40 năm lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động Công an tỉnh Nam Định:

Bản lĩnh, dấu ấn và niềm tin

Thứ Sáu, 25/04/2014, 17:33

Ngày 15/4/1974, tại Thủ đô Hà Nội đã long trọng diễn ra lễ thành lập lực lượng Cảnh sát Bảo vệ (nay là Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động). Theo đó, lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động Công an Nam Định cũng ra đời với tiền thân là lực lượng cảnh vệ. Đến nay, lực lượng đã tròn 40 tuổi. 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, những thế hệ CBCS của lực lượng đã mưu trí, không quản ngại hy sinh, đấu tranh lập nên nhiều chiến công vang dội, góp phần cùng quân và dân tỉnh Nam Định xây dựng và phát triển quê hương. 

Kể từ thời điểm năm 1974, trải qua 40 năm sáp nhập, chia tách với nhiều tên gọi phù hợp ở mỗi thời kỳ cách mạng, từ Phòng Cảnh sát Bảo vệ (năm 1974), Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp (năm 2004), Phòng Cảnh sát Bảo vệ, Cơ động và Hỗ trợ tư pháp (năm 2008) và từ năm 2010 đến nay là Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động với cơ cấu tổ chức gồm 3 đội, 1 tiểu đoàn và 5 đơn vị bảo vệ mục tiêu. Những dấu mốc trên thực sự là một chặng đường vẻ vang, in đậm dấu ấn với những chiến công xuất sắc của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động Nam Định. Những thành tích ấy khẳng định dấu ấn về một bản lĩnh chiến đấu tuy âm thầm song rất mạnh mẽ và luôn xứng niềm tin của dân.

Ra đời trong bối cảnh đất nước chưa thống nhất, lực lượng được giao nhiệm vụ trấn áp kịp thời mọi âm mưu bạo loạn, lật đổ của bọn phản động, bọn gián điệp; bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của tỉnh, các mục tiêu quan trọng về kinh tế, văn hóa, chính trị, khoa học kỹ thuật; bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, tính mạng, tài sản của nhân dân… Lúc đó, tuy lực lượng còn non trẻ, vũ khí công cụ hỗ trợ còn thô sơ song dù có thiếu thốn, khó khăn đến đâu, lực lượng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đại thắng mùa xuân năm 1975, Bắc – Nam thống nhất một nhà song các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn tìm mọi âm mưu chống phá cách mạng. Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ giữ gìn ANTT, Công an tỉnh Hà Nam Ninh thành lập Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động với phiên hiệu “Tiểu đoàn 778” với nhiệm vụ trấn áp các loại tội phạm; tuần tra vũ trang giữ gìn ANTT trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, chi viện lực lượng tham gia chống chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Trong 2 năm, 1978 – 1979 đã có 298 đồng chí viết đơn tình nguyện lên đường tham gia chống chiến tranh xâm lược. Cũng trong thời gian này, Bộ đã điều động một Đại đội cảnh sát bảo vệ gồm 120 CBCS Công an Hà Nam Ninh tăng cường cho Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ tham gia chống chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc. 120 CBCS được tăng cường này đã cùng với lực lượng công an cơ sở và lực lượng của Bộ chiến đấu kiên cường, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Có đồng chí chiến đấu trong điều kiện bị giặc bao vây 4 phía nhưng vẫn kiên trì giữ vững trận địa, quyết chiến đấu đến cùng. Trong cuộc chiến anh dũng này, máu của 32 CBCS Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động quê hương Nam Định đã tô thắm mảnh đất biên cương trong phiên hiệu Tiểu đoàn Cảnh sát Cơ động 778 Hà Nam Ninh. Sự hy sinh của các anh đã minh chứng cho truyền thống, nhân cách và trách nhiệm của người chiến sĩ CAND “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động Công an Nam Định.

Bước vào thời kỳ đổi mới, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc, chính trị ổn định, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao… Tuy nhiên, thời kì này, tình hình hoạt động của bọn tội phạm hình sự trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là bọn côn đồ lưu manh hình thành băng ổ nhóm, có vũ khí nóng, liều lĩnh gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Để lập lại kỷ cương, trật tự xã hội và thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về “tăng cường công tác bảo vệ TTATXH trong tình hình mới”, toàn dân, toàn quân tỉnh Hà Nam Ninh đã đồng loạt "xuống đường" tham gia đấu tranh trấn áp tội phạm hình sự, giữ gìn TTATXH. Đợt phát động này được mang một cái tên rất quân sự: Chiến dịch 135. Tham gia vào chiến dịch, lực lượng đã huy động trên 1.500 lượt CBCS tham gia tuần tra vũ trang, phối hợp bắt giữ 122 đối tượng hình sự. Trong đó, có vụ tham gia bắt tên Trịnh Văn Nguyện, tội phạm nguy hiểm tại huyện Tam Điệp, tỉnh Hà Nam Ninh, thu giữ 2 súng K54, 1 súng AK, 5 lựu đạn, hàng trăm dao, lê, mã tấu và nhiều tài sản khác trị giá hàng trăm triệu đồng.

Trong trang sử truyền thống của lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động hiện còn lưu lại khá nhiều lần tham gia vào những chuyên án lớn đấu tranh chống tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy trong 20 năm thời kỳ đổi mới. Ngoài góp sức, góp trí vào thành công của chiến dịch 135, lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động còn cùng với các lực lượng khác xuống cơ sở giải quyết điểm nóng, thực hiện 3 cùng với dân để vận động quần chúng, củng cố cơ sở chính trị, giữ gìn an ninh nông thôn, thúc đẩy phong trào địa phương phát triển, như ở xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), xã Hồng Thuận (Giao Thuỷ), Trực Cường (Trực Ninh), vùng vạng (Giao Thủy)…

Năm 2012, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu đảm bảo ANTT cũng như sự vững mạnh về bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ tác chiến, đơn vị thành lập Đại đội Cảnh sát cơ động. Sau hơn một năm hoạt động hiệu quả, cuối năm 2013, Đại đội Cảnh sát cơ động được tổ chức thành Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động theo quyết định thành lập của Bộ trưởng Bộ Công an. Tiểu đoàn có 250 cán bộ chiến sỹ, được chia thành 2 đại đội, 1 trung đội cảnh sát bảo vệ và tổ tham mưu tác chiến với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, cơ động nhanh để ngăn chặn, trấn áp các vụ gây rối trật tự công cộng; các vụ tụ tập bất hợp pháp, bạo loạn vũ trang; phối hợp truy bắt các đối tượng hình sự nguy hiểm, tổ chức tuần tra vũ trang; tuần tra, kiểm soát những địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự cũng như phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn.

Kiên quyết tấn công trấn áp tội phạm để giữ gìn bình yên cuộc sống, lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động được ví là "quả đấm thép". 40 năm qua, “quả đấm thép” ấy đã bảo vệ an toàn hàng nghìn đoàn lãnh đạo Đảng, Chính phủ về thăm và làm việc tại tỉnh; hàng nghìn chuyến hàng đặc biệt của Chính phủ; bảo vệ an toàn 7 mục tiêu không để xảy ra đột xuất, bất ngờ.  Gần 100.000 lượt CBCS tuần tra kiểm soát kết hợp sử dụng chó nghiệp vụ, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; thu giữ nhiều vật chứng, trong đó có cả ma túy, pháo, dao kiếm các loại… Phối hợp với các đơn vị công an trong tỉnh tham gia triệt phá thành công nhiều chuyên án tấn công, bắt giữ tội phạm cũng như góp phần không nhỏ vào thành công của phương án diễn tập phòng chống khủng bố, bạo loạn, giải cứu con tin bị bắt cóc cấp vùng; diễn tập phòng cháy chữa cháy hay các chuyến hành quân dã ngoại, các hoạt động tình nghĩa của Công an Nam Định… Nhất là đã xuất hiện nhiều CBCS liêm khiết trong công tác, không nhận hối lộ, nhặt được tài sản trị giá hàng chục triệu đồng đã tìm cách trả lại cho người đánh rơi, như Trung tá Nguyễn Xuân Mai, Thượng úy Vũ Tuấn Anh hay Thượng sỹ Bùi Đức Chinh, Nguyễn Văn Sơn…

Hình ảnh những chiến sĩ CSCĐ trong bộ quân phục màu xanh bơi trong dòng nước lũ chảy xiết để cõng những cụ già, bế từng em nhỏ trong bão tố đến nơi an toàn là những hình ảnh gây xúc động lòng người. Những đoàn quân hành quân dã ngoại về vùng quê, giúp nhân dân sửa lại mái nhà bị xiêu vẹo hay trĩu trịt những gánh lúa nghĩa tình về làng… đó là nghĩa tình quân dân khăng khít. Những phần quà trích từ lương của người lính được gửi tới những gia đình chính sách còn khó khăn, những em học sinh nghèo vượt khó… là những tình cảm khó có thể nói hết bằng lời…

Để xứng đáng là "quả đấm thép", xứng đáng với niềm tin của dân, những chiến sĩ Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động đã không ngừng luyện tập, nâng cao bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ và sức khỏe, đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ công tác trong mọi tình huống. Là một đơn vị có nhiều chiến sỹ trẻ, đang độ tuổi làm quen, kết bạn, thời gian và tiền bạc đều hạn hẹp, do vậy, giáo dục tư tưởng để CBCS yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ là bài toán không dễ. Ngoài quản lý bằng nội quy, các đồng chí lãnh đạo phòng luôn nhắc bản thân phải là tấm gương “kỷ luật nghiêm, hành động đúng” để CBCS trong đơn vị noi theo. Trong công việc phải tuân thủ đúng nội quy, quy chế  nhưng ngoài giờ lại gần gũi, chia sẻ như người thân trong gia đình. Bên cạnh việc giáo dục chính trị tư tưởng, đơn vị cũng chú trọng rèn luyện thể chất, nghiệp vụ tác chiến cho CBCS. Vượt qua dàn lửa đang bốc cháy ngùn ngụt hay nằm dưới bàn chông đinh để tấm bê tông nặng 80kg đè trên bụng bị đập vỡ… đó là những bài tập đầy gian khổ để rèn luyện bản lĩnh của người lính Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động.

Những nỗ lực đảm bảo ANTT của lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động Công an tỉnh Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh, các tổng, cục Bộ Công an và Giám đốc Công an tỉnh ghi nhận và tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen. Mới đây, sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 3/CT-TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đơn vị được Ban Tuyên giáo TW tặng Bằng khen.

Năm tháng qua đi, những thành tích mãi còn đó nhưng cái được của lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động Công an Nam Định không chỉ là những hình thức khen thưởng mà còn là sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Và đó cũng là mong mỏi, là quyết tâm và động lực phấn đấu của các chiến sỹ lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động.

40 năm - một chặng đường, tuy chưa phải là dài so với chiều dài truyền thống công an nhân nhân, nhưng những chiến công, những thành tích của các CBCS lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động đã minh chứng cho chân lý: công an nhân nhân vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Bước vào tuổi 40, độ tuổi của sự trưởng thành, những CBCS ấy đang nguyện viết tiếp trang sử truyền thống của lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động, với một lòng sắt son vì cuộc sống bình yên của nhân dân

Bích Mận
.
.
.