Bàn thêm về đề xuất gộp Tết ta vào Tết tây

Chủ Nhật, 08/01/2017, 13:37
Đề xuất này được đưa ra sau thời điểm Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình lên Chính phủ kế hoạch nghỉ Tết 2017 cách đây vài tháng. Theo đó, với những hệ luỵ tiêu cực, tác động không tốt đến kinh tế - xã hội nước ta nhân dịp Tết cổ truyền, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn có nền kinh tế hội nhập, cần phải bỏ Tết âm lịch.


Thậm chí, dưới góc độ kinh tế, chuyên gia kỳ cựu Phạm Chi Lan - nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng - cho rằng, cần sớm có lộ trình gộp Tết ta và Tết tây.

Đề xuất này nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia kinh tế. Một loạt hệ lụy được kể ra như thái độ chểnh mảng của người lao động, chúc Tết tràn lan, tai nạn giao thông tăng đột biến, tình hình an ninh trật tự phức tạp.

Bút hoa mấy nét là cảnh thường thấy mỗi dịp xuân về.

Câu hỏi được đặt ra rằng, với một đất nước còn nhiều khó khăn, lại giữ lề thói cũ đúng kiểu “tháng Giêng là tháng ăn chơi” thì biết bao giờ mới theo kịp tiến trình phát triển thế giới?

Chưa kể, có một số người khác cho rằng, Tết càng ngày càng nhạt. Họ nhớ về Tết một thời thiếu thốn, vất vả nhưng vui vầy, ấm cúng. Với họ, Tết xưa đã “chết” theo một cách hiểu nào đó.

Việc duy trì một cái Tết cổ truyền ở thế kỷ này là một điều thừa thãi. Trong khi đó lớp trẻ, sống ở thời nhiều pha trộn văn hóa, đang ngày một xa rời ngày Tết truyền thống, coi Tết là “hủ tục”, “là cỗ bàn”, là nặng nề, kiểu cách.

Tuy nhiên, cũng có không ít người tỏ ra tiếc nuối nếu cái Tết cổ truyền không còn. Ngóng Tết – trở thành trạng thái thường trực của nhiều người dân Việt Nam từ bao đời nay mỗi dịp hết năm. Ngóng Tết để trở về. Ngóng Tết để đón đợi một năm mới với nhiều hi vọng, nhiều đổi thay mới.

Tết là dịp cả nhà sum vầy.

Có người không tin rằng việc gộp hai cái Tết vào làm một sẽ làm cho năng suất lao động hay nếp sinh hoạt, thói quen của người Việt khá lên được.

Có người cho rằng, chung quy cũng bắt nguồn từ nhận thức của con người mà thôi. Tết hay những lễ hội khác chẳng có tội tình gì mà đưa vào bàn cân tranh luận này. Người này dẫn ra một số nước vì sao họ không bỏ Tết cổ truyền mà vẫn “khá” hơn Việt Nam về nhiều mặt, không riêng gì kinh tế?

Cụ thể là, ngoài Nhật Bản – Tết âm lịch và Tết dương lịch đã gộp làm một thì những nước còn lại như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc…, ngoài Tết dương thì họ vẫn bảo tồn Tết âm lịch gần như còn nguyên vẹn. Thậm chí, ở đất nước phát triển như Hàn Quốc, lễ cưới hay các lễ quan trọng khác thường được chọn diễn ra trong dịp này. Vậy thì câu chuyện ở đây là gì?!

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: Tết nhạt hay mình nhạt?

- Gần đây, lại nóng đề xuất gộp Tết ta vào Tết tây. Có một số ý kiến cho rằng, Tết âm lịch làm ảnh hưởng tới việc hội nhập kinh tế của đất nước. Là một người gắn bó với nền văn hóa dân gian, ý kiến của ông ra sao?

+ Đúng là chúng ta đang khó khăn về kinh tế thật. Kinh tế của nước ta chỉ ở mức trung bình non của thế giới, nhưng nói đi cũng phải nói lại, nhiều nước còn khó khăn hơn mình nhiều.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ.

Trong khi đó, cuộc sống của một con người, hay một dân tộc, đâu chỉ có kinh tế? Giả dụ, kinh tế phát triển như thế nào đi nữa mà những giá trị văn hóa truyền thống không giữ được thì lúc đó, mọi thứ cũng vô nghĩa mà thôi.

Tôi không phủ nhận Tết âm lịch gây ra một số hệ lụy về kinh tế nhưng chẳng lẽ, vì một khó khăn về kinh tế đó mà bỏ nó đi. Nó như một thành quả di sản văn hóa quan trọng được xây dựng hàng nghìn năm nay, không phải di sản nào cũng có thể xây dựng được hay như Tết.

- “Hay” dưới góc nhìn của ông là…?

+ Hay vì nhiều lẽ. Thứ nhất, đây là một di sản văn hóa chung cho tất cả các dân tộc trên đất nước này. Không một lễ hội, không một tôn giáo nào có thể sánh ngang được. Hai là, Tết dành cho tất cả mọi người. Từ những người trong trại giam – những người tạm thời mất quyền công dân - thì họ vẫn có Tết của mình.

Cho đến những người bệnh tật, đau khổ…, dù như thế nào họ cũng sẽ có Tết của mình chứ. Thứ ba, Tết dành cho 54 dân tộc trên đất nước này. Và đây là kết quả của ngàn năm văn hiến, không phải tự nhiên mà có. Có thể, lúc đầu nó chỉ diễn ra trong một phạm vi tộc người, ít thôi, nhưng hiện nay, 54 dân tộc đều chung cái Tết.

 Chưa kể, Tết là dịp để mọi người sum vầy, để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, cha mẹ, những người đã khuất. Đó cũng là thời điểm, người ta xem một năm qua, họ sống và làm việc như thế nào.

Trong đêm Giao thừa, họ kỳ vọng gì. Nhân văn lắm. Giá trị văn hóa của nó lớn hơn mọi lễ hội, lớn hơn tất cả những gì mà chúng ta thừa nhận là văn hóa phi vật thể. Như vậy, bỏ đi sao được?

- Ông đánh giá Tết có một vai trò như thế nào trong dòng chảy văn hóa dân tộc?

+ Đó là một loại lễ hội sâu sắc nhất mà không một lễ hội nào sánh được.

- Ngoài lí do kinh tế, theo chia sẻ của nhiều người, Tết càng ngày càng “nhạt”. Họ đặt ra câu hỏi, việc duy trì một lễ hội như thế có cần thiết không, thưa ông?

+ Sao lại “nhạt” được nhỉ? Tôi thấy Tết ngày càng “đậm” đấy chứ. Tôi thử lấy ví dụ thế này. Ngày xưa, ở thế hệ của tôi, Tết gắn với tiếng khóc của bà mẹ có con ra trận, không biết con sống hay chết.

Tết không có gì mà ăn cả, gói cả sắn lẫn gạo nấu lên thay bánh chưng. Một bộ quần áo mới cũng không có mà mặc. Bây giờ, Tết sung túc gấp ngàn lần, sao nói nhạt được? Nếu các bạn trải qua một thời kỳ lịch sử khó khăn, vất vả, bạn sẽ hiểu được giá trị của sự sung túc mà tôi nói là gì?

Còn “nhạt” là do người ta nghĩ, chứ không phải bản chất cuộc sống thế. Do tình cảm họ nhạt thôi. Ngày xưa, trong ngày Tết, người ta đi lính từ chiến trường này tới chiến trường khác, không về quê được.

Bây giờ, dù đi làm ăn xa, người ta cũng thu xếp cuối năm để về đoàn tụ cùng gia đình. Hoặc nếu không có điều kiện để về, người ta cũng có thể gọi điện thoại, chúc mừng. Sao lại nhạt nhỉ? Chỉ những người sống nhạt mới nghĩ Tết nhạt.

Đó còn chưa kể tới việc, Tết là dịp để người Việt thể hiện tinh thần ”lá lành đùm lá rách”. Những chương trình từ thiện cuối năm đến với những bản làng xa xôi, nghèo khó. Những chuyến đi vào bệnh viện chia sẻ với người bệnh. Thế mà nhạt ư? Tất cả những điều đó là vô nghĩa ư? Nếu bỏ đi rồi, biết có kiến tạo nổi không?

Tôi cho rằng, chúng ta không nên biến tài sản của nghìn năm văn hóa thành một thứ thí nghiệm được. Nhất là giữa thời buổi thế giới phẳng này, hòa nhập nhưng đừng hòa tan. Khi ứng xử với một lễ hội đặc biệt như Tết, bỏ hay giữ, phải suy nghĩ cẩn thận. Không thể nói bỏ là bỏ được.

- Xin cảm ơn ông. Chúc ông dồi dào sức khỏe trong năm mới!

 “Có lẽ là vì từ bao nhiêu đời nay tổ tiên mình, rồi đến cha ông mình tin tưởng, rồi đến mình đây tin tưởng là đất đai cũng như sinh vật, ngưng hoạt động trong những ngày cuối năm, lại bắt đầu sống lại, với sự trở về sắp tới của khí ấm.

Từ quan niệm đó, người ta vui mừng trông đợi lúc cây cối và muôn vật trở lại cuộc sống bình thường và ao ước năm mới phải có một cái gì mới, một tiến bộ mới.

Người nông dân ao ước sản xuất nhiều, người thị thành ao ước khôn ngoan hơn, giàu có hơn, trưởng thành hơn. Bao nhiêu thù oán xếp lại, tình đoàn kết được đề cao, sự lo buồn lộn xộn quẳng đi một xó. Người ta thăm hỏi nhau, kiêng mắng chó chửi mèo, kiêng hốt rác, rồi trồng nêu, vạch vôi vẽ cung tên… Tất cả những tục lệ ấy, truy tầm ý nghĩa sâu xa của nó, chỉ là biểu hiện nguyện vọng của dân tộc muốn cho mọi sự trong năm mới phải hơn năm cũ…

…Em thì thấy mình có bận rộn mấy ngày này thì đến Tết nghỉ ngơi, mình mới càng thấy sự nghỉ ngơi thanh thản là quý báu. Anh bảo người ở xa nhà xa cửa đến Tết lôi thôi lếch thếch vợ con kéo về quê ăn Tết còn mệt mỏi và tốn kém đến đâu, sao mà họ vẫn cứ về quê ăn Tết?... Có ai bắt buộc họ đâu, nhưng họ cứ về, vì cách gì trong một năm, họ cũng phải trở về nhìn lại bàn thờ, ngôi mộ, cây cau, cúng ông bà, thăm họ hàng làng nước một lần, mà lần đó phải là ngày Tết. Về quê ăn Tết, đối với tất cả người Việt Nam tức là trở về nguồn cội để cảm thông với ông bà tổ tiên, với anh em họ hàng, với đồng bào thôn xóm; về quê ăn Tết tức là để tỏ cái tinh thần lạc quan ra chung quanh mình, tỏ tình thương yêu cởi mở và biểu dương những tinh thần, những kỷ niệm thắm thiết vì lâu ngày mà quên mất”.

(Trích trong “Thương nhớ mười hai” của nhà văn Vũ Bằng)


Đậu Dung
.
.
.