“Bài toán” sân chơi cho trẻ dịp nghỉ hè

Thứ Tư, 21/06/2017, 12:31
Nhìn vào thực trạng sân chơi hiện nay, chúng ta không khỏi lo ngại, bởi nhiều sân chơi cho trẻ đang bị “bủa vây” bởi hàng quán kinh doanh, sử dụng không đúng mục đích.


Dịp nghỉ hè cũng là thời điểm mà nhu cầu sử dụng sân chơi của trẻ tăng hơn bao giờ hết. Sân chơi là nơi trẻ có thêm cơ hội giao tiếp, tương tác với thế giới bên ngoài. Kỹ năng sống cho trẻ theo đó được hình thành. Vậy nhưng, nhìn vào thực trạng sân chơi hiện nay, chúng ta không khỏi lo ngại, bởi nhiều sân chơi cho trẻ đang bị “bủa vây” bởi hàng quán kinh doanh, sử dụng không đúng mục đích.

1. Theo quy hoạch, các địa phương đều dành quỹ đất hợp lý phục vụ nhu cầu vui chơi, sinh hoạt cộng đồng cho người dân sinh sống trên địa bàn, nhất là đối với trẻ em. Thế nhưng, khi khảo sát thực tế, có một nghịch lý đang tồn tại đó là nhiều sân chơi cho trẻ đã và đang bị biến tướng mục đích sử dụng, dư luận không khỏi bức xúc. 

Thành Công, Bưởi, Ngọc Khánh… là những địa bàn đang xuất hiện tình trạng sử dụng sân chơi công cộng không đúng mục đích sử dụng. Nhiều sân chơi chỉ sau một thời gian đã thành điểm trông, giữ xe, kinh doanh hàng quán không đúng quy định. 

Như tại sân chơi khu tập thể Thành công - nhà D8, phường Thành Công (quận Ba Đình – Hà Nội), bấy lâu nay, nơi đây đã biến thành điểm kinh doanh quán ăn. Bàn ghế phục vụ thực khách được kê san sát trên nền khu sân chơi này.

Đáng lo ngại hơn khi tình trạng chiếm dụng sân chơi, biến tướng mục đích sử dụng còn diễn ra khá công khai ở một số địa bàn. Có những sân chơi, dù chính quyền địa phương đã cho gắn biển với nội dung cụ thể “Sân chơi khu dân cư”, song, như chưa hề biết tới biển chỉ dẫn trên, trong sân chơi lại xuất hiện hình ảnh những chiếc xe ôtô đỗ chình ình cả ngày lẫn đêm. 

Có lẽ chính vì thế, nên nhiều bậc phụ huynh đã phải thở dài ngán ngẩm: “Đến bao giờ sân chơi mới hết cảnh chiếm dụng, con em chúng tôi mới có sân chơi đúng nghĩa của mình?”. 

Và rồi, chỉ đến khi cơ quan báo chí, truyền thông lên tiếng phản ánh, chính quyền địa phương mới khẳng định: “Chúng tôi sẽ chỉ đạo kiểm tra, xử lý dứt điểm vi phạm trên”. Mới đây, sau khi được chúng tôi phản ánh tình trạng trông, giữ xe ôtô không đúng quy định trong sân chơi khu dân cư số 9 – phường Bưởi, quận Tây Hồ (Hà Nội), đại diện UBND phường Bưởi nhấn mạnh: “Không bao giờ đồng ý quan điểm, hành vi biến sân chơi, các điểm sinh hoạt cộng đồng thành nơi trông giữ xe không đúng quy định… Chúng tôi sẽ cho cán bộ kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh xử lý kịp thời. Vì sân chơi công cộng là phục vụ nhu cầu sử dụng của trẻ nhỏ và người dân sinh sống trên địa bàn!”.

Câu chuyện về sân chơi cho trẻ bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích chưa bao giờ hết “nóng”, đặc biệt vào mỗi kỳ nghỉ hè của các em học sinh, khi mà các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ luôn trong tình trạng quá tải. Đây là vấn đề “nóng” rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các ngành, các cấp.

Giải bài toán sân chơi cho trẻ, cần sự chung tay của các ngành, các cấp.

2. Sân chơi cho trẻ không chỉ là nơi để các em vui đùa, chơi những trò chơi bổ ích, lành mạnh, mà còn kích thích sự tương tác giữa bản thân với xã hội. Vậy nhưng, khi không có sân chơi, nhiều trẻ đã tận dụng nơi không đảm bảo an toàn như: cạnh ao, sông, nơi trượt dốc, vỉa hè, lòng đường… làm nơi để tập xe đạp, chơi những trò chơi trong dịp hè. Điều này dẫn đến nguy cơ tai nạn, mất an toàn luôn tiềm ẩn gia tăng. 

Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm liên quan đến trẻ nhỏ đã xảy ra. Điển hình mới đây, khoảng 17h ngày 2-6, trong lúc chơi đùa, do không để ý, 5 em nhỏ trú tại xã Ia Sao và Ia York, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) bị trượt chân vào chỗ nước sâu. Hậu quả, vụ tai nạn trên đã khiến 4 em nhỏ bị đuối nước.

Sau những ngày tháng miệt mài trên ghế nhà trường, kỳ nghỉ hè là quãng thời gian mà trẻ có dịp nô đùa với những trò chơi của mình. Tất nhiên, sân chơi là nơi mà ở đó các trò chơi, không gian chơi góp phần giúp cho các em phát triển văn hóa, thể chất và tinh thần. 

Sân chơi là nơi tập kết rác..

Anh Phùng Đức, nhà ở quận Ba Đình (Hà Nội) lo lắng khi cho rằng, nơi anh ở, sân chơi chưa đáp ứng hết nhu cầu vui chơi của trẻ, nên hằng ngày, thay vì đến các điểm vui chơi, các con anh thường “làm bạn” với máy ipad, điện thoại, mạng Internet… Vợ chồng anh lo ngại trước nguy cơ thế giới ảo đang lấy đi không gian chơi, tuổi thơ của các con mình. 

Cùng suy nghĩ trên, Tiến sĩ Tâm lý học Trần Thu Hương, Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng, thực trạng sân chơi cho trẻ đang bị thu hẹp do mục đích sử dụng bị biến tướng đang đặt ra nhiều nỗi lo. 

Căn nguyên cũng bởi, trẻ nhỏ rất cần không gian vui chơi, nhất là trong kỳ nghỉ hè. Không gian vui chơi rất hữu ích trong việc góp phần trang bị kỹ năng sinh hoạt, giao tiếp cho trẻ. Những nơi này, không chỉ giúp trẻ có trải nghiệm thực tế với cuộc sống bên ngoài mà còn là phương pháp giáo dục hữu hiệu đối với trẻ. 

Kỹ năng sống, sự tương tác với mối quan hệ xã hội, với các bạn cùng trang lứa theo đó được hình thành. Từ đấy, trẻ sẽ linh hoạt, có tính nhường nhịn, sống chan hòa… với mọi người hơn. Các căn bệnh như: vô cảm, tự kỷ, trầm cảm… vốn đang là mối lo của các gia đình có trẻ nhỏ được đẩy lùi. Mặt trái của thế giới ảo, mạng Internet, game online không còn sức lôi cuốn đối với các em nữa.

Sân chơi khu tập thể D8 - phường Thành Công bị hàng quán “bủa vây”.

3. Quyết định số 1555/QĐ-TTg ngày 17-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020 đã nêu rõ, giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích xuống 550/100.000 trẻ em vào năm 2015 và xuống 450/100.000 trẻ em vào năm 2020. Tăng số xã, phường có điểm vui chơi dành cho trẻ em đạt chuẩn lên 50% vào năm 2015 và lên 55% vào năm 2020. Tăng tỷ lệ trẻ em tham gia diễn đàn trẻ em các cấp lên 20/100.000 trẻ em vào năm 2015 và lên 25/100.000 trẻ em vào năm 2020… 

Chương trình hành động, giải pháp đẩy mạnh công tác đầu tư, quản lý sân chơi cho trẻ là thế, song khi nhìn vào những gì tồn tại liên quan đến những điểm, sân vui chơi dành cho trẻ đang bị xuống cấp, biến tướng mục đích sử dụng như hiện nay, dư luận không khỏi lo ngại. 

Thực tiễn cho thấy, mỗi khi vào hè, các bậc phụ huynh lại đau đáu, cố tìm cho con em mình những điểm vui chơi, giải trí sau một kỳ học tập. Những chuyến du lịch, các điểm trung tâm thương mại, công viên cung cấp dịch vụ vui chơi cho trẻ được nhiều bậc phụ huynh lựa chọn. 

Tuy nhiên, giải pháp trên chỉ là tình thế, bởi nhu cầu vui chơi của trẻ là thường xuyên, không cố định ở một thời gian, không gian cụ thể. Do đó, các công viên, điểm vui chơi công cộng không mất phí nằm trên địa bàn các khu dân cư mới thực sự là những nơi mà trẻ luôn muốn hướng đến.

Ông Ngô Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công chia sẻ, hiện trên địa bàn phường có 30 sân chơi. Số sân chơi này đều thuộc các khu nhà chung cư, tập thể cũ từ những năm 70, 80 thế kỷ trước. 

Đáng bàn, do hai khu chợ Thành Công A và Thành Công B được xây dựng từ 30 năm trước, hiện không đáp ứng được nhu cầu mua bán của người dân trên địa bàn cũng như các khu vực lân cận (phường Giảng Võ, Ô Chợ Dừa, Láng Hạ…), nên đã xuất hiện tình trạng, tiểu thương đổ về địa bàn tận dụng các điểm, sân chơi công cộng để hoạt động buôn bán. 

Thực trạng này cũng khiến chính quyền bức xúc. Việc xử lý các vi phạm liên quan đến sân chơi không thể một sớm, một chiều, bởi trong quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng chức năng gặp phải những khó khăn nhất định vì động chạm đến kế sinh nhai của một số người dân có hoàn cảnh khó khăn. 

Cũng theo ông Ngô Ngọc Lâm, để giải bài toán sân chơi cho trẻ, các cơ quan chức năng cần tính toán, đưa ra quy hoạch có tính tổng thể. Kế đến, chính quyền sở tại sẽ lấy làm căn cứ, để giải quyết, xử lý theo từng bộ phận. 

Cùng với đó, bên cạnh việc xin chủ trương xây dựng mới nhà văn hóa, sân chơi, để khắc phục tồn tại về kinh phí, người dân cũng cần ủng hộ phương án “xã hội hóa” – chung tay hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi của trẻ nói riêng và người dân trên địa bàn nói chung.

Rõ ràng, bên cạnh việc xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm, sử dụng sân chơi cho trẻ không đúng mục đích, chúng ta cần nghiên cứu, đầu tư đúng mức cho các hoạt động vui chơi của trẻ. Việc giải bài toán sân chơi cho trẻ hiện nay không chỉ của riêng một cơ quan, ban, ngành nào, mà đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội.

Nhóm PV
.
.
.