Băn khoăn từ những vụ án lạm dụng tình dục trẻ em

Thứ Hai, 10/04/2017, 09:02
Liên Hiệp Quốc đang lo ngại về tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em ở nước ta hiện nay. Đây là câu chuyện nhức nhối mà mỗi người có lương tâm không thể không đau xót. Mỗi vụ án được đưa ra ánh sáng, không chỉ là nỗ lực của những người trong cuộc, mà còn là của cả cộng đồng.


Sau 7 tháng điều tra, cuối  cùng vụ án dằng dai nhất trong các vụ lạm dụng tình dục trẻ em gần đây, vụ ông lão 77 tuổi có hành vi dâm ô bé gái ở Vũng Tàu cũng được đưa ra ánh sáng. 

Ngày 27-3 vừa qua, Viện Kiểm sát TP Vũng Tàu đã phê chuẩn quyết định khởi tố ông Nguyễn Khắc Thủy (phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu) về hành vi dâm ô trẻ em. 

Dư luận hoan nghênh quyết định này của cơ quan tố tụng. Kèm với đó là những trăn trở về việc, làm thế nào để những vụ án lạm dụng trẻ em có thể nhanh chóng được đưa ra xử lý, không phải quá mất thời gian gây thêm nhiều tổn thương không đáng có cho gia đình bị hại, đặc biệt là các em bé.

Vai trò của cộng đồng

Có thể nói, trong hầu hết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, tiếng nói cộng đồng có vai trò rất lớn quyết định sự việc có được đưa ra công lý sớm hay muộn, hay chìm xuồng. Nhờ có mạng xã hội, những thông tin về các vụ việc nhanh chóng được lan truyền. Mỗi câu chuyện đau lòng xảy ra được chia sẻ, có hàng ngàn lượt like và share, kêu gọi lương tâm cộng đồng, những người có trách nhiệm vào cuộc. 

Ảnh minh họa.

Thẳng thắn mà nói, sức ép của cộng đồng khiến cho những người thực thi pháp luật không thể làm ngơ hay chậm trễ. Vụ xâm hại bé gái ở quận Hoàng Mai - Hà Nội vừa được khởi tố là một ví dụ. Vụ cụ ông dâm ô bé gái ở Vũng Tàu khó có thể được phơi bày ra ánh sáng nếu không có tiếng nói mạnh mẽ từ phía dư luận, cộng đồng. Trong đó, vai trò của các bậc phụ huynh rất quan trọng. Quan trọng hơn là sự chung sức của giới luật sư, những người am hiểu pháp luật và có kiến thức để phân tích các vụ việc trên cơ sở pháp luật. 

Một người mẹ đơn độc đi tìm công lý cho đứa con bé bỏng sẽ rất khó đưa câu chuyện ra ánh sáng, bởi muôn vàn lý do khách quan và chủ quan. Nhưng nếu cộng đồng ở bên cạnh người mẹ ấy, động viên, chia sẻ, giúp đỡ, xắn tay vào, thì sớm muộn câu trả lời sẽ đến. 

Người mẹ bé gái ở Vũng Tàu chắc cũng không thể ngờ rằng câu chuyện đau lòng của mẹ con chị trải qua đã được lắng nghe bởi Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, đã đến tai người đứng đầu Nhà nước. Đích thân Chủ tịch nước đã chỉ đạo phải điều tra vụ án này và có câu trả lời thích đáng trước dư luận. 

Trước đó, nhiều lần, người mẹ trẻ cảm nhận vụ án này đang có xu hướng chìm xuồng. Nghĩa là nỗi đau gia đình chị, con gái chị phải chịu sẽ vĩnh viễn nằm trong bóng tối. Tiếng nói từ công luận không chỉ có tác dụng giúp các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc mà còn góp phần giảm thiểu hành vi phạm tội.

Câu chuyện chứng cứ

Chứng cứ để buộc tội trong các vụ án dâm ô trẻ em thường rất yếu. Đây chính là lý do cơ bản để quá trình điều tra, xét xử chậm trễ. Trong các vụ việc có hành vi dâm ô trẻ em thường rất khó có mẫu làm bằng chứng. Không ít vụ án đối tượng gây án nhận tội, cháu bé được xác định là bị hại rồi, nhưng chứng cứ vật chất thu được tại hiện trường lại không có, gây khó khăn cho công tác xét xử.

Trong khi đó tại tòa, lời khai của trẻ bị xâm hại chỉ được xem là căn cứ để xem xét. Các em nhỏ đôi khi có lời khai không khớp nhau tại các phiên tòa. Việc lấy lời khai của bị hại là căn cứ duy nhất để buộc tội được cho là chưa đủ thuyết phục. Chứng cứ vật chất là thứ không thay đổi, và buộc tội bị can mới đủ sức thuyết phục.

Lời khuyên của các nhà làm luật với các bậc phụ huynh khi có con em nghi là bị lạm dụng tình dục là hãy nhanh chóng trình báo với Cơ quan điều tra. Việc nhanh chóng trình báo sẽ giúp Cơ quan điều tra thu giữ được các bằng chứng xác thực để đưa kẻ phạm tội ra ánh sáng sớm nhất. 

Thực tế trong các vụ án dâm ô trẻ em, cha mẹ thường đến Cơ quan điều tra muộn, có thể vài tuần, vài tháng sau khi sự việc xảy ra. Lúc đó thì việc thu thập chứng cứ vô cùng khó khăn, thậm chí là không thể. Thời điểm trình báo muộn, thì những thương tổn trên cơ thể của em bé cũng có nhiều xáo trộn.

Thái độ của các phụ huynh đối với vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em là vô cùng quan trọng. Nếu họ bỏ qua được cảm giác ngại ngùng, xấu hổ không đáng có khi phát hiện ra con mình có dấu hiệu bị lạm dụng, thì chính họ sẽ hỗ trợ đắc lực cho Cơ quan điều tra tố tụng sớm đưa vụ việc ra pháp luật. 

Theo đó, ngay khi phát hiện có biểu hiện lạ, nghi bị lạm dụng, cha mẹ hãy gạt qua nỗi đau, nỗi buồn phiền, động viên trẻ hợp tác với Cơ quan điều tra. Không nên tắm rửa ngay cho bé, mà đưa con tới Cơ quan Công an để cơ quan này lấy các mẫu thử, thu thập chứng cứ cần thiết. Những hành động tức thì đó sẽ giúp giảm thiểu thời gian điều tra vụ án. 

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần phải chủ động thu thập chứng cứ để vạch tội kẻ thủ ác. Bởi vì chứng cứ là điều quan trọng nhất có thể buộc tội một nghi phạm.

Đưa nhiều thông tin về tình trạng tội phạm dâm ô trẻ em lên mạng có làm gia tăng tỷ lệ phạm tội?

Có ý kiến cho rằng hiện nay thông tin về các vụ án lạm dụng tình dục trẻ em đưa lên mạng quá nhiều là lợi bất cập hại. Nhất là khi đối tượng mới chỉ là nghi phạm mà đưa hình ảnh hay thông tin lên mạng sẽ dễ dẫn đến tình trạng kích động đám đông. 

Vấn đề ở đây là, gia đình của trẻ bị hại cần nhận thức thời điểm nào thì nên đưa thông tin ra công luận. Phụ huynh nên bí mật thông tin ban đầu, hợp tác chặt chẽ với Cơ quan điều tra, không vội vàng đưa lên mạng xã hội để kẻ phạm tội có thể nhận biết các kẽ hở xóa dấu vết. 

Hơn nữa, với tốc độ lan truyền mạnh mẽ trên cộng đồng mạng, những thông tin trái chiều có thể làm tổn thương một lần nữa cho chính người bị hại, nhất là các em bé còn non nớt.

Không có chứng cứ nào thuyết phục để nói đưa nhiều thông tin về các vụ án lạm dụng tình dục trẻ em lên mạng thì sẽ gia tăng tỷ lệ tội phạm này. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng, mọi thông tin về một vụ án, đặc biệt liên quan đến danh tính cháu bé bị hại cần rất thận trọng. 

Bởi vì đó là những thông tin sẽ nằm mãi trên mạng, dễ dàng tìm thấy sau nhiều năm. Các cháu sẽ lớn lên, nỗi đau cơ thể hay nỗi đau tâm hồn dần nguôi ngoai. Nhưng nếu các thông tin về vụ việc vẫn còn mãi đấy, thì một ngày có thể chính những thông tin đó sẽ nhắc lại nỗi đau, làm thương tổn các cháu thêm một lần nữa. 

Tuy nhiên, hình ảnh tội phạm ấu dâm thì cần thiết được đưa ra cộng đồng. Sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng sẽ giúp ngăn chặn các hành vi phạm tội.

Như vậy có thể nói, lạm dụng tình dục trẻ em không chỉ đơn giản bàn như bàn về một vụ án. Nó là một vấn đề xã hội, một câu chuyện xã hội đòi hỏi mỗi người trong chúng ta phải có những ứng xử mạnh mẽ và tinh tế, quyết liệt nhưng không gây ra thêm những tổn hại về tinh thần cho người bị hại. 

Theo đó, chúng ta không chỉ bảo vệ quyền lợi của các trẻ em tại mỗi phiên tòa, mà còn biết bảo vệ các em trong các ứng xử xã hội, nhất là việc đưa thông tin trên mạng internet. 

Liên Hiệp Quốc đang lo ngại về tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em ở nước ta hiện nay. Đây là câu chuyện nhức nhối mà mỗi người có lương tâm không thể không đau xót. Mỗi vụ án được đưa ra ánh sáng, không chỉ là nỗ lực của những người trong cuộc, mà còn là của cả cộng đồng. 

Mong sao sau mỗi vụ việc như vậy, những bài học sẽ được rút ra, nhà trường, gia đình và toàn xã hội sẽ củng cố thêm hàng rào hành lang pháp luật hợp lý, cần thiết để bảo vệ các em nhỏ - những đối tượng dễ trở thành nạn nhân của hành vi lạm dụng tình dục. 

Một xã hội biết lên tiếng đúng lúc, không thỏa hiệp hay thờ ơ với cái ác là tiền đề cho sự phát triển. Bảo vệ trẻ em cũng chính là bảo vệ tương lai của mỗi chúng ta.

Minh Hồng
.
.
.