Bạn bè tôi trẻ mãi không già

Thứ Hai, 11/08/2014, 18:00

Lần nào đi qua phố Nỉ, tôi cũng ghé vào thăm nhà thơ Phạm Thành Trung, một cựu chiến binh ở Sóc Sơn, Hà Nội. Người thương binh này mê thơ đến kỳ lạ. Trước khi làm nhà ông cho xây một gian nhỏ ở ngoài vườn. Ông đặt tên là quán thơ, dành để cho các bạn đến đàm đạo văn chương. Tình cờ đọc bài thơ “Chiều trung du” rất da diết tình cảm của ông, in trên Báo Hà Nội mới, năm 1997, tôi làm quen và trở thành tình bạn từ đó.

Ký ức một thời máu lửa

Tôi vừa vào sân, thấy ông đứng lặng bên cây sanh có thế thác đổ, với nét mặt trầm ngâm. Lát sau ông mới nói, nhìn những lá vàng rơi dưới sân, bỗng dưng lại nhớ đến các bạn cùng thời đã hy sinh trên biển thuở nào. Và đây là những câu thơ của ông viết về đồng đội mà tôi đã thuộc mỗi khi ông cất giọng đọc. Cảm xúc ấy da diết làm sao: “Bạn bè tôi trẻ mãi không già / Hàng dọc hàng ngang vẫn chỉnh tề đội ngũ / Này Hiến, Minh, Tâm... cùng bao nhiêu đứa / Rừng Trường Sơn mây phủ tím trời”. Lần này dường như có điều khác lạ. Ngồi cùng nhau tại quán thơ, trong ông những ký ức nóng bỏng tràn về.

…Trận đánh đầu tiên mà chiến sĩ đặc công Phạm Thành Trung tham gia là mặt trận Đường 9 Nam Lào, tháng 2 năm 1971, vừa tròn tuổi 20. Đây là trận đánh lớn, đơn vị đặc công là mũi nhọn đột phá đánh tan âm mưu của chiến dịch Lam Sơn 719 của quân địch. Dưới sự yểm trợ của máy bay Mỹ, quân ngụy ngày đó tấn công đánh chiếm các điểm chốt, hòng khống chế con đường tiếp tế của quân đội ta tại mặt trận ở Hạ Lào. Nhưng sau 45 ngày đêm chiến đấu, quân đội ta đã đánh chiếm lại các cứ điểm và Mỹ ngụy đã thất bại thảm hại, phải bỏ chạy tan tác. Lần đó, chiến sĩ Phạm Thành Trung là một tay súng trọng liên dũng cảm, đã cùng đồng đội đánh chiếm lại cao điểm 453, tiêu diệt hàng chục tên lính ngụy. Đó là chiến công đầu tiên của những người lính Thủ đô ở tuổi 20. Trong bài thơ “Đồng đội tôi” sau này Phạm Thành Trung viết khi nhớ lại các bạn đã hy sinh có câu: “Gió vẫn dịu dàng ru / Cây xỏa bóng mát che từng khuôn mặt / Những chàng trai tuổi hai mươi đánh giặc / Khắc tên mình vào dáng núi, hình sông”.

Hồi lâu sau, ông nhìn lại bàn chân gỗ, rồi kể cho tôi nghe câu chuyện vượt biển vào tháng 7 năm 1972. Cho dù đã 42 năm trôi qua, nhưng câu chuyện ngỡ như cổ tích, vượt qua cái chết ấy vẫn hiển hiện như một điều thần kỳ, đối với cựu binh Phạm Thành Trung. Tôi dường như cũng sống với mọi ký ức cứ cuồn cuộn trở về...

Tiểu đoàn đặc công có lệnh đánh chiếm cụm cứ điểm quân sự ngụy tại bán đảo Sa Huỳnh, thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Đây là vị trí quân sự trên biển quan trọng. Bọn chúng chiếm đóng, để khống chế đường giao thông vận tải biển mà tàu thuyền của quân đội ta thường bí mật đi qua. Các chiến sĩ đặc công đã tiêu diệt được một tiểu đoàn địch và chiếm giữ được cứ điểm quân sự biển này trong hai tuần liền.

Đến ngày thứ 15, quân ngụy huy động một lực lượng lớn cùng với sự yểm trợ của máy bay Mỹ tập kích đánh chiếm trở lại. Sau những ngày kiên cường chiến đấu, các chiến sĩ bị thương và hy sinh nhiều, khi bị pháo kích và máy bay Mỹ ném bom tàn sát. Con đường độc đạo đã bị kẻ địch án ngữ. Với lực lượng mỏng đơn vị khó tiếp tục đánh để giải thoát, nên cấp trên ra lệnh rút lui bằng con đường biển, trong một đêm. Phạm Thành Trung khi đó cùng anh em phải bơi vượt một cây số eo biển, cắt ngang từ bán đảo vào đất liền.

Trong đêm tối Phạm Thành Trung định hướng bơi vào bờ. Mọi chiến sĩ đều động viên nhau hãy vượt qua cái chết kề bên khi pháo kích của giặc vẫn dữ dội. Trong khói lửa, đạn bom, các chiến sĩ thầm lặng bơi với sự quyết tâm giành lấy sự sống. Lúc này sóng biển chồm lên che mắt, Phạm Thành Trung bất ngờ nghe thấy một tiếng nổ ở gần bên, rồi thấy đau nhói ở chân trái. Anh sờ xuống chân thì thấy bọng chân đẫm máu nhiều mảnh xương lòi ra. Riêng bàn chân mất cảm giác cũng vì bị mảnh pháo xẻ đôi. Phạm Thành Trung cố ghìm nén cơn đau dội lên. Nước biển mặn lại càng làm nhức nhối toàn bộ cẳng chân.

Anh bị ngất đi và trôi lênh đênh trên sóng biển. Máu chảy nhiều, ngỡ như cái chết đã ập đến. Trong cơn mơ trên biển, anh chỉ biết gọi lên tiếng: Mẹ ơi!  Rồi chìm trong sóng nước. Bỗng nhiên anh thấy mình được bàn tay mẹ nâng lên trên làn nước. Có tiếng thì thào bên tai. Hãy cố lên! Hãy ôm lấy cái phao nhựa này! Nằm im nhé!... Nghe như tiếng mẹ vọng từ trên trời thì phải. Anh cố mở mắt nhìn về phía bàn tay người trong đêm. Người ấy đang vừa cố bơi vừa đẩy anh vượt sóng vào bờ. Phải nói là bàn tay mẹ mới ấm như thế. Anh cố mở mắt trong cơn mơ, thì ra đó là Tân một đồng đội cùng quê đang cứu anh. Đến tờ mờ sáng hôm sau hai người mới bơi được vào bờ và được các chiến sĩ của ta đưa lên. Phạm Thành Trung ngất lịm trong vòng tay Tân.

Ngay lập tức, chiến sĩ đặc công Phạm Thành Trung được đưa vào bệnh xá tiền phương ở Quảng Ngãi để cưa chân, để tránh hoại thư vì nhiễm trùng. Đến khi mở mắt, sau cơn đau quặn người, Phạm Thành Trung mới biết chân trái mình đã bị cưa đến gần đầu gối, chỉ còn cách có bảy phân…

Xin hạ bậc thương binh để đi học

Ít người cho là thương binh Phạm Thành Trung bình thường khi nằng nặc xin hạ từ thương binh hạng 2, loại nặng, xuống loại 3, loại nhẹ để xin đi thi đại học. Nhưng rồi tất cả cán bộ của Trung tâm Đoàn an dưỡng 231 ở Lập Thạch, Vĩnh Phú ngày ấy đều thấy rõ ý chí vươn lên của Phạm Thành Trung. Anh thể hiện ý chí “tàn nhưng không phế” của người chiến sĩ kiên cường. Họ còn biết anh đã tình nguyện nhập ngũ năm 1969, trong khi đã có giấy báo nhập học Khoa văn Trường Đại học Tổng hợp. Việc anh trở lại học đại học là đương nhiên theo giấy báo trước đây. Nhưng rồi anh lại luyện thi để thi vào trường Đại học Kinh tế, chỉ vì cái chân cụt của mình, anh nghĩ sẽ gặp nhiều khó khăn khi đi thực tế để viết bài hay sáng tác. Lại một cuộc phiêu lưu nữa đối với một chiến sĩ đã từng lênh đênh trên biển, chống lại cái chết.

Cả trại điều dưỡng không thể tin nổi, anh thương binh cụt chân ấy vừa tập đi với cái chân gỗ, lại vừa ôn thi, mà vẫn đạt kết quả thừa điểm được đi nước ngoài, năm 1973. Nhưng rồi vẫn chỉ vì cái chân thương tật, không được xét đi, mà anh phải ở lại học trong nước. Nhưng mọi chuyện đâu có trở ngại. Suốt bốn năm học, sinh viên Phạm Thành Trung liên tiếp đạt danh hiệu sinh viên tiên tiến xuất sắc, và còn là người được chọn làm luận văn tốt nghiệp. Mọi sự đâu chỉ là may mắn, mà anh đã một mình đương đầu với mọi gian nan vất vả, vượt lên nỗi đau đớn về thể xác để giải từng bài toán của kiến thức. Nhiều đêm trở trời vết thương tê buốt, nhưng rồi nhớ lại khi mình lênh đênh trên biển để giành lại sự sống ra sao, là anh lại bừng tỉnh và ôm lấy giáo trình. Đó là cái đêm đau nhức trước khi vào buổi bảo vệ luận văn. Khi kết thúc luận văn được điểm cao nhất, trong lễ tốt nghiệp năm 1978, cũng là lúc anh trở về ký túc xá để xoa bóp vết đau đang sưng tấy…

Giọng kể đến đây của nhà thơ bỗng lặng đi, bởi những lúc chân đau là ông lại nhớ về eo biển Sa Huỳnh, trong cái đêm hôm ấy, vượt trên sóng dữ và cái chết trở về với đồng đội. Ông còn biết cái bán đảo thấm máu chiến sĩ đã hy sinh, giờ đây đã trở thành khu du lịch nổi tiếng với nền văn hóa Sa Huỳnh được ẩn giấu ngàn năm. Có lần được đọc một sáng tác của nhà thơ Thanh Thảo đã từng viết về đồng đội, với sự đồng cảm ứa nước mắt, ông trầm tĩnh đọc: “Những mảnh gốm sống hơn ba ngàn năm / Bạn hóa lá cờ năm hai mươi tuổi / Hai mươi tuổi bạn trắng trong hạt muối / Muối Sa Huỳnh mặn biết mấy ngàn năm”.

Tự sự cùng chiếc chân gỗ

Giờ đây nhà thơ Phạm Thành Trung đã chia tay nhiệm sở, sau khi nhận sổ hưu theo chế độ, với chức danh Chi Cục trưởng Chi cục Thuế huyện Sóc Sơn, năm 2011. Ông ngồi bên bàn trà cùng tôi ở quán thơ, thở phào rồi tự sự như với chính mình. Thời gian trôi đi tựa tên bay. Thế là mình đã chia tay với mọi công việc bộn bề, theo đuổi suốt 30 năm trong vai trò công chức, để trở về với cái chân gỗ. Lúc này ông tháo nó ra, rồi ôm nó trên tay, ngồi lặng nhìn tôi. Ông kể rằng, mình đã cùng nó vật lộn trong hàng ngàn đêm trăng. Khi bắt đầu tập đi với chân gỗ, ông đã phải chọn những đêm trăng tròn để nhìn bóng mình sao cho thẳng và bước đi vững vàng. Cứ thế mỗi mùa trăng là một mùa đau đớn với cái mỏm chân cụt còn lại. Chiếc chân gỗ đã trở thành người bạn thân thiết và an ủi ông với mọi con đường.

Ông nói sau những bôn ba, trải nghiệm giờ đây ông lấy thơ làm điểm tựa như sau một cuộc chiến vậy. Hiện ông được bầu làm Phó Chủ nhiệm CLB Văn nghệ Sóc Sơn. Sau đó, ông lắp chiếc chân giả đi ra nhặt nốt những chiếc lá vàng rơi. Tôi giúp ông tưới những gáo nước mát cho những gốc cây cảnh. Ông tập tễnh đi quanh vườn với vẻ mặt trầm lặng. Chắc lại nhớ về biển. Tôi nghĩ vậy. Nhưng ông không nói về cái đêm lênh đênh của mình, mà nói về sự cuộn sóng dậy trên Biển Đông. Thì ra ông không rời xa mọi chuyện như tôi tưởng. Tuy thời gian và những đêm trăng vẫn đeo đuổi ông, nhưng sự mỏi mòn của tháng năm không làm cho con tim già nua. Tâm hồn ông luôn rung lên những nhịp sóng tươi tắn, hồn nhiên, trong những vần thơ mà ông đã viết về quê hương, đồng đội

PV
.
.
.