ở để thuận tiện cho công việc. Bỏ ước mơ được ngồi trên giảng đường đại học, Duyên lao vào đi làm để kiếm tiền sinh sống. Thế nhưng suy nghĩ và thực tế khác nhau một trời một vực, lúc này cô mới cay đắng nhận ra cuộc sống riêng không dễ dàng như trong tưởng tượng. Mười năm sau, tuy Duyên vẫn trẻ trung, xinh đẹp và thông minh như xưa nhưng cuộc đời đã dạy cô không được ngây thơ như ngày xưa nữa. Bạn bè và những mối quan hệ ngoài xã hội chỉ để phục vụ cho lợi ích của Duyên. Và một cuộc gặp gỡ tình cờ đã thay đổi cuộc đời của cô gái trẻ.

Trong một lần đi đám cưới người bạn, qua đồng nghiệp cô quen biết Thơm. Tuy mới gặp nhau lần đầu nhưng hai cô gái nói chuyện rất ăn ý và hiểu nhau nên nhanh chóng trở nên thân thiết. Theo Thơm kể, cô là chị lớn trong gia đình có 6 anh chị em. Cha là giáo viên, mẹ làm nội trợ nên gia đình cô không mấy khá giả. Tuy nhiên ngôi nhà nhỏ của Thơm lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười vì tình cảm yêu thương của mọi người trong gia đình dành cho nhau là động lực để chị em cô vượt qua tất cả. Ngưỡng mộ cuộc sống của gia đình Thơm, Duyên mong muốn được đến nhà bạn để cảm nhận “hạnh phúc” mà cô thường tự hào.

Mấy tháng sau, trong một lần về nhà, Thơm rủ Duyên đi cùng. Vào thăm gia đình của bạn, cô gái trẻ được chứng kiến sự đầm ấm, yêu thương của cha mẹ dành cho con cái, Duyên thầm ao ước và ganh tỵ với hạnh phúc của Thơm. Trong bữa cơm đầm ấm của gia đình, cô gái trẻ bật khóc khi so sánh và bắt đầu kể lể bất hạnh của cuộc đời mình. Với lý do muốn đi xa khỏi nơi khôn lớn, Duyên ao ước được sống trong một gia đình vui vẻ như bạn của mình. Nghe Duyên nói, cha mẹ Thơm bảo cô gái “Cháu thấy thoải mái thì cứ đến đây ở. Gia đình có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo”. Trước lời mời nhiệt tình của mọi người, Duyên nhanh chóng thu dọn hành lý đến ở cùng gia đình cô bạn gái tốt bụng. Tuy nhiên, Thơm cùng cha mẹ không ngờ rằng bi kịch trong gia đình họ đã thực sự bắt đầu từ khi Duyên bước vào nhà.

Duyên dọn về sống chung cùng gia đình cô bạn tốt từ tháng 5/2008. Ngoài giờ đi làm, cô cũng về nhà và phụ giúp công việc nội trợ như chị em Thơm. Thấy bạn của con gái hiền lành lại ngoan ngoãn nên cha mẹ Thơm hết lòng thương yêu và tin tưởng cho ở trong nhà mà không đòi hỏi điều gì. Từ ngày Duyên dọn đến nhà ở tới nay thấm thoát đã mấy tháng thế nhưng không thấy cô nói đến việc “quay về nhà” khiến ông Duy (cha Thơm) nhiều lần băn khoăn. Tuy nhiên, chưa kịp nói chuyện với Duyên thì tai ương liên tiếp đổ xuống gia đình ông.

Cuối năm 2008, bà ngoại của Thơm bỗng nhiên qua đời mà không kịp trăng trối điều gì. Cả gia đình vừa lo chôn cất mẹ được vài ngày thì chị gái của bà Liễu (mẹ Thơm) lại đột ngột qua đời. Không bị đau ốm, bệnh tật, mà mẹ và chị mất cách nhau chưa đầy tuần lễ làm cả gia đình bên ngoại hoang mang, sợ hãi. Muốn biết rõ thực hư, bà Liễu cùng các dì kéo nhau đi xem bói tìm nguyên nhân. Nghe thầy phán vì bà ngoại chết vào giờ xấu nên con gái phải chết theo nên bà Liễu đem chuyện kể với chồng. Lúc này, ông Duy mới bảo những lúc tắt đèn đi ngủ, ông thường nghe tiếng “dao khua, búa gõ” vang lên trong nhà. Nửa đêm, khi cả nhà đang ngủ thì nghe như có tiếng gõ cửa nhưng khi mở cửa lại không có ai. Những tiếng động lạ sau đó lặp đi lặp lại và những lần sau này cả nhà ông Duy đều nghe thấy được nên vô cùng lo sợ.

Câu chuyện “trùng tang”, lời phán của ông thầy bói và những tiếng động như vọng về từ “cõi âm” khiến gia đình Thơm ăn không ngon, ngủ không yên. Chứng kiến toàn bộ sự việc từ đầu đến cuối nên Duyên nảy sinh ý định lợi dụng sự mê tín để lừa gạt gia đình bạn. Sau nhiều đêm suy nghĩ, cô gái trẻ bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình.

Trong một lần nghe mọi người nói chuyện về hai cái tang liền kề, Duyên cũng tham gia chia sẻ rồi đột nhiên nói mình nghe được văng vẳng tiếng nói rằng nhà này ăn ở thất đức nên bị quở phạt. Duyên còn cho biết được “người cõi trên” tiết lộ rằng bà Liễu hôm đi đám ma mẹ mình đã bị “vong hồn” theo về tận nhà. Muốn tai qua nạn khỏi thì phải cúng “người cõi trên” để người này cứu, còn không thì sẽ bị trách phạt, cô Liễu có thể cũng sẽ bị bà ngoại kéo theo. Cùng thời điểm này, bà Liễu lại thấy trong người mệt mỏi, ăn không ngon, ngủ không yên nên vô cùng lo lắng tưởng những sự việc này có thật nên Thơm đã nhờ vả Duyên giải nguy cho mẹ mình.

http://ed.cand.com.vn/Uploaded_CSTC/phuonglien/20_bai71-450.jpg

Theo lời Duyên, mọi người trong nhà dồn hết số tiền có được đưa cho cô đi mua đồ về cúng “ngài”. Không chỉ có hoa quả, gà vịt, Duyên còn yêu cầu ông Duy đưa mình tiền để cô đi cúng chùa tích phước đức cho bà Liễu. Lo sợ cho tính mạng của người mẹ, người vợ thương yêu, ông Duy cùng các con bán đồ đạc, vay mượn khắp nơi để có tiền cung phụng “ngài”. Như ma đưa lối, quỷ dẫn đường, cả gia đình Thơm cứ răm rắp nghe lời Duyên cống nạp những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình.

Không còn tiền cúng “ngài”, Duyên giả nhân giả nghĩa lên tiếng cho ông Duy vay để tiếp tục cúng bái nếu không để “ngài” giận thì hậu quả sẽ khó lường. Tin tưởng cô bạn tốt của con gái, ông Duy gật đầu đồng ý mà không cầm được đồng tiền nào vì Duyên đã làm theo ý “ngài” đi mua đồ cúng. Đến lúc không còn khả năng chi trả, ông Duy đành viết giấy bán chiếc xe gắn máy là phương tiện đi làm của cậu con trai cho Duyên để trừ nợ với giá 11 triệu đồng.

Việc làm của cô “pháp sư” trẻ qua mắt được mọi người trong gia đình ông Duy nhưng không tránh khỏi sự dòm ngó của hàng xóm láng giềng. Việc thường xuyên cúng kiếng linh đình cùng sự xuất hiện của cô gái lạ mặt khiến mọi người nghi ngờ. Bất ngờ bị chính quyền hỏi thăm về việc đăng ký tạm trú, Duyên hoang mang. Tuy nhiên, thấy vẫn có thể lợi dụng sự mê muội của gia đình cô bạn nên Duyên lại nghĩ thêm nhiều phương án để tiếp tục thực hiện kế hoạch của mình.

Mượn danh “ngài”, cô gái này yêu cầu cả gia đình Thơm dọn lên thành phố Quy Nhơn để buôn bán. Mặc dù không muốn nhưng vì lo sợ, một lần nữa gia đình ông Duy lại phải vay mượn mở quán ăn cho vừa lòng “ngài”. Tuy nhiên, vì thiếu kinh nghiệm lại không biết cách kinh doanh nên cửa tiệm mở ra ngày càng vắng khách. Thấy công việc thất bại, không có doanh thu, Duyên lấy lý do theo lời “ngài” bắt chị em Thơm tiến vào Nam tìm công việc mới.

Tháng 4/2009, Thơm đưa Duyên cùng các em dắt díu nhau vào TP.HCM. Mới thuê nhà ở được vài ngày, chị em Thơm đã bị “ngài” bảo đi làm để tiếp tục cúng kiếng. Ngày qua ngày, chị em Thơm đi làm công nhân kiếm tiền chi tiêu, thuê nhà, còn bao nhiêu phải nộp hết Duyên để “pháp sư” này cúng bái. Tuy phải làm lụng cực khổ để nuôi cô bạn tốt nhưng mọi người vẫn phải cắn răng chịu đựng vì tương lai của mẹ.

Được một thời gian, do lo sợ gia đình Thơm sẽ không tiếp tục tin nếu cứ ngồi mát ăn bát vàng nên Duyên “cho gọi” bà Liễu từ miền Trung vào để được mình trục vong “ngài” ra khỏi người. Nghe lời Duyên, tháng 9/2009, bà Liễu chuyển vào ở cùng các con để Duyên “giúp đỡ”.

Ban ngày khi mọi người đi làm, trong lúc Duyên nằm ngủ thì bà Liễu phải lo cơm nước, giặt giũ phục vụ cô. Thế nhưng, ngay khi thức dậy, cô ta sẽ “rửa mặt” bằng một trận đòn không rõ lý do lên người bà Liễu. Tối về, chưa kịp cơm nước, nếu “pháp sư” cho gọi thì chị em Thơm có đang ăn cơm cũng phải buông đũa xuống mà nghe “ngài” dạy bảo.

Không chỉ thuyết giảng mà Duyên còn trục vong “ngài” theo cách thức riêng của mình. Bắt các con ngồi xung quanh nhìn, bà Liễu nằm dài ra đất, cô ta leo lên rồi dẫm, đạp khắp thân thể người phụ nữ ốm yếu để “ngài” văng ra. Môi mấp máy, miệng gầm gừ, đôi mắt long lên sòng sọc, Duyên cố gắng tạo nên vẻ hung tợn khi thực hiện phương pháp trừ ma diệt quỷ một cách vớ vẩn của riêng mình.

Nhìn mẹ đau đớn nhưng không dám thở than, chị em Thơm cũng ráng nín nhịn nhưng có lúc thấy bà tứa máu, các cô vội can ngăn. Thế nhưng, bất cứ ai nhảy vào đều bị Duyên đánh đập không thương tiếc vì dám cãi “ngài”. Lúc dùng thước, lúc dùng chổi có khi cô lại lấy chày đâm tiêu để quật vào người bà Liễu và tất cả mọi người. Bất kể ngày hay đêm, cứ lúc nào thấy thích, Duyên lại bắt cả nhà cô bạn phải xếp hàng rồi nằm dài xuống sàn nhà để “ngài” dạy bảo. Ban ngày phải đi làm, ban đêm lại bị hành hạ khiến chị em Thơm ngày càng ốm yếu, xanh xao. Không chỉ người lớn bị đòn roi mà ngay cả đứa cháu gần 2 tuổi của Thơm cũng bị Duyên mượn danh “ngài” hành hạ. Vì thường thấy Duyên đánh bà và các dì nên cậu bé rất sợ khi nhìn thấy nữ “pháp sư”. Mỗi lần Duyên liếc mắt, bé lại khóc ré lên và bám chặt vào người bà ngoại. Nghe thằng bé léo nhéo khóc, cô ta điên tiết cầm mọi thứ có sẵn vụt tới tấp lên người hai bà cháu. Có lần bé không nghe lời bị Duyên cầm thước kẻ đập thẳng vào sống mũi gây chảy máu và bé phải vào nhập viện vì bị “ngài” đánh gãy sống mũi. Thế nhưng không một ai trong gia đình Thơm dám cãi lại Duyên vì bất kỳ lý do gì.

https://cand.com.vn/Uploaded_CSTC/phuonglien/20_phap71-400.jpg
“Pháp sư” rởm Huỳnh Thị Hữu Duyên.

Không chỉ dùng chiêu trò đánh đập, Duyên còn tung hỏa mù khiến mọi người tin mình đang bị ngài nhập xác. Sau khi lên đồng, được hỏi “ngài” ở đâu thì Duyên vênh mặt bảo chỉ có ai hợp “ngài” mới cho thấy chứ người trần mắt thịt không bao giờ thấy hình dáng của “ngài”.

Sự việc cứ thế trôi qua cho đến gần một năm sau, trong một lần trục vong, cô gái này đã dùng chân tay liên tiếp đánh vào đầu, vào người bà Liễu cho đến khi người phụ nữ này ói ra máu. Lúc này, chị em Thơm mới hoảng hốt đưa mẹ đi cấp cứu. Thế nhưng vì những chấn thương lâu ngày do bị đánh đập không được chữa trị, cộng với sức khỏe suy yếu, bà Liễu đã chết trong vòng tay con gái trước khi kịp đến bệnh viện.

Trước cái chết của mẹ bạn, Duyên vẫn khăng khăng cho rằng do cúng kiếng không đủ nên bị “ngài” đưa đi. Nghe lời lẽ bao biện của Duyên, ông Duy mới bừng tỉnh khi thấy mình cùng gia đình đã sống trong mê muội một thời gian dài. Thấy Duyên không hề ân hận và cũng không một lời xin lỗi, ngày 6/9/2010, ông Duy cùng các con làm đơn tố cáo Huỳnh Thị Hữu Duyên đã gây ra cái chết cho bà Liễu.

Tại phiên tòa sơ thẩm vào ngày 20/10/2011, TAND quận 12 đã tuyên phạt Duyên 4 năm tù giam về tội hành nghề mê tín dị đoan gây hậu quả nghiêm trọng. Buộc cô này bồi thường hơn 65 triệu đồng tiền mai tang phí và tổn thất tinh thần cho chồng con bà Liễu. Đồng thời buộc Duyên phải trả lại chiếc xe gắn máy mà cô đã chiếm đoạt cho gia đình ông Duy.

Không đồng ý với mức án vì cho rằng mình không phạm tội mà lỗi hoàn toàn do gia đình bị hại, Duyên kháng cáo và đòi quyền sở hữu chiếc xe. Hoàn toàn ngược lại với bản kháng cáo của nữ “pháp sư”, gia đình nạn nhân cũng làm đơn đề nghị tăng mức hình phạt vì tận mắt chứng kiến cô gái này đánh mẹ mình đến chết. Sau vài lần hoãn xử vì nhiều lý do, gần nửa năm sau TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm xem xét đơn kháng cáo của các bên.

Bộ mặt thật của cô bạn “pháp sư”

Không như các phiên tòa trước, Duyên trông gầy hẳn trong chiếc áo thun đen và quần jean sẫm màu. Sau vành móng ngựa, cô này tỉnh rụi khai nhận hành vi phạm tội và cho rằng mình không có lỗi trong việc gây ra cái chết của bà Liễu. Duyên đổ lỗi cho gia đình và nạn nhân tự nguyện để cô đánh đập mà không hề có hành động phản kháng. Lấy lý do ông Duy đã ký bán xe và mình đã đưa cho ông 5 triệu nên Duyên xin tòa trả lại chiếc xe máy. Nghe Duyên rành mạch nêu nội dung kháng cáo, vị chủ tọa nghiêm nghị hỏi.

- Bị cáo hành nghề mê tín dị đoan từ khi nào?

- Dạ, từ lúc bị cáo thấy gia đình nạn nhân liên tiếp gặp xui xẻo – Duyên líu ríu trả lời.

- Theo như lời khai của chị Thơm – con gái nạn nhân, giữa bị cáo và chị là bạn bè rất thân, vì sao bị cáo lại nảy sinh ý định dùng những lời lẽ đầy vẻ huyền bí để hù dọa gia đình bạn khiến họ làm theo ý mình rồi dẫn đến cái chết của người bị hại? Bị cáo bị phạt 4 năm tù nhưng kháng cáo cho rằng hình phạt nặng. Bốn năm tù và một mạng người, cái nào nặng hơn?

- Bị cáo xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt vì lỗi hoàn toàn không do bị cáo gây ra. – Duyên ngước mặt nhìn HĐXX rồi bình thản trả lời.

- Vậy lỗi do ai? – Chủ tọa gặng hỏi.

- Hoàn toàn do gia đình bị hại – Giọng lạnh tanh, Duyên trả lời HĐXX cụt ngủn.

-Bị cáo bị truy tố về hành vi đánh chết bị hại đúng không?

-Dạ không đúng vì bị cáo chỉ hành nghề mê tín dị đoan – cô gái xua tay phân bua cho hành vi sai trái của mình.

-Vậy “ngài” ở đây là do bị cáo tự nghĩ ra hay là có thật? – Nữ thẩm phán nghiêm giọng hỏi.

-Dạ… do bị cáo tự bịa ra. – Duyên ấp úng hồi lâu rồi cúi đầu thú nhận. Sau lưng cô, nhiều tiếng thở dài vang lên từ phía những người dự khán.

Quan sát thái độ của cô gái trẻ từ đầu phiên tòa đến giờ, vị đại diện Viện Kiểm sát nhận định hành vi phạm tội của Duyên được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của gia đình bà Liễu. Tuy nhiên với hình thức đánh đập để trục “ngài” bằng nhiều cách khác nhau mà bị cáo đã làm nạn nhân bị chấn thương trong một thời gian dài dẫn đến cái chết. Tuy nhiên bị cáo thành khẩn khai nhận tội và đã đồi thường một phần. Thực thi quyền công tố, Kiểm sát viên đề nghị HĐXX giữ nguyên mức án, bác kháng cáo của bị cáo và gia đình bị hại.

Nói lời sau cùng, Duyên tỏ vẻ ăn năn khi nhỏ nhẹ xin HĐXX giảm án. Thế nhưng, khi những người thực thi pháp luật vừa quay lưng đi, cô gái này đã liếc đôi mắt sắc lạnh về phía những người dự khán đang lấp ló ngoài cửa để nhìn rõ mặt nữ “pháp sư”.

Thoáng thấy thái độ của Duyên, chị Thơm, người từng là bạn thân thiết của Duyên đã phải bóp chặt hai tay vào nhau để ngăn không cho mình có hành động lỗ mãng. Giọng nghẹn ngào, chị uất ức nói: “Tại tôi đưa nó về nhà khiến cả gia đình rơi vào bi kịch. Trong nhà, bao nhiêu người hơn tuổi nó vậy mà để nó dùng lời lẽ ma quỷ khiến mọi người bị mê hoặc. Mẹ chết đau đớn như thế cũng do một phần lỗi của tôi”.

Bên cạnh chị, cô em gái đang học bổ túc cũng cay đắng khi kể về những ngày tháng kinh hoàng. Từ khi mẹ dẫn cô đi vào thành phố, Giàu đã phải nghỉ học để đi bưng bê cà phê kiếm tiền nộp cho Duyên. Ngoài các chi phí sinh hoạt, đúng ngày đúng giờ chị em cô đều phải đưa hết tiền lương cho “pháp sư” nếu không “ngài” sẽ quở phạt. Trong nhà ai cũng đi làm chỉ có Duyên là chơi, ăn, ngủ rồi đêm về bắt mọi người nghe “ngài” thuyết giáo. Không những đánh đập mẹ, Duyên còn dùng những lời lẽ huyễn hoặc để yêu cầu bà Liễu bắt buộc các con làm theo ý muốn của “ngài”. Số tiền mà gia đình cô cung phụng cho Duyên lên đến hàng trăm triệu đồng chứ không phải chỉ có 48 triệu như trong cáo trạng nêu. Tuy nhiên vì biết không có chứng cứ về việc Duyên đã cầm tiền nên gia đình cô không thể đòi bị cáo trả lại.

Nước mắt lưng tròng, Thơm cắt lời em gái: “Làm cái gì cũng bị nó đánh. Lau nhà dơ: đánh, nấu cơm trễ: đánh, đưa tiền chậm: đánh… Mất ngủ mà bị đánh riết, chị em tôi về quê bị người ta nói chích xì ke hay sao mà gầy vậy. Thế mà hôm nay nó bảo gia đình tôi đồng ý để nó đánh. Tụi tôi có nhảy vào can nó đừng hành hạ mẹ nhưng nó đánh mọi người càng hăng hơn”.

Trầm ngâm bên các con, người đàn ông gầy ốm, thở dài cho biết. Vì quá mê muội tin vào lời bạn của Thơm mà vợ ông phải chịu những trận đòn xé da xé thịt. Vì lo lắng cho tính mạng của bà mà cả nhà ông đã bỏ ngoài tai lời khuyến cáo của mọi người để rồi vợ chết, còn gia đình rơi vào cảnh nợ nần chồng chất… Nhưng giá như Duyên chỉ mục đích kiếm tiền chứ không đánh đập bà Liễu dã man thì mọi chuyện đã không như thế này.

Theo HĐXX, trong vụ án này lỗi của bị cáo đã rõ khi dùng những lời lẽ ma quái để dụ dỗ, lôi kéo gia đình nạn nhân vào con đường mê tín dẫn đến chết người. Tuy nhiên, cả gia đình bà Liễu cũng thuận theo ý muốn của bị cáo, kể cả những yêu cầu quá đáng và nguy hiểm như cho bị cáo đánh đập trừ tà, cung phụng tiền bạc… thì đó là mê tín thái quá. Nếu gia đình nạn nhân nhận thức tốt, bị cáo đã không có cơ hội trục lợi, dẫn dắt mê tín.

Hôm đó, đồng quan điểm với Viện KSND, tòa phúc thẩm TAND TP HCM đã bác toàn bộ nội dung kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm là phạt Duyên 4 năm tù về tội "hành nghề mê tín dị đoan". Về phần bồi thường dân sự, hội đồng xét xử tuyên hủy một phần bản án liên quan đến trách nhiệm dân sự, cho phép gia đình bị hại khởi kiện yêu cầu bồi thường bằng một vụ kiện dân sự khác.

Nhìn Duyên bước ra khỏi phòng xử án, chị Thơm cùng gia đình hướng cặp mắt đầy oán trách vào kẻ đã phản bội lòng tốt của cả nhà cô. Nếu như cả nhà Thơm không quá mê tín đến mức khờ khạo thì có lẽ sự việc đáng tiếc đã không xảy ra. Chứng kiến câu chuyện đau lòng của họ mới thấy cái giá phải trả cho việc mê tín dị đoan là quá đắt

Bảo Hân
.
.
.