Bài học đắt giá từ sự thờ ơ trong công tác phòng chống cháy nổ

Chủ Nhật, 25/12/2016, 11:12
Vào khoảng 0 giờ 10 phút ngày 16-12-2016, một vụ cháy thương tâm xảy ra tại căn nhà số 453/6, đường Lê Văn Sỹ, phường 12, quận 3, TP Hồ Chí Minh làm 6 người trong gia đình tử vong.


Ngoài ra còn có 6 xe gắn máy, tivi, tủ lạnh và nhiều tài sản khác bị thiêu rụi. Đây là vụ cháy thứ 3 xảy ra đối với dạng nhà ống trong khu dân cư vừa sử dụng làm nhà ở, vừa kinh doanh tính từ tháng 6-2016 đến nay.

Hậu quả gây thiệt hại rất lớn về tính mạng con người, tài sản và là hồi chuông báo động nhưng vẫn còn rất nhiều hộ gia đình xem thường, không quan tâm đến các hướng dẫn của cơ quan chức năng về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Cảnh sát PCCC đang khám nghiệm hiện trường tìm nguyên nhân vụ cháy.

1.Tại thời điểm trên, một số người dân trong con hẻm 453, đường Lê Văn Sỹ phát hiện ngọn lửa và khói đen bao phủ tầng trệt căn nhà nên đã cùng nhau mang bình chữa cháy đến dập lửa nhưng đám cháy ngày càng lan rộng. Nhận thấy không thể kiểm soát được ngọn lửa, những người dân này đã gọi điện thông báo cho Cảnh sát phòng cháy chữa cháy.

5 phút sau khi tiếp nhận thông tin, Phòng Cảnh sát PCCC quận 3 và Phòng Cứu nạn – cứu hộ đã điều động 42 cán bộ chiến sỹ cùng 6 xe chữa cháy đến hiện trường thực hiện các biện pháp chữa cháy và khống chế không cho ngọn lửa lan sang những nhà bên cạnh.

Sau khi toàn bộ đám cháy đã được khống chế, bộ phận cứu nạn – cứu hộ đập cửa tiến vào bên trong để tìm kiếm xem có ai bị mắc kẹt hay không thì phát hiện có 6 người đã tử vong, trong đó có vợ chồng ông bà Trần Anh Thăng, 47 tuổi, Nguyễn Thị Ngọc Thủy, 37 tuổi tại tỉnh Bắc Giang cùng 3 con gái là Trần Ngọc Vân Anh, Trần Ngọc Bảo Hân, Trần Ngọc Thiên Kim và một người cháu tên Phạm Ngọc Thúy Vy, ngụ tỉnh Đồng Nai mới lên phụ bán cà phê. Tại thời điểm xảy ra đám cháy còn có 4 người khác là sinh viên thuê phòng chạy ra ban công trên lầu kêu cứu.

Thấy vậy, một số người dân đã mang nệm mút, chăn, xốp trải xuống đường để các sinh viên nhảy xuống. Trong số 4 sinh viên có hai người bị xây xát nhẹ, riêng Nguyễn Thị Hằng và Nguyễn Thị Huyền bị thương nặng hơn nên phải đưa vào Bệnh viện 115 cấp cứu.

Ngay trong buổi sáng ngày 16-12, Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc họp để thông tin chính thức về vụ cháy. Theo Đại tá, Phó Giám đốc Trần Thanh Châu, vụ cháy đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Ngoài 6 người thiệt mạng, 2 người bị thương nặng thì toàn bộ tầng trệt căn nhà rộng 53,2 mét vuông, 6 xe gắn máy, 2 xe đạp cùng toàn bộ vật dụng khác như tivi, tủ lạnh, dàn nhạc, máy vi tính, bàn ghế… đã bị thiêu cháy.

Tuy nhiên, nguyên nhân vụ cháy vẫn được hàng chục cán bộ chiến sỹ có mặt tại hiện trường thực hiện công tác khám nghiệm để làm rõ. Cũng tại buổi họp, Đại tá Trần Thanh Châu nhấn mạnh: Vụ cháy thảm khốc như vậy là do căn nhà thuộc diện nhà ống, vừa ở, vừa kinh doanh nhưng chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất đó là cửa ra vào và được khóa bằng nhiều lớp khóa, hơn nữa bên trong còn chứa rất nhiều vật liệu dễ cháy nên khi xảy ra đám cháy, ngọn lửa nhanh chóng lan ra trên diện rộng khiến cho nạn nhân bị hoảng loạn không thoát ra ngoài được.

Đây cũng là lời cảnh báo cho công tác phòng chống cháy nổ cho hàng triệu căn nhà dạng ống (một dạng nhà chiếm tỷ lệ rất cao tại TP Hồ Chí Minh) bởi đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng này nhưng hiện tại có rất nhiều chủ nhà không mấy quan tâm và không tuân thủ các cảnh báo về an toàn cháy nổ.

Cũng tại buổi họp này, ông Tất Thành Cang – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát PCCC nhanh chóng khắc phục hậu quả, đồng thời truy tìm nguyên nhân xảy ra vụ cháy.

Ông Nguyễn Văn Hải, một người dân sống cùng xóm cho biết: Ông Trần Anh Thăng đã thuê mặt bằng ở đây được hơn một năm nay. Phần tầng trệt được tôn tạo để mở quán cà phê, gác lửng bên trên là nơi ông bà cùng 3 cô con gái và một nhân viên phụ bán hàng dùng làm phòng ngủ.

Riêng trên lầu một được chủ nhà ngăn phòng cho thuê và tại thời điểm xảy ra đám cháy có 4 sinh viên đang ở trong phòng, nhưng đã thoát chết nhờ bà con trong xóm mang nệm, chăn, xốp ra trải xuống đường rồi yêu cầu các cô nhảy xuống.

Đêm hôm ấy, đang trong lúc lên mạng cập nhật thông tin thời sự trong ngày thì ông Hải ngửi thấy mùi khét giống như có ai đang đốt quần áo cũ hay bàn ghế bọc nệm nên đã mở cửa chạy ra ngoài xem xét.

Vừa bước ra đường, ông nhìn thấy ngọn lửa và những chùm khói phát ra từ tầng trệt căn nhà 453/6 nên đã hô hoán kêu gọi bà con mang bình chữa cháy cá nhân đến cùng dập lửa.

Tuy nhiên do ngọn lửa bốc lên quá nhanh nên xịt hết hơn chục bình mà không thể dập tắt được lửa. Biết bên trong là cả gia đình ông Thăng đang ngủ, mọi người lập tức đập cửa cứu người, nhưng cửa nhà làm bằng sắt, lại khóa trái nên đập mãi mà không bung ra được.

Đến khi lực lượng Cảnh sát PCCC có mặt, mở được cửa thì ngọn lửa ào ra đẩy mọi người ra xa hàng chục mét. “Nhìn thấy nạn nhân ở bên trong vẫy vùng kêu cứu mà không làm gì được thật buồn, nhưng chúng tôi đành bất lực” - ông Hải chia sẻ.

Hiện trường vụ cháy.

2.Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Cảnh sát PCCC cho biết: Luật quy định PCCC là trách nhiệm của toàn dân. Trách nhiệm của Cảnh sát là xây dựng các phương án  PCCC, phương án thoát hiểm, vạch ra những yêu cầu về an toàn cháy nổ trong công tác xây dựng, cải tạo nhà cửa, nhà xưởng sản xuất và các điểm kinh doanh và phối hợp với các cấp chính quyền địa phương để tổ chức tuyên truyền. Riêng công tác kiểm tra, nhắc nhở đối với các hộ gia đình thì các cấp chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.

Nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng cháy nổ, đặc biệt là bảo đảm tính mạng của người dân trong các vụ cháy, Cảnh sát PCCC đã phân địa bàn thành các nhóm riêng để thực hiện các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra cho hợp lý.

Đối với nhóm có nguy cơ cháy nổ cao như các công ty, doanh nghiệp hoặc hộ cá thể sản xuất gia công sản phẩm từ các nguyên liệu nhựa, vải sợi, giấy, các doanh nghiệp sử dụng hóa chất, các cơ sở gò hàn, chiết xuất gas… và các loại nguyên liệu dễ cháy khác thì được trực tiếp hướng dẫn công tác PCCC và tiến hành kiểm tra ít nhất 4 lần trong năm.

Nhóm các doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh cá thể không sử dụng vật liệu dễ cháy nổ thì kiểm tra, hướng dẫn từ 2-3 lần trong năm.

Riêng nhóm khu dân cư, công tác hướng dẫn phòng cháy do các cấp chính quyền địa phương trực tiếp đảm trách, Cảnh sát PCCC có nhiệm vụ huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng để họ là đơn vị đầu tiên thực hiện các biện pháp phòng và chữa cháy nếu có vụ việc xảy ra trước khi lực lượng Cảnh sát PCCC có mặt. Ngoài ra, Cảnh sát PCCC còn xây dựng các phương án cụ thể, in ra thành văn bản gửi cho các địa phương để chuyển cho từng hộ dân.

Do dân cư rất đông, lực lượng kiểm tra, tuyên truyền không thể đến từng nhà được nên hàng năm Cảnh sát PCCC sẽ tổ chức những đợt tuyên truyền tập trung bằng cách phối hợp với các cấp chính quyền địa phương mời người dân đến tập trung tại một địa điểm để được trực tiếp nghe Cảnh sát PCCC hướng dẫn.

Sau đó mỗi hộ gia đình còn được phát miễn phí một văn bản hướng dẫn việc chấp hành về an toàn cháy nổ và các biện pháp PCCC để nghiên cứu.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, mặc dù lực lượng Cảnh sát PCCC đã không ngừng nỗ lực trong tuyên truyền, vận động nhưng hầu hết trong các buổi thuyết trình tại các địa phương thì chủ gia đình thường không thực sự quan tâm, họ không tham dự mà cử những người giúp việc hoặc những người chưa đủ điều kiện đến ngồi cho có mặt.

Chính bởi sự chủ quan của người dân mà trong thời gian qua, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã xảy ra một số vụ cháy gây chết nhiều người. Trước đó, vào ngày 10-6-2016, một vụ cháy cửa hàng thiết bị điện và bếp từ tại số 423, đường Luỹ Bán Bích, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú cũng đã làm 4 người tử vong và toàn bộ tài sản bên trong bị thiêu rụi.

Gần đây nhất là vụ cháy cửa hàng dịch vụ cho thuê đồ cưới xảy ra vào ngày 4-10-2016 tại số 1/117 đường Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 đã gây thiệt hại rất lớn về tài sản và gây tử vong cho 3 người trong cùng một gia đình.

Nguyên nhân các vụ cháy này xảy ra là do người dân không thực hiện đúng cam kết các bước về an toàn cháy nổ theo quy định trong lúc cải tạo nhà ống thành nơi vừa ở, vừa làm cửa hàng kinh doanh.

Qua kiểm tra thực tế, hầu hết những hộ gia đình dạng vừa ở, vừa kinh doanh thường chỉ có một lối thoát duy nhất là cửa ra vào, ngoài ra họ còn tận dụng triệt để mặt bằng để vừa làm nơi buôn bán, vừa làm nơi chứa hàng hóa nên khi xảy ra chập điện, hở bình gas hoặc những yếu tố gây cháy khác thì ngọn lửa bùng lên rất nhanh.

Đã đến lúc bà con nhân dân phải tuyệt đối chấp hành các quy định về PCCC trong xây dựng, nhất là đối với các hộ gia đình trong khu dân cư cải tạo nhà để vừa kinh doanh, vừa ở, để bảo vệ cho chính gia đình mình và những gia đình xung quanh.

Đức Cương
.
.
.