Bản "danh sách đen" và những câu hỏi cần sớm được trả lời

Thứ Ba, 30/04/2019, 15:18
Cuối cùng thì bản "danh sách đen" dài về thân thế của những người có con, cháu được nâng điểm tại 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang đã lộ sáng.


Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới bản danh sách này, bởi nhìn vào, người dân không khỏi choáng váng khi thấy các vị phụ huynh đều có chức vụ và đang công tác ở nhiều cơ quan nhà nước. 

Trong danh sách 11 thí sinh được nâng điểm ở Hòa Bình thì có tới 4 thí sinh là con, cháu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư. 

Trong bản "danh sách đen" ở tỉnh Sơn La cũng có con của Cục trưởng Cục Thống kê, Cục trưởng Cục Thuế, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Sơn La, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra Sở GD- ĐT. Còn tại tỉnh Hà Giang, trong số thí sinh được được nâng điểm có cả con Bí thư Tỉnh ủy…

Việc con, cháu hàng loạt cán bộ ở 3 tỉnh được nâng điểm đã khiến dư luận bức xúc, bởi những thí sinh này vào đại học nhờ được nâng hàng chục điểm, cũng đồng nghĩa với hàng trăm thí sinh khác đã bị cướp mất cơ hội vào đại học. Thi tuyển đại học, chỉ cần hơn nhau 0,5 điểm thôi đã bị mất cơ hội, vì thế với những thí sinh được nâng tới 20 điểm thì sẽ không thí sinh nào có thể "đấu nổi". 

Không những thế, việc gian dối này sẽ đào tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng thấp, tác động đến đạo đức xã hội, chi phối những hành vi đúng đắn trong xã hội.

Dư luận cũng bức xúc vì sự chần chừ trong việc công bố danh sách thí sinh gian lận điểm thi đã khiến các trường đại học lãng phí kinh phí đào tạo những sinh viên ngồi nhầm chỗ, bởi có người đã tính rằng, trung bình nhà trường phải chi trả cho đào tạo một sinh viên khoảng 2 triệu đồng/tháng thì hơn 100 sinh viên kia (64 thí sinh gian lận điểm của Sơn La và 44 thí sinh Hòa Bình) trong 8 tháng ngồi nhầm chỗ đã khiến các trường lãng phí hàng tỷ đồng kinh phí đào tạo.

Điều đáng nói là sau khi "danh sách đen" này được công bố, một số vị phụ huynh chọn cách im lặng, một số người đã trả lời báo chí rằng cảm thấy "buồn, mất hết danh dự, uy tín", có vị khẳng định rằng "gia đình không có tác động gì vào điểm số của con" vì tin con mình học giỏi.

Những ngày qua, nhiều vị đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về sự việc này. Ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đặt câu hỏi: "Nếu các ông bà không ở chức vụ đó thì liệu con cái ông bà có được nâng điểm hay không? Tại sao họ lại không nâng điểm cho con nhà nông dân mà lại nâng cho các trường hợp gia đình quan chức?".

Ông Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách) cho rằng đây không chỉ đơn thuần là những vi phạm các quy định về giáo dục, mà còn vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật. Những cán bộ công chức được xác định chạy nâng điểm cho con, ngoài các chế tài khác còn bị chi phối, xử lý theo quy định của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức.

Theo ông Vân, hiện nay đã có nhiều quy định liên quan đến trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên. Mục đích ban hành các quy định nêu gương để chỉnh đốn, hướng tới sự tự giác tuân thủ của cán bộ đảng viên. Nhưng theo ông Vân, cho đến nay vẫn chưa có trường hợp nào tự giác xin từ chức. Thậm chí khi có bằng chứng rõ ràng, buộc phải nhận một hình thức kỷ luật, họ vẫn không từ chức. 

Tính tự giác gần như không có, nên chỉ có cách dùng biện pháp cưỡng chế, bắt buộc, xử lý về mặt pháp luật. Các quy định hiện nay chưa đủ sức răn đe, cảnh tỉnh, đánh thức liêm sỉ của những vị có vi phạm, chứ đừng nói đến việc họ thấy vợ con mình vi phạm thì xin từ chức.

"Có những trường hợp rõ ràng con em mình được nâng điểm một cách trắng trợn, nhưng họ lại đứng ngoài cuộc, như thể vô can, nói rằng tôi không biết, rồi đi ca ngợi con mình học giỏi. Đó là những dấu hiệu thoái thác sự liên quan của mình. Đó cũng là một dấu hiệu mà Ủy ban Kiểm tra có thể vào cuộc được, vì rõ ràng liên quan đến Quy định 08 về tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên", ông Vân nói.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thời điểm này dù cơ quan chức năng chưa có kết luận, nhưng khi có thông tin như vậy thì tổ chức Đảng cũng không thể làm ngơ, đứng ngoài cuộc. 

Vì thế, cấp ủy tại nơi những cán bộ, đảng viên nằm trong diện nghi vấn cần yêu cầu họ làm giải trình, kiểm điểm. Sau đó, tùy theo tính chất, mức độ mà xử lý theo các quy định của Đảng, Điều lệ Đảng. Còn sau này các cơ quan tố tụng có kết luận rõ ràng thì khi đó ai sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cho tới lúc này, cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành điều tra để làm rõ những người liên quan tới vụ án. Dư luận rất mong chờ cơ quan chức năng sẽ làm rõ vì sao phần lớn những thí sinh được nâng điểm là con cán bộ.  

Tân Lương
.
.
.